Độ quý của một viên kim cương được xác định một phần là nhờ chất lượng chế tác.
Độ sáng và mức độ phản chiếu của viên kim cương có liên hệ với độ tinh khiết của loại đá quý này, nhưng cũng lệ thuộc vào sự tinh tế của kỹ thuật chế tác thể hiện qua chất lượng chế tác.
Ánh sáng chiếu vào kim cương qua phần đỉnh viên đá và tự phản chiếu bên trong viên đá. Rất nhiều mặt cắt nhỏ sẽ tạo ra hiệu ứng "tuyệt hảo", nơi ánh sáng khiêu vũ trong viên đá quý và sáng chói nếu kim cương được chế tác với kỹ thuật tốt.
"[Một viên kim cương tròn được chế tác hoàn hảo] tạo ra ánh sáng đối xứng tuyệt đẹp ở bề mặt sáng và bề mặt tối trên khắp bề mặt viên đá quý," John King từ Học viên Đá quý Hoa Kỳ nói, và đưa một viên kim cương lên ánh đèn để tạo hiệu ứng.
Một viên kim cương cắt dạng "giác tầng chữ nhật" có bề mặt phẳng dài tạo ra hiệu ứng thanh nhã. Với ít bề mặt phản chiếu hơn, ánh sáng có vẻ như di chuyển chậm rãi hơn bên trong viên đá quý, và hiệu ứng tạo ra thường ít phô trương hơn.
"Một chuyên gia thẩm định kim cương có thể đánh giá chất lượng của viên đá bằng cách đưa viên kim cương đặt dưới ánh sáng và quan sát xem ánh sáng phản chiếu từ viên đá xuống mặt bàn," Danielle Buckby từ Graff, nhà kim hoàn ở London, nhận định.
"Nếu viên kim cương được chế tác tốt, nó sẽ sáng và không mờ đục. Nếu rìa nối giữa các vết cắt bị dày thì nó sẽ tạo ra vòng tròn tối. Những thứ tinh tế như vậy có thể tạo ra sự khác biệt."
"Mắt người nhanh chóng phân biệt được độ sâu, kết cấu, hình dạng… mà thiết bị đo đạc cần nhiều thời gian hơn mới có thể học và biết được" - John King
"Tất cả mọi thứ, từ việc đánh giá màu sắc của các viên đá màu, đều được thực hiện bằng mắt thường," Buckby nói. "Đánh giá màu sắc phải do con người thực hiện, nhưng tùy thuộc vào từng loại đá mà bạn biết mình cần xem xét điều gì. Chẳng hạn như hồng ngọc, có giá trị vì màu đỏ đậm. Hồng ngọc màu máu chim bồ câu được coi là loại mà người ta có nhu cầu tìm nhiều nhất. Nhưng vì hồng ngọc ngày càng hiếm hoi cho nên rất nhiều loại đá quý có sắc hồng trên thị trường trở nên kém được ưa chuộng hơn."
Hồng ngọc và sapphire là các loại đá khác nhau có chứa khoáng chất chromium và dấu tích của chrome chính là nhân tố khiến hồng ngọc có màu đỏ. Tất cả các loại đá quý từ khoáng chất corundum có màu sắc khác đều được gọi tên là sapphire. Theo truyền thống, những loại đá này gồm có những viên ngọc có màu hồng, nhưng ranh giới phân biệt giữa ngọc sapphire màu hồng và hồng ngọc màu rất sáng ngày càng nhạt nhòa.
Có rất nhiều biến thể giữa các loại đá quý, Buckby nói, và điều này có thể hoàn toàn chủ quan. Cơ quan quản lý đưa ra hướng dẫn, nhưng mỗi viên ngọc đều khác nhau. Cuối cùng, người phân loại ngọc là người đưa ra phán quyết.
"Tôi vẫn còn nhớ một viên kim cương xanh tôi từng thấy từ rất sớm khi mới bắt đầu sự nghiệp mà tôi nghĩ đó là một trong những khoảnh khắc thay đổi tôi mãi mãi," King nói. "Viên đá có màu sắc đầy đặn mà tôi chưa từng thấy bao giờ ở viên đá quý nào trước đó. Nó luôn ở đó trong tôi. Năm năm trước tôi gặp lại viên đá quý đó một lần nữa và cảm xúc vẫn y nguyên."
King có bằng thạc sĩ về mỹ thuật nhưng ông bị thu hút vào làm việc trong ngành đá quý sau khi gửi thư phản hồi cho một quảng cáo trên tờ New York Times. Những kiến thức King học được trong ngành mỹ thuật là sự chuẩn bị hoàn hảo giúp ông thẩm định đá quý, ông cho biết, vì ngành học dạy ông cách nhìn sâu vào hơn và tìm kiếm sự độc đáo trong từng viên đá.
Cả King và Buckby đều đánh giá thị lực của bản thân là "bình thường", và nhấn mạnh rằng họ không nghĩ họ có ưu thế đặc biệt nào về gene hơn so với những người không bị mù màu bình thường. Chuyên môn của họ nằm ở việc họ diễn giải những gì họ thấy, và điều này có được qua nhiều năm tháng thực hành công việc.
Chuyên ngành đào tạo mà ông King có được trong ngành mỹ thuật có thể thậm chí là một ưu thế khi ông già đi và thị lực kém dần, ông nói. "Chúng ta thấy quá nhiều trong ngành mỹ thuật, những họa sĩ thực hiện những tuyệt tác vào tuổi 80 và tôi nghĩ đó là vì dù thị lực của họ thay đổi, họ đã học và ứng dụng tri thức theo nhiều cách khác nhau."
Tạp chất là khoáng chất bên trong viên ngọc, ảnh hưởng đến độ sáng và độ tinh khiết. Phần lớn, những khoáng chất đó chỉ có thể dùng mắt thường phát hiện ra. Trong một số trường hợp, người chế tác sẽ cố gắng ẩn những tạp chất đó đi bằng cách dùng kỹ năng và sở trường để thao túng các bề mặt phản chiếu quanh chúng.
"Tạp chất cũng có thể loại bỏ bằng tia laser," Buckby nói. "Cái lỗ do tia laser để lại quá nhỏ đến mức mắt thường không thể nhìn thấy được."
Với một số loại đá quý, tạp chất là thứ không thể tránh khỏi. Ngọc lục bảo luôn có tạp chất vì loại đá này không quá cứng, kết quả là tạp chất ít có tác động lên giá trị của chúng hơn so với kim cương.
Theo BBC