Cặp mắt tạo sự thương mến của chó nhà. (Hình: AP Photo/Alex Sanz, File)
NEW YORK, New York (AP) – Vì sao chó cưng của bạn khi vòi vĩnh điều gì đó, thường có “cặp mắt buồn?” Câu hỏi này từ bao lâu nay đã được rất nhiều chủ chó đặt ra, và kết quả một cuộc nghiên cứu mới đưa ra hôm Thứ Hai, 17 Tháng Sáu, có thể giúp trả lời điều đó.
Cuộc nghiên cứu này cho rằng sau nhiều ngàn năm qua tiến trình thuần hóa loài chó, người ta có khuynh hướng thích những con chó có khả năng tạo ra cái nhìn buồn bã, khiến gây sự thương hại. Và điều đó cũng giúp góp phần vào việc phát triển các bắp thịt ở mặt con chó, tạo ra nét “buồn” này.
Chó dùng bắp thịt mặt để nhếch lông mày của chúng lên, tạo cách diễn tả như của một đứa bé. Bắp thịt đó, hầu như không thấy ở tổ tiên chúng, là loài chó sói.
“Thường thì người ta không nhìn thấy sự khác biệt về bắp thịt như vậy giữa các giống thú vật có liên hệ gần gũi với nhau,” theo lời Giáo Sư Anne Burrows tại đại học Duquesne University ở thành phố Pittsburgh, tiểu bang Pennsylvania, một tác giả của cuộc nghiên cứu công bố hôm Thứ Hai, trên tạp chí khoa học Proceedings of National Academy of Sciences.
Chó nhà khác với chó sói ở nhiều điểm, như mõm ngắn hơn, thân người nhỏ hơn và khuôn mặt có nhiều cách diễn tả hơn. Và cũng không giống như chó sói, chó nhà thường sử dụng cặp mắt của chúng để nhìn con người, để biết khi nào có người đang nói với chúng hoặc khi chúng có vấn đề gì đó mà không biết giải quyết ra sao, thí dụ như nhảy qua rào, hay ra khỏi cửa.
Đôi mắt dễ tạo sự thương mến của chó nhà. (Hình: AP Photo/Seth Wenig, File)
Giáo Sư Burrows và các đồng nghiệp xem xét bắp thịt mắt trên xác của sáu con chó nhà và hai con chó sói. Họ thấy rằng chó nhà có bắp thịt mắt đầy đặn để nhếch lông mày của chúng lên và tạo nét diễn tả khiến chủ phải thương. Nhưng trong con chó sói, cũng bắp thịt này thường rất mỏng hoặc không có.
Các khoa học gia cũng thu hình 27 con chó nhà và chín con chó sói, khi chúng nhìn vào một con người.
Chó nhà thường xuyên có những diễn tả mạnh mẽ bằng mắt để con người nghĩ chúng đang buồn rầu, xin xỏ điều gì đó. Trong khi đó, các con chó sói rất ít khi nào tạo những khuôn mặt này, và cũng không có những nét rõ ràng như chó nhà.
Các nhà nghiên cứu cho rằng chó nhà sau thời gian thuần hóa “tương đối ngắn” là 33,000 năm, đã biết dùng bắp thịt mắt của chúng để tạo sự chú ý của con người, để khiến họ cho ăn hoặc chăm sóc cho chúng, hay ít nhất là cũng để dắt chúng đi dạo chơi. Và con người cũng “thua” các con chó thông minh này.
Cặp mắt chó sói. (Hình: AP Photo/Gerry Broome)
Các chuyên gia về chó nói rằng kết quả nghiên cứu này rất hữu ích.
Giáo Sư Brian Hare thuộc đại học Duke University nói rằng các bắp thịt kia nhiều phần đã hình thành, phát triển vì cho con chó lợi thế khi tiếp xúc với con người, và con người không biết điều đó.
Giáo Sư Evan MacLean ở đại học University of Arizona, gọi kết quả này là điều rất đáng chú ý, nhưng cũng cho rằng cần phải xét xem sự khác biệt về bắp thịt mắt có là nguyên nhân gián tiếp của sự thay đổi khác hay không, ngoài việc tiếp xúc với con người.
Giáo Sư Burrows nói trong thời gian tới sẽ có thêm các cuộc nghiên cứu, với nhiều giống chó khác hơn để xác nhận kết quả đã có.
Theo báo Người Việt