Ảnh chỉ mang tính minh họa
Ý kiến nói đối tượng dễ bị xã hội lên án là "người giàu và coi thường các chuẩn mực xã hội, có quan hệ với nhóm chức quyền".
Cuối cùng thì bà Nguyễn Thị Nga người lái ô tô gây tai nạn hàng loạt ở Hàng Xanh đã bị tòa án tuyên phạt 3 năm sáu tháng tù, khép lại làn sóng căm ghét trên mạng xã hội và báo chí từ lúc tai nạn xảy ra đến nay.
Tường thuật vụ tai nạn, cả báo chính thống và mạng xã hội đều trích dẫn câu nói "chị lo được" của bà Nguyễn Thị Nga và đã vô tình hoặc cố ý lôi bà Nguyễn Thị Nga vào đúng "công thức căm ghét" của người Việt, một khái niệm mà chúng tôi tạm gọi về tâm thế của người Việt khi tiếp nhận thông tin.
"Công thức căm ghét" có thể tóm gọn: "Người giàu và coi thường các chuẩn mực xã hội, có quan hệ với nhóm chức quyền".
Làn sóng căm ghét đối với bà Nguyễn Thị Nga càng dâng cao khi báo chí và mạng xã hội khai thác thêm các chi tiết bà Nguyễn Thị Nga là chủ nhà hàng, có chồng nước ngoài, lái xe sau một chầu nhậu…
Thậm chì khi được tại ngoại để khắc phục hậu quá, đền bù cho người bị hại và chăm sóc sức khỏe cho chồng con bà Nguyễn Thị Nga nhanh chóng bị bắt tạm giam do sức ép của mạng xã hội cho rằng chính quyền bao che người có nhiều tiền, quan hệ rộng.
"Công thức căm ghét" vẫn còn đó, nó sẵn sàng giáng xuống bất kỳ ai mà trùng hay trật là do hên xui chứ không phải do hành vi và nhân thânnhà báo H.Linh
Theo dõi sát sao vụ án, chúng tôi đồng tình với bản án, nó tương đối thấu tình đạt lý.
Tuy nhiên vụ việc này phản ánh cùng lúc nhiều vấn đề xã hội và nhiều số phận đắm chìm trong đó. Men rượu, thiếu kỹ năng điều khiển xe (không bằng lái), bà Nguyễn Thị Nga đã tước đoạt sinh mạng và gây thương tật cho một số người, làm thay đổi theo hướng xấu đi gia đình của những người này theo một cách không mong muốn.
Chuyện phụ nữ phải đi hầu rượu vì sinh kế, quan hệ ngoại giao ở Việt Nam không hiếm, ban đầu nó bị lên án nhưng dần dà như là sự mặc định, phụ nữ bước ra đường làm ăn là phải biết uống chút bia rượu và phải thi thoảng hoặc thường xuyên đi hầu rượu tùy theo tính chất công việc. Ở góc độ như trên bà Nguyễn Thị Nga vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của lề thói này.
Trong sự tiều tụy, xanh xao và những giọt nước mắt, bị cáo Nguyễn Thị Nga, người lái xe BMW tông hàng loạt xe máy ở ngã tư Hàng Xanh đã thành thật khai nhận và gửi lời xin lỗi đến gia đình các nạn nhân tại phiên xét xử sơ thẩm vào sáng 17/6/2019.
Trong lời nói sau cùng, bà Nga đã xin lỗi gia đình nạn nhân và khuyên phụ nữ mang giày cao gót không nên lái xe đồng thời đã lái xe không được uống rượu bia.
Công chúng ghét bà Nguyễn Thị Nga vì bà giàu có, quan hệ rộng, có thể một tay che trời nhưng sự thật không phải vậy, chồng bà là người nước ngoài nhưng không giàu, già yếu, không tự chăm sóc được mình, con bà Nga bị tự kỷ, cả hai đều phụ thuộc vào sự chăm sóc của bà Nguyễn Thị Nga, một gánh nặng thật sự trong khi công việc kinh doanh nhà hàng không được tốt lắm, một nhà hàng nhỏ, không danh tiếng.
Còn câu nói "chị lo được" trở thành slogan của sự căm ghét, bà Nga, nay đã là bị cáo Nguyễn Thị Nga trình bày trước tòa "bị cáo là nông dân, không quen biết ai ở Sài Gòn. Ý bị cáo nói câu đó chỉ là để mọi người hiểu là bị cáo sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật và trách nhiệm trước nạn nhân. Bị cáo không bao giờ nghĩ sẽ dùng tiền để giải quyết mọi việc."
"Khi vụ án xảy ra, nhiều người cho rằng bị cáo là người có tiền, sẽ lo được tất cả. Tuy nhiên thực sự không phải vậy. Trước khi vụ tai nạn xảy ra, bị cáo đã vay ngân hàng hơn 13 tỉ đồng, sau đó còn vay thêm để bồi thường cho gia đình bị hại. Các ngân hàng rất lo vì nếu bị cáo đi tù thì sẽ không ai trả nợ"
Chút an ủi cho con đường tù tội sắp tới của bà Nguyễn Thị Nga là trước khi phiên tòa diễn ra, gia đình nạn nhân đã có đơn bãi nại cho bị cáo. Trong đơn, gia đình đã xin cho bà Nga không phải đi tù để có điều kiện ở ngoài kiếm tiền, khắc phục hậu quả..
Một nạn nhân bị liệt ngay sau khi tai nạn xảy ra đã được bà Nguyễn Thị Nga thỏa thuận bồi thường 700 triệu đồng nhưng thật kỳ diệu trong một đêm không hẹn với số phận cũng như khi tai nạn xảy ra, nạn nhân quên mình đã bị liệt và đứng lên đi vệ sinh và sau đó đi lại được.
Cách ứng xử của gia đình cũng thật tuyệt, họ từ chối nhận bồi thường vì cho rằng thượng đế đã tặng cho gia đình món quà lớn nhất rồi, đó là sự hồi sinh.
Vụ án đã khép lại nhưng "công thức căm ghét" vẫn còn đó, nó sẵn sàng giáng xuống bất kỳ ai mà trùng hay trật là do hên xui chứ không phải do hành vi và nhân thân.
Người Việt đã bị thương tổn kéo dài về đủ thứ chuyện, họ hoang mang, mất niềm tin, nhìn tất cả bằng cặp mắt nghi ngờ và "công thức căm ghét" có thể gây thương tổn cho bất kỳ ai chính là vết thương tâm lý mà còn rất lâu nữa mới lành sẹo.
H.Linh gửi cho BBC từ TP.Hồ Chí Minh