Mới đây, một trường đại học danh tiếng ở Mỹ đã rút lại quyết định thu nhận một tân sinh viên, sau khi đã gửi giấy báo cho người này, vì biết được ứng viên đã có hành vi không tốt trong quá khứ.
Báo chí ở Mỹ trong vài ngày trở lại đây đã loan tin đại học Harvard College hủy quyết định thu nhận Kyle Kashuv, một học sinh lớp 12 tại trường trung học Parkland, ở Florida, nơi xảy ra vụ nổ súng trong trường hồi Tháng Hai năm 2018, làm 17 người thiệt mạng.
Theo Education Week, lý do có quyết định này là vì Đại Học Harvard khám phá ra rằng anh Kashuv đã từng dùng các ngôn từ bị coi là kỳ thị chủng tộc trên mạng hai năm trước đó.
Đây không phải là lần đầu Harvard có quyết định hủy việc thu nhận sinh viên. Vào năm 2017, có 10 học sinh bị trường này rút lại quyết định thu nhận vì đã dùng những lời lẽ và hình ảnh xúc phạm trên trang Facebook riêng của họ.
Việc hủy quyết định nhận vào học này không được dư luận chú ý tới nhiều, một phần cũng vì không ai muốn làm lớn chuyện.
Các chuyên gia giáo dục nói rằng số vụ bị hủy này không quá thường xuyên, nhưng cũng không ai rõ mức độ là thế nào vì không có đủ dữ kiện.
Tổ chức National Association for College Administration Counceling (NACAC) chấm dứt việc thăm dò các thành viên của họ về vấn đề này từ năm 2009. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, có 22% trường đại học báo cáo là họ từng rút lại quyết định thu nhận sinh viên năm đó.
Các lý do chính cho việc thu hồi quyết định là vì điểm học bạ của người học sinh quá tệ trong năm học cuối hay vì vấn đề hạnh kiểm. Có khoảng 3 trong 10 trường hợp là vì đưa ra các tin tức giả tạo trong hồ sơ xin nhập học.
Nay, với việc các học sinh thường xuyên sử dụng các trang mạng xã hội, những gì các ứng viên từng đưa ra trên các trang này cũng có thể là lý do để bị hủy quyết định nhận vào trường.
Các bản post trên Twitter, Facebook, Instagram hay Snapchat hoặc Kik, có thể cho các đại học chứng cớ về các cách hành xử bị coi là không phù hợp với các tiêu chuẩn của trường.
“Nhiều học sinh không nghĩ rằng những gì họ viết ra trên các trang mạng sẽ dễ dàng được những người khác biết tới,” theo lời bà Stefanie Niles, giám đốc NACAC.
Nhưng các trường đại học có thường xuyên lên mạng để xem xét nguồn tin tức này về ứng viên hay không?
Các chuyên gia về tuyển mộ sinh viên cho hay rằng “có,” nhưng tùy thuộc vào trường.
Phần lớn các trường đại học không có thời giờ hay nhân sự để làm công việc này. Tuy nhiên cũng có một số xem xét các trang mạng xã hội của ứng viên. Họ cũng có thể có quyết định dựa trên những tố giác mà họ nhận được. Như trong trường hợp của Kyle Kashuv.
Trong một cuộc thăm dò do cơ quan Kaplan Test Prep thực hiện hồi năm ngoái, có tới 29% các giới chức trách nhiệm việc tuyển chọn sinh viên nói rằng họ xem xét các trang mạng xã hội khi xét hồ sơ của những người này. Trong khi đó, có 68% coi việc xem xét trang mạng xã hội là điều đúng.
Các chuyên gia tư vấn vào đại học khuyên rằng các học sinh và gia đình họ nên hiểu vấn đề này càng sớm càng tốt.
Bà Stefanie Niles nói rằng các học sinh cần phải hiểu rằng những gì họ nói, hay gõ trên bàn phím, đều có thể có hậu quả không tốt.
Ông Brandon Townsend, giám đốc đặc trách tư vấn đại học tại trường Appoquinimink High School ở thành phố Middletown, tiểu bang Delaware, nói rằng ông khuyến khích các bậc cha mẹ theo dõi hoạt động trên mạng của con cái mình. Nếu không làm được điều này thì cũng ít nhất thảo luận về các rủi ro có thể có khi post trên mạng với con họ.
Cũng theo ông Townsend thì khi bàn đến vấn đề này, hãy cho con cái họ thấy rằng đây là vấn đề thật, đang xảy ra chung quanh, lúc này.
“Giới trẻ cần phải thấy rằng điều này đang xảy ra cho những người cùng lứa tuổi với họ, và cũng có thể xảy đến với họ nữa,” cũng theo ông Townsend.
Lê Tâm