Mừng Canada Day năm thứ 152!Quốc Khánh Canada năm nay 2019 nhằm ngày Thứ Hai, vậy là toàn thể hơn 37 triệu Ca-na-nhân vui hưởng được một cuối tuần dài thoải mái giống như năm ngoái. Nhưng có lẽ điều đáng mừng nhất là được hãnh diện trở thành công dân Canada đúng ngày Quốc Khánh 1 tháng 7, một dịp cử hành lễ vào quốc tịch rất đặc biệt và nhiều ý nghĩa.
Do trí nhớ hao mòn, kẻ viết bài không tài nào nhớ nổi là 40 năm trước, mình đã được hỏi 20 câu hỏi gì trong cuộc thi quốc tịch, những câu hỏi chung chung tổng quát về quyền lợi và bổn phận, lịch sử, địa lý, kinh tế, chính quyền, biểu tượng của quốc gia v.v. Nghĩ dại, nếu bây giờ thi lại thì biết đâu mình sẽ rớt vì tuy đã hơn 40 năm nếm mùi mùa đông, dường như sự hiểu biết về quê hương thứ hai của tôi cũng chẳng bao nhiêu tại vì trí nhớ tôi đã kém sẵn rồi mà tôi lại gia huyền già nữa.
Bạn và tôi thừa biết khí hậu Canada lạnh nhưng vẫn “xin chọn nơi này làm quê hương” vì đây là “xứ lạnh tình nồng” như nhà văn Trà Lũ hay gọi. Xứ lạnh là không gian bao la với cảnh trí đa dạng của núi non hùng vĩ, của sông hồ vô tận, của tài nguyên thiên nhiên phong phú, của những vùng hoang sơ chưa khai phá và của những đô thị tiên tiến. Tình nồng là sự sẵn sàng dang tay đón nhận hàng nhiều làn sóng di dân tị nạn từ khắp nơi trên thế giới đến đây cùng góp bàn tay xây dựng và phát triển một đất nước hiền hòa thịnh vượng; là sự tôn trọng nhân quyền, tôn trọng sự khác biệt văn hóa, chủng tộc, tôn giáo, phái tính trong một xã hội trật tự yên bình.
Mỗi năm vào ngày 1 tháng 7, hơn 37 triệu người Canada cùng chào mừng sự ra đời của một đất nước tuy non trẻ nhưng trưởng thành nhanh chóng để trở nên một trong những quốc gia tốt đẹp lý tưởng nhất. Để kỷ niệm Ngày Quốc Khánh Canada thứ 152, mời bạn cùng tôi xem qua một số dữ kiện về Canada, có thể bạn chưa biết và may ra thấy thú vị. Nhiều dữ kiện khác về lịch sử Canada đã được đề cập qua bài viết “Canada 150 và ý nghĩa lịch sử” trên Thời Báo hai năm trước.
Người bản địa Canada là ai? Có giả thuyết cho rằng những người đầu tiên đến Canada được cho là đi từ châu Á băng qua eo biển Bering 12 thiên niên kỷ trước. Ngày nay, những thổ dân bản địa này được gọi chung là “Indigenous Canadians” hoặc “Aboriginal Canadians” gồm có người da đỏ (First Nations people), người ét-ki-mô Canada (Inuit) và người lai, hầu hết là với cha người Âu và mẹ người da đỏ (Métis people). Tên nước Canada là do từ thổ ngữ Huron-Iroquois nghĩa là làng. Tương tự, nhiều địa danh khác có nguồn gốc thổ ngữ gồm có Ontario (hồ lớn), Ottawa (sông lớn), Toronto (nơi cây mọc dưới nước), Oshawa (nơi hai đường chéo), Niagara (mõm đất chẻ đôi), Mississauga (người ở cửa sông lớn, tức cư dân da đỏ từng sống trong vùng ven cửa sông Credit River), Winnipeg (nước bùn) v.v.
Theo điều tra dân số năm 2016, có tổng cộng 1.673.785 thổ dân ở Canada, tương đương 4.9% dân số quốc gia. Trong số này, 977.230 người da đỏ (First Nations), 587.545 người Métis và 65.025 người Inuit.Có hơn 600 cộng đồng người da đỏ First Nations được công nhận với các nền văn hóa, ngôn ngữ, nghệ thuật và âm nhạc đặc biệt. Ngày Dân tộc Bản địa Quốc gia (National Indigenous Peoples Day) diễn ra mỗi năm vào ngày 21 tháng 6, mười ngày trước lễ Canada Day, với mục đích là để ghi nhận các nền văn hóa và đóng góp của các thổ dân vào lịch sử Canada. Nhiều nhân vật người Da Đỏ, Inuit và Métis thuộc mọi nền tảng đã trở thành những thành tố quan trọng đóng vai trò hình mẫu trong cộng đồng thổ dân và giúp định hình bản sắc văn hóa Canada.
Người Viking từ Bắc Âu cũng từng đến thám hiểm Canada? Rất lâu trước Christopher Columbus, rất lâu trước Jacques Cartier, những người da trắng châu Âu đầu tiên đến thăm dò Canada và Bắc Mỹ là những nhà thám hiểm Viking. Họ đã đến Newfoundland khoảng năm 1000; có thể họ cũng đến đảo Labrador và Baffin.Họ đã thành lập một khu định cư và ở đó trong một khoảng thời gian ngắn tại L’Anse aux Meadows thuộc Newfoundland.Hiện nay nơi đó được công nhận là Di sản Thế giới.Một địa điểm nữa ở Canada có mang vết tích của người Viking đã được phát hiện tại Point Rosee ở phía đông nam Newfoundland vào năm 2016.
Mặc dù người châu Âu quay trở lại khám phá Canada hàng thế kỷ sau khi người Viking (John Cabot người Anh năm 1497 và Jacques Cartier người Pháp năm 1534), việc định cư vĩnh viễn chỉ thành công vào đầu những năm 1600. Port-Royal, ở Nova Scotia, là nơi định cư đầu tiên vào năm 1605, sau khi một nỗ lực trước đó tại đảo St. Croix (nay thuộc tiểu bang Maine của Hoa Kỳ) thất bại. Ba năm sau, nhà thám hiểm người Pháp Samuel de Champlain thành lập một pháo đài tại Thành phố Quebec, nơi phát triển để trở thành thủ đô của New France.
Người Da Đỏ cũng có Lễ Tạ Ơn?Đúng vậy. Người Da Đỏ đã biết tổ chức lễ hội mùa thu từ lâu trước khi các nhà thám hiểm châu Âu đặt chân đến Canada.
Lễ Tạ Ơn của Canada có khác với của Hoa Kỳ không?Có.Lễ Tạ Ơn ở Canada có lịch sử riêng. Lễ Tạ Ơn của Hoa Kỳ lần đầu tiên xảy ra năm 1621tại Plymouth, Massachusetts bởi những người hành hương (pilgrims) để cảm ơn trời về sự kết thúc của một đợt hạn hán và hoa mầu được mùa nhờ có sự giúp đỡ của những người thổ dân Da Đỏ Wampanoag đã chỉ dẫn cách trồng trọt, săn bắn và câu cá cho họ.
Bốn mươi ba năm trước đó, người châu Âu đầu tiên tổ chức lễ tạ ơn ở Canada được cho là nhà thám hiểm người Anh Martin Frobisher vào năm 1578. Sau đó, vào ngày 14 tháng 11 năm 1606, cư dân của New France dưới thời Samuel de Champlain đã tổ chức những bữa tiệc tạ ơn lớn giữa thổ dân địa phương Mi’kmaq và người Pháp. Mặc dù những người định cư lúc đó chưa biết cranberries (dâu chim hạc/nam việt quất) là loại quả gì, nhưng nhờ ăn dâu chim hạc giàu vitamin C mà họ tránh được bệnh scurvy. Người Mi’kmaq đã giới thiệu quả nam việt quất với người Pháp mà họ gọi là “les petites pommes rouges”, những quả táo đỏ nhỏ nhắn.
Các bữa tiệc Lễ Tạ Ơn của Champlain và đoàn tùy tùng không chỉ là chuyện thường niên. Để ngăn chặn dịch bệnh scurvy đã tàn phá khu định cư tại Île Sainte-Croix trong mùa đông, Champlain để nghị thành lập hội vui chơi gọi làL’Ordre de Bon Temps (Order of Good Cheer);theo đó, cứ mỗi vài tuần, mọi người trong hội cùng nấu nướng rồi dự chung một bữa ăn linh đình như lễ hội, mục đích là vừa ăn uống phủ phê (nhiều thực phẩm) vừa giải trí để chống lại bệnh scurvy do thiếu sinh tố mà những người đi biển lâu ngày thường mắc phải.
Ngày nay, Lễ Tạ Ơn của Canada được tổ chức mỗi năm vào ngày Thứ Hai của tuần lễ thứ nhì của Tháng 10 khi Quốc hội Canada tuyên bố như vậy vào ngày 31 tháng 1 năm 1957. Trước đó, Lễ Tạ ơn ở Canada đã được tổ chức một cách rời rạc, thường trùng với các sự kiện lớn khác và ngày kỷ niệm.
Tại sao Jacques Cartier quan trọng đối với Canada? Người có côngvới Canada và để lại ấn tượng mạnh nhất phải nói là Jacques Cartier (1491-1557), một nhà hàng hải người Pháp, là người đầu tiên thám hiểm và vẽ bản đồ sông Saint-Laurent (Saint Lawrence theo tiếng Anh) thuộc vùng lãnh thổ mà ông đặt tên là Canada. Năm 1534, Jacques Cartier vượt Đại Tây Dương sang Bắc Mỹ, khám phá một phần của Newfoundland và các tỉnh bang nằm trên bờ biển này thuộc Canada và cửa sông Saint-Laurent. Bắt đầu từ đó, dần dần về sau người ta đã tìm được thủy lộ dài nhất thế giới qua Ngũ Đại Hồ để đến tận trung tâm của Bắc Mỹ. Jacques Cartier là người cống hiến lớn lao trong việc tìm ra Canada; người kế đến là Samuel de Champlain (1567-1635).
Tân Pháp là gì? Tân Pháp (Nouvelle-France/New France) là vùng thuộc địa của thực dân Pháp ở Bắc Mỹ kéo dài trong một giai đoạn từ khi Jacques Cartier phát hiện ra sông Saint Lawrence năm 1534 cho đến năm 1763 khi nước Pháp phải nhượng vùng thuộc địa rộng lớn này lại cho Đế quốc Anh và Tây Ban Nha. Trong thời điểm đỉnh cao vào năm 1712 (trước Hiệp ước Utrecht), lãnh thổ của Nouvelle-France (còn gọi là French North American Empire hoặc Royal New France) trải dài từ Newfoundland tới dãy núi Rocky, từ Vịnh Hudson tới Vịnh Mexico. Vùng lãnh thổ này được chia làm năm thuộc địa, mỗi thuộc địa có một chính quyền riêng, bao gồm: Canada, Acadia, Vịnh Hudson, Newfoundland và Louisiana. Ngày nay Pháp chỉ còn có chủ quyền các đảo Saint Pierre và Miquelon.
Các đảo Saint Pierre và Miquelon ở đâu? Các đảo nhỏ này chỉ bằng diện tích của Honolulu, với 6 ngàn cư dân quốc tịch Pháp nói tiếng Tây, nằm cách thị trấn Fortune của tỉnh bang Newfoundland/Labrador 40 km. Như vậy, nếu bạn muốn đi du lịch Pháp (một phần của Pháp thì đúng hơn), bạn có thể đáp một chuyến phà sáng đi chiều về. Hiện tại phà chỉ chở hành khách và đang dự tính sẽ dùng phà lớn hơn có thể chở 200 hành khách và 15 xe. Bạn nhớ phải mang theo thẻ thông hành và nên học một mớ tiếng Pháp nhá.
Quebec cũng có quốc khánh?Đúng. La Fête Nationale Du Québec diễn ra vào ngày 24 tháng 6 hằng năm là một ngày lễ lớn bắt đầu kể từ năm 1925, rất quan trọng đối với người Canada gốc Pháp. Tên gọi khác của ngày này là Saint-Jean-Baptiste Day.Từ thời xa xưa, người ta đã tôn vinh phong tục ngoại giáo của ngày hạ chí (summer solstice), đốt lửa vào ngày dài nhất trong năm.Ở Pháp, ngày hạ chí được liên kết với Thánh Jean, người anh em họ của Chúa Jesus và đã nhận ra và rửa tội cho Chúa. Ngày hạ chí và Thánh Jean người rửa tội, Saint-Jean-Baptiste (tiếng Pháp) hay Saint John the Baptist (tiếng Anh) đều gắn liền với sự xuất hiện của ánh sáng vào thế giới. Truyền thống thắp sáng ngọn lửa Saint-Jean để đánh dấu sự khởi đầu của mùa hè được truyền sang Canada (từng là một phần của New France, thuộc địa mênh mông của nước Pháp vào đầu năm 1646.
Tại sao Nữ Hoàng Victoria (1819 – 1901) được xem là “Mẹ của Liên Bang Canada” (Mother of Canadian Confederation)? Vì bà là người chuẩn thuận Đạo luật Bắc Mỹ của Anh (The British North America Act), tại London ngày 22 tháng 5 năm 1867. Nhưng ngày hiệu lực được ghi là ngày 1 tháng 7 năm 1867 để cho phái đoàn Canada do thủ tướng tương lai John A. Macdonald cầm đầu có đủ thời gian đáp tàu trở về Ottawa dự lễ kỷ niệm. Hầu như tất cả thành phố và thị trấn lớn nhỏ ở Canada đều có đường Victoria hoặc Queen chính là để vinh danh bà.
Dominion Day và Canada Day giống nhau? Đến 12 năm sau (năm 1879), ngày 1 tháng 7 mới được xem là ngày nghỉ theo luật định và gọi là Dominion Day. Ngày lễ này không được người Canada gốc Pháp chào đón cho lắm. Sự ăn mừng long trọng chỉ bắt đầu diễn ra trong dịp sinh nhật 50 vào năm 1917 và sinh nhật 60 vào năm 1927. Sau Đệ Nhị Thế chiến, Dominion Day được chính quyền tổ chức thường xuyên hơn và nhiều sự kiện lễ hội hơn. Từ sinh nhật bách niên năm 1967 trở đi, ngày lễ 1 tháng 7 trở nên phổ biến hơn. Năm 1982, sau khi thủ tướng Pierre Trudeau thành công trong việc mang hiến pháp Canada về nước, Đạo luật Bắc Mỹ của Anh được gọi bằng tên mới là Đạo luật Hiến pháp 1867 (Constitution Act 1867) với sự thêm vào bản tuyên ngôn nhân quyền và nhiều tu chính, ngày quốc khánh Dominion Day đổi thành Canada Day. Từ đó trở đi, toàn dân khắp nơi trên đất nước: dân gốc Anh, gốc Pháp, thổ dân bản địa và dân nhập cư đều tỏ ra hài lòng hơn; Canada Day 1 tháng 7 mỗi năm được tổ chức tưng bừng hơn.
Canada lạnh tới cỡ nào?Ngày lạnh kỷ lục ở Canada cũng là ngày lạnh nhất Bắc Mỹ, lạnh khủng khiếp.Vào ngày 3 tháng 2 năm 1947, tại ngôi làng nhỏ Snag thuộc Vùng Lãnh Thổ Yukon đã ghi nhận nhiệt độ -62,8 ° C. Thật là lạnh kinh hồn! Người ta kể nhau một câu chuyện đùa là nó lạnh đến nỗi chai rượu sâm banh đông cứng khiến cho các chuyên viên khí tượng không thể uống đểăn mừng kỷ lụcmới. Lúc đó, không khí cũng lạnh cứng muốn đông đặc khiến cho người ta thở ra nghe có tiếng rít, và hơi thởnán lại trong không khí một hồi lâu mới tan.Nếu người ta đứng im ngoài trời ba phút, da họ sẽbị đóng băng.
Ngay cả theo tiêu chuẩn của miền Bắc Canada, cái lạnh cực độ được ghi nhận ở Pelly Bay thuộc Vùng Lãnh Thổ Tây Bắc vào ngày 28 tháng 1 năm 1989, là một chuyện khác. Nhiệt độ cơ bản giảm xuống mức đáng kinh ngạc -51 độ C, nhưng cộng thêm với yếu tố lạnh do gió thổi (wind chill factor), nó có cảm giác giống như -91 độ C đối với bất kỳ ai không may ở bên ngoài.
Vậy Canada có khi nào nóng quá không?Có.ỞWindsor, Ontario, mặc dù là thành phố ẩm ướt nhất của Canada và giữ kỷ lục về giá trị độ ẩm cao nhất trong nhiều năm, nhưng vương miện đó đã được trao cho thị trấn nhỏ Carman thuộctỉnh bang Manitoba. Vào ngày 25 tháng 7 năm 2007, nhiệt độ ởđólên tới 34 độC, với sương điểm 30 độ C. Do đó, theo Từđiển Bách khoa toàn thư Canada, nó đã tạo ra một xếp hạng chỉ số độẩm (humidex) tạo cảm giác như là 53 độ C nóng thở không được. Nhưng nhiệt độ thực sự nóng nhất Canada là vào ngày 5 tháng 7 năm 1937 ởđỉnh điểm của Thời kỳ Kinh tế Suy thoái. Hai cộng đồng chia sẻ vinh dự là nơi nóng nhất Canada từ trước đến nay là thị trấn Midale và thị trấn Yellowgrass thuộc tỉnh bang Saskatchewan; mỗi nơi đạt mức cao nhất trong ngày là 45độ C, gần 20 độ cao hơn so với mức trung bình.
Dân Canada có bỏ xứ ra đi không?Có. Tuy Canada là “xứ lạnh tình nồng” và luôn được xem là một trong số 10 quốc gia lý tưởng nhất thế giới để sống, có gần 3 triệu “Canucks” (Ca-na-nhân), hơn 9% dân số, chọn làm việc và sống ở nước ngoài, nhiều nhất là ở Los Angeles, New York, Hong Kong, London, Beirut, Sydney, Paris, Dubai. Trong số này, phần lớn là người sinh ra và lớn lên trong nước nhưng đi làm việc ở nước ngoài.Phần còn lại là những di dân đến Canada (phần nhiều là người Hồng Kông), vào quốc tịch, xong lại trở về sinh quán của họ hoặc nước khác.Trong số này chắc chắn có một số người Việt hồi hương để trốn lạnh.
Cựu thủ tướng Canada Pierre Trudeau từng nói “Canada is not a country for the cold of heart or the cold of feet” (Canada không phải là xứcho những người lạnh tim và lạnh cẳng). Vậy bạn và tôi xin chọn nơi này làm quê hương tuy mùa đông lạnh thấu xương phải không. Chúng ta còn trái tim nồng ấm và chúng ta không chết nhát sợ lạnh. Hẹn dịp Quốc Khánh Canada năm sau bạn nhé. Happy 152nd Birthday Canada!
Phan Hạnh.
Trenton, Ontario: Trong dịp ngày quốc khánh Canada năm nay, và trong hôm thứ bảy ngày 29 tháng 6, hàng ngàn người mặc áo thung màu đỏ, đứng tạo thành một lá cờ bằng người lớn nhất thế giới: lá cờ lá Phong.
Có tổng cộng 3,942 người đã đứng tạo thành hình lá cờ Canada tại công viên Centennial trong thành phố Trenton.
Đây là lá cờ lá Phong làm bằng số người đứng, lớn nhất thế giới từ trước đến nay.
Trong hôm thứ bảy cũng có nhân viên của tổ chức Giuiness World Record đến để kiểm chứng và công nhận đây là một lá cờ quốc gia Canada lớn kỷ lục.
Sửa bởi người viết 02/07/2019 lúc 09:34:59(UTC)
| Lý do: Chưa rõ