Hỏi: Tôi bị cao huyết áp nhưng không thấy mình bị nhức đầu hoặc chóng mặt gì cả, nói chung vẫn khỏe khoắn. Như vậy tôi có cần uống thuốc gì không, hay chỉ cần tập thể dục và ăn uống cẩn thận hơn? Huyết áp tới bao nhiêu mới gọi là cao và cần uống thuốc? Có cách gì để phòng bệnh này không?
Đáp: Được đặt tên là “Tên Giết Người Thầm Lặng” – “Silent Killer,” bệnh cao huyết áp là nguyên nhân dẫn đến chết người nhiều nhất do các biến chứng cấp tính và từ từ.
Các triệu chứng mà người bị bệnh cao huyết áp thường nhận ra được, thường là các triệu chứng của các biến chứng của bệnh cao huyết áp. Khi chưa bị biến chứng, thường, bệnh nhân không có triệu chứng.
Do đó, dĩ nhiên là, nếu không muốn bị các biến chứng nguy hiểm và chết người, bệnh nhân cần uống thuốc kịp thời khi mới bị bệnh, chứ không chờ đến lúc bị các biến chứng thê thảm rồi mới uống thuốc.
Nhiều nghiên cứu cho thấy cao huyết áp liên quan rất mật thiết với các biến chứng sau:
-Đột quỵ do tai biến mạch não (strokes): Nếu trị cao huyết áp đúng mức, nguy cơ bị biến chứng này có thể giảm từ 35% đến 40%.
-Bị các cơn kích tim do tim bị thiếu máu (heart attacks): Nếu trị cao huyết áp đúng mức, nguy cơ bị biến chứng này có thể giảm từ 20% đến 25%.
-Bị suy tim: Nếu trị cao huyết áp đúng mức, nguy cơ bị biến chứng này có thể giảm từ 20% đến hơn 50%.
-Bị các bệnh thận: Nếu trị cao huyết áp đúng mức, nguy cơ bị biến chứng này có thể giảm đi rất nhiều.
-Huyết áp nếu quá cao, có thể ảnh hưởng đến não, mắt, vân vân, gây chết người tức khắc hoặc tàn tật suốt đời.
Cần chú ý là không cần huyết áp phải thật cao mới bị các biến chứng như kể trên. Dù là huyết áp hơi cao trên mức bình thường nhưng kéo dài thì cũng có thể gây ra biến chứng. Ví dụ như bệnh thận do cao huyết áp thường xảy ra vì huyết áp cao (“vừa vừa”) kéo dài. Đây lại là biến chứng thường gặp nhất của bệnh cao huyết áp, khiến bệnh nhân phải đi lọc thận suốt đời hoặc phải thay thận mới.
Cũng cần chú là các biến chứng nguy hiểm xảy ở người bị cao huyết áp hầu như đều là do huyết áp không được điều trị thích hợp chứ không phải do tác dụng phụ của các thuốc trị cao huyết áp.
Như bất cứ các bệnh nào khác cần điều trị kéo dài, khi cần thuốc theo toa, bệnh nhân cần đi thăm bác sĩ định kỳ một cách đều đặn để theo dõi hiệu quả của thuốc cũng như phát hiện sớm và đối phó với các tác dụng phụ của thuốc và các biến chứng của bệnh nếu có. Khi cho thuốc, bác sĩ cũng cần phải dựa trên tình trạng sức khỏe chung của bệnh nhân, cũng như các bệnh khác để có biện pháp điều trị tối ưu. Vì có những thuốc có thể giúp cùng lúc cho nhiều bệnh khác nhau.
Nếu làm đúng như vậy, thì việc sử dụng thuốc có ích hơn rất nhiều so với việc không dùng thuốc.
Cần nói thêm, cho đến nay, trong việc điều trị cao huyết áp, nếu cần dùng thuốc, thì thuốc tây là cách hiệu quả nhất, rẻ tiền nhất, có ít tác dụng phụ nhất, được nghiên cứu kỹ lưỡng nhất.
Dĩ nhiên, như đã trình bày, để điều trị hiệu quả nhất và tránh biến chứng, nên và cần phải kết hợp cả ăn uống lành mạnh, thể dục đúng mức với thuốc.
Có cách nào để phòng ngừa bệnh cao huyết áp?Khi nói về phòng ngừa, người ta thường nghĩ đến việc phòng sao cho khỏi bị bệnh. Thật ra, trong chuyên môn, có nhiều mức độ phòng ngừa khác nhau.
-Phòng ngừa cấp một (primary prevention) là phòng để khỏi bị bệnh, trong trường hợp này, là để khỏi bị bệnh cao huyết áp.
-Phòng ngừa cấp hai (secondary prevention) là rủi đã bị bệnh rồi thì cần phòng sao cho khỏi bị biến chứng.
-Phòng ngừa cấp ba (tertiary prevention) khi rủi đã bị biến chứng rồi thì phòng ngừa để biến chứng đừng trở nặng.
Dĩ nhiên, nên phòng ngừa càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, đôi khi dù cố hết sức, mà bệnh cũng xảy ra, thì ta cần “lập phòng tuyến cố thủ” mới.
Nói ngắn gọn, trong các mức độ phòng ngừa kể trên, các phương thức chính cần áp dụng và phối hợp chặt chẽ với nhau, là thay đổi lối sống lành mạnh hơn, theo dõi thường xuyên với bác sĩ để dùng thuốc đúng và đều đặn.
Thay đổi lối sống để phòng các biến chứng của cao huyết áp bao gồm các điều chính yếu sau đây: Giữ cân nặng ở mức vừa phải, ăn uống lành mạnh, vận động thể lực đúng mức và đều đặn, không hút thuốc lá (lào, xì gà, ống píp…).
-Cân nặng vừa phải thường được tính bằng chỉ số cân nặng. Chỉ số cân nặng (tiếng Anh gọi là Body Mass Index – BMI) được tính bằng cách chia cân nặng tính bằng kílôgam cho bình phương của chiều cao tính bằng mét.
Ví dụ nặng 100 kg, cao 2 m, BMI = 100/ (2×2) = 25 kg/m2
Theo một số nghiên cứu, điều này có thể giúp huyết áp tâm thu giảm khoảng 5-20 mm Hg cho mỗi 10 kg giảm cân.
-Trong việc ăn uống, nói chung, cần chú ý các điểm sau đây:
+Ăn nhiều trái cây, rau, sữa ít béo, ăn ít chất béo và chất béo bão hòa.
+Giảm muối, ít hơn 2.4 g sodium hoặc 6 g sodium chloride (khoảng một muỗng cà phê muối mỗi ngày). Theo một số nghiên cứu, điều này có thể giúp huyết áp tâm thu sẽ có thể giảm khoảng 2-8 mm Hg.
+Uống rượu vừa phải: dưới 2 drinks (1 oz hoặc 30 mL ethanol; ví dụ 24 oz beer, 10 oz wine, hoặc 3 oz 80-proof whiskey) mỗi ngày ở hầu hết các ông và dưới 1 drink mỗi ngày ở phụ nữ hay người nhẹ cân. Theo một số nghiên cứu, điều này có thể giúp huyết áp tâm thu sẽ có thể giảm khoảng 2-4 mm Hg.
-Vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày. Theo một số nghiên cứu, điều này có thể giúp huyết áp tâm thu giảm khoảng 4-9 mm Hg.
-Bỏ hút thuốc sẽ giảm nguy cơ bệnh tim mạch nói chung.
Ảnh hưởng của các thay đổi này phụ thuộc vào liều lượng và thời gian, có thể mạnh hay yếu hơn ở những người khác nhau.
Cần nhắc lại, bên cạnh việc áp dụng các phương pháp trên để phòng bệnh trở nặng hoặc biến chứng lập lại. Khi đã và đang bị cao huyết áp, thì chắc chắn là phải cần uống thuốc.
Thân mến,
Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng
www.nguyentranhoang.com(714) 531-7930