Thử tưởng tượng một hôm nào tình cờ bạn nhặt được chiếc ví của ai đó đánh rơi trên đường bên trong có giấy tờ cá nhân nhưng không có tiền bạc. Bạn có nên đem chiếc ví đó trả lại cho người chủ của nó hay không? Hãy thử tưởng tượng thêm lần nữa, nếu cùng chiếc ví đó nhưng trong có chút ít tiền bạc. Vậy bạn có còn tính đem trả lại chiếc ví? Hay phản ứng của bạn còn tuỳ vào số tiền ít hay nhiều trong chiếc ví đó? Và hơn nữa bạn nghĩ gì về phản ứng của những người khác nếu như họ cũng nhặt được cùng chiếc ví đó?
Sự thành thật hay tính lương thiện là đức tính giúp cho thế giới này chuyển động một cách có trật tự. Nếu như người ta không tin tưởng lẫn nhau mà chỉ toàn là nghi ngờ và lo thủ thân thì, ít nhất ở một vài khía cạnh nào đó, xã hội này sẽ bị xé nát ra chứ không còn là một khối nữa. Thế nên, sự thành thật đã được nhiều người trong giới hàn lâm nghiên cứu một cách đứng đắn. Mặc dù vậy, hầu hết những công việc nghiên cứu này trước đây chỉ được thực hiện trong các phòng thí nghiệm trong điều kiện có kiểm soát chừng mực. Hơn nữa, đối tượng được dùng trong những thí nghiệm này thường là người Tây phương khá giả và học thức. Tuy nhiên, một cuộc nghiên cứu gần đây do giáo sư Alain Cohn thuộc Đại học Michigan và các cộng sự viên thực hiện ngược lại có thể nói mang tính cách toàn cầu, trải rộng tới 40 quốc gia bao gồm 355 thành phố và hơn 17,000 người, đã mang lại kết quả khá bất ngờ về tính lương thiện của người dân thuộc đủ mọi giới, mọi thành phần sống ngoài đời.
Như bài tường thuật mới đây được đăng trên tạp chí khoa học Science kể lại, các phụ tá của tiến sĩ Cohn trong cuộc nghiên cứu đã đến những nơi công cộng có đông người như ngân hàng, bảo tàng viện và nha cảnh sát tại nhiều quốc gia, từ Canada đến Thái Lan và từ Nga đến Peru. Tại những nơi này, họ trao cho nhân viên trực ở bàn tiếp khách một chiếc ví, làm bộ nói rằng họ nhặt được nó ở ngoài đường và muốn người nhân viên tìm cách trả lại cho khổ chủ. Trong mỗi chiếc ví có chứa một vài giấy tờ cá nhân (với địa chỉ email và một tên giả), một danh sách những thứ cần mua sắm (viết bằng ngôn ngữ địa phương) và một chìa khoá. Quan trọng hơn nữa, một số chiếc ví còn có tiền (khoảng $13.45 trị giá tiền địa phương), trong khi một số khác thì không có. Sau đó, nhóm nghiên cứu về nhà chờ xem có ai gửi email cho “khổ chủ” để mang trả lại chiếc ví hay không.
Tại 38 trong tổng số 40 quốc gia của cuộc nghiên cứu, những chiếc ví có chứa tiền thường được mang trả lại nhiều hơn là những chiếc không có (51% so với 40% những chiếc ví không tiền). Trong khi tỷ lệ về tính thành thật tại các quốc gia có sự khác biệt khá nhiều (những quốc gia như Thuỵ Sĩ, Na Uy và Hoà Lan là thành thật nhất, trong khi Peru, Ma Rốc và Trung Quốc là ít thành thật nhất), thì sự khác biệt trong từng mỗi quốc gia giữa hai loại ví có tiền và không tiền được hoàn trả lại không cách xa bao nhiêu. Thêm điều này nữa, thậm chí những chiếc ví có chứa một số tiền lớn ($94.15) được mang trả lại nhiều hơn là những chiếc ví có ít tiền.
Kết quả cho thấy, với cám dỗ lớn hơn thì tính thật thà hay lương thiện của con người cũng tỏ ra lớn hơn, ít nhất khi nói đến những chiếc ví bị mất và số tiền có trong đó. Một điều khá thú vị ở đây là tính thành thật của con người trong nghiên cứu lại không phản ánh đúng như những gì mà chúng ta thường nghĩ về người khác. Chúng ta vẫn thường nghĩ con người nói chung có tính tham lam, thiếu thành thật, ít nhất là trong những trường hợp có liên quan đến vật chất, như trong cuộc nghiên cứu là số tiền mặt được cố tình để lại trong ví. Khi tiến sĩ Cohn và nhóm của ông thử thăm dò ý kiến của 299 tình nguyên viên của cuộc nghiên cứu, hầu hết tiên đoán những chiếc ví có nhiều tiền thường là sẽ không được trả lại. Họ cũng đặt câu hỏi này với 279 kinh tế gia tại các trường đại học hàng đầu và cũng nhận được câu trả lời gần như tương tự câu trả lời từ các tình nguyện viên.
Với kết quả nghiên cứu trên phần nào mang lại cho chúng ta niềm tin về xã hội chúng ta đang sống và nó không đến nỗi tệ như chúng ta thường nghĩ. Những vụ lừa đảo, giết người, hãm hại nhau xuất hiện nhan nhản trên báo chí đã từng làm cho chúng ta nghi ngờ về cuộc sống, nhưng đó chỉ là một thiểu số rất nhỏ. Vẫn còn biết bao nhiêu chuyện tốt đẹp khác đang diễn ra xung quanh chúng ta mỗi ngày đấy chứ. Con người nói chung thật thà, lương thiện hơn là chúng ta nghĩ.
Thật thà, lương thiện là một trong những đức tính chúng ta vẫn coi trọng hơn hết. Chúng ta vẫn thường cho rằng nó là một đức tính ít người có, hay có nhưng không đủ, để ta có thể thật sự tin tưởng. Tuy nhiên, với kết quả của cuộc nghiên cứu trên, nay ta có thể tạm thời bớt hoài nghi về cái thế giới vẫn bị cho là quá ích kỷ này.
Một cuộc nghiên cứu “rớt ví” cũng đã từng được thực hiện trước đây nhưng không có được tính cách toàn cầu như cuộc nghiên cứu trên. Năm 2009, một nhà nghiên cứu đã cố tình “đánh rơi” một số ví rải rác tại thành phố Edinburgh, Scotland, để xem chuyện gì sẽ xảy ra. Nhà nghiên cứu nhận lại được 42% ví trả lại, nhưng tỉ lệ trên không phải là kết quả gây sự chú ý nhất. Nhà nghiên cứu nhận thấy tiền có trong ví không phải là lý do duy nhất tác động đến quyết định trả lại chiếc ví nhặt được, mà khi một bức ảnh chụp gia đình, hình một chú chó xinh đẹp, một em bé bụ bẫm hay một cặp vợ chồng già được gài vào thì cơ hội chiếc ví được mang trả lại tăng lên khá cao.
Chúng ta vẫn coi trọng sự thành thật và vì vậy luôn đặt sự thành thật và những đức tính có tính cách đạo đức khác ở những vị trí cao hơn những đức tính không liên quan đến tính cách đạo đức, như sự thông minh hay tính hài hước chẳng hạn. Và vì sự thành thật được xem như một trong những nền tảng của xã hội nên hầu như quốc gia nào cũng bắt đầu giáo dục cho công dân của họ về sự thành thật, liêm chính ngay từ khi còn nhỏ. Ở những bài học vỡ lòng về đạo đức và hành vi đạo đức được bắt đầu rất đơn giản, như tập chơi chung với nhau một món đồ chơi thay vì giữ làm của riêng mình.
Tuy nhiên, trên thực tế, làm được những điều đúng không phải là dễ. Nhưng nếu tập làm được những điều ấy sẽ mang lại rất nhiều điều lợi ích cho chính cá nhân chúng ta. Một nghiên cứu trước đây cho thấy sự thành thật sẽ mang lại những lợi ích về sức khoẻ. Trong một cuộc nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã so sánh những nhóm người được chỉ dẫn để làm một số hành động thành thật hay thiếu thành thật, và kết quả nhóm người thành thật ít bị những triệu chứng như đau cổ, nhức đầu và cảm giác đau ốm nói chung trong khoảng thời gian khi cuộc nghiên cứu đang diễn ra.
Là người thành thật cũng có thể mang lại cho cuộc sống của người ta hạnh phúc hơn. Điều này có lẽ cũng không gây ngạc nhiên lắm khi ta biết rằng có một điểm trong môn tâm lý học tiến hoá cho rằng sự thành thật là dấu hiệu khuyến khích sự tin tưởng và hợp tác. Vì vậy, thành thật giúp người ta có được nhiều người cộng tác hơn trong công việc và đạt được nhiều thành công hơn – nghĩa là thành thật thực sự mang lại lợi ích thực tế.Nếu thế thì theo thuyết tiến hoá, khi ta đưa ra một quyết định thiếu thành thật nào đó là ta đã đi ngược lại với bản tính tự nhiên của mình. Vậy, trong trường hợp này, câu “nhân chi sơ, tính bản thiện” là đúng. Con người khi sinh ra đã có bản năng tự nhiên là tính thiện rồi.
Vậy thử hỏi nếu như đem xếp hạng thì ai là những người thành thật nhất trong xã hội? Phải chăng là những người trong những lãnh vực chuyên môn như ngân hàng, tu hành, dạy học, cảnh sát hay chính trị. Nhiều người có thể mỉm cười khi đọc lướt qua danh sách trên, là vì nhiều người trong chúng ta cũng đã từng nghe nói rằng làm chính trị hay luật sư thì không thể là người thành thật được. Nhưng thực ra, sự thành thật không phải là một đức tính phổ quát trong bất kỳ lãnh vực chuyên môn nào, hoặc trong bất kỳ một loại người nào. Nó hiện diện trong mỗi cá nhân, nhưng sự khác biệt ở đây là cá nhân đó có biết vận dụng để thực thi sự thành thật của mình hay không.
Tất cả chúng ta đều là con người, và vì vậy mỗi cá nhân cùng chịu chung những áp lực tâm lý và những lựa chọn khó khăn khi phải đối diện với cám dỗ – mỗi người chúng ta đều đứng trước ngưỡng cửa của sự thành thật của chính mình, và ngưỡng cửa này có thể thay đổi theo thời gian. Và điều này có lẽ làm cho chúng ta an tâm hơn, có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy con người càng lớn tuổi thì càng tỏ ra thành thật, lương thiện hơn. Vậy phải chăng sự thành thật hay tính lương thiện mặc dù được xem là đức tính tự nhiên nhưng cũng cần sự trải nghiệm để thăng hoa.
Huy Lâm