Nguyên nhân khiếm thị mù lòa
Ta có câu nói, “Hai mắt là ngọc, hai tay là vàng”.
Về giá trị thị trường, vàng là kim loại trang sức cũng như trao đổi thương mại quý giá, nhưng ngọc lại
quý giá gấp bội. Vì hiếm, vì vẻ đẹp thanh cao. Bàn tay giúp con người làm cả trăm thứ việc nhưng
chẳng may khiếm khuyết thì còn có thể nhờ vả, chiết ghép bộ phận nhân tạo. Chứ hai mắt mà khiếm
thị thì nhiều người coi cuộc đời ảm đạm tối tăm, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, vì không sao thay ghép
ngoại trừ ghép giác mạc. Nhưng, có nhiều người nghĩ rằng, “Bị mù chưa đến nỗi khốn khổ, không
thích nghi với sự mù lòa mới bất hạnh”. Vì vô số người mù lòa, vẫn thành danh, vẫn
làm được những việc có ích cho nhân quần xã hội. Như người khiếm thị Louis Braille đã sáng chế
cách “đọc” chữ viết bằng ngón tay cho cả triệu người cùng cảnh ngộ; như cha đẻ của khoa học hiện
đại người Ý Galileo Galilei; như Master Chef Christine Hà Việt Nam; như Joseph Pulitzer sáng lập
Pulitzer Prize về văn chương, âm nhạc, báo chí…
Mắt được coi như một bộ phận nối dài của não và ánh sáng vào mắt đã được những tế bào đặc biệt
chuyển thành những tín hiệu thần kinh đưa lên não bộ. Nơi đây, não phân tích những tín hiệu đó thành
hình ảnh của sự vật mà mắt ta nhìn thấy được. Thị giác là một trong những chức năng tối cần thiết
của con người. Nhờ thị giác mà con người mới phấn đấu để sống sót cũng như nhờ có thị giác mà
con người mới thích nghi hòa hợp được với môi trường và đồng loại xung quanh. Cho nên mọi người
nên bảo vệ cái khả năng quý giá này. Mà muốn bảo vệ, cần biết những nguyên nhân gây ra mù lòa,
khiếm thị.
Xin cùng tìm hiểu.
Mù là mất khả năng nhìn ra sự vật. Có 4 mức độ của thị giác:
Thị lực bình thường, khiếm khuyết nhẹ, khiếm khuyết trầm trọng và mù.
Hiện nay có khoảng 285 triệu người có rối loạn thị lực ở trên thế giới, với 39 triệu người mù hợp pháp
và 246 triệu người giảm thị lực. Đa số những người này là cư dân của các quốc gia đang trên đường
phát triển về kinh tế, xã hội. Người trên 50 tuổi và trẻ em dưới 15 tuổi là nhóm dễ dàng bị khiếm
khuyết thị giác. Về nguyên nhân gây ra khiếm khuyết thị lực, thì, theo Cơ quan Y tế Thế giới, 43% do
không điều chỉnh sai lầm về khúc xạ ánh sáng như trong bệnh đục thủy tinh thể, mờ giác mạc; 33% do
đục thủy tinh thể, 2% do cao áp suất trong mắt.
1-Bệnh đục thủy tinh thể, Cataract
Bệnh thường thấy ở lớp người tuổi cao do sự hóa già hoặc do thương tích của thủy tinh thể, viêm
nhiễm và một số bệnh khác như tiểu đường, giảm calcium trong máu, tác dụng lâu dài của tia hồng
ngoại. Đôi khi trẻ em mới sanh ra cũng bị bệnh.
Khi cườm còn ở mức độ nhẹ thì chưa làm suy yếu thị lực. Khi đã đục thì giải phẫu lấy cườm ra và
thay thế bằng thủy tinh thể nhân tạo, có độ bền lâu dài. Thủy tinh thể nhân tạo được làm với các chất
không gây phản ứng và có mức độ phản xạ ánh sáng như thủy tinh thể thiên nhiên cho nên có thể
chữa cả cận thị lẫn viễn thị. Có hai loại: Monofocal lenses chỉ xa hoặc gần chứ không cả hai và
multifocal lenses cung cấp nhìn rõ cả xa lẫn gần. Với monofocal lense, có thể ghép một bên mắt
lense để nhìn xa và bên kia với lense để đọc sách, coi computer.
Đục thủy tinh thể có thể phòng ngừa với giảm hút thuốc lá, chưa bệnh tiểu đường, tránh mắt tiếp xúc
với tia cực tím quá lâu…
2-Bệnh đau mắt hột, trachoma
Đây là bệnh nhiễm trùng mắt do vi khuẩn Chlamydia Trachomatis gây ra.Vi khuẩn có nhiều trong dử
mắt bệnh nhân và lây lan do dùng chung khan rửa mặt, thicu61 nức sạch tắm rửa, kém vệ sinh cá
nhân và ở chung đông đúc. Khi bị nhiễm lâu, mặt trong mi mắt bị tổn thương, thành sẹo, mi mắt lộn
ngược cọ vào giác mạc thành sẹo rồi đưa tới mù lòa. Bệnh thừng thấy ở trẻ em, tuổi trước khi đi học.
Mẹ hay lây vì chăm sóc con. Phòng ngừa bằng cải thiện vệ sinh cá nhân, môi trường, loại bỏ loại ruồi
mang mầm bệnh từ người bệnh sang người lành.
3-Bệnh do ký sinh trùng Onchocerciasis
Ký sinh trùng này có nhiều ở một số địa phương nhiệt đới bên châu Phi, gần sông rạch cho nên còn
được gọi là River Blind. Một loại ruồi đen truyền ký sinh trùng sang da của người. Ấu trùng di chuyển
lên mắt, gây mù.
4-Bệnh mù trẻ thơ
Bệnh mù trẻ thơ gây ra do một số bệnh ở trẻ em mà không được điều trị, đưa tới mù lòa.
Với các quốc gia phát triển, thương tích của dây thần kinh mắt optic nerve là nguyên nhân chính. Tại
các quốc gia đang phát triển thì giác mạc tổn thương thành sẹo vì bệnh bệnh sởi, thiếu vitamin A, nhỏ
mắt với thuốc gia truyền có hại là nguyên nhân chính. Ngoài ra còn bệnh mắt bẩm sinh như đục thủy
tinh thể, cao áp nhãn, bệnh võng mạc cũng gây ra mù ở lớp trẻ thơ này.
5- Bệnh rối loạn khúc xạ
Như cận thị, viễn thị, loạn thị
Trong cận thị, tia sáng từ sự vật hiện ở trước võng mạc vì thủy tinh thể lớn ra, vật mờ đi, nhìn không
rõ, và phải điều chỉnh bằng mang kính lõm.
Viễn thị khi tia sáng từ sự vật hội tụ phía sau võng mạc và điều chỉnh được bằng mang kính lồi.
Loạn thị trong đó hình ảnh của sự vật bị méo đi, một vài phần mờ, một vài phần rõ cho nên hình ảnh bị
biến dạng. Điều chỉnh bằng kính hình trụ. Kính gây ra độ méo ngược lại, như vậy hủy bỏ được độ
méo do mắt gây ra.
6-Bệnh võng mạc do tiểu đường
Đây là biến chứng của bệnh tiểu đường lên mắt, gây tổn thương cho võng mạc, nơi tiếp nhận ánh
sáng của sự vật bên ngoài. Bệnh xảy ra ở cả hai loại tiểu đường 1 và 2. Tiểu đường càng lâu mà
không được kiểm soát thì võng mạc càng bị tổn thương, gây ra mù lòa.
Để tránh bệnh này, hãy điều trị bệnh tiểu đường tới nơi tới chốn và khám mắt hàng năm.
7- Cao áp suất mắt Glaucoma
Cao áp suất trong mắt đưa tới thương tích cho dây thần kinh mắt optic nerve. Đây là dây thần kinh
đưa các tín hiệu ánh sáng về sự vật lên não để đươc nhận diện ra hình ảnh sự vật.
Cao áp suất mắt là do trở ngại lưu thông dung dịch chất lỏng trong ổ mắt. Bình thường, dung dịch này
do mắt tạo ra được đưa ra ngoài qua một lổ nhỏ trên nhãn cầu. Chất lỏng có thể ứ đọng trong mắt,
gây ra cáo áp nhãn, ép vào dây thần kinh mắt, đưa tới mù lòa.
Chưa có cách phòng ngừa bệnh nhưng bệnh có thể điều trị được với thuốc nhỏ mắt, thuốc uống
hoặc giải phẫu để khai thông ống tắc hoặc đặt ống thoát chất lỏng.
Nên khám mắt mỗi 3 năm khi ở tuổi tứ tuần. Trên lục tuần, khám mắt mỗi năm để sớm tìm ra bệnh và
điều trị.
8. Thoái hóa võng mạc do hóa già
Đây là trường hợp điểm vàng macula trên võng mạc bị thoái hóa, tổn thương. Điểm vàng cho ta hình
ảnh tinh tế của sự vật, còn phần còn lại của võng mạc cho hình ảnh một cách tổng quát. Nhờ điểm
vàng, ta có thể xỏ một sợi chỉ qua lỗ kim khâu, đọc những hàng chữ nhỏ, phân biệt dấu hiệu chỉ
đường…Khi điểm vàng thoái hóa, ta chỉ nhìn được phần ngoài của mặt đồng hồ chứ không nhìn
được ở giữa nơi có các kim đồng hồ chỉ giờ… Nhiều người không biết là mình có bệnh cho tới khi
thấy thị lực giảm hoặc khi được bác sĩ khám mắt.
Thoái hóa võng mạc thường là do rối loạn tuần hoàn máu. Hiện nay, chưa có điều trị hữu hiệu nào cho
bệnh này. Một số phương thức có tính cách hỗ trợ được áp dụng như dùng các chất chống oxy hóa,
tia laser hoặc giải phẫu. Kỹ thuật ghép tế bào mầm võng mạc đang được thử nghiệm với kết quả rất
khích lệ.
9. Giác mạc mờ đục
Vì giác mạc mờ đục, ánh sáng không vào trong mắt được, và gây ra mù.
Nguyên nhân gây ra bệnh của giác mạc khá nhiều, như là: nhiễm trùng, viêm mắt, chấn thương giác
mạc, thiếu vitamin A, hậu quả của sởi measle, vật lạ đáo vào mắt, mang contact lense ngày đêm…
Điều trị hữu hiệu nhất là ghép giác mạc do người mãn phần tặng nhưng tốn kém và chưa được phổ
biến vì hiếm người cho giác mạc.
Kết luận
Tại các quốc gia phát triển, có nền y tế cao, nguyên nhân gây mù lòa thường thấy nhất thứ tự là bệnh
võng mạc do tiểu đường, bệnh cao áp nhãn và thoái hóa võng mạc do hóa già. Rủi ro khiếm thị đang
có chiều hướng nhiều hơn ở các quốc gia này là khiếm thị do bệnh khúc xạ mắt mà không được điều
trị. Riêng tại các quốc gia đang phát triển, các bệnh đau mắt hột và Mù Mắt Dòng Sông River Blind do
ký sinh trùng gây ra vẫn còn hoành hành.
Cơ quan Y tế Thế giới đang cùng giới chức y tế mỗi quốc gia đang sát cánh cùng nhau giảm thiểu các
nạn mù lòa khiếm thị này.
Mong rằng họ sẽ thành công.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức.