Bài văn Nôm nầy thấy trong một tập chép tay, nghĩ là từ đầu thế kỷ 20, do tính chất của giấy viết và được chép chung với bản Túy Kiều Phú Nôm. Nội dung nói chuyện con người trung giới (trên thế giới nầy nói theo tiếng nói bây giờ) quá nhiều tội lỗi nên Ngọc Hoàng Thượng giới cho người xuống dạy khuyên mà vẫn còn bạo ngược xấu tánh. Nhiều lần như vậy nên Ngọc Hoàng giận, tính cho thần ôn dịch xuống diệt trừ loài người để lập một Nguơn khác. Đức Phật Bà Quan Thế Âm sợ con người bị diệt nên cho người đem xuống một cuốn kinh Quan Âm Cứu Khổ dạy đời về điều tu hành.
Tóm lại bản văn nầy nói tại sao cuốn kinh Quan Âm Cứu Khổ ra đời. Tôi vì vậy đặt cho nó cái tên là Quan Âm Cứu Khổ Chân Kinh Tựa. Để ý: cuốn kinh viết bằng chữ Hán và bài tựa nầy được viết bằng chữ Nôm. Đó là một sự đặc biệt duy nhất, không có trường hợp tương tợ.
Tựa nầy không mang tính chất trí thức mà mang tính chất niềm tin, đưa ra những nhân vật mà người khó tánh có thể cho là hoang đường, đó cũng là sự đặc biệt của những bản Nôm có chiều hướng khuyến tu vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 ở Miền Nam. Có thể tác giả bản văn nầy là người tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương khi ông nhấn mạnh đến mấy khái niệm Hạ Nguơn và Tận thế hay là kết thúc giai đoạn Hạ Nguơn của loài người.
Bỏ ngoài chuyện đạo, chuyện tu hành, làm thiện tránh ác, bản văn nầy mang nhiều tính đặc biệt của văn chương bình dân Nam Bộ mà người nghiên cứu khối văn học nầy không thể bỏ qua.
7/ 2019
Nguyễn Văn Sâm.
Có người ở tỉnh An Giang[1],
Tên Lê Hướng Thiện, tác chàng đôi mươi.
Xuân huyên sớm đã xa chơi[2].
Một mình bố thí gia tài sạch trơn.
Dốc lòng nhạo thủy du sơn.
Thẳng lên tới núi Tà Lơn[3] tu hành.
Thường ngày niệm Phật tụng kinh,
Tối vào thạch động một mình nằm co.
Trái cây ngày tháng đỡ no[4].
Khát thời nước suối uống cho mát lòng.
Sớm mai bạn với bá tòng,
Cáo cầy hùm vượn cũng đồng làm quen.
Quyết lòng tầm Phật tầm Tiên,
(t20) Chẳng hề nhớ việc trần duyên chút[5] nào.
Bảy năm lên ở núi cao,
Phật Tiên chưa thấy ông nào vãng lai.
Đến năm Bính Ngọ[6] tháng hai,
Đêm rằm ngồi hướng Tây[7] đoài tưởng kinh.
Canh ba gió mát trăng thanh,
Bỗng đâu Phật giáng bên mình không hay.
Mơ màng dường tỉnh dường say,
Phật bèn bước lại lấy tay vổ đầu.
Giựt[8] mình kinh hãi hồi lâu.
Tĩnh ra mới hỏi: ‘Người đâu lạ rày.
Bấy lâu không thấy mặt mày,
(t22) Đêm khuya mà có việc gì tới đây?’
Đáp rằng: ‘Ta ở phương Tây[9].
Tên là Xá Lợi xuống rày hỏi ngươi.
Phải Lê Hướng Thiện là người.
Thời ta truyền dạy mọi lời vân vi[10].
Thoạt nhìn người ấy kim thân,
Chẳng Tiên thời Phật cõi trần có đâu.
Đạo Lê[11] vội vã khấu đầu,
Tôi tên Hướng Thiện xin hầu dạy qua.
Người rằng vưng lịnh Phật Bà,
Thấy ngươi chơn tánh thiệt thà bấy lâu.
Tu hạnh đầy đủ công phu.
(t23) Kinh trao một quyển coi cho rõ ràng,
Sau về truyền lại nhân gian,
Ai ai nghe lấy phải toan tu hành.
Phật Bà thương xót chúng sanh,
Mấy người gìn giữ việc lành mà thôi[12].
Hạ Nguơn đời đã mạt rồi.
Cho nên thiên hạ ít người biết tu.
Đua nhau xe ngựa võng dù[13].
Ngày sau bị chốn lao tù không hay.
Hơn năm mươi mấy năm nay[14],
Thiên thần đem hết tâu ngay thiên đình.
(t24) Thần quan tả hữu phân minh,
Xa Trù, Tư Mệnh đồng tình tâu qua[15].
Những người trung giới[16] tinh ma,
Bạo tàn nhiều kẻ, thiệt thà ít ai.
Ngọc Hoàng phán trước kim giai.
Sai ông Địa Tạng quan đài xét tra.
Hỏi rằng mười cửa Diêm La,
Sao không trừng trị mà người rộng dung.
Nên trên dương thế hành hung,
Gian tà bạo ngược chẳng tùng phép ai.
Diêm vương cử án mà khai,
Động tiền quì gối kim giai bạch rằng:
(t25) Dưới mười cửa [ngục] rạc ràng[17],
Tội hành không biết mấy ngàn mấy muôn.
Đêm ngày tra khảo luôn luôn[18],
Có đâu tư ý mà duông[19] người nào.
Người thời cắt lưỡi chặt đầu,
Người thời cưa xẻ nấu dầu phân minh.
Thây người thời chặt tay chân
Kẻ thời khoét mắt người thời bẻ răng.
Hành cho mãn kiếp mãn căn,
Cho lên nó lại dữ dằn hơn xưa[20].
Hung ngoan tánh nết chẳng chừa
Gian tham chẳng bỏ bây giờ biết sao!
Ngọc Hoàng nghe nói âm hao,
Mới đòi Bắc Đẩu Nam Tào một khi.
(t26) Hai ngươi phụng sắc đơn trì,
Hạ Nguơn giủ sổ[21] tức thì cho mau.
Như Lai Phật Tổ tâu vào.
Một lần tạo thế dễ hầu mấy nguơn.
Xin vua đức rộng lòng nhơn,
Để tôi ra sức lần hồi dạy khuyên.
Ai mà tác phước thiện duyên,
Hồi tâm hướng thiện, tiền khiên thời chừa.
Người nào tàn bạo như xưa.
Noi theo tự tánh chẳng chừa gian tham[22].
Mấy người dường ấy đã cam.
Cho tiêu hồn xác, [bắt] giam ngục hình.
Ngọc Hoàng nghe tấu phân minh.
An tâm giảm nộ lôi đình một khi[23].
(t27) Bèn sai Bát Bộ chỉ huy,
Thiên thần Tư mệnh đều đi một lần.
Khắp trong thế giới dương trần,
Quan nhân thiện ác mựa đừng đơn sai.
Chư thần phụng mệnh kim giai.
Cứ theo phiên thứ đêm ngày tuần du.
Như Lai từ ấy lui chầu,
Về nơi liên tọa ngồi âu một mình.
Nay ta vâng lịnh Đế đình,
Dạy răn thiên hạ, một mình khôn đương[24].
Bèn đòi La Hán Phật Vương,
Cùng chư Bồ Tát tứ phương công đồng[25].
Nay ta phán dạy các ông,
Xuống miền trung giời ra công dạy truyền.
(t28) Một người một nước ở yên,
Dụ trong thiên [hạ] thiện duyên tu hành.
Ăn chay niệm Phật tụng kinh,
Tu nhân tích đức, để dành kiếp sau.
Bây giờ tua hối[26] cho mau.
Kẻo sau mất kiếp khôn hầu đầu thai.
Chư vương bạch quá Như Lai:
‘Sai tôi giáng thế độ rày bao lâu?’
Phật Bà phân tỏ trước sau.
Phật mà giáng thế có đâu nhiều ngày.
Mới cho thiên hạ đều hay,
Dạy năm ba tháng rồi thời trở lên.
Chư tiên quì gối tâu liền,
Đầu thai một kiếp sao mà mau thay!
(t29) Phật Bà phán dạy lời nầy:
‘Xuống nơi trần thế đổi thay xác hồn.
Mấy người tàn[27] bạo gian hung,
Bắt cho nó chết nhập hồn mình vô.
Rồi thời kiếm chốn am chùa,
Dựa nương ngày tháng phát bùa độ dân.
Chư vương vâng dạy ân cần,
Tạ từ Phật Tổ cõi trần dời chân.
Một ông một hướng chia phần,
Đằng vân giá võ rần rần ra đi.
Dương trần xuống tới một khi,
Thay hồn đổi xác ai mà biết đâu.
Từ năm Kỷ Dậu về sau,
Đều đồn thầy Giải[28] phát bùa rất hay.
(t30) Bịnh chi nhằm tới cũng lành,
Đua nhau đều tới non xanh thỉnh bùa.
Ai ai cũng tựu tới chùa,
Ngày đêm nghe tiếng Nam Mô vang trời.
Bất kỳ già trẻ gái trai.
Kéo nhau [tới[29]] lạy chật ngoài chật trong.
Trai bỏ vợ, gái bỏ chồng.
Không ham ân ái quyết lòng đi tu.
Đêm ngày chẳng nại công phu,
Nghe kinh niệm Phật vái cho mạnh lành.
Dốc lòng ở chốn non xanh.
Không tham danh lợi chẳng giành điền viên.
Ít người tật bịnh giảm thuyên,
Chùa kia Phật nọ giao nguyên bạn thầy.
(t31) Mấy người thọ phái qui y,
Đem về bỏ hết nhớ gì nữa đâu.
Vẫn tham danh lợi sang giàu.
Đua nhau tích ác chẳng hầu làm nhơn.
Kệ kinh quên hết sạch trơn.
Chùa hư Phật rã chẳng màng[30] viếng thăm.
Chư Vương giáng thế mấy năm,
Độ trong thiên hạ biết trăm ngàn nào.
Phần thời cứu kẻ ốm đau,
Phần thời dạy dỗ để sau làm lành.
Đêm ngày hết sức tụng kinh,
Chỉ đường tội phước chúng [sanh] nghe đều.
Có nghe mà chẳng chịu theo,
Gian tà bạo ngược mọi điều còn nguyên.
(t32) Chư Vương hết sức dạy khuyên,
Xác phàm bỏ lại, thượng thiên trở về.
Tâu cùng Phật Tổ mọi lời,
Chúng tôi lãnh mạng độ đời không xong.
Dương gian quá nỗi khó lòng.
Dạy răn đến sức cũng không làm lành.
Chúng tôi trở lại thiên đình,
Tâu qua Phật Tổ mặc tình định công.
Phật Bà nghe tấu nguồn cơn.
Nếu như dường ấy Hạ Nguơn hết đời[31].
Để ta tâu lại Vua Trời,
Mặc người xử đoán[32] cho người làm sao!
Thiên đình gặp lúc hội trào,
(t33) Phật Bà hạ giá, cúi tâu Ngọc Hoàng.
Rằng: ‘Tôi lãnh mạng nhà vàng,
Sai chư vương xuống dương gian cứu đời.
Chư Vương hết sức hết hơi,
Dạy khuyên thiên hạ chẳng người nào nghe.
Chư Vương nay đã trở về,
Vào tâu lượng thánh mặc người xử phân.’
Ngọc Hoàng nghe nói thiệt hơn,
Phán rằng: ‘Phật có công ơn giúp đời.
Không nghe là tại lòng người,
Ngày sau chớ trách không ai dạy troàn[33].
Phán đòi Thập Đạo Ôn Hoàng,
Ta cho các gã phá hoang cõi trần[34].
(t34) Kẻ nào tàn bạo bất nhân,
Các ngươi bắt nó theo làm binh gia.
Mấy người phước đức từ hòa.
Thời duông cho nó để mà nối sau.
Khắp trong thiên hạ đâu đâu,
Các ngươi khâm mạng mau mau vãng tuần.
Tới đâu tra [hỏi] bổn thần,
Cứ công hành tội mựa đừng sai ngoa.
Ba mươi sáu động yêu tà,
Đều cho nó xuống đặng mà xử phân.
Bởi vì nó chẳng tu hành,
Xử hình chẳng khỏi dương trần mà coi.
Làm cho quyết đến hẵn hòi.
Hành cho mạt kiếp hết đời Hạ Nguơn.
(t35) Lại đòi Thái Âm Thái Dương,
La Kiêm, Kỳ Bá tứ phương phong thần.
Cùng là Liệt Sắc Hướng Hương
Cùng là Hải Nhược Long Vương hội đồng,
Cấp hành lôi vũ liệt phong,
Rồi cho hồng thủy tẩy trong phàm trần.
Chư thần phụng lịnh Ngọc Hoàng,
Phân nhau bát hướng nhứt trường chỉ huy.
Phật Bà xem thấy ai bi,
Như vầy trần thế còn gì mà mong!
Phải toan một chước mới xong.
Ta mau xuống đó độ vòng chúng sanh.
(t36) Hóa ra một quyển Chân Kinh.
Quan Âm Cứu Khổ để sau cứu đời.
Nay ta sai xuống sơn đài, (?)
Giao cho Hướng Thiện để sau cứu đời.
Truyền cho thiên hạ nơi nơi,
Đêm ngày tụng niệm chớ lơi tấm lòng.
Khuyên người bỏ tánh gian hung,
Lần theo Phật đạo tránh vòng yêu ma.
Phật sai thần tướng hầu gia.
Bảy mươi hai vị cùng là xuống theo.
Cứu trong trần thế nan nguy,
Ngày sau chi khỏi yêu ma nhiễu loàn.
Chung (gồm 222 câu)
[1] Nghĩ là tác giả cũng là người tỉnh nầy.
[2] Cha mẹ đều đã qua đời. chữ thung舂: người cha, thường đọc thành xuân 春thét quen, tôi đọc theo số đông là xuân.
[3] Núi Tà Lơn bên Cao Miên, tương truyền rất linh nên có nhiều người lên đó tu. Họ ở trên đó cất am tu hay xuống núi vân du đều được gọi là ông đạo. Đọc theo giọng người bình dân nói: Tà Lơn. Bản Nôm viết trà lơn
[4] Ăn rau trái, là cách ăn chay của người trong núi.
[5] Bản Nôm viết chúc 祝, giọng Nam của chút.
[6] Nghĩ là 1906. Vậy thì ông lên núi tu năm 1899. Thử đối chiếu với tiểu sử của Đức Phật Thầy Tây An để coi Lê Hướng Thiện có liên hệ gì không.
[7] Ngồi hướng về xứ Phật. Một sự tin tưởng xưa sẽ được Phật chứng giám.
[8] Giựt, BN viết giọng Nam bằng dực 翼.
[9] Bản Nôm viết Tây phương.
[10] Vân vi: những điều chi tiết rõ ràng.
[11] Thời trước, giao thời giữa thế kỷ 19-20, những người lên núi tu hành thường được gọi là ông đạo. Sau nầy vẫn còn có như ông Đạo Dừa…
[12] Phật Bà không thương những người ác độc, bất nhơn.
[13] Đời xưa thì xe ngựa võng dù, chẳng nhằm nhò gì với bây giờ: xe mắc tiền, biệt phủ cả mấy cái, tiền đô tính bằng tỷ…
[14] Câu nầy quan trọng: Hơn năm mươi mấy năm nay, nghĩa là khi người Pháp bắt đầu bình định đất Nam Việt. Tác giả muốn nói tới những người theo gió bợ đỡ Tây tà làm điều xấu.
[15] Hai thần bên vai của mỗi người đã ghi tội lỗi của người để tâu trình lên. Tin tưởng nầy khiến người ta bớt đi chuyện xấu, e dè hơn trong hành vi của mình.
[16] Người trung giới: Người ở trần thế nầy.
[17] Rạc ràng: Tù ngục.
[18] Bản Nôm dùng chữ long, đọc là luông, luôn
[19] Dung 容 đọc trại âm thường thấy ở Nam Bộ. Huình Tịnh Của còn ghi lại ba từ: duông, duông thứ, duông nhan.
[20] Không cho đầu thai nữa vì đầu thai lên nó lại dữ dằn như cũ.
[21] Giủ sổ: Bắt cho chết, làm cho chết. Người đời thường nói: Ngọc hoàng giủ sổ mầy rồi. Nghĩa là mầy phải chết.
[22] Tác giả theo thuyết con người tánh vốn ác.
[23] Hết giận. Ngọc Hoàng cũng biết giận dữ nữa a!
[24] Nhiệm vụ lớn quá một mình làm không xuể.
[25] Công đồng: Hội họp.
[26] Tua hối: Phải biết lỗi, biết tội, lo sửa đổi
[27] Nôm viết không rõ, tạm đọc tàn theo toàn văn cảnh.
[28] Tạm cho là một nhân vật phát bùa đầu thế kỷ.
[29] Chữ tới nầy phiên giả thêm vô, bản Nôm không có.
[30] Nôm viêt hềm tôi đọc là màng….
[31] Hạ Nguơn hết đời: Kết thúc đời Hạ Nguơn, tận thế.
[32] Bản Nôm viết chữ nầy theo âm Nam đán 旦.
[33] Troàn: Phiên theo xưa âm của truyền 傳. Tác giả dùng âm troàn để vần với hoàng ở câu dưới.
[34] Làm cho trần thế tan hoang vì bịnh dịch. Mấy thế kỷ trước bịnh dịch phát sinh thì nhiều khi cả thành phố chết gần hết. Nay thì dịch đã không còn đáng sợ nữa vì đã có thuốc trừ.