Là những Kitô hữu, chúng ta thường hay trăn trở giống như thầy thông luật trong bài Tin Mừng hôm nay: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” Chỉ khác thầy thông luật hỏi để gài Chúa Giêsu, còn chúng ta trăn trở vì thực sự muốn lo cho phần rỗi linh hồn của mình. Đây là một trăn trở cần thiết vì như Thánh Phanxicô đã nói: “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào ích gì?” Mặc dù biết bị gài, Chúa Giêsu vẫn muốn giúp anh ta đi tìm câu trả lời cho chính mình, đó là “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình.”
Vì là người thông luật và am tường về Kinh Thánh, anh ta đã trả lời chính xác việc mình cần làm, nhưng vì vẫn muốn tiếp tục gài Chúa Giêsu nhằm mục đích hạ thấp uy tín của Ngài, anh ta đặt ra một câu hỏi khó hơn, “Ai là anh em của tôi?”
Câu hỏi này đã đưa đến một dụ ngôn nổi tiếng trong Tân Ước, đó là dụ ngôn Người Samaritanô Nhân Lành. Trong dụ ngôn này Chúa Giêsu đưa ra hai nhóm người tương phản nhau. Nhóm thứ nhất gồm có thầy tư tế và thầy trợ tế. Hai vị này là những người phục vụ đền thờ, họ sợ không dám đụng đến xác chết. Vì không rõ nạn nhân đã chết hay chỉ bị thương, họ không dám động vào anh ta. Nếu động đến xác chết họ sẽ trở nên ô uế, không được phép vào đền thờ cho đến khi thi hành xong những đòi buộc của luật thanh tẩy. Có thể họ đã bị giằng co giữa nghĩa cử giúp người bị nạn và trách nhiệm giữ mình cho được thanh sạch để phục vụ trong đền thờ. Chọn một bỏ một là điều không thể tránh được trong tình huống này, và họ đã chọn việc làm số hai.
Tương phản với hai thầy tư tế và trợ tế là người Samaritanô. Anh ta là người dân ngoại, không bị ràng buộc bởi luật lệ phải giữ mình thanh sạch, nên anh ta đã mau chóng lo cho người bị nạn. Tuy nhiên, Bài Tin Mừng ghi rõ, anh ta giúp người bị nạn vì anh ta đã động lòng thương chứ không phải vì anh ta chẳng có gì ràng buộc.
Chữ “động lòng thương” trong bài Tin Mừng hôm nay Thánh Luca dùng để diễn tả cảm xúc của Chúa Giêsu khi nhìn thấy bà góa thành Naim đưa đám tang người con trai duy nhất của mình, và cũng cùng một chữ đó được dùng để diễn tả cảm xúc của người cha trong dụ ngôn Người Con Hoang Đàng, khi thấy người con thứ của mình trở về. Từ đó suy ra, người Samaritanô đã thực sự quan tâm đến người bị nạn và với lòng thương chân thành lên đến tột độ. Anh không ngại hy sinh, không sợ bị thiệt hại, đã ra tay cứu nguy nạn nhân vì người ấy cần được giúp đỡ, và đã giúp với trọn vẹn tấm lòng yêu thương tha nhân như Thánh Kinh truyền dạy, trong khi anh ta là người dân ngoại.
Trở lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người thông luật. Nếu người thông luật này muốn được biết ai là anh em của mình, Chúa Giêsu đã trả lời rõ, đó là bất cứ ai cần sự giúp đỡ mà ta có thể giúp được, và khi giúp đỡ họ, cần phải giúp như người Samaritanô, đó là giúp với tất cả tấm lòng yêu mến tha nhân. Chính việc làm này sẽ cho chúng ta có được sự sống đời đời mà chúng ta hằng trăn trở.
LM PHẠM NGỌC HÙNG