logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 19/08/2019 lúc 11:42:28(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Ông Huỳnh Tịnh Của khi viết cuốn Chuyện Giải Buồn đã gom góp lại những chuyện nầy nọ do ông nghĩ ra hay do ông lấy trong sách Tàu, nhưng điều ông không ngờ là mình đã viết truyện ngắn đầu tiên của văn học Việt Nam. Bản in mà chúng ta thấy được là bản 1886, in lần thứ hai, không biết là in lần thứ nhứt năm nào nhưng 1886- 2019 thì cũng đã 133 năm rồi. Chưa thấy sách vở nào nói trước đó có người Việt Nam viết truyện ngắn bằng văn xuôi quốc ngữ, tôi tạm cho rằng ông Huỳnh Tịnh Của là người mở đầu cho truyện ngắn Việt Nam.
Vấn đề là  truyện mà chúng tôi đưa ra và cho là truyện ngắn có xứng đáng chăng với danh xưng truyện ngắn. Theo tôi là xứng vì có đầy đủ điều kiện về văn: Trơn tru, rõ ràng, điều kiện về bố cục: Có đầu có đuôi hoàn chỉnh. Đối với thời tác phẩm xuất hiện nó cần có ý nghĩa đạo lý, và nó đã có. Xin mời thưởng thức. (NVS)
CHUYỆN TRƯƠNG THÀNH
Người Dự Châu họ Trương ấy vốn sinh đẻ tại nước Tề, cơn bát loạn[1] vợ bị giặc bắt, qua ngụ Dự Châu lập nghiệp chắp nối[2], mới sinh ra một đứa con tên là Nột; chẳng khỏi bao lâu[3] vợ ấy chết, chắp nối một lần nữa lại sinh ra Trương Thành. Vợ sau họ Ngưu dữ, ghen ghét tên Nột, cầm như tôi mọi[4], cho ăn dơ, bắt đi hái củi mỗi ngày là một gánh, không có thì đánh chưởi khổ sở; bao nhiêu đồ ngon cất giấu cho Thành, cho Thành đi học. Thành lớn lên hay thương anh, thấy anh cực, can gián[5], mẹ không thèm nghe lời[6]. Một bữa, tên Nột vào núi đốn củi chưa đầy gánh, mắc mưa dông lớn ngồi đụt dưới kẹt đá, đến khi tạnh mưa thì trời đã tối, bụng đói lắm, gánh củi ra về, mẹ ghẻ coi không đầy gánh, không cho ăn. Nột đói quá vào nhà trong nằm dài. Thành đi học về thấy anh hoi hóp[7], hỏi anh đau sao? Anh nói đói lắm. Thành buồn bỏ đi ra, cách một hồi lộn lưng [8]bánh đem vào cho anh ăn. Anh hỏi bánh ở đâu? Thành nói tôi ăn cắp bột mượn đờn bà lối xóm làm, anh cứ việc ăn, chớ nói ra. Nột ăn rồi dặn em đừng làm như vậy nữa, kẻo việc lậu ra[9] mà lụy tới em; vã lại ăn được một ngày một bữa, có đói cũng không đến đỗi chết. Thành nói: Anh yếu đuối lắm hái củi nhiều làm sao cho đặng? Qua ngày sau Thành ăn cơm rồi lén vào núi tìm tới chỗ anh làm củi. Anh thấy, thất kinh, hỏi em đi làm gì? Thành trả lời rằng: Đi hái cùi giùm. Anh hỏi: Ai biểu? Em nói: Tôi lén đi vô đây. Anh nói: Không nói em làm được không, dầu em làm được cũng không nên làm, em phải về cho mau. Thành không nghe, chạy đi bẻ củi giùm cho anh, lại nói: Mai tôi sẽ đem búa theo. Anh chạy lại không cho em bẻ, mà tay em đã trầy ra, giày dép lại rách. Anh nói: Em không nghe lời mà về, anh phải hại mình anh cho chết đi cho rồi[10]. Thành nghe anh dức[11] lắm phải bỏ ra mà về. Nột phải đưa em ra nửa đàng mới trở lại. Đến khi Nột gánh củi về, lại qua trường học dặn thầy rằng: Em tôi nhỏ dại, xin thầy cầm nó[12], đừng cho vào núi, cọp hùm dữ lắm. Thầy nói hồi sớm mai nầy không biết nó đi đâu, không thấy tựu trường[13], ta có đánh nó. Nột trở về nói với em rằng: Tại em không nghe lời, nên mới phải đòn như vậy. Thành cười nói không có; sáng ngày mai lại lót tót[14] cắp búa vào rừng. Anh sợ nói: Anh đã biểu em đừng đi, sao hãy còn vào đây. Thành không nói rằng chi hết[15], cứ việc đốn hối hả, tháo mồ hôi, chừng đặng một bó, liền bỏ đó mà đi không nói với anh. Thầy thấy tới trưa[16] cứ việc đánh, Thành mới thưa thiệt. Thầy khen Thành có lòng với anh, từ ấy không cầm nữa; anh sợ biểu đừng, Thành cũng không nghe. Một bữa có người ta đi lấy củi đòn[17], thình lình cọp nhảy ra, ai nấy thất kinh ngã lăn, cọp tha Thành đi, Nột vác búa chạy theo, búa nhằm đùi cọp, cọp đau chạy hoảng[18], theo không kịp. Nột kêu khóc, trở lại, ai nấy can gián, Nột lại khóc hơn nữa mà rằng: Em tôi không phải như em ai, nó chết đây cũng vì tôi, tôi còn sống mà làm gì! Nột nói rồi liền lấy búa cắt cổ mà chết[19], ai nấy chạy lại giựt búa, thì đã phạm vào một tấc, máu chảy như xối, nằm không cục cựa. Mấy người hái củi sảng sốt xé áo ra mà ràng rịt chỗ phạm ấy, xúm nhau lại dịnh[20] Nột về, mẹ ghẻ khóc mắng rằng: Mày giết con tao, mày làm bộ cắt cổ cho khỏi tiếng nói đó. Nột rên mà rằng: Mẹ đừng lo buồn, em tôi chết, tôi chẳng có lẽ sống. Đem Nột lên giuờng đau đớn nằm không đặng, những ngồi dựa vách[21] mà khóc. Cha sợ Nột cũng chết luôn, mỗi bữa thường lại giường đút cơm cho ăn, Mẹ ghẻ thấy vậy lại càng chưởi mắng. Nột thấy vậy bỏ ăn ba bữa mà chết.
Thuở ấy trong làng có một người thầy pháp hay đi âm phủ[22], Nột gặp dọc đàng khóc lóc hỏi thăm em ở đâu! Thầy pháp nói không nghe ở đâu, bèn trở lại đem Nột đi tới một chỗ đô hội, thấy một người bận áo đen ở trong thành bước ra, thầy pháp đón hỏi giùm. Người áo đen kéo đãy[23] ra, soạn giấy dư trăm mà không có họ Trương; thầy pháp nghi còn có giấy khác. Người áo đen nói, đường nầy về phần ta coi, có giấy nào lọt được. Nột không tin, nài thầy pháp vào thành, thấy quỉ mới quỉ cũ lăng xăng rộn ràng, cũng có người quen, hỏi thăm không ai biết cả. Thoát chúc[24] nghe tiếng reo lên, nói có Phật Bồ Tát ngự, ngữa mặt lên ngó thấy trên không có một người lớn, hào quang sáng suốt[25], thầy pháp mầng rằng: Anh hai có phước là dường nào! Phật Bồ Tát mấy ngàn năm mới ngự vào chốn âm ti mà cứu người khổ não, nay gặp thì là may lắm. Thầy pháp nói bắt Nột quì, còn các quỉ thì xăng văng nhảy nhót chúc tụng bốn chữ từ bi cứu khổ. Tiếng tung hô[26] dậy đất. Khi ấy Phật Bồ Tát lấy một nhành dương rưới nước cam lồ xuống mù mù như sương, giây phút tan sương Phật Bồ Tát biến mất. Nột rờ cổ nghe uớt ướt, chỗ dấu búa không còn đau nữa. Tên thầy pháp bèn đem Nột trở về, ngó thấy làng, mới từ biệt mà đi. Nột chết hai ngày thình lình sống lại, thuật hết mọi đều gặp gỡ, nói rằng Thành không chết; mẹ ghẻ nói Nột kiếm đều nói láo, lại càng chưởi mắng hơn nữa. Nột không biết lấy đều gì chữa chối, song rờ chỗ phạm búa thì lành, rán chờ dậy lạy cha, quyết lòng lặn lội tìm em, như tìm không đặng, xin cha chớ trông con trở về, một liều con như đã chết rồi. Cha không dám cầm, đem con ra nơi vắng vẻ than khóc một hồi. Nột cất mình ra đi, tới đâu cũng hỏi tin em, ăn mày ăn xin trót năm mới tới Kim Lăng, áo quần rách rưới, lẫng thẫng[27] dọc đường, xảy thấy một đoàn cỡi ngựa hơn mười con. Nột chạy tránh bên mép đàng[28], có một vị quan trưởng, trạc bốn mươi tuổi sấp xuống, quân hầu tiền hô hậu ủng, lại có một vị thiếu niên cởi ngựa nhỏ, liếc mắt ngó Nột. Nột sợ là một vì công tử, không dám ngước mặt, chẳng dè vì thiếu niên ấy gò cương xuống ngựa, lật đật hô lên: Không phải là anh tôi sao! Nột ngóc đầu nhìn thì là Thành, liền nắm tay em mà khóc oà; Thành cũng khóc hỏi anh làm sao ra thân lạc loài dường ấy. Nột tỏ sự tình, Thành lại thảm thương hơn nữa. Mấy người hầu cũng rùng rùng xuống ngựa[29], hỏi căn do bẩm lại với quan trưởng. Vì quan trưởng liền dạy để một con ngựa cho Nột cỡi đi luôn về nhà, hỏi hết nguồn cơn.
Số là ngày cọp tha Thành đi, không biết làm sao[30] lại bỏ Thanh bên đường. Thành nằm đó hơn một đêm, xảy có ông Trương Thiên Hộ ở trong kinh đô mà về, đi ngang thấy Thành đẹp đẽ, thương mà ôm lấy, hỏi quê quán thì Thành nói ở xa xác[31], mới chở Thành về nhà, cho thuốc men dặt mấy chỗ dấu cọp[32]. Cách ít ngày Thành lành đã, ông Thiên Hộ không con bèn nuôi làm con. Khi ấy Thành thuật lại đầu đuôi, Nột lạy tạ ông Thiên Hộ, Thành lật đật vào nhà trong lấy áo quần tơ lụa cho anh mặc rồi dọn yến tiệc đãi anh. Ông Thiên Hộ hỏi cha mẹ ở tại Dự Châu có mấy anh em? Nột thưa rằng không có, nói cha khi còn nhỏ thì ở nước Tề, sau mới lưu lạc ở đất Dự Châu. Thiên Hộ nói mình cũng là người Tề, lại hỏi cha mẹ Nột ở làng nào? Nột thưa rằng: Nghe cha nói ở ấp Đồng Xương. Thiên Hộ lấy làm lạ, nói mình cũng là đồng ấp, hỏi làm sao mà dời qua đất Dự? Nột thưa rằng: Mẹ chính bị quân binh bắt, cha mắc giặc hết sự nghiệp[33], đi buôn bên đất Dự Châu cho nên mới ở đó. Thiên Hộ mới hỏi tên cha; Nột thưa lại, Thiên Hộ nhìn Nột trân trân, vội vã chạy vào nhà trong. Bỗng chúc[34] mẹ ông Thiên Hộ ra hỏi Nột rằng: Có phải mày là cháu nội ông Trương Bính Chi chăng? Nột thưa phải. Mẹ ông Thiên Hộ vùng khóc lớn nói với ông Thiên Hộ rằng: Ấy là em mày đó. Anh em tên Nột sửng sốt không hiểu chi cả. Mẹ Thiên Hộ mới nói mình làm bạn với cha Nột được ba năm, gặp cơn giặc giả lạc loài qua đất Bắc, làm bạn với ông Chỉ Huy, nửa năm sanh Thiên Hộ; qua sáu tháng ông Chỉ Huy mất lộc[35], Thiên Hộ nhờ phụ ấm làm quan, bây giờ cũng thôi. Lại rằng: Mẹ nguồi nguồi nhớ kiểng nhớ quê[36], có cho người qua Tề hỏi thăm mà không nghe tin tức gì, ai ngờ cha bay chạy qua phía tây mà ở; lại nói với Thiên Hộ rằng: Mày nhận em làm con thì mất phước. Thiên Hộ thưa rằng: Có hỏi Thành mà Thành không hề nói là người Tề, tại nó còn nhỏ lắm cho nên không nhớ.
Vậy lấy theo tuổi thì Thiên Hộ đã 41 tuổi làm anh cả. Thành 16 tuổi làm em út, Nột 20 làm anh ba[37]. Thiên Hộ đặng hai em, lấy làm vui mầng, tính trở về quê quán, bà mẹ dùng dằng[38] sợ về không chỗ gởi mình. Thiên Hộ nói thế ở chung được thì ở chung, bằng chẳng thì ở riêng, trong thiên hạ có nước nào là không có cha. Khi ấy mới bán hết nhà đất quyết chí ra đi. Tới nơi Nột với Thành chạy về báo trước cho cha hay. Té ra từ Nột đi, mẹ ghẻ cũng chết[39], còn một mình cha già, bỗng chúc thấy Nột vào và mầng và sợ, thấy Thành lại mầng quá nói không được, nước mắt chan oà[40]. Nột, Thành lại nói có mẹ con Thiên Hộ tới, ông già vùng lau nước mắt, không biết làm sao mà mầng, không biết làm sao mà buồn, đứng sửng sốt[41]. Thiên Hộ vào chào hỏi rồi, mẹ Thiên Hộ ôm ông già mà khóc, ông già thấy tôi tớ trai gái hầu hạ đầy nhà, ngồi đứng không yên. Thành không thấy mẹ, hỏi ra thì mẹ đã chết rồi, van khóc om sòm. Thiên Hộ xuất tiền cất nhà cửa, rước thầy dạy hai em; ngoài tàu ngựa giậm[42], trong nhà tôi tớ dầy dầy, hóa ra một nhà sang giàu dưới thế[43].

Nguyễn Văn Sâm
(Trích Huỳnh Tịnh Của Chuyện Giải Buồn: Chuyện Làm Lớn Con Người, tác phẩm chú giải và nhận định của Nguyễn Văn Sâm, samnguyen20002002@yahoo.com, sẽ xuất bản năm 2020. )
 ______________________
[1] Cơn bát loạn: Lúc giặc giả
[2] Chắp nối: Lấy vợ / chồng mới sau khi người kia vì lý do nào đó không còn sống chung nữa.
[3] Chẳng khỏi bao lâu: Nay nói: Chẳng bao lâu.Vết tích của cách nói xưa còn lại là đây.
[4] Cầm như tôi mọi: Coi như, đối xử như người ăn người làm.
[5] Can gián: Can ngăn, khuyên can. Chữ can gián nay không dùng nữa vì ảnh hưởng cách dùng cho vua chúa.
[6] Không thèm nghe lời: Chẳng để tâm đến lời khuyên can. Chữ thèm ở đây hay quá, phong vị Nam Kỳ.
[7] Hoi hóp: Thoi thóp. HTC, Hơi thở yếu, còn chút hơi thở: Còn thở hoi hóp.
[8] Lộn lưng: Bỏ gì đó lộn giấu trong lưng quần
[9] Việc lậu ra: Chuyện lộ ra, chuyện giấu mà bị biết.
[10] Hại mình anh cho chết đi cho rồi: Tự vận.
[11] Dức: Rầy, quở, la mắng.
[12] Cầm (xin thầy) nó: Xin thầy giữ nó, đừng cho nó đi đâu. Cầm khách: Mời khách ở lại thêm, không để cho về liền.
[13] Tựu trường: Nay nói tới trường, đi học.
[14] Lót tót: HTC, Bộ lặng lẻ đi theo sau.
[15] Không nói rằng chi hết: Làm thinh. Không nói không rằng.
[16] Tới trưa: Vô học trễ giờ.
[17] Củi đòn: HTC: Củi chặt vắn nguyên đoạn. Nguyên bản viết củi đòng, nghĩ là sai.
[18] Chạy hoảng: Chạy thảng thốt bất kể phương hướng.
[19] Mà chết: Nay nói cho chết.
[20] Dịnh: ?
[21] Những ngồi tựa vách: Chỉ luôn ngồi dựa vách.
[22] Đi âm phủ: Đánh đồng thiếp xuất hồn tới âm phủ.
[23] Đãy: Cái túi; đồ may bằng vải lụa để mà đựng trầu thuốc. Trần Nhạc Võ, : Đãy thao lăm chờ vận khả vi, gương trí dốc đợi thời kinh tế.
[24] Thoát chúc: Một chốc, khoảng thời gian ngắn sau đó.
[25] Sáng suốt (hào quang): Nay nói sáng chói, sáng rực; chữ sáng suốt nay dùng cho trí tuệ, không dùng cho vật thể.
[26] Tung hô: Hoan hô, ca tụng.
[27] Lẫng thẫng: Đi chầm chậm mà không có mục đích tới chỗ nào. lững thững HTC, Lẩn thần: Bộ thơ thẩn, buồn bực, chậm chạp, đi không muốn bước. Trong tự điển ông Huỳnh Tịnh Của viết lẩn thẩn như nhiều tự điển khác, kể cả Gén.
[28] Bên mép đàng: Bên rìa đường, bên lề đường. Xin ghi lại câu đố có chữ mép, dầu hơi tục: Có mặt mà chẳng có mồm. Mà hai bên nép bồm xồm những lông. (Con đường.)
[29] Rùng rung xuống ngựa: Cùng nhau lật đật xuống ngựa.
[30] Không biết làm sao: Không hiểu tại sao.
[31] Xa xác: Xa.
[32] Đặt mấy chỗ dấu cọp: Đắp vào những chỗ bị cọp cắn, cọp quàu…
[33] Mắc giặc hết sự nghiệp: Bị giặc giã cơ nghiệp ra tro bụi.
[34] Bỗng chúc: Bỗng chốc. Một lúc sau đó không lâu.
[35] Mất lộc: Dịch chữ thất lộc: chết.
[36] Nguồi nguồi nhớ kiểng nhớ quê: Bùì ngùi nhớ cảnh ở quê nhà. (Cảnh> kiểng). HTC, Ngùi ngùi: Động lòng thương nhớ. Để ý, trong tự điển ông Huỳnh Tịnh của viết ngùi ngùi.
[37] Tính theo người Nam.
[38] Dùng dằng: Lưỡng lự, không nhứt quyết. Kiều: Dùng dằng nửa ở nửa về.
[39] Dữ dằn quá làm sao sống lâu!
[40] Chan òa (nước mắt): Nước mắt chảy đầy mặt. Gén. Chan hòa, mouiller un peu: Ướt một chút.
[41] Sửng sốt: Sửng sàng, sửng sờ. Ngạc nhiên quá đỗi.
[42] Ngoài tàu ngựa giậm: Nhà giàu sang, có nuôi ngựa, nhốt trong tào, ở trong nhà có thể nghe tiếng ngựa giậm chưn. Tàu: Chỗ nuôi nhốt thú lớn: Tàu ngựa, tàu voi.
[43] Sang giàu dưới thế: Giàu sang trên đời.

Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.189 giây.