Cổ nhân có câu: Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào; hàm ý thế hệ nào cũng có những kỹ năng và những thế mạnh khác nhau. Những gì người đi trước trải qua thường hiếm khi truyền lại cho thế hệ sau trọn vẹn vì nhiều lý do khác nhau; trong đó hội chứng “thời bọn tao” và cách người trẻ thường nghĩ “lại là ông bà già…” là những chướng ngại cản trở. Người trẻ vì thế thường thích khám phá, thích trải nghiệm, ít khi họ chịu nghe những bài học quý như vàng của người đi trước.
Trong một ngữ cảnh khác, đời cua cua máy, đời cáy cáy đào hàm ý thế hệ nào cũng phải tự xoay sở để ấm vào thân. Không ai có thể sống thay cho con cháu mình mãi được. Cặm cụi ky cóp cả đời ư? Nhà to, xe đẹp, của nả, tài sản chìm nổi…, tiền chúng ta làm ra chúng ta mới quý. Còn tiền thừa hưởng được, đó là một bàn đạp thuận lợi, song chủ lực vẫn phải là tiềm năng của con cháu bộc phát mới mong đạt được cái hậu: Con hơn cha là nhà có phúc.
Nói thì nói vậy, nước mắt chảy xuôi, ai làm cha mẹ mà không nghĩ đến tương lai con cái. Chúng ta quần quật cày. Cái gì cũng làm. Thương công tiếc việc, đày thân đày xác tựu trung lại cũng chỉ vì con cái. Đến nỗi có người (vì phải nuôi con, sanh chúng ra phải có trách nhiệm mà) đã nói: Vì sấp nhỏ nên tụi mình không được phép mệt, không được phép làm biếng, không được phép ốm đau…
Ai trong chúng ta có con mà không mong một ngày con sẽ khá hơn mình. Chúng ta tằn tiện, chịu khó cốt dành dụm, vừa là phòng thân trước mắt, vừa là tích lũy cho con cháu mai sau. Thành ra khi gặp người độc thân, người không có con nhưng vẫn chăm chỉ, cần cù, thiên hạ thường cười khẩy: Ông không có con cái thì làm nhiều để ai ăn? Còn người có con thì khác, bao nhiêu cũng chẳng đủ, cũng thiếu khi họ nghĩ đến chuyện bù chì cho con cái.
Một trong những mối lo của các bậc phụ huynh là học phí đại học dành cho con cái sau này. Vâng. Nhiều bậc phụ huynh đặt chân đến Mỹ đã nghĩ đến con đường tiến thân quan trọng đối với con cái họ là học vấn. Còn bản thân họ thì sao cũng được. Tiếng Anh “nhá mẻ răng” nhưng họ vẫn không ngại chuyện bấm thẻ, cày, càng lắm overtime càng tốt. Họ mong ước sẽ có tiền giúp người thân bên nhà, mua được nhà sớm, sắm chiếc xe tốt, rồi có con, họ nghĩ đến chuyện có chút tiền để dành cho con sau này tụi nó đỡ cực, không vất vả như mình. Họ muốn con họ có thể theo đuổi những trường đại học lớn, danh tiếng, tốt nghiệp sẽ có việc làm, thơm danh dòng tộc.
Câu hỏi: Cách nào tốt nhất để tiết kiệm cho quỹ đại học sau này cho con cái? Bởi học phí đại học tại Mỹ ngày càng tăng vọt, chuyện có một tài khoản quỹ đại học cho con là điều không ít các bậc phụ huynh đã nghĩ đến. Theo Wall Street Journal, trung bình hiện nay một sinh viên tại Mỹ sau khi tốt nghiệp thiếu nợ khoảng $37.172. Con số đó không hề nhỏ. Đó là lý do tại sao không chỉ Federal Reserve Bank of New York gióng trống cảnh báo nợ đại học tại Mỹ đã leo đến ngưỡng 1.3 trillions Mỹ kim mà đi đến đâu bạn cũng nghe người ta nhắc đến con số kỷ lục này. Vâng. Con số (1 ngàn 300 tỷ Mỹ kim kinh hoàng) là gánh nặng khổng lồ cho nước Mỹ. Tóm lại, hầu như đại đa số nhà nào cũng có người nợ đại học (student loan).
Giải quyết vấn đề này không khó, tuy nhiên bạn phải thực hiện càng sớm càng tốt. Tại sao? Vì số tiền to chúng ta không có. Nhưng với số tiền nhỏ, góp gió thành bão, mưa dầm thấm đất, nuôi heo bỏ ống, số tiền lớn dần, khi con đến tuổi đi đại học, quỹ bỏ ống tiết kiệm ấy được sử dụng sẽ là một hỗ trợ rất quan trọng. Vì thế càng thực hiện sớm càng tốt.
Như một quy ước bất thành văn, càng bỏ nhiều tiền vào quỹ tiết kiệm đại học cho con, số tiền càng lớn nhanh hơn. Tuy nhiên khuyến cáo chung các bậc phụ huynh nên nghĩ đến bản thân mình và quỹ tiết kiệm đại học cho con cần cân bằng với các nhu cầu sinh hoạt khác của gia đình. Bởi ngoài số tiền bạn tiết kiệm cho con sẽ có những nguồn khác như học bổng (scholarships), tiền trợ giúp (grants). Vì thế các bậc cha mẹ nên có một quỹ khẩn cấp (tương đương nửa năm số tiền mình kiếm được) phòng sự cố mất việc, trích ra mỗi tháng 15% vào quỹ hưu trí dành cho sau này, đừng để mình nợ tín dụng nhiều…
Vài cách gây quỹ tiết kiệm đại học cho con em gồm có ESA (Education Savings Account) hay còn gọi là Education IRA. Với ESA bạn có thể tiết kiệm cho mỗi con $2.000/năm số tiền sau khi đã đóng thuế. Số tiền này nếu bạn bỏ ống ở nhà, sau 18 năm, bạn sẽ có $36.000. Nhưng vì là dạng IRA, bạn bỏ ống theo dạng đầu tư nên lợi tức có thể cao hơn (higher rate of return) so với lãi suất do ngân hàng quy định. Khi con bạn sử dụng bạn sẽ không phải đóng thuế với số lợi tức từ khoản tiền bạn đóng trong vòng 18 năm trời. Chương trình này cho phép bạn chọn đối tượng đầu tư và lợi tức đầu tư không bị đóng thuế. Tuy nhiên bạn phải là người có mức lương không quá cao, mỗi năm chỉ được bỏ ống tối đa $2.000, và tuổi trễ nhất con bạn phải sử dụng quỹ này là 30 tuổi.
Cách tiết kiệm quỹ đại học khác là 529 Plan. Cách này cho phép bạn bỏ ống khi mức lương của bạn cao. Tuy nhiên khi chọn qũy 529 Plan, bạn nên tìm hiểu, tránh những quỹ 529 Plan không cho bạn quyền lựa chọn đối tượng đầu tư cũng như các qũy 529 Plan thay đổi đối tượng đầu tư khi tuổi của con bạn lớn dần. Lợi ích của chương trình 529 Plan cho phép bạn chuyển qũy từ đứa con này sang đứa con khác. Với chương trình này bạn có thể bỏ nhiều tiền (tùy theo tiểu bang bạn đang sống) số tiền có thể lên đến $300.000, bạn không bị giới hạn bởi mức lương thu nhập, và lợi tức đầu tư được miễn thuế.
Cách bỏ ống thứ ba là UTMA (Uniform Transfer to Minors Act) hay UGMA (Uniform Gift to Minors Act) vốn khác với hai chương trình thảo luận ở phần trên (ESA và 529 Plan). Theo tên gọi, cách bỏ ống UTMA/UGMA là hình thức tiền bỏ ống không sử dụng duy nhất vào mục đích tiết kiệm thanh toán chi phí giáo dục trong tương lai. UTMA là quỹ chuyển giao còn UGMA là quỹ ở dạng quà. Số tiền bỏ ống trong hai loại quỹ này do con bạn đứng tên nhưng bạn là người kiểm soát quỹ này cho đến khi con bạn đủ 18 tuổi (nếu là quỹ bỏ ống quà UGMA) hay đủ 21 tuổi (nếu là quỹ chuyển giao UTMA). Hai hình thức bỏ ống này con bạn có thể xài vào các mục đích khác nhau, không nhất thiết chỉ sử dụng cho mục tiêu chi trả đại học. Khoản lợi tức đầu tư được miễn thuế. Hai vấn đề bạn nên cân nhắc là con bạn có toàn quyền sử dụng số tiền trong quỹ này khi cháu đủ tuổi và bạn không thể thay đổi tên của người đứng trong quỹ, tức đã cho con đứng tên là số tiền đó sẽ vĩnh viễn thuộc về cháu.
Với ba chương trình bỏ ống vừa nêu trên, bạn đọc có một cái nhìn tương đối giữa các lựa chọn. Điểm chung là lợi tức từ số tiền bỏ ống được hưởng quy chế miễn thuế. Và nếu bạn thực hiện càng sớm, số tiền bạn giúp con sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên đây không chỉ là cách duy nhất bạn giúp con. Dưới đây là vài gợi ý bạn có thể đồng hành với con trong chiến dịch Không-Mang-Nợ-Lúc-Học-Xong-Đại-Học.
Giúp con hiểu giá trị đồng tiền. Giúp con hiểu được giá trị của tiết kiệm. Giúp con hiểu được giá trị của lao động. Khi con bạn hiểu được những giá trị cơ bản này, các cháu không chỉ có trách nhiệm với tình thương của bạn mà đây là một cách sống tự lập rất tốt. Đừng nghĩ: Các cháu nên chuyên tâm học hành chứ không nên đi làm. Thực ra có một công việc nhẹ, vừa sức, sẽ giúp các cháu cân bằng sinh hoạt và có thêm những kỹ năng giao tiếp xã hội rất nên có. Cổ ngữ có câu: Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Khi con bạn hiểu được giá trị cần kiệm, các cháu sẽ có ý thức, sẽ giúp bạn và bản thân các cháu rất nhiều trong thời gian đi đại học.
Hơn nữa các trường Đại học luôn có những học bổng. Khuyến khích con nên nộp đơn xin các loại học bổng này hoặc tìm hiểu các học bổng khi các con học năm cuối cấp Trung học. Nếu được, khuyến khích con học những lớp AP (Advanced Placement) thời gian học High School vì các lớp này là tín chỉ cấp đại học nên các cháu không phải học lại những lớp này nữa. Nếu con học khá, bạn có thể cho con đi làm một việc nhẹ, vừa sức, sau đó mở cho con một tài khoản riêng, con sẽ tập làm quen với “nhịp thở cuộc sống” không bỡ ngỡ khi bước vào thế giới sinh viên sau này. Đặc biệt với kỹ năng quản lý thời gian và biết cách sắp xếp thời khóa biểu, con bạn càng tự tin hơn với lịch học đại học sau này.
Cuộc sống là vậy, luôn có những thử thách, con em chúng ta cần hiểu được những va chạm cọ xát thực tế, đó là chuyện sớm muộn mà thôi. Là phụ huynh, sẽ có ngày chúng ta chứng kiến cảnh con em mình bước vào Đại học. Tiền học càng ngày càng đắt đỏ. Chi phí đại học không phải chuyện đùa. Chuẩn bị bỏ ống để các cháu sau này bớt vất vả là chuyện rất nên làm, đặc biệt khi bạn có khả năng.
Hãy nhớ, nhiều người trong chúng ta nhưng thuộc thế hệ người Việt đầu tiên trên đất Mỹ đâu có quỹ tiết kiệm đại học bỏ ống nào. Vậy mà vẫn có những bác sĩ, những luật sư, kỹ sư, y tá, giáo viên, kế toán viên… tại sao? Phải chăng nhờ vào tinh thần vượt khó, những nỗ lực cần cù, những sinh viên thế hệ Việt Nam đầu tiên trên đất Mỹ tiếng Anh nặng accent (giọng của người Giao chỉ) đã đột phá vào nhiều lĩnh vực nghề nghiệp trên đất Mỹ. Hãy cho con bạn những giá trị ấy. Đó mới là những thứ rất quý, rất cần thiết cho con bạn sau này.
Đó cũng là những đồng tiền bỏ ống rất quý mà bạn nên có trong ruột tượng của các con.
Nguyễn Thơ Sinh