Nhạc sĩ Trịnh Hưng, tên thật là Nguyễn Văn Hưng, sinh năm 1930 (*), quê quán ở Bắc Ninh. Năm 1945 tới 1953 ông theo kháng chiến chống Pháp, làm đội phó văn công Trung Đoàn Thăng Long. Năm 1954 ông hồi cư về Hà Nội sau đó vào Nam. Ông bắt đầu sáng tác nhạc năm 1950 nhưng mãi sau 1956 nhiều nhạc phẩm của ông mới được nồng nhiệt đón nhận.
Ông thuật lại trước năm 1954 ông là văn công ở ngoài Bắc, lúc đó ở ngoài Bắc có đấu tố nhiều quá, những người trí thức đã bỏ về hết nên ông theo người di cư vào Nam. Vào Nam ông mở lớp dạy đàn, sáng tác và luyện giọng tại đường Cao Thắng, Sài Gòn. Ông có nhiều học trò và nhiều người đã trở thành ca sĩ nổi tiếng như Ca sĩ Ánh Tuyết, Bạch Yến, Thanh Thúy và Nhạc sĩ Đỗ Lễ, Trúc Phương cũng là học trò của Ông.
Ở Miền Nam, vùng đất tự do với nắng ấm chan hòa đã gây cho ông cảm hứng để sáng tác nhiều tác phẩm về đồng quê, trong đó có nhiều bản rất nổi tiếng là bản “Tôi Yêu” , “Lối Về Xóm Nhỏ”, “Lúa Mùa Duyên Thắm”, “Tình Thắm Duyên Quê”, “Tiếng Ca Dân Lành “, “Trăng soi duyên lành” … Nhạc đồng quê của ông rất được yêu chuộng bởi lời ca mộc mạc, trong sáng, tiếng nhạc vui tươi, chan chứa tin yêu, gợi cho người nghe một cảm giác thanh bình, an lành nơi thôn dã nên được yêu thích.
Sau 30 tháng Tư, 1975, Nhạc sĩ Trịnh Hưng tiếp tục dạy nhạc kiếm sống, nhưng người con trai lớn của Ông bị bắt đi lính, đẩy qua Cam Bốt, ở đó lính Việt bị chết nhiều quá, nên con ông trốn. Hai năm sau công an bắt được đã đánh con ông chết. Ông vô cùng căm hận nên viết bản nhạc “Ta Quyết Tâm Giết Lũ Hồ”, vì bản nhạc đó mà ông bị tù tám năm, từ 1982 đến 1990. Sau khi mãn tù, Ông được gia đình bảo lãnh sang Pháp. Ông đã cộng tác với nhiều tạp chí văn học hải ngoại.
Tháng Mười, 2003, Nhạc sĩ Trịnh Hưng ra mắt CD “Tôi Yêu” do Thư Viện Diên Hồng tại Pháp tổ chức để vinh danh ông. Đây có lẽ là CD duy nhất ông ghi âm thu lại những nhạc phẩm của mình để kỷ niệm cho con cháu và cho bạn bè.
Trong CD “Tôi Yêu” này có 12 bản nhạc trong đó có bản do Ông sáng tác, có bản ông phổ thơ của người khác. Tháng 11 năm 2004 Hội thơ Tài Tử tại Bắc Cali mời ông sang Hoa Kỳ trong ba tháng. Ông được báo chí và các đài phát thanh phỏng vấn và đông đảo đồng hương đến dự những buổi vinh danh người nhạc sĩ lão thành từ Âu Châu đến.
Ngoài nhạc ra, Nhạc sĩ Trịnh Hưng còn có tài vẽ hí họa và làm thơ. Trong số những bài thơ của ông, bài được nhiều người biết đến là bài “Một mình”.
Nhạc sĩ Trịnh Hưng đã vĩnh viễn ra đi ngày 10 tháng 5, 2008 tại Paris, Pháp Quốc.
Bài viết của Nhạc sĩ Lê Dinh
Ghi chú: (*) Theo Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên, năm sinh của NS Trịnh Hưng là 1924
Lối về xóm nhỏ “Lối về xóm nhỏ” là tựa đề của một trong nhiều bài hát quen thuộc một thời với dân miền Nam ở bên nhà vào giữa thập niên 50. Lấy một thời điểm cụ thể là năm 1956 thì ngày ấy tôi mười bốn tuổi và có một kỷ niệm không dễ quên đối với bài hát này.
Dạo đó Đài Phát Thanh hàng ngày cho phổ biến khá nhiều bài hát theo tiết điệu “Mambo”. Cũng chả có gì lạ, bởi tiết điệu này lúc đó đang được phổ biến ở Âu Mỹ. Một trong những ban nhạc nổi tiếng ở Mỹ thời ấy, “chuyên trị” cái vụ “Mambo” là ban nhạc của “Xavier Cugat”. Bên Pháp thì Dario Moreno, một giọng ca đang ăn khách trên đĩa nhựa loại “45 tours”, cũng đang nổi tiếng với bài “Mambo Italiano”.
Các nhạc sĩ có tài của nước ta có cái hay là không bắt chước cái gì của phương Tây thì thôi nhưng đã bắt chước thì tạo nên cái hay riêng với nét nhạc xứ mình. (Cứ xem những bài hát của Văn Phụng thì biết! ). Thời ấy một bài nổi tiếng theo tiết điệu “Mambo” của ta là bài “Khúc ca ngày mùa” của Lam Phương mà cho đến bây giờ tôi vẫn cho là đặc sắc. Tôi nghe qua Đài Phát Thanh những bài như “Tôi yêu”, “Lối về xóm nhỏ” của Ông Trịnh Hưng cũng vào cái thời ấy. Tôi nhớ đặc biệt bài “Lối về xóm nhỏ” từ một kỷ niệm. (Có cái gì ta chịu khó nhớ mà không từ kỷ niệm?)
Nhưng trước hết phải nói là thời ấy tuy nghe loại tiết điệu đó, cũng na ná như “Cha Cha Cha”, thấy “có lý” đấy thế nhưng tôi không mấy “khoái”! Tính tôi hợp với các tiết điệu “uyển chuyển”, dịu dàng hơn, cho dù là “Rhumba”, “Bolero” hay “Tango”. Mà cái đám bạn bè thuộc loại “nhóc con” như tôi thời ấy thì bọn chúng không ưa loại nhạc “nhè nhẹ”, “chầm chậm” kiểu “diễn tả tình cảm” ! Kể ra thì chúng cũng có lý: Con nít mà “diễn” với “tả” cái gì ? Do đó mà có tụ tập lại với nhai để đàn địch thì trước sau gì cũng có một lô các bài theo tiết điệu “Mambo”!
Có điều là vào một dịp gần Tết thì một đứa trong đám bạn cùng trường của tôi bên “Chasseloup” có quen với một cô bé ở một trường tư thục theo chương trình Việt. Tết đến, các “em” xúm nhau lại tổ chức họp mặt ca hát trong lớp để đón Xuân, nghỉ Tết. Thằng bạn của tôi một hôm xách cây đàn “ghi-ta” đến trường con nhà người ta để đệm đàn cho con bé bạn của nó. Nó rủ tôi theo vì tôi chạy cái xe gắn máy thì nó ngồi vắt vẻo nơi yên sau để ôm một cây đàn “ghi-ta” và một cây “mandoline” !
Đến nơi thì hóa ra trong danh mục những bài mà “các em” sẽ hát lại có cả bài “Lối về xóm nhỏ” của Trịnh Hưng! Bài này do một “em” tên là Thu Hà đảm trách vụ hát hỏng. “Em” Thu Hà không phải con bé bạn của thằng bạn tôi. Tôi thắc mắc với các “em”: ”Tết nhất đến nơi, không hát những bài Xuân mà khi không đi chọn “Lối về xóm nhỏ” là thế nào?” Mấy “em” còn ngơ ngác chưa biết nói năng thế nào với cái “tay Bắc Kỳ tính nết có vẻ khó ưa này” thì thằng bạn Nam Kỳ của tôi gắt: ”Người ta thích hát cái gì thì thây kệ người ta chứ mắc mớ gì đến mày?” Tôi cãi: ”Mày muốn tao phụ đệm đàn cho nó hát thì tao cũng phải thích bài hát đã chứ!” Mấy “em” kia nhao nhao: ” Aaa ! Ai là “nó” đấy ? Người gì mà dữ tợn” ! Thằng bạn của tôi thấy coi bộ không xong bèn chen vào: ”Ôi ! Hơi đâu mà bắt chẹt nó! Coi vậy chứ nó cũng hiền lắm !” Tôi gỡ: ”Đấy, thì nó chẳng vừa gọi tôi bằng “nó” là gì ?” Các “em” lại nhao nhao: ”Nhưng hai người là bạn với nhau ..” Tôi lý sự: ”Như vậy thì mấy cô không coi tôi như bạn ?” Các “cô”: “Nhưng người ta là con gái ..” Một “cô” khác: ”Người gì mà không “vô-lăng” tí nào!”
Nhưng rốt cuộc rồi thì tôi cũng đệm đàn cho “em” Thu Hà hát bài “Lối về xóm nhỏ” của Trịnh Hưng. Bài hát thì tất nhiên là hay rồi. Chỉ phiền là “em” Thu Hà ngày đó dáng dấp, mặt mũi xinh xắn như thế nhưng hát hỏng thì lại chả có ra làm sao cả! Trật nhịp lui trật nhịp tới, tuy cấu trúc về nhịp của bài hát đâu có gì là phức tạp?
Hôm nay, một ngày Xuân muộn ở Nam Cali, cái Tết đã qua từ lâu, nhưng đuợc cái tin buồn là vừa mới đây nhạc sĩ Trịnh Hưng qua đời, tôi ngồi vào đàn, đàn lại bài “Lối về xóm nhỏ” để nhớ lại một quãng đời đã xa lắc xa lơ của riêng mình. Nhớ đến công ơn –xin lập lại: ”công ơn”- của một nhạc sĩ tài hoa đã để lại cho đời những giai điệu thật đẹp tuy chả biết dễ mấy ai còn nhớ đến tên tuổi cùng tài năng của ông!
Tôi đàn lại giai điệu của bài hát mà chỉ tiếc là giá như hồi ấy người ta cũng đã chế tạo ra các lọai “piano điện tử” như ngày nay để vào cái dịp Tết năm ấy tôi đã có cái hấp dẫn hơn để đệm đàn cho “em” Thu Hà thời ấy hát. Nhưng nghĩ lại thì thấy là như vậy cũng đuợc rồi. Có đàn với cái hòa âm phong phú hơn thì chung cuộc “cô em” đã lại càng hát sai thêm!
Thanh Trang
Lối Về Xóm Nhỏ Về thôn xưa ta hát khúc hoan ca
Ngọt hương lúa tình quê thêm đậm đà
Dào dạt bao niềm thương trong mái lá
Bờ dâu xanh, cô gái hát êm êm
Tầm mai chín gởi anh dâng mẹ hiền
Lòng già thêm hơi ấm khi chiều lên.
Có những chiều hôm
Trời nghiêng nắng xế đầu non
Nắng xuống làng thôn
Làm cho đôi má em thêm dòn
Lúa đã lên bông
Mắt già tươi sáng thôi chờ mong
Tiếng hò cô lái bên Cửu Long
Mơ rằng mai lúa lên đầy bông
Chiều hôm nay quay gót bước phiêu du
Về thôn xóm để vui chung ngày mùa
Đường về thôn quyện chân lên nhánh lúa
Vầng trăng nghiêng soi mái tóc em thơ
Vài cô gái nhỏ to vui chuyện trò
Đường về thôn niềm vui dâng đây đó.
VIDEO Bài hát: Lối Về Xóm Nhỏ
Ca sĩ: Phạm Anh Thư
Sửa bởi người viết 30/09/2019 lúc 04:01:13(UTC)
| Lý do: Chưa rõ