Thực ra thì da có thể trở nên khô vào bất cứ mùa nào, nhưng mùa Đông có một số “thiên thời, địa lợi” khiến cho da dễ nhăn khô hơn.
Da khô không gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe, nhưng hơi khó chịu vì khô làm ta cảm thấy ngứa ngáy, gãi muốn chẩy máu mới đã cơn ngứa.
Và da khô nom nó cũng kém thẩm mỹ, đặc biệt là nếu xuất hiện trên khuôn mặt mày ngài da phấn, hoặc trên đôi bàn tay vốn mịn màng, mát dịu khi tay cầm tay.
Nguyên nhân
Mùa Đông có nhiều yếu tố “thuận lợi” cho da khô xuất hiện:
– Thời tiết mùa đông thường là lạnh và không khí lại khô. Tất cả đều làm bay lớp ẩm trên da. Thế là da trở thành khô như tờ giấy bản phơi nắng.
Nói vậy không có nghĩa là vào mùa Hè, da không khô. Nếu cơ thể tiếp xúc quá lâu với tia tử ngoại, với hơi nóng của ánh nắng mặt trời thì da cũng bốc hết hơi ẩm và khô.
– Mùa lạnh là phải tìm cách sưởi cho ấm thân mình. Mà nếu để máy điều hòa không khí quá cao thì không khí trong phòng cũng ngột ngạt khô khan, thu hút hết độ ẩm của da.
– Lạnh là đâu có tắm nước lạnh được. Phải tắm với nước nóng. Nhiều người ngâm cả nửa giờ trong bồn hoặc dưới vòi nước nóng, để cho “khí huyết lưu thông”. Tắm xong lại lấy khăn lông chà khắp thân mình, cũng để cho đỏ da, thắm thịt. Thế là bao nhiêu lớp nhờn giữ ẩm cho da tan biến theo nước nóng trôi ra cống rãnh, khiến cho da khô. Nhất là nếu lại dùng xà bông có độ tẩy rửa quá cao hoặc shampoo quá mạnh, để tắm để gội cho sạch da, sạch tóc.
Các nhà chuyên môn có nhận xét là với tuổi cao, da thường hay khô vì các cụ lười uống nước và cũng vì cảm thấy không khát. Và nam giới dường như tuyến nhờn trên da hoạt động mạnh hơn, nên da tương đối ẩm hơn da nữ giới.
Da khô còn thấy trong một số bệnh như:
– Bệnh suy tuyến giáp (thyroid gland), trong đó không có đủ hormon của tuyến này để kích thích hạch mồ hôi và hạch nhờn hoạt động, khiến cho mặt không còn trơn, trán không còn bóng, da khô.
– Bệnh nhân bị chứng vẩy nến (Psoriasis) cũng có làn da rất khô và ngứa.
– Da khô thấy trong bệnh tiểu đường không kiểm soát.
– Mất nước trong cơ thể vì tiêu chẩy, ói mửa, đổ mồ hôi nhiều khi làm việc ngoài nắng hoặc vận động cơ thể quá mạnh mà không uống nước cũng làm cho da khô.
– Da khô xảy ra khi dùng một vài dược phẩm như thuốc trị mụn trứng cá Accutane, thuốc lợi tiểu, vài loại kháng sinh hoặc khi uống nhiều rượu, cà phê.
– Dinh dưỡng kém, thiếu sinh tố A và các sinh tố nhóm B làm da khô
Dấu hiệu
Da thường hay khô ở vùng bụng, hai bên cạnh sườn, tay, chân.
Khô quá, da sẽ nhăn nheo, co lại, mặt da gồ ghề với những mảnh da mỏng nhỏ tróc ra. Đôi khi da quá khô đến nỗi nứt nẻ, chẩy máu, đặc biệt là ở bàn tay, bàn chân.
Khô da thường đi đôi với cảm giác ngứa vì da luôn luôn bị kích thích. Mà ngứa là phải gãi cho đã. Nhưng sự gãi không giải quyết được vấn đề và còn có thể làm da trầy rách, mở đường cho vi khuẩn xâm nhập, gây ra viêm nhiễm da.
Nếu không phòng tránh, chữa trị, da khô có thể đưa tới viêm da, viêm nang lông. Da có thể bị nhiễm trùng lở loét trầm trọng.
Chăm sóc- Điều trị
Thường thường da khô không gây nguy hại cho sức khỏe và mỗi người có thể tự chăm sóc với các hiểu biết và phương thức sẵn có.
Tuy nhiên, khi da khô mà không giảm bớt với chăm sóc cá nhân, khi khô và ngứa ảnh hưởng tới giấc ngủ hoặc khi da bị viêm nhiễm…đều cần phải được bác sĩ khám và điều trị. Bác sĩ sẽ tìm nguyên nhân gây ra khô da và chữa tận gốc các nguyên nhân đó.
Chúng ta có thể áp dụng một số phương thức như sau để tránh cho da khỏi khô, nhất là vào mùa Đông tháng giá.
1- Theo ý kiến nhiều người, về mùa Ðông, ta ít đổ mồ hôi lại mặc quần áo che kín thân mình, cơ thể tương đối sạch sẽ nên cũng không cần tắm mỗi ngày mà có thể mỗi hai ngày. Nhưng mỗi ngày cần lau rửa những vùng kín không thoáng khí.
2- Khi tắm không nên kéo dài quá 15 phút và tắm với nước vừa đủ ấm để khỏi bị lạnh, thoa xà bông ở các vùng bí hơi như nách, hạ bộ, hậu môn, bàn tay bàn chân. Tắm nước quá nóng quá lâu lấy đi các chất nhờn bảo vệ da và làm da mau hư và khô.
3- Sau khi tắm, lau nhẹ những giọt nước trên mình với tấm khăn mềm, thoa vỗ nhẹ để giữ độ ẩm càng nhiều càng tốt rồi bôi kem ẩm lên da.
Ðừng chà xát mạnh đến đỏ người như nhiều người làm, gọi là cho máu lưu thông, nóng mình. Chà mạnh làm mất chất nhờn trên da và gây tổn thương cho tế bào da.
Khi da còn hơi ướt, bôi kem mềm da phủ lên trên để giữ một chút ẩm.
4- Da mặt: Không nên dùng xà bông hoặc mỹ phẩm lau mặt quá mạnh để tránh mất độ ẩm và chất dinh dưỡng trên da.
Thoa kem buổi sáng và buổi tối nhất là chung quanh mắt và trán nơi có nhiều vết nhăn. Da khô làm đường nhăn trên mặt nổi rõ hơn vào mùa Ðông. Trước khi đi ngủ nhớ lau hết phấn son trên mặt.
5- Dùng xà bông, shampoo nhẹ ít chất tẩy rửa (detergent) để tránh kích thích da.
6- Bôi kem mềm ẩm da nhiều lần trong ngày.
7- Ðừng hút thuốc lá vì nicotine làm mạch máu co hẹp, giảm lưu thông máu tới các tế bào, chất dinh dưỡng và oxy ít đi
8- Tránh ánh nắng gay gắt. Bôi kem chống tia tử ngoại khi ra ngoài trời nắng gắt.
9- Khi chạy máy sưởi trong nhà, không khí rất khô làm da bị khô và ngứa. Nhiệt độ trong nhà nên giữ mức vừa phải, đừng quá nóng.
Muốn cho không khí trong phòng bớt khô, có thể dùng một máy phun bụi nước. Nhưng nhớ giữ máy sạch sẽ, đừng để vi khuẩn, nấm độc sinh sôi nẩy nở trong đó và gây ra nhiễm bệnh cho mọi người trong nhà.
10- Mặc quần áo nhẹ, nhiều lớp để tránh quá nóng, đổ mổ hôi. Lựa loại vải thiên nhiên như tơ lụa, bông gòn để da dễ thở
11- Mang bao tay, đội mũ khi ra ngoài lạnh để da khỏi bốc hơi nước.
12- Dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng.
Ăn nhiều loại rau có mầu vàng đậm như cà rốt, dưa cantaloupe, cam… có nhiều betacaroten, cần thiết cho da. Giảm thiểu các loại hành, tỏi… có nhiều sulfur kích thích da.
Bớt tiêu thụ thực phẩm chiên rán, nước ngọt, nước trái cây nhái hiệu, cà phê đen.
13- Ngoài ra, muốn da tốt ta nên ngủ đầy đủ và vận động cơ thể mỗi ngày. Ngủ để giúp các tế bào có thì giờ tái tạo, tu bổ hư hao. Vận động giúp máu huyết lưu thông để nuôi dưỡng da.
Về kem tăng ẩm da, nhiều người thích loại có chất Alpha hydroxy acid lấy ra từ rượu vang đỏ, yogurt và trái cây. Chất này kích thích tế bào da tăng sinh mạnh, làm da mịn.
Da mỗi người có độ acid/kiềm khác nhau, nên cần nhờ chuyên viên thẩm mỹ thử và hướng dẫn loại kem ẩm thích hợp.
Các tinh dầu thực vật rất tốt để giữ da ẩm. Dầu Avocado đặc rất thích hợp cho da khô thiếu nước; dầu cà rốt: tốt cho da bị ngứa, rát; dầu castor tốt cho da bị khô nứt.
Nếu da có ngứa, xin đừng gãi mà lấy một chiếc khăn mềm ngâm nước đá lạnh phủ lên, là cảm thấy dễ chịu ngay.
Cũng có thể ra tiệm thuốc tây mua các lotion có chất camphor, menthol, calamine hoặc diphedrinamin (benadryl), thoa trên da ngứa.
Nếu cần, bác sĩ có thể cho thuốc bôi có chất cortisone, rât tốt để trị ngứa da.
Da nhăn
Một vấn đề khác về da cũng được nhiều người lưu tâm là da nhăn khô vào mùa Đông hoặc khi tới tuổi về già.
Thay đổi cấu trúc da là một hiện tượng bình thường của sự lão hóa. Sau tuổi 25, chất collagen và elastin chống đỡ cho lớp da bắt đầu thoái hóa; tế bào mỡ giảm dần; tuyến nhờn kém hoạt động; tế bào da tăng sinh chậm chạp, tế bào mới ít, tế bào già nhiều, kém nuôi dưỡng. Tất cả đưa đến da khô, sệ xuống, nhăn nheo.
Ngoài ra dưới tác dụng của ánh nắng, tia tử ngoại, da cũng mau hư hao. Sự hư hao này được coi như vĩnh viễn khó mà trở lại tình trạng tốt đẹp như thuở thanh thiếu niên, nhi đồng được.
Da đặc biệt nhăn ở trên mặt là mối ưu tư lớn của nhiều người.
Trên thị trường có bán nhiều mỹ phẩm chứa vài chất dinh dưỡng như sinh tố E, kem trái dừa, vài chất đạm amino acid, chất chiết từ nhau thai mà các nhà sản xuất nói có thề xóa bỏ sự hóa già này của da. Theo các nhà nghiên cứu thì các sản phẩm này chỉ làm da ẩm mềm tạm thời mà thôi, chứ không làm da bớt nhăn nheo.
Riêng kem có sinh tố A Tretinoin dường như có thể tạo ra chất collagen dưới da, tăng thêm sự lưu thông máu. Nhờ đó da bớt nhăn nheo và bớt khô một phần nào.
Ngoài ra, để giảm thiểu da nhăn, nên dinh dưỡng đầy đủ, bảo vệ mặt với nắng gắt và không khí lạnh; bớt cau có nhăn nhó; sống thư giãn ít căng thẳng.
Bác sĩ Nguyễn Ý- Đức