Phê-rô Lục Hà Quang Minh, cha xứ giáo phận Poitiers (DR)Báo Công giáo La Croix hôm nay đặc biệt quan tâm đến cộng đồng Công giáo Việt Nam tại Pháp nhân dịp kỷ niệm 25 năm phong thánh cho các vị tử vì đạo tại Việt Nam (1988-2013) qua bài viết : « Sự chứng giám của các thánh tử đạo Việt Nam : một chỗ dựa và một lời kêu gọi ». Theo tờ báo, cho đến chủ nhật này, cả nghìn giáo dân Việt Nam sẽ tề tựu về Lộ Đức để tham dự lễ kỷ niệm này.
Báo La Croix phỏng vấn Linh mục Phê-rô Lục (Pierre Luc) Hà Quang Minh, cha xứ giáo phận Poitiers, cha tuyên úy cho các giáo dân Việt Nam. Cha Quang Minh cho biết, hiện nay, có gần 300 000 người Việt Nam tại Pháp, trong đó 30% là người Công giáo. Phần đông là dân vượt biên, đến Pháp trong những thập niên 1980-1990.
Cha Quang Minh chia sẻ rằng mình cũng từng vượt biên. Đến Pháp năm 17 tuổi, với sự giúp đỡ của các linh mục và tu sĩ cũng từng đi vượt biên, họ đã thành lập những cộng đoàn giáo dân Việt Nam và được các giám mục công nhận. Ngày nay, có tổng cộng 47 cộng đoàn.
Kỳ hành hương lần này theo cha Minh, rất đặc biệt là vì để kỷ niệm 25 năm ngày Đức Giáo Hoàng Gioan PhaoLô Đệ nhị phong thánh cho 117 vị tử vì đạo tại Việt Nam, trong đó có 10 nhà truyền giáo Pháp. Cha Minh cho biết, theo ước tính, có gần 100.000 người Công giáo Việt Nam đã ngã xuống vì đức tin từ thế kỷ XVII-XIX. Gần như mỗi gia đình sống tại Pháp hiện nay có một ông tổ tử vì đạo.
Với tư cách là linh mục của giáo phận Poitiers, cha Quang Minh đặc biệt xúc động trước sự hy sinh của các thánh tử vì đạo, đặc biệt là cha Théophane Venard (1829-1861). Cha Théophane bị hành hình vào năm 1861 tại Hà Nội khi cha đang là linh mục truyền giáo tại Bắc bộ. Cha đã để lại những bức thư cho hậu thế với phong cách mang đầy chất thơ. Theo cha Minh, khi đọc những lá thư này, người ta bị cuốn hút bởi lòng nhiệt tình, đức tin và niềm hy vọng của cha Venard
Báo La Croix đã đặt câu hỏi : Liệu sự kế thừa này có còn là chỗ dựa cho thế hệ trẻ ngày nay hay không ? Theo cha Quang Minh thì giáo dân Việt Nam đã hội nhập tốt vào giáo xứ địa phương. Tuy nhiên, họ cũng cần tập hợp lại với nhau để cùng tham dự một thánh lễ bằng tiếng Việt, nhân dịp Tết hay để cùng nhau chia sẻ những giây phút trọng đại trong lịch sử.
Sự làm chứng của các thánh tử đạo chính là một chỗ dựa, đồng thời là một lời kêu gọi sống trung thành với Chúa. Tại Lộ Đức, có các buổi thuyết trình về lịch sử Giáo hội và các thánh tử đạo tại Việt Nam …
Đối với giới trẻ, điều cốt yếu là lưu truyền và kế thừa các giá trị. Thành phần này sinh ra tại Pháp, họ không hoàn toàn cảm thấy mình là người Pháp nhưng cũng không hoàn toàn là người Việt. Họ nói ngày càng ít tiếng Việt, không biết lịch sử và văn hóa đất nước, cội nguồn của cha mẹ mình, cho dù đôi khi họ cũng muốn khám phá lại nền văn hóa ấy. Do đó, các linh mục cố gắng đồng hành với họ trong việc tìm kiếm bản ngã và luôn chú tâm đến văn hóa của họ, cách thức họ hỏi về đức tin và nhu cầu được trao đổi.
Kỳ hành hương này là dấu hiệu cho thấy sự hiệp thông với Giáo hội Việt Nam. Tuy người Công giáo tại Việt Nam chỉ là thiểu số, - 8% dân số - và chịu sự kiểm soát của chế độ Cộng sản, nhưng cộng đoàn Công giáo tại rất sống động.
Theo RFI