logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
ta  
#1 Đã gửi : 25/01/2020 lúc 11:24:41(UTC)
ta

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 16-07-2013(UTC)
Bài viết: 429

UserPostedImage
Tranh lụa Tú Quyên
 
Trong năm 2020, thế giới sẽ chào mừng 250 năm ngày sinh của Ludwig van Beethoven (1770-1827) trong khi người Việt Nam chúng ta thì nhớ tới Nguyễn Du, đã tạ thế đúng 200 năm về truớc.
 
Tùy duyên phận của mình, mỗi người có thể nhớ Nguyễn Du một cách. Dòng họ thuộc làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, Nguyển Du lại sinh tại Thăng Long, năm 1765, dù có nơi ghi theo một bản gia phả là ngày 23 Tháng 11 năm Ất Dậu, ứng vào ngày ba Tháng Giêng năm 1766. Nguyễn Du có tên tự là Tố Như, hiệu Thanh Hiên, lấy hai biệt hiệu là Hồng Sơn Liệp Hộ và Nam Hải Điếu Đồ.
 
Nguyễn Du là nhà thơ không có hạnh phúc. Cuối đời, ông bị bệnh, sai người nhà sờ tay chân, nói rằng đã lạh. Ông buông một câu “được”. Rồi nhắm mắt ra đi…
 
Được coi là một đại thi hào của dân tộc, Nguyễn Du để lại gần 250 bài thơ chữ Hán trong các bộ Thanh Hiên Thi Tập, Nam Trung Tạp Ngâm và Bắc Hành Tạp Lục và nhiều bài thơ chữ Nôm như Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh (Văn Chiêu Hồn), Thác lời trai Phường Vải, Văn tế hai cô gái làng Trường Lưu.
 
Nhưng nổi bật nhất là Đoạn Trường Tân Thanh, được dân ta gọi là Truyện Kiều.
 
Văn học Việt Nam góp mặt cùng văn học thế giới với Truyện Kiều, là tác phẩm được phiên dịch nhiều nhất sang các ngoại ngữ, như Pháp, Anh, Nga, Nhật, v.v… tổng cộng hơn 30 bản dịch kể từ năm 1884 cho tới sau này. Và năm 2013, UNESCO là Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn học của Liên Hiệp Quốc tôn vinh Nguyễn Du là Danh nhân Văn hóa  của Thế giới.
 
Truyện Kiều (Đoạn Trường Tân Thanh) với 3.254 câu thơ lục bát được cho là tác phẩm văn chương kinh điển nhất của văn học VN, với nội dung dựa trên một tiểu thuyết Tầu có tên là Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (có bản ghi là Thanh Tâm Tài Tử). Nguyễn Du đã lấy một tiểu thuyết chữ Hán viết lại thành truyện thơ bằng chữ Nôm, và đời sau đã chuyển ra chữ quốc ngữ, in thành sách, hình như là lần đầu vào năm 1925.
 
Trong một giai đoạn khá lâu ở nhà, nhiều bài giảng văn ở cấp trung học của chúng ta đã phân tách dài dòng về "chuyện bên lề" của Truyện Kiều và Nguyễn Du, như "Triết lý Phật giáo của Nguyễn Du trong Truyện Kiều”, hoặc thuyết "Tài mệnh Tương đố", rồi lẽ "Nhân quả của nhà Phật trong Truyện Kiều", v.v... Ở ngoài Bắc thì người ta ca tụng nào là tinh thần cách mạng và giải phóng phụ nữ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, thậm chí còn hàm ý là thâm tâm Nguyễn Du khâm phục nhà Tây Sơn nên mới tạo ra hình tượng Từ Hải như con người cách mạng, kiểu “Cách mạng Nông dân” của Nguyễn Huệ.... Toàn là chuyện bên lề cả!
 
Việc chúng ta nên làm là ca ngợi giá trị văn chương trác tuyệt của Nguyễn Du, nếu không ca ngợi bút pháp điêu luyện và sự phong phú của thơ Kiều thì e rằng nhiều thế hệ về sau lại mất. Trong khi đó lại có bậc túc nho đả kích Truyện Kiều là dâm thư hay sách tục, là có hại cho đạo đức của xã hội, từ đó mới có câu ca dao “Đàn ông chớ kể Phan Trần, đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”.
 
Một chi tiết đáng chú ý là tinh thần cực đoan và tôn sùng sự toàn trị - totalitarian - trong tiềm thức của dân mình, được phản ảnh qua cách đánh giá Nguyễn Du. Tố Như là thi hào mấy trăm năm dân ta mới có một. Thế đã là điều cực may cho dân tộc. Ông cũng có tâm hồn đa cảm, thương người và không hám danh lợi. Đấy là nhân cách đáng quý. Vậy mà với quan niệm khắt khe là đòi nhà thơ phải là nhà tư tưởng, nhiều người muốn đưa nhà thơ lên vị trí sư phụ về phép hành xử trong xã hội.
 
Nhiều người còn muốn nâng Nguyễn Du lên bậc thánh, "có con mắt trông thấu sáu cõi, có tấm lòng nghĩ suốt ngàn đời". Xưng tụng điều vĩ đại ấy thì tội cho nhà thơ, và làm thầy cô đời nay hết dám tìm hiểu và giảng dạy những nét đẹp sơ đẳng trong Truyện Kiều. Vì vậy mà trong nước mới có người viết nhảm lại Truyện Kiều làm sách giáo khoa thời nay. Thà là đốt sách còn hơn!
 
Thật ra, đọc nguyên truyện thì ta mới thấy Nguyễn Du tài tình viết lại nhiều đoạn tả chân của trò tình dục trong kỹ viện ra vài chi tiết khêu gợi, cùng lắm là "erotic", mà hoàn toàn không tục, kể cả đoạn Kiều tắm bên cạnh con mắt hau háu của Thúc sinh. Cũng đều là những án oan nếu ta đọc nguyên truyện và phần chuyển hóa tế nhị của Nguyễn Du. 


UserPostedImage
Tranh lụa Tú Quyên
 
 
Thời Nguyễn Sơ, ông vua nổi tiếng nghiêm khắc là Minh Mạng, lại khen nàng Kiều là con người đủ trung trinh hiếu nghĩa, thế mà một danh nho nổi tiếng tài hoa là cụ Nguyễn Công Trứ lại có bài vịnh, trong đó lên án và mạt sát Thúy Kiều rất nặng. Sau khi Tuyện Kiều xuất hiện, nhiều tác giả đã làm thơ Vịnh Kiều và ác nghiệt nhất là một bài hát nói:
 
Đã biết má hồng thời phận bạc,
Trách Kiều nhi chưa vẹn tấm lòng vàng.
Chiếc quạt thoa đành phụ nghĩa Kim lang,
Nặng vì hiếu, nhẹ vì tình thì cũng phải.
Từ Mã Giám Sinh cho đến chàng Từ Hải,
Cánh hoa tàn đem bán lại chốn thanh lâu.
Bấy giờ Kiều còn hiếu vào đâu,
Mà bướm chán ong chường cho đến thế!
Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa,
Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm.
Bán mình trong bấy nhiêu năm,
Đố đem chữ hiếu mà lầm được ai!
Nghĩ đời mà ngán cho đời.
 
Đó là Hy Văn Nguyễn Công Trứ trong bài "Vịnh Thúy Kiều". Cụ rủa nàng là "đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm"! Chúng ta hơi ngạc nhiên về tâm địa của một tay ong bướm ra trò, người gây ra giai thoại “Giang sơn một gánh giữa đồng, thuyền quyên ứ hự anh hùng nhớ không” và khi đi chấm thi Nguyễn Công Trứ còn cho con hát giả trai vào trường thí để tiêu khiển!  
 
Về nét dâm trong nguyên bản và trong thơ Nguyễn Du thì ta có thể nói “chuyện không có gì mà ầm ĩ”, và dân ta thật ra rất khắc khổ! Kể cả “vành ngoài bảy chữ vành trong tám nghề” mà Tú Bà ép Kiều phải học tập để cải tạo nàng thành kẻ bán phấn buôn hương. Xin chỉ nói qua. Vành ngoài là nghệ thuật khêu gợi có bảy phép. Vành trong là thủ thuật ái ân có tám nghề. Bảy chữ thuộc "vành ngoài" gồm có: Khốc, Tiễn, Thích, Thiêu, Giá, Tẩu, Tử.
 
- Khốc là khóc, dùng nước mắt để làm động lòng thương cảm của khách làng chơi. Phải khóc lóc như thật để chứng tỏ mình thành tâm, thiệt ý. Tú bà đã dạy Kiều dùng nước gừng sống tẩm vào khăn tay để lau nước mắt thì nước mắt sẽ không khô mà còn tuôn ra như suối.
 
- Tiễn là cắt. Rủ khách cùng mình mỗi người cùng cắt một mớ tóc, kết thành một sợi rồi chia cho nhau buộc vào hai cánh tay, làm lể "kết tóc" biểu tỏ thủy chung bền chặt, khách sẽ tưởng là mình chân thành mà không nở bỏ.
 
- Thích là đâm chích. Là sâm vào cổ tay hay trên bắp đùi mấy chữ "Thân phu mỗ nhân" (người chồng thân yêu tên là mỗ), khách thấy vậy càng thêm yêu quý, tin tưởng.
 
- Thiêu là đốt, dùng hương đốt vào sáu huyệt của chàng và nàng. Sau khi thề thốt, cả hai áp người vào nhau cùng đốt các huyệt trên bụng, trên cánh tay, cổ tay. Phải là người cao tay ấn mới sử dụng thủ pháp này
 
- Giá là cưới hỏi làm vợ chồng. Sau khi điều tra biết khách là kẻ giàu có thì thủ thỉ, rủ rê, bàn chuyện cưới nhau. Tất nhiên khách muốn cưới thì phải bỏ ra một số tiền lớn để chuộc.
 
- Tẩu là chạy. Đây là kế "đào". Nếu thấy dan díu đã lâu, khách hết tiền, muốn chuộc không có tiền mà muốn chơi cũng không còn tiền đâu chơi tiếp thì chỉ còn cách tống khách đi cho rảnh. Lúc ấy phải giả vờ rủ khách đi trốn, hẹn giờ hẹn chỗ mà không đến, đánh tiếng cho lính đi bắt kẻ bỏ trốn, thế tất khách phải sợ mà… trốn thật.
 
- Tử là chết. Là dọa chết chứ không phải chết thật. Thề thốt cho họ tin là mình yêu họ, chỉ biết họ thôi, nếu không tin thì chết ngay trước mắt cho chàng thấy. Nếu biết y có thê thiếp rồi, không thể lấy mình được thì càng làm già đến độ rủ "cả hai cùng chết hơn là chẳng lấy được nhau!" Lúc đó, có táng gia bại sản, đem hết bạc tiền ra dâng cho mình, y cũng không tiếc.
 
Tám nghề của vành trong là thủ thuật giao hợp tùy theo cơ thể hay sở thích của khách hàng. Thật ra, những ngón võ phòng the ấy mới chỉ tóm lược mà nhiều người đã không dám nói, nếu so với các bộ sách cổ như Tố Nữ Kinh hay Nhục Bồ Đoàn của Trung Hoa hay Dục Kinh Kama Sutra của Ấn Độ và nhiều cuốn dâm thư khác của Âu Châu thì vẫn chưa nghĩa lý gì cả. Đấy là ta chưa nói đến phần Xuân Họa hay Dâm Họa của Nhật mà thế giới ngày nay đánh giá rất cao về nghệ thuật thì các cụ của ta còn hiền lắm.
 
Mà người hiền nhất chính là Nguyễn Du. Không hiểu rằng trong ba năm khắng khít với nàng Hồ Xuân Hương thì nhà thơ của chúng ta xoay trở thế nào!
 
UserPostedImage
Tranh lụa Tú Quyên
 
Trong một số báo mừng Xuân, chúng ta cũng nên nhắc đến tài nghệ chơi chữ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, với chữ Xuân.
 
Nếu hiểu mùa Xuân là một năm thì Truyện Kiều trải qua 15 mùa Xuân là 15 năm lưu lạc của nàng Kiều. Nhưng tác phẩm văn học này gồm 3.254 câu thơ có bao lần nhắc đến chữ Xuân, với ý nghĩa ra sao? Chung ta có nhiều cách đếm và nói gọn thì là có 55 hay 58 chữ Xuân. Lý do khác biệt là vì có ba câu thơ có tới hai chữ Xuân là:
Câu 424: Lòng Xuân phơi phới chén Xuân tàng tàng
Câu 1006: Hoa Xuân đương nhụy, ngày Xuân còn dài,
Câu 1294: Ngày Xuân lắm lúc đi về với Xuân.
 
Chúng ta nên chấm là có 55 chữ Xuân cho dễ nhớ vì Nguyễn Du thọ 55 tuổi nên coi như đã có 55 mùa Xuân héo hắt trong đời. Nhưng, chi tiết éo le là trong Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, chữ Xuân theo lối hiểu biết thông tục là mùa Xuân lại được ông dùng rất ít, tổng cộng chỉ có hai lần thôi. Đó là:
Lần lần ngày gió đêm trăng
Thưa hồng rậm lục đã chừng Xuân qua (câu 370)
Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn Đông đà sang Xuân (câu 1796).
 
Về nghệ thuật chơi chữ, ta nhớ một câu có hai chữ Xuân, là Hoa Xuân đương nhụy, ngày Xuân còn dài, hai chữ Xuân này có hai ý nghĩa hoàn toàn khác biệt.
 
Đó là sau khi Thúy Kiều bị Sở Khanh lường gạt thì được Tú Bà an ủi. Hoa Xuân đây là “cửa tình” của nàng Kiều, ngày Xuân còn dài là nói về tuổi thanh Xuân của nàng. Cũng thế, ở câu Thưa hồng rậm lục đã chừng Xuân qua, thầy cô hiền lành phúc hậu thì giải chữ hồng là má hồng và lục là tóc xanh, chứ kẻ tinh quái nơi thanh lâu kỹ viện lại hiểu đấy là mô tả phần thịt da khêu gợi của thiếu nữ. Thành thử, xấu đẹp là tùy người đối diện và đúng sai là tùy ở khả năng tưởng tượng. Chúng ta thấy ra một sự thật: Nguyễn Du làm cho ngôn ngữ của dân ta thêm phong phú.
 
Nếu suy ra thì chữ Xuân có khoảng năm sáu ý nghĩa.
 
Dễ hiểu nhất, Xuân là vẻ đẹp của người con gái, như “Làn thu thủy nét Xuân sơn” và trong nghĩa này thì chỉ Nguyễn Du mới hạ xuống chữ Xuân Gầy ở câu 3026 khi tả vẻ hốc hác của Thúy Kiều lúc gặp lại cha mẹ: “Mười phần Xuân có gầy ba bốn phần”. Thứ hai, Xuân chỉ tuổi tác hay thứ bậc, nên có “Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê” là thiếu nữ 15 tuổi, mà cũng có “Xuân đường” hay “Xuân già còn khỏe, huyên già còn tươi” là chỉ cha mẹ. Thứ ba, Xuân là tấm lịch, chỉ thời gian mà không nhất thiết là mùa Xuân, như khi Thúy Kiều cài thoa trên cành để đánh bẫy Kim Trọng vào những buổi gặp gỡ đầu tiên, như “Ngày Xuân đã dễ tình cờ thấy nhau”. Tình đây có tình cờ đâu! Ý nghĩa thứ tư, Xuân là dịp hội hè hay một bước thi đỗ, được đăng khoa, như “Chị em sắm sửa bộ hành chơi Xuân” vào lễ Thanh Minh mở đầu câu chuyện, hoặc khi nàng Kiều còn lưu lạc thì hai chàng Vương Quan và Kim Trọng đều thi đỗ trong câu “Vương Kim cùng chiếm bảng Xuân một ngày.”
 
- Thứ năm, phổ biến nhất, Xuân là trạng thái tâm lý hay tình cảm lồng trong khung cảnh thiên nhiên, như “Lòng Xuân phơi phới chén Xuân tàng tàng” khi đôi trẻ Kim Kiều tình tự lúc ban đầu, hoặc “Ngày Xuân càng gió, càng mưa, càng nồng” khi Thúy Kiều ân ái cùng Thúc Sinh, ở câu 1284. Trong trạng thái ấy, Xuân cũng có ý nghĩa là hành vi án ân giao hợp và đấy là con dốc rất dễ trơn trượt. Như khi Thúy Kiều bán mình cho Mã Giám Sinh và qua một đêm động phòng hoa chúc thì mới thấy ê chề: “Đêm Xuân một giấc mơ màng, Đuốc hoa để  đó, mặc nàng nằm trơ!” Trong nghĩa đó, ta mới hiểu ra lời khuyên giải quái ác của Tú Bà, rằng Hoa Xuân đương nhụy, ngày Xuân còn dài. Với mụ đàn bà bán thịt người này thì “Hoa Xuân” là một món hàng còn tươi mơn mởn.
 
Viết về Nguyễn Du, người ta cần cả một cuốn sách. Nhớ về Nguyễn Du trong buổi đầu năm thì điểm ra ngần ấy nét Xuân cũng là một cách tri ân.


Nguyễn Xuân Nghĩa/Việt Báo
ta  
#2 Đã gửi : 25/01/2020 lúc 11:32:40(UTC)
ta

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 16-07-2013(UTC)
Bài viết: 429

200 Năm Nguyễn Du Đọc Lại ‘Phân Kinh Thạch Đài’

UserPostedImage
Tượng Thi Hào Nguyễn Du.(nguồn http://baoninhthuan.com.vn/ )
 
Năm nay, 2020 đánh dấu 200 năm thi hào Nguyễn Du qua đời (1820-2020). Trang Từ Điển Bách Khoa www.newworldencyclopedia.org đã xếp thi hào Nguyễn Du ngang hàng với thi hào Homer của Hy Lạp và thi hào Shakespeare của Anh Quốc.
Hiện nay Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du đã được dịch sang ít nhất 20 thứ tiếng trên thế giới. Đặc biệt hầu như người Việt nào cũng đều biết đến Truyện Kiều và đều nằm lòng nhiều câu thơ trong Truyện Kiều. Học giả Phạm Quỳnh đã từng nói rằng “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn.” Điều đó đủ thấy tác phẩm Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du có tầm ảnh hưởng sâu rộng cỡ nào đối với nền văn học, văn hóa và thể mệnh của dân tộc Việt Nam.
Nhân năm mới Canh Tý và đặc biệt tưởng niệm 200 năm thi hào Nguyễn Du qua đời xin đọc lại một bài thơ chữ Hán mà ông đã làm lúc đi chu du tại Trung Hoa vào khoảng những năm từ 1787 đến 1790 để chia xẻ một bài thơ mà trong đó thi hào Nguyễn Du biểu lộ không chỉ kiến thức mà cả sự chứng đắc Phật Pháp cao siêu của ông. Đó là bài “Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài” [Đài Phân Kinh của Thái Tử Lương Chiêu Minh].
Thi hào Nguyễn Du sinh ngày 23 tháng 11 năm Ất Dậu, tức ngày 3 tháng 1 năm 1766. Ông mất ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn, tức ngày 16 tháng 9 năm 1820, hưởng dương 54 tuổi.
Theo Tiến Sĩ Phạm Trọng Chánh trong bài viết “Nguyễn Du, Từ Thái Nguyên Sang Vân Nam Cuối Năm 1787,” được đăng trên trang mạng  www.chimvie3.free.fr,  từ năm 1787 đến 1790 Nguyễn Du hết bệnh quy y thành nhà sư Chí Hiên, hành trang bên mình là quyển Kinh Kim Cương chú giải của Lê Quý Đôn. Theo gương Lý Bạch đi chu du khắp Trung Quốc, Nguyễn Du lên Trường An và xuống Hàng Châu, ban ngày di ngao du thắng cảnh, tối trú ngụ một ngôi chùa, trên đường đi tụng kinh Kim Cương làm công quả kiếm ăn. Nguyễn Du đến Trường An (sáng tác Mạn Hứng I, II, Dương Phi Cố Lý, Bùi Tấn Công Mộ, Phân Kinh Thạch Đài) đến Hàng Châu, nơi hẹn với Nguyễn Đại Lang là miếu Nhạc Phi. Nguyễn Du trú ngụ tại chùa Hổ Pháo gần đó nơi Từ Hải từng tu hành, nơi đây Nguyễn Du nghe chuyện Từ Hải và có được quyển Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Nguyễn Du đọc say mê và quyết chí diễn ca thơ nôm. Nguyễn Du ở nơi này khá lâu nên viết 5 bài thơ (Nhạc Vũ Mục Mộ, Tượng Tần Cối I, II, Tượng Vương Thị I, II.).
Tiến Sĩ Phạm Trọng Chánh cho chúng ta biết 2 điều lý thú. Thứ nhất, Nguyễn Du đã từng đi tu làm tu sĩ Phật Giáo với Đạo Hiệu Chí Hiên tại Trung Hoa, ít nhất 3 năm và luôn luôn mang theo Kinh Kim Cương bên mình để đọc. Có lẽ vì thế, trong bài thơ “Phân Kinh Thạch Đài,” Nguyễn Du nói là ông đã đọc Kinh Kim Cương cả ngàn lần. Thứ hai, Nguyễn Du đã sáng tác bài thơ “Phân Kinh Thạch Đài” vào những năm từ 1787 đến 1790 trong chuyến lãng du của ông ở Tàu. Bài thơ này nằm trong tập “Bắc Hành Thi Tập” của Nguyễn Du.
Về bài thơ Phân Kinh Thạch Đài, Tiến Sĩ Phạm Trọng Chánh trong bài “Nguyễn Du Qua Đình Tô Tần” được đăng trên trang www.vanhoanghean.com.vn cho biết rằng Nguyễn Du viết các bài Đình Tô Tần, và Phân Kinh Thạch Đài tại cựu kinh đô Lạc Dương năm 1789-1790. Khi đi sứ Nguyễn Du có đi ngang qua tỉnh Hà Nam, qua huyện An Dương, nhưng không đến Lạc Dương. Đình Tô Tần lập ở quê hương Tô Tần là Lạc Dương.  Lạc Dương có ngôi chùa Bạch Mã là chùa đầu tiên của Trung Quốc, lập năm 65 sau công nguyên, có lẽ Phân Kinh Thạch Đài nhà Tùy nằm nơi này. Tôi có đến Trường An năm 2009  tìm Phân Kinh Thạch Đài nơi chùa Đại Hồng Nhạn và Tiểu Hồng Nhạn, nơi Trần Huyền Trang dịch kinh nhưng không ai biết.
Theo các chú giải, Thái Tử Lương Chiêu Minh là con của Vua Lương Võ Đế (502-549) thời nhà Lương trong giai đoạn Nam Bắc Triều tại Trung Hoa. Vua Lương Võ Đế, theo truyền thuyết đã từng gặp Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma (đến TQ khoảng năm 520 sau tây lịch). Thái Tử Lương Chiêu Minh được cho là người học rộng và thích nghiên cứu. Ông là tác giả cuốn sách “Văn Tuyển.”
 
梁昭明太子分經石臺
 
梁朝昭明太子分經處,
石臺猶記分經字。
臺基蕪沒雨花中,
百草驚寒盡枯死。
不見遺經在何所,
往事空傳梁太子。
太子年少溺菸文,
強作解事徒紛紛。
佛本是空不著物,
何有乎經安用分。
靈文不在言語科,
孰為金剛為法華。
色空境界茫不悟,
癡心歸佛佛生魔。
一門父子多膠蔽,
一念之中魔自至。
山陵不涌蓮花臺,
白馬朝渡長江水。
楚林禍木池殃魚,
經卷燒灰臺亦圯。
空留無益萬千言,
後世愚僧徒聒耳。
吾聞世尊在靈山,
說法渡人如恆河沙數。
人了此心人自渡,
靈山只在汝心頭。
明鏡亦臺,
菩提本無樹。
我讀金剛千遍零,
其中奧旨多不明。
及到分經石臺下,
終知無字是眞經。
 
Phiên âm Hán-Việt:
 
Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài
 
Lương triều Chiêu Minh thái tử phân kinh xứ,
Thạch đài do ký “Phân kinh” tự.
Đài cơ vu một vũ hoa trung,
Bách thảo kinh hàn tận khô tử.
Bất kiến di kinh tại hà sở?
Vãng sự không truyền Lương Thái tử.
Thái tử niên thiếu nịch ư văn,
Cưỡng tác giải sự đồ phân phân.
Phật bản thị không bất trước vật,
Hà hữu hồ kinh an dụng phân?
Linh văn bất tại ngôn ngữ khoa,
Thục vi Kim Cương vi Pháp Hoa?
Sắc không cảnh giới mang bất ngộ,
Si tâm quy Phật Phật sinh ma.
Nhất môn phụ tử đa giao tế,
Nhất niệm chi trung ma tự chí.
Sơn lăng bất dũng liên hoa đài.
Bạch mã triêu độ Trường Giang thủy,
Sở lâm họa mộc trì ương ngư,
Kinh quyển thiêu hôi đài diệc dĩ.
Không lưu vô ích vạn thiên ngôn,
Hậu thế ngu tăng đồ quát nhĩ.
Ngô văn Thế Tôn tại Linh Sơn,
Thuyết pháp độ nhân như Hằng Hà sa số.
Nhân liễu thử tâm nhân tự độ,
Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu.
Minh kính diệc phi đài,
Bồ Đề bản vô thụ.
Ngã độc Kim Cương thiên biến linh,
Kì trung áo chỉ đa bất minh
Cập đáo phân kinh thạch đài hạ,
Chung tri vô tự thị chân kinh.
 
***
 
Đài Đá Phân Kinh Của Thái Tử Lương Chiêu Minh
 
Nơi thái tử Chiêu Minh phân kinh,
Đài đá còn ghi chữ “phân kinh.”
Hoa dại trong mưa phủ nền hoang,
Trăm cây sợ lạnh mà chết khô.
Không thấy kinh xưa ở đâu cả?
Chỉ nghe huyền thoại thái tử Lương.
Thiếu thời thái tử thích văn chương,
Miễn cưỡng giải kinh cho lộn xộn.
Phật vốn là không chẳng vướng vật,
Còn có kinh gì để phân chia?
Văn thiêng không ở nơi ngôn ngữ,
Đâu là Kim Cương, là Pháp Hoa?
Cảnh giới sắc không mà chưa ngộ,
Tâm mê theo Phật Phật thành ma.
Một nhà cha con đều mù cả,
Ở trong một niệm ma tự đến.
Trong núi hoa sen không thể mọc,
Một sớm ngựa trắng vượt sông dài.
Rừng Sở cháy thiêu cá dưới ao,
Kinh đốt ra tro đài cũng sập.
Còn giữ làm chi muôn vạn lời,
Ngu tăng đời sau tụng lải nhải.
Ta nghe Thế Tôn ở Linh Sơn,
Nói pháp độ người vô số kể.
Ai rõ tâm này thì tự độ,
Linh Sơn ngay tại nơi tâm mình.
Gương sáng không có đài,
Bồ đề vốn không cây.
Ta đọc Kim Cương cả ngàn lần,
Trong chỗ uyên áo vẫn chưa hiểu.
Nay đến dưới đài đá phân kinh,
Mới biết chân kinh là vô tự.
 
UserPostedImage
Khu mộ của thi hào Nguyễn Du. (nguồn https://laodong.vn/ )
         
Trong bài thơ này có câu, “Một sớm ngựa trắng vượt song dài,” là nói đến tích truyện lúc Thái Tử Tất Đạt Đa trong đêm khuya vượt thành Ca Tỳ La Vệ vào núi tu hành. Ngựa trắng là con bạch mã mà Thái Tử cỡi phóng qua dòng sông dài Anoma trong đêm Thái Tử đi tầm đạo.
          “Linh Sơn” là núi Linh Thứu, tiếng Pali là Gijjhakuta, tiếng Phạn là Gṛdhrakūṭa, dịch tiếng Anh là The Vulture Peak, tức là cái đầu của con kên kên, vì đỉnh ngọn núi này ở xa trông giống cái đầu của chim kên kên. Núi này nằm ở Thành Vương Xá (Rajagaha) ngày xưa lúc Đức Phật còn tại thế mà ngày nay là Rajgir thuộc tiểu bang Bihar của Ấn Độ. Nơi đây Đức Phật đã giảng Kinh Diệu Pháp Liên Hoa hay gọi tắt là Kinh Pháp Hoa. Kinh này Đức Phật nói rõ tất cả chúng sinh đều có Phật tánh và có khả năng thành Phật.
          “Gương sáng không có đài/Bồ đề vốn không cây,” là hai câu thi hào Nguyễn Du trích từ bài kệ ngộ đạo của Lục Tổ Huệ Năng: “Bồ đề bổn vô thọ/Minh kính diệc phi đài/Bổn lai vô nhất vật/Hà xứ nhã trần ai,” [Bồ đề vốn không cây/Gương sang cũng không đài/Xưa nay không một vật/Bụi trần bám chỗ nào].
 “Phân Kinh Thạch Đài” là đài xây bằng đá để ghi lại dấu vết nơi đây ngày xưa Thái Tử Triều Nhà Lương là Chiêu Minh đã dùng nơi này để phân giải chú thích kinh Phật. Cho nên, trong nguyên tác chữ Hán của bài thơ, Nguyễn Du dùng chữ “cưỡng tác giải sự,” tức là cưỡng ép làm việc phân tích hay giảng giải kinh. Đây chính là trọng tâm phê phán của Nguyễn Du đối với cha con nhà họ Lương – Lương Võ Đế và Lương Chiêu Minh.
Thi hào Nguyễn Du đứng trên lập trường phá chấp của Kinh Kim Cương, hay nói cách khác là ông đã quán chiếu việc “phân kinh” của Thái Tử Chiêu Minh bằng trí tuệ liễu ngộ tánh không của các pháp mà đức Phật đã dạy trong Kinh Kim Cương. Kinh nói rằng:
Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điễn
Ưng tác như thị quán.
Đức Phật dạy rằng, “Hãy quán chiếu tất cá các pháp có tạo tác, hay pháp hữu vi, đều là không thật có như giấc mộng, như trò huyễn hóa, như bọt nước, như sương mai và như điện chớp.” Tất cả những thứ này vốn là không có, nhưng con người chấp là thật, nên bị chúng trói buộc trong vòng tử sinh khổ não.
Như thế tất cả các pháp rốt ráo đều không, kể cả kinh Phật, kể cả niết bàn. Cho nên trong Kinh Đại Bát Nhã, ngài Tu Bồ Đề nói với Trời Đế Thích đại ý rằng là nếu có pháp nào cao hơn niết bàn thì ngài cũng đều nói là Không. Vậy thì còn có pháp gì, có kinh nào để mà phân tích hay giảng giải?
Đó chính là thâm ý cốt lõi của bài thơ “Phân Kinh Thạch Đài” của thi hào Nguyễn Du. Đây cũng chính là tông chỉ của Thiền. Cho nên, từ thời Lục Tổ Huệ Năng trở xuống Thiền Tông lấy Kinh Kim Cương làm gốc. Lục Tổ Huệ Năng cũng nhờ nghe Kinh Kim Cương mà ngộ đạo. Sau đó mới đến Hoàng Mai cầu pháp với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Bởi vậy, thi hào Nguyễn Du mới hỏi:
“Phật bản thị không bất trước vật
Hà hữu hồ kinh an dụng phân?
Phật vốn là không không dính vào bất cứ pháp gì cả. Thế thì còn có kinh nào để mà đem ra phân tích giảng giải?
Sở ngộ cao thâm của thi hào Nguyễn Du đối với Thiền nằm trong câu thơ này: “Nhất niệm chi trung ma tự chí,” có nghĩa là chỉ trong một niệm thì ma tự đến.
Niệm là ý niệm, ý tưởng, mống tâm. Tâm khởi lên là niệm. Đã có một niệm khởi lên thì ắt có muôn nghìn niệm khởi theo. Điều đó không có nghĩa là tu bằng cách làm cho tâm thành gỗ đá. Khởi niệm ở đây là móng tâm, phân biệt, vướng mắc.  Nguyễn Du nói “Phật bản thị không bất trước vật.” Tâm Phật, tâm giác ngộ vốn rỗng rang vô ngại không dính mắc vào đâu cả. Tâm không dính, không mắc, không vướng vào bất cứ pháp nào, cho dù đó là pháp thế gian hay pháp xuất thế gian, là pháp tục đế hay chân đế. Tâm ấy là Phật. Tâm ấy là giác ngộ.  Tâm ấy là giải thoát.
Đọc Kinh Phật là để liễu ngộ tâm Phật, tâm giác ngộ chứ không phải để dính mắc, bám víu vào chữ nghĩa để rồi bỏ mất nghĩa lý siêu việt trong Kinh. Vì vậy mà thi hào Nguyễn Du nói “Chung tri vô tự thị chân kinh.” Cuối cùng rồi mới biết “vô tự” mới đích thị là chân kinh. “Vô tự” mà Nguyễn Du nói ở đây giống như “vô niệm” của Lục Tổ, tức là không dính mắc, không cố chấp vào văn tự của kinh, chứ không phải là kinh không có chữ.
Đọc Kinh Phật để mà giác ngộ Phật tâm rỗng rang tự tại chứ không phải để phân chấp. Thi hào Nguyễn Du muốn nhắn nhủ chúng ta như thế trong bài thơ  “Phân Kinh Thạch Đài” này.
 

Huỳnh Kim Quang

Ai đang xem chủ đề này?
Guest (2)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.235 giây.