Lenin cùng các chỉ huy cuộc Cách mạng tháng 10 trên Quảng trường Đỏ tại Matxcơva ngày 25/05/1919. (Ảnh tư liệu) AFP
Cả một hệ thống tập trung có quy mô chưa từng có, một ngành công nghiệp giam cầm dưới thời Xô Viết, được phản ánh trong bộ phim tài liệu Goulag : une histoire soviétique (tạm dịch : Lao tù : một câu chuyện Xô Viết).
Bộ phim tài liệu dài 52 phút của Patrick Rotman tham gia tranh giải tại Liên hoan phim tài liệu Fipadoc, kết thúc ngày 25/01/2020 ở Biarritz, và được dự kiến chiếu trên đài truyền hình Arte ngày 11/02.
Qua ba phần, lần lượt nói về hình thành, phát triển và phá bỏ hệ thống giam cầm, bộ phim tài liệu cho thấy hệ thống nhà tù, cùng với chế độ lao động khổ sai, được biến thành cỗ máy loại bỏ các nhà đối lập và trở thành động cơ cho nền kinh tế Xô Viết như thế nào.
Trả lời AFP, đạo diễn Patrick Rotman cho biết bộ phim được thực hiện trong hai năm, cùng với hai đồng tác giả Nicolas Werth và François Aymé, chuyên gia về lịch sử chế độ Cộng Sản và Liên Bang Xô Viết.
Nhóm làm việc đã dựa vào nhiều nguồn tài liệu khác nhau, trong đó có lưu trữ về thời sự thời Xô Viết và những bộ phim tuyên truyền được chế độ thực hiện trong những năm 1920 nhằm bóp nghẹt những chứng cứ đầu tiên được phương Tây công bố.
Ngoài rất nhiều tranh, ảnh chính thức hoặc được lưu hành lén lút, trong đó có nhiều tài liệu chưa đừng được công bố, bộ phim còn dựa vào lời kể của khoảng 30 nhân chứng do hội Memorial của Nga ghi lại, từ những người sống sót sau khi đi cải tạo lao động hoặc hậu duệ của họ.
Nhân phẩm của những người phải đi cải tạo lao động bị chà đạp. Cai ngục gọi họ là « zek » (gia súc), đặc biệt đối với phụ nữ. Một cựu « zek » cho biết « chúng tôi phải sống như những con thú hoang, như côn trùng ». Nhà văn Julius Margolin, một trong những tác giả viết về cuộc sống trong các trại lao tù, cho biết : « Nền văn minh dừng lại ở lối vào trại tập trung ». Tuy nhiên, « chế độ hiện nay (ở Nga) làm tất cả để người ta không nói đến các trại lao cải », theo đạo diễn Patrick Rotman.
Theo RFI