Olga Tokarczuk (nguồn: www.npr.org )
Olga Nawoja Tokarczuk, sinh ngày 29 tháng 1 năm 1962 tại Sulechów gần Zielona Góra, Miền Tây Ba Lan. Bà là nhà văn, nhà hoạt động, và trí thức nổi tiếng là người được mô tả tại Ba Lan như là một trong những tác giả được đánh giá cao và thành công về thương mại thuộc thế hệ của bà. Trong năm 2018, bà thắng Giải Man Booker International Prize cho cuốn tiểu thuyết Flights (được dịch sang tiếng Anh bởi Jennifer Croft). Flights là cuốn tiểu thuyết thứ 6 của bà được xếp vào hạng bán chạy nhất tại Ba Lan. Bà cũng được biết đến nhiều hơn trong giới độc giả tiếng Anh nhờ bản dịch Anh ngữ của cuốn tiểu thuyết này.
Trong năm 2019 bà nhận được Giải Nobel Văn Chương. Đúng ra bà là khôi nguyên Giải Nobel Văn Chương năm 2018, nhưng vì lúc đó xảy ra vụ tai tiếng tấn công tình dục của một thành viên trong ủy ban chọn giải nên Hàn Lâm Viện Hoàng Gia Thụy Điển đã đình lại việc tuyên bố giải thưởng. Đó là lý do tại sao trong năm 2019 có tới 2 Giải Nobel Văn Chương, một cho Olga Tokarczuk của năm 2018 và một cho Peter Handke - nhà văn Áo - của năm 2019.
Olga Tokarczuk đã đọc bài diễn văn có tựa đề “The Tender Narrator” [Người Kể Chuyện Tử Tế] tại Viện Hàn Lâm Hoàng Gia Thụy Điển ở Stockholm hôm 7 tháng 12 năm 2019.
Tờ báo Anh The Guardian trong bài quan điểm về khôi nguyên Nobel Văn Chương Tokarczuk hôm 13 tháng 12 năm 2019 nói rằng, “Bài phát biểu tại buổi nhận Giải Nobel của Tokarczuk làm chứng cho niềm tin của bà vào sức mạnh của văn học trong thế giới quá tải thông tin và những câu chuyện rạn nứt, chia rẽ. Bà ấy sử dụng một hình ảnh đặc biệt nổi bật: Thế giới là một loại vải chúng ta dệt hàng ngày trên những khung dệt lớn về thông tin, thảo luận, sách phim, tin đồn, những giai thoại nhỏ. Ngày nay, tầm ảnh hưởng của những khung dệt này là rất lớn - nhờ có internet, hầu hết mọi người đều có thể tham gia vào quá trình này, chịu trách nhiệm và vô trách nhiệm, một cách đáng yêu và đáng ghét, vì tốt hơn và tồi tệ hơn.”
Bài phát biểu của khôi nguyên Giải Nobel Văn Chương Olga Tokarczuk được dịch sang tiếng Anh bởi Jennifer Croft và Antonia Lloyd-Jones và được đăng trên trang mạng www.nobelprize.org . Sau đây là lược dịch một số đoạn của bài phát biểu của Olga Tokarczuk.
Olga Tokarczuk kể lại chuyện tấm hình gây ấn tượng đầu tiên trong đời mà bà xem là hình chụp người mẹ của bà trước khi sinh ra bà. Tấm hình chụp vào thập niên 1960s nên chỉ là hình trắng đen. Trong hình, mẹ bà ngồi một bên chiếc máy radio cũ rích. Nó chỉ có hai cái nút để vặn, một cái để vặn âm thanh và cái kia để vặn đài. Chiếc máy radio này sau đó cũng là thứ bà yêu thích và qua nó bà biết được rằng có sự hiện hữu của vũ trụ. Bà có thể vặn nhiều đài ở mọi nơi trên thế giới – Warsaw, London, Luxembourg, Paris, v.v… Bà tin rằng thông qua chiếc radio này mà các hệ thống dải ngân hà và hành tinh khác nhau đang nói chuyện với bà, gửi cho bà thông tin quan trọng. Tuy nhiên, bà không thể giải mã nó.
Khi lớn lên một chút và nhìn vào bức hình bà cảm thấy mẹ bà như có nỗi buồn nào đó, như mẹ bà đang mất mát một thứ gì đó. Sau đó khi bà hỏi người mẹ về nét buồn trong hình thì mẹ bà bảo là bà ấy buồn vì Olga Tokarczuk chưa được sinh ra. Dù đứa con chưa sinh ra đời mà người mẹ đã cảm thấy nhớ nhung rồi. Ngạc nhiên về điều này, Olga hỏi mẹ:
“Làm sao mẹ có thể nhớ con khi con chưa chào đời?”
Olga nói thêm với mẹ rằng bà nhớ người nào đó mà bà đã mất họ, đó là hậu quả của sự mất mát.
“Nhưng điều đó cũng có thể diễn dịch bằng cách khác,” theo người mẹ trả lời. “Nhớ một ai đó có nghĩa là họ ở đâu đó.”
Bà nhớ mãi người mẹ của bà là người đã trang bị cho bà thành người kể chuyện tử tế nhất thế giới.
Olga Tokarczuk phát biểu tại Viện Hàn Lâm Hoàng Gia Thụy Điển.(nguồn: www.nobelprize.org )
Ngày nay, vấn đề của chúng ta nằm ở - có vẻ như - trong thực tế là chúng ta chưa có những câu chuyện sẵn sàng không chỉ cho tương lai, mà ngay cả bây giờ, cho những biến đổi cực kỳ nhanh chóng của thế giới ngày nay. Chúng ta thiếu ngôn ngữ, chúng ta thiếu quan điểm, các ẩn dụ, các huyền thoại và những chuyện ngụ ngôn mới. Tuy nhiên chúng ta thấy những nỗ lực thường xuyên để khai khác những câu chuyện cổ xưa, lỗi thời không thể thích hợp tương lai với sự tưởng tượng tương lai, không ai nghi ngờ về giả thiết một thứ gì đó quen cũ thì tốt hơn cái mới, hay đang thử cách này để ứng phó với những hạn chế tầm nhìn của chính chúng ta. Trong ngôn ngữ, chúng ta thiếu vắng các phương cách mới việc kể chuyện về thế giới.
Chúng ta sống trong thực tại của những người kể chuyện ở ngôi thứ nhất đa âm, và chúng ta được gặp gỡ từ tất cả các bên với tiếng ồn nhiều âm điệu. Điều tôi muốn nói bởi ngôi thứ nhất là loại kể chuyện thu hẹp quỹ đạo bản thân của người kể chuyện là người viết trực tiếp nhiều hay ít về chính họ và qua chính họ. Chúng tôi đã xác định rằng loại quan điểm cá nhân này, tiếng nói này từ bản thân, là tự nhiên, nhân bản và trung thực nhất, ngay cả khi nó tiết chế quan điểm rộng hơn. Kể chuyện ở ngôi thứ nhất, do đó, được hình thành, đan dệt nên một kiểu cách hoàn toàn độc đáo, duy nhất thuộc loại này; nó có cảm nhận độc lập như một cá nhân, nhận thức được bản thân và số phận của bạn. Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa là xây dựng sự đối lập giữa bản thân và thế giới, và sự đối lập đó cùng lúc có thể bị xa lánh.
Thể loại tin vịt nêu ra những nghi vấn mới về tiểu thuyết là gì. Các độc giả là những người thường bị lừa dối, bị cung cấp tin sai lệch hay bị đánh lừa đã bắt đầu từ từ có được khí chất thần kinh đặc biệt. Sự phản ứng đối với sự thất vọng như thế với tiểu thuyết có thể là sự thành công lớn lao của văn học không hư cấu, mà trong đó những xáo trộn thông tin rất lớn này hét lên trong đầu óc chúng ta: “Tôi sẽ kể cho bạn sự thật, không gì khác hơn là sự thật,” và “Câu chuyện của tôi dựa vào các sự kiện thật!”
Tiểu thuyết đã đánh mất sự trung thành của người đọc kể từ khi nói dối đã trở thành vũ khí nguy hiểm của hủy diệt tập thể, ngay dù nó vẫn còn là thứ dụng cụ ban đầu. Tôi thường hỏi câu hỏi đầy hoài nghi thế này: “Có phải điều bạn đã viết là hoàn toàn thực?” và mỗi lần tôi đều cảm thấy câu hỏi này là điềm báo sự kết thúc của văn chương.
Tôi cũng bị thuyết phục bởi sự khác biệt giữa câu chuyện thật và cốt truyện được dựng lên bởi nhà văn và nhà viết tiểu luận E. M. Forster. Ông nói rằng khi chúng ta nói, “Nhà vua băng hà và rồi hoàng hậu chết,” đó là một câu chuyện. Nhưng khi chúng ta nói, “Nhà vua băng hà, và rồi hoàng hậu chết vì đau buồn,” thì đó là một cốt truyện được dựng lên. Mỗi hư cấu đều gồm sự chuyển đổi từ câu hỏi “Điều gì sẽ xảy ra kế tiếp?” tới nỗ lực thấu hiểu nó dựa vào kinh nghiệm con người của chúng ta: “Tại sao nó xảy ra theo cách đó?”
Văn chương bắt đầu với “tại sao,” ngay dù chúng ta có trả lời câu hỏi đó nhiều lần với một cách bình thường “Tôi không biết.”
Như thế văn chương nêu ra các câu hỏi không thể được trả lời với sự giúp đỡ của Wikipedia, bởi vì nó vượt khỏi thông tin và sự kiện, chỉ thẳng tới kinh nghiệm của chúng ta.
Nhân loại đã trải qua đoạn đường dài trong cách thông truyền và chia xẻ kinh nghiệm cá nhân, từ nói, dựa trên chữ sống và trí nhớ, qua Cuộc Cách Mạng Gutenberg, khi các câu chuyện đã bắt đầu được truyền thông rộng rãi bằng viết lách và trong cách này cố định và mã hóa cũng như có thể sao chép mà không thay đổi. Sự thành tựu lớn lao về thay đổi này là điều mà chúng ta đã xác định tư duy bằng ngôn ngữ, bằng viết lách. Ngày nay chúng ta đang đối diện một cuộc cách mạng trên phạm vi tương tự, khi kinh nghiệm có thể được chuyển tải trực tiếp, mà không cần đến bản chữ in.
Không cần thiết phải giữ nhật ký du hành khi bạn đơn giản chỉ chụp hình và gửi các tấm hình đó lên các trang mạng xã hội để đi thẳng vào khắp thế giới, một lần là xong tất cả. Không cần thiết để viết thư, bởi vì gọi điện thoại thì dễ dàng hơn. Tại sao phải viết những cuốn tiểu thuyết dày, khi bạn có thể lên hàng loạt truyền hình? Thay vì đi ra ngoài dạo phố với bạn bè, thì chơi game còn tốt hơn. Tìm đọc tự truyện ư? Không cần, bởi vì tôi đang theo dõi cuộc sống của những người nổi tiếng trên Instagram và biết hết mọi thứ về họ.
Văn học là một trong số ít những lĩnh vực cố gắng giữ chúng ta gần với sự thật phũ phàng của thế giới, bởi vì bản chất của nó luôn luôn là tâm lý, bởi vì nó tập trung vào lý tính nội tại và động thái của các nhân vật, cho thấy trải nghiệm không thể tiếp cận của họ với người khác, hoặc đơn giản là kích thích người đọc trong diễn giải tâm lý về hành vi của họ. Chỉ có văn học mới có khả năng cho phép chúng ta đi sâu vào cuộc sống của một chúng sinh khác, hiểu lý lẽ của họ, chia xẻ cảm xúc và kinh nghiệm số phận của họ.
Một câu chuyện luôn luôn xoay quanh ý nghĩa. Ngay cả khi nó không diễn đạt trực tiếp, ngay cả khi nó cố tình từ chối tìm kiếm ý nghĩa và tập trung vào hình thức, vào thử nghiệm, khi nó thực hiện một cuộc nổi loạn chính thức, tìm kiếm các phương thức biểu đạt mới. Khi chúng ta đọc những câu chuyện được viết theo thói quen kiệm lời nhất, chúng ta không thể giúp hỏi các câu hỏi: “Tại sao điều này xảy ra?,” “Nó có nghĩa gì?,” “Đâu là trọng điểm?,” “Nó dẫn tới đâu?” Hoàn toàn có thể tâm trí của chúng ta đã phát triển về câu chuyện như là một quá trình mang lại ý nghĩa cho hàng triệu kích thích xung quanh chúng ta, và ngay cả khi chúng ta ngủ vẫn không ngừng nghĩ ra những câu chuyện của họ.
Vì thế, câu chuyện là cách tổ chức một lượng thông tin vô hạn trong thời gian, thiết lập mối quan hệ của nó với quá khứ, hiện tại và tương lai, biểu đạt sự tái diễn của nó và sắp xếp nó theo các loại nguyên nhân và kết quả. Cả tâm trí và cảm xúc đều tham gia vào nỗ lực này.
Thế giới đang chết dần, và chúng ta không nhận thấy điều đó. Chúng ta không thấy rằng thế giới đang trở thành một tập hợp của sự vật và sự kiện, một sự mở rộng vô hồn trong đó chúng ta di chuyển xung quanh sự mất mát và cô đơn, bị ném vào đây và đó bởi những quyết định của người khác, bị ràng buộc bởi một số phận khó hiểu, cảm thấy là trò chơi của các thế lực lớn của lịch sử hoặc cơ hội. Tâm linh của chúng ta hoặc là biến mất hoặc trở nên hời hợt và nghi thức. Mặt khác, chúng ta đang trở thành tín đồ của các thế lực đơn giản - vật chất, xã hội và kinh tế - xoay chuyển chúng ta như thể chúng ta là thây ma. Và trong một thế giới như vậy, chúng ta thực sự là những xác chết.
Cả đời tôi bị quyến rũ bởi các hệ thống các mối liên kết và ảnh hưởng lẫn nhau của điều mà chúng ta thường không ý thức, nhưng chúng ta khám phá ra nó bởi cơ hội khi những trùng hợp đáng ngạc nhiên hay những tụ hội của số phận, tất cả những chiếc cầu, đai ốc, bu lông, mối hàn và những nối kết mà tôi đã theo đuổi trong cuốn tiểu thuyết Flights. Trên cơ bản – như tôi đã xác tín – tâm trí của nhà văn là tâm hồn tổng hợp tất cả mảnh nhỏ lại trong nỗ lực để gắn kết chúng lại với nhau để tạo ra một tổng thể phổ quát.
Làm sao để chúng ta viết, làm thế nào để chúng ta xây dựng câu chuyện của mình để làm cho nó có khả năng nâng cao hình thức tập thành vĩ đại này của thế giới?
Tự nhiên, tôi nhận thức rằng không thể trở lại loại chuyện kể về thế giới mà chúng ta biết từ các huyền thoại, ngụ ngôn và truyền thuyết, mà, được truyền miệng, đã giữ thế giới hiện hữu. Ngày nay câu chuyện sẽ phải đa chiều và phức tạp; sau hết, chúng ta thực sự hiểu biết nhiều hơn, chúng ta biết về các kết nối khó tin giữa các sự vật có vẻ xa cách nhau.
Lời nói, suy nghĩ và sáng tạo của chúng ta không phải là điều trừu tượng, bị loại bỏ khỏi thế giới, mà là sự tiếp diễn trên mức độ khác của tiến trình vô tận của sự chuyển biến.
Tôi cứ tự hỏi hôm nay có thể nào tìm thấy nền tảng của một câu chuyện mới mà phổ quát, toàn diện, bao gồm tất cả, bắt nguồn từ tự nhiên, đầy bối cảnh và đồng thời có thể hiểu được.
Có thể nào có câu chuyện vượt xa khỏi nhà tù kín đáo của tự ngã của con người, phô bày phạm vi rộng lớn hơn của thực tại và cho thấy các tương quan tương duyên nhau?
Tôi viết tiểu thuyết, nhưng nó không bao giờ hoàn toàn là bịa đặt. Khi tôi viết, tôi phải cảm nhận mọi thứ bên trong chính tôi. Tôi phải để tất cả mọi sinh vật và đồ vật xuất hiện trong cuốn sách đi qua tôi, mọi thứ là con người và vượt khỏi con người, mọi thứ đang sống và không sống. Tôi phải quan sát kỹ mỗi thứ và mỗi người, với sự trang trọng nhất và nhân cách hóa chúng bên trong chính tôi, riêng tư hóa chúng.
Đó là những gì sự tử tế phục vụ tôi -- bởi vì sự tử tế là nghệ thuật nhân cách hóa, chia sẻ cảm xúc, và do đó không ngừng khám phá những điểm tương đồng. Viết truyện có nghĩa là luôn luôn mang các thứ tới cuộc sống, trao sự hiện hữu cho tất cả những mảnh nhỏ li ti của thế giới mà được trình bày bởi các kinh nghiệm của con người, các hoàn cảnh mà con người đã chịu đựng và các ký ức của họ. Sự tử tế nhân cách hóa mọi thứ mà nó liên hệ, làm cho nó có khả năng phát ra tiếng nói, cho nó không gian và thời gian để bước vào hiện hữu, và được biểu hiện. Chính nhờ tử tế mà ấm trà bắt đầu nói chuyện.
Sự tử tế là hình thức nhã nhặn nhất của tình yêu. Nó là loại tình yêu kh6ng xuất hiện trong kinh điển hay sách phúc âm, không ai thề nguyền bởi nó, không ai trích dẫn nó. Nó không biểu tượng hay dấu hiệu đặc biệt, nó cũng không đưa tới phạm tội, hay đố kỵ.
Nó xuất hiện bất cứ khi nào chúng ta nhìn kỹ vào một chúng sinh khác, một thứ không phải “tự ngã” của chúng ta.
Tử tế là tự nhiên và vô tư; nó vượt xa cảm giác đồng cảm. Thay vào đó là ý thức, mặc dù có lẽ hơi đa sầu, chia xẻ chung về số phận. Tử tế là mối quan tâm cảm xúc sâu sắc về một chúng sinh khác, sự mong manh, bản chất độc đáo của nó và sự vô nhiễm với đau khổ và ảnh hưởng của thời gian. Sự tử tế nhận thấy sự ràng buộc kết nối chúng ta, sự tương đồng và giống nhau giữa chúng ta. Nó là một cách nhìn cho thấy thế giới như là hiện sinh, là sống, tương quan với nhau, hợp tác với nhau, và tương thuộc chính nó.
Văn chương được xây dựng trên tử tế hướng tới bất cứ sinh loại nào khác hơn chính chúng ta. Nó là cơ chế tâm lý cơ bản của tiểu thuyết. Nhờ dụng cụ kỳ diệu này, là phương tiện tinh vi nhất của thông truyền của nhân loại, mà kinh nghiệm của chúng ta có thể đi xuyên thời gian, đạt tới những người chưa được sinh ra, nhưng là những người một ngày nào đó sẽ đọc được những gì chúng ta đã viết, các câu chuyện mà chúng ta đã kể về mình và thế giới của mình.
Tôi không biết cuộc sống của họ sẽ giống như cái gì, hay họ sẽ là ai. Tôi thường nghĩ về họ với cảm thức tội lỗi và hổ thẹn.
Tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu và cuộc khủng hoảng chính trị mà trong đó chúng ta đang cố tìm ra cách của mình, và là điều mà chúng ta lo lắng chống cự bằng việc cứu thế giới đã không đến đâu. Chúng ta thường quên rằng chúng không chỉ là kết quả của sự xoắn xít số phận hay định mệnh, mà của một số thay đổi và quyết định rất đặc biệt – kinh tế, xã hội, và liên quan đến tương lai thế giới (gồm các tôn giáo). Lòng tham, không tôn trọng thế giới thiên nhiên, ích kỷ, thiếu trí tưởng tượng, sự ganh đua không chừng mức và thiếu trách nhiệm đã làm cho thế giới trở thành tình trạng của đối tượng có thể bị cắt thành từng mảnh, bị tận dụng và phá hủy.
Đó là lý do tại sao tôi tin rằng tôi phải kể các câu chuyện như thể thế giới này là một thực thể sống, đơn lẻ, liên tục hình thành trước mắt chúng ta, và như thể chúng ta là thành phần nhỏ nhưng có đầy quyền lực trong thế giới này.
Tâm Huy/Việt Báo tổng hợp