CALIFORNIA (NV) - Vấn đề “lạm phát” điểm số có lẽ khó mà giải quyết được, khi mỗi trường mỗi ý, và giới học sinh sinh viên cũng không chia sẻ chung quan điểm trong việc thầy cô có nên cho điểm dễ hơn hay không
Sinh viên tại một đại học ở California trên đường tiến vào lớp học. (Hình minh hoạ: Frederic Brown/Getty Images)Nghiên cứu mới nhất do bốn giáo sư đại học Hoa Kỳ đăng trên tạp chí khoa học quốc tế Plos One cho thấy các nhà xét đơn xin học hay xin việc ít để ý đến việc thầy cô chấm khó thế nào, mà phần lớn chỉ dựa vào điểm số trên giấy trắng mực đen của người ứng tuyển.
Nghĩa là, một sinh viên học thật giỏi nhưng có điểm thấp vì thầy khó, thường bị đánh giá thấp hơn một sinh viên tương tự nhưng lấy lớp dễ nên có điểm cao hơn.
Nghiên cứu dựa trên tổng cộng 30,000 trường hợp thực tế này làm dấy lên nhiều phản ứng trong cuộc tranh luận về việc “lạm phát” điểm số, vốn đã không có hồi phân giải.
Thống kê cho thấy hầu hết các trường đại học tại Hoa Kỳ đều có mức điểm trung bình tăng dần. Thầy cô ngày nay cho điểm dễ dàng hơn thời gian trước đây. Chỉ một số ít trường đại học, UC Berkeley tại California là một ví dụ, là vẫn không chịu theo xu hướng mới này.
Nhiều sinh viên ủng hộ việc trường mình “nói không với lạm phát điểm số”, nhiều sinh viên khác lên tiếng yêu cầu trường phải nâng điểm trung bình để họ không bị thiệt thòi khi học lên cao học hay xin việc.
Về phía phản đối “lạm phát điểm số”, có các thầy cô và một số sinh viên đã tốt nghiệp. Thầy cô cho rằng tiêu chuẩn của trường cần được giữ gìn, trường khó nên đồng nghĩa với tiêu chuẩn cao. Các sinh viên cũ thì lo ngại nếu mức điểm trung bình được tăng lên, các sinh viên đang hoặc sẽ theo học thì có lợi nhưng điểm tốt nghiệp của những cựu sinh viên sẽ bị đánh giá thấp đi.
Giáo sư hoá học Pavan Kandadale, trường UC Irvine, “cảnh báo” trước cho sinh viên trong lớp: “Tôi biết các em phải thi vào Y, Dược, hay Nha, nhưng tôi có tiêu chuẩn của mình. Người nhận điểm A phải xứng đáng với nó.”
Cô Ánh Lý, một cựu sinh viên hiện làm việc tại một nhà thuốc Tây tại Fullerton và chuẩn bị thi vào trường Dược, nói: “Mình sợ trường tăng điểm cho sinh viên mới trong khi mình đang lo nộp đơn học Dược Sĩ. Điểm mình không cao, nhưng trường mình nổi tiếng khó, nên hy vọng hồ sơ mình không đến nỗi nào.”
“Nay nếu trường cứ chấm dễ đi, hồ sơ của mình sẽ 'mất giá'.” Cô lo lắng nói. Cô cũng chia sẻ là cô đã mất ba năm để đi thực tập trong khi lấy lớp tại các đại học cộng đồng. Việc cắt giảm ngân sách giáo dục làm kéo dài thời gian cô có thể lấy đủ lớp cần thiết tại đại học cộng đồng, cũng là kéo dài sự “mất giá” điểm tốt nghiệp của Ánh.
Về phía ủng hộ việc nâng điểm số, có các sinh viên đang theo học tại trường, và có cả các giáo sư lo ngại cho tính cạnh tranh của sinh viên mình trong tương lai.
Ông Samuel Swift, đồng tác giả của nghiên cứu trên tạp chí Plos nói: “Nghiên cứu đã cho thấy những em có sức học tương tự nhưng điểm cao hơn sẽ có thêm 31% cơ hội được nhận vào cao học hay công ty mới. Các nhà tuyển dụng khi nhìn vào điểm số thường ít xét đến từng môi trường học tập khác nhau.” Theo ông, đây là một lỗi chủ quan khó tránh khỏi của những người xét đơn.
Michelle Lâm, sinh viên năm cuối tại UC Berkeley và có ý định học Y, cho biết: “Hy vọng trường sẽ chấm dễ hơn, vì nghiên cứu đã cho thấy sinh viên học giỏi nhưng trường cho điểm thấp thì sẽ bất lợi hơn so với các sinh viên trường khác.”
Để giải quyết vấn đề nan giải này, một số trường đại học của California đề nghị thay đăng kèm thứ hạng của sinh viên so với tổng số sinh viên cùng khoá, bên cạnh điểm học, để các nhà tuyển dụng có thể nhận xét dễ dàng tình hình điểm số của trường. Tuy nhiên, đề nghị này vẫn còn “trong quá trình xem xét.”
Trong khi chưa có phương án nào được thực hiện, việc thầy cô có nên cho điểm dễ hơn hay không vẫn là một vấn đề nan giải.
Theo báo Người Việt