Tỷ phú Jeff Bezos.
Trước tiên hết, lỡ quý độc giả có quên mất Jeff Bezos là ai, xin được giới thiệu vài hàng vắt tắt: Tỷ phú, giàu nhất thế giới, giàu hơn Bill Gates, sáng lập công ty Amazon.
Tài sản Jeff Bezos có được, và số phận công ty Amazon ngày nay, là nhờ vào một bài toán. Chỉ một bài toán thôi.
Hay chưa? Tin không? Để kể cho nghe.
Chuyện này được Bezos tiết lộ trong một buổi nói chuyện tại Economic Club of Washington D.C. năm 2018. Chuyện là vầy.
Hồi còn là sinh viên ở đại học Princeton, có lần Bezos làm bài tập đụng phải một bài toán cực kỳ khó. Bezos và người bạn cùng phòng, Joe, đều cố gắng giải mà mãi không giải được. Hai người thử đủ mọi cách, trên dưới ngược xuôi, mà vẫn không ra.
Ba tiếng đồng hồ sau, vẫn chưa giải được, Bezos đi cầu cứu người khác. Người đó là một bạn cùng lớp mà Bezos sau này nhớ lại là "người thông minh nhất Princeton," một du học sinh người Sri Lanka tên là Yasantha Rajakarunanayake.
Theo như Bezos kể lại, bạn du học sinh này nhìn bài toán xong, suy nghĩ một lúc, trả lời ngay, "cosine." Rồi sau đó viết ra 3 trang giấy bài giải.
Bezos giật mình, bảo với Rajakarunanayake, ủa, mà sao biết đáp số là cosine? Bộ giải trong đầu à? Rajakarunanayake cười, không, chuyện đó đâu có thể được. Mà là Rajakarunanayake trước đó 3 năm có giải một bài tương tự, nên khi thấy bài này, nhớ lại bài cũ, so sánh hai bên, và biết câu trả lời là cosine.
Bài toán này tạo nên sự nghiệp Bezos ra sao?
À, là sau khi không giải được bài toán này, Bezos biết là mình không có tương lai làm nhà nghiên cứu vật lý nên cuối cùng theo học ngành kỹ sư điện và điện toán. Không có đổi ngành như vậy thì đã không có Amazon.
Thấy chưa, chỉ một bài toán mà đổi cả thế giới.
Ủa, mọi người tưởng tôi kể chuyện một bài toán nào đó dựng nên cả hệ thống thương mại như Amazon à? Làm gì có chuyện đó. Thời buổi này cái gì đáng giá đều được xây dựng trên nền tảng của nhiều thứ chứ cá nhân một cái, một người, một sự kiện, không làm nên mùa xuân nào hết.
Bài học ở đây có phải là, nếu bỏ học toán thì sẽ giàu?
Cũng có thể. Nhưng tôi muốn nói tới bài học khác.
Hồi ở Princeton, Bezos với Rajakarunanayake không phải bạn thân. Họ chỉ biết nhau thôi và theo Rajakarunanayake thì sau khi ra trường hai người không liên lạc gì với nhau nữa. Nhưng Bezos vẫn nhớ chuyện này.
Vậy nhìn lại xem Bezos đã làm gì?
Bezos làm bài, gặp bài khó, đã cố gắng giải trong hơn 3 tiếng đồng hồ. Mà đây không phải bài toán nghiên cứu gì nha, chỉ là bài tập của thầy cô cho mang về nhà.
Bezos không sĩ diện ngồi làm một mình, mà hợp tác với bạn cùng phòng để cùng giải.
Bezos và bạn cùng phòng là hai sinh viên được nhận vào Princeton thì chắc chắc không kém toán. Thật vậy, Bezos tốt nghiệp valedictorian ở trung học và đoạt học bổng National Merit Scholarship dành cho người điểm SAT cao.
Nhưng khi cả hai không giải được thì Bezos biết là mình có giỏi cũng có người giỏi hơn mình và đi tìm Yasantha Rajakarunanayake nhờ giải dùm.
Và mấy chục năm sau, Bezos vẫn còn nhớ tên dài ngoằng của Yasantha Rajakarunanayake.
Đó là sự biết quan tâm đến người khác, biết quan tâm đến chi tiết, mà cá nhân tôi quen rất rất nhiều nguời không có được cái đức tính ấy.
Tất cả những chi tiết trên đủ đưa ra một bài học cho những ai còn đang đi tìm bí quyết để thành công.
Chúc may mắn.
À, nói thêm chút.
Có lẽ có người thắc mắc rồi sau này Yasantha Rajakarunanayake làm gì. Sau khi tốt nghiệp cử nhân Princeton, Rajakarunanayake lấy tiến sĩ ở Caltech. Tới nay ông đã có 54 bằng sáng chế ở Mỹ và đang có thêm 40 cái nữa đang chờ duyệt. Ông hiện đang sống ở California là một giám đốc cao cấp cho công ty MediaTek, một công ty điện tử của Đài Loan.
Cho nên chỉ vì giải một bài toán thôi, người giải không được thì giàu nhất thế giới, người giải được thì cũng thành công vượt bực.
Đề nghị mọi người nên siêng năng làm bài tập toán.
Vũ Quí Hạo Nhiên (VOA)