Những hành vi thể hiện lòng tốt đã định hình những gì diễn ra trong đại dịch virus corona.
Đó có thể là những câu chuyện về người Ý hòa giọng hát trên ban công, hay các cộng đồng đồng loạt hoan hô để tỏ lòng biết ơn các nhân viên y tế ở tuyến đầu.
Những chuyện như thế khiến chúng ta cảm thấy rằng chúng ta mạnh mẽ hơn so với cuộc khủng hoảng, và chúng ta có thể cùng nhau vượt qua nỗi sợ hãi .
Đó là lý do tại sao BBC Travel tôn vinh những nơi trên thế giới vốn đã có truyền thống lâu đời về sự hào phóng và tinh thần giúp đỡ lẫn nhau.
Từ quan niệm về lòng hiếu khách của người Hy Lạp Cổ đại đến các nhà thơ Ba Tư thể hiện lòng tốt, những truyền thống này sẽ soi sáng thiện tâm vốn có mặt trên khắp hành tinh, cũng như cho chúng ta những ý tưởng mới về cách sống làm sao tốt nhất để đi đến tương lai.
Philoxenia, Hy Lạp Ở Hy Lạp, khách thường được đối xử một cách trang trọng, với lời mời ăn tối đơn giản thường thành ra là một bữa tiệc thật sự, trogn đó ly rượu của khách lúc nào cũng được người chủ nhà tận tâm rót đầy.
Tuy đây là đặc trưng của nhiều nền văn hóa ngày nay, nhưng cái nôi của nền văn minh phương Tây được cho là đã nghĩ ra truyền thống này.
Ở Hy Lạp Cổ đại, việc bày tỏ lòng hiếu khách một cách chu đáo được coi là tuân theo một điều răn của các vị thần, đặc biệt là thần Zeus Xenios, vị thần của người nước ngoài và người lạ.
Nếu có một lữ khách mệt mỏi đến trước cửa nhà, gia chủ có nghĩa vụ phải chào đón họ, mời họ thức ăn chốn ở trước khi hỏi bất kỳ câu nào, cho dù họ có biết người đó hay không.
Đổi lại, khách có nghĩa vụ thể hiện sự tôn trọng chủ nhà thông qua các cử chỉ, chẳng hạn như sẽ chỉ nán cho đến khi còn cần thiết.
Cho dù là chủ hay khách, nếu không làm đúng nghĩa vụ thì sẽ bị coi là mắc phải tội lỗi, đáng hứng chịu cơn thịnh nộ thần thánh từ thần Zeus Xenios.
Xuất phát từ các từ Hy Lạp xenia (người lạ) và philo (chăm sóc), khái niệm này được gọi là philoxenia, hay tấm lòng đối với người lạ (và sau đó là hospitum, tức là lòng hiếu khách) với những cảnh thể hiện điều này có xuyên suốt trong các tác phẩm của thi hào Homer.
Chẳng hạn như sử thi Odyssey kể lại hành trình tìm kiếm sự hiếu khách không mệt mỏi của nhân vật chính trong chuyến đi về nhà ở đảo Ithaca, trong khi sử thi Iliad nhớ lại phản ứng của người Hy Lạp trước sự vi phạm trắng trợn cách ứng xử chủ-khách đúng mực trong Cuộc chiến thành Troy khi chàng Paris đã 'trộm' vợ của chủ nhà, nàng Helen xứ Sparta, lúc rời Sparta.
Bên cạnh việc đặc biệt hào hiệp trong sự hiếu khách của mình, truyền thống tốt bụng này của người Hy Lạp vẫn được duy trì cho đến ngày nay thông qua những cử chỉ nhỏ như nở nụ cười thân thiện với người lạ, hoặc hộ tống vị khách lạc đường đến đích thay vì chỉ có chỉ đường mà thôi.
Taarof, Iran Thường thì mãi cho đến tháng Giêng thì những trận tuyết đầu tiên mới rơi ở Mashhad, nằm gọn giữa những dãy núi đông bắc Iran, nhưng cho đến tháng 12, thành phố lớn thứ hai ở Iran đã bước vào trong mùa đông lạnh giá.
Bản quyền hình ảnh Sarah Reid
Được cho là vì lo lắng cho số dân vô gia cư đáng kể của thành phố, một người dân địa phương ẩn danh đã xuống đường vào tháng 12/2015 để vẽ lên tường những gam màu tươi sáng và đính vào đó những móc treo tường cùng mắc áo. Bên cạnh đó là một thông điệp bằng tiếng Farsi viết: "Nếu bạn cần thì hãy lấy. Nếu bạn không cần, hãy để lại."
Cư dân ở Mashhad đã đáp ứng lời kêu gọi một cách nhiệt tình, mang tới treo lên mắc các loại quần áo ấm mà họ có thể cho đi.
Ngay lập tức có tiếng vang trên mạng xã hội, những 'bức tường từ thiện' này nhanh chóng lan rộng khắp Iran và xa hơn nữa, với sáng kiến này được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.
Các tiệm bánh bắt đầu để những giỏ bánh mì ở ngoài để khuyến khích những người không thể trả tiền tự lấy ăn; và những người hát rong gảy đàn guitar trên các góc phố, dòng chữ trên hũ đựng tiền khán giả cho gọi mời người qua đường lấy tiền nếu họ cần.
Các cửa hàng thức ăn nhanh ở Tehran đã giới thiệu một hệ thống mà theo đó khách hàng có thể dán đơn đặt đồ ăn lên bảng thông báo để cho những người kém may mắn đến lấy vào tiệm đổi đồ ăn - điều này gợi nhớ đến truyền thống caffè sospeso (cà phê treo) của Ý vốn được hồi sinh ở Napoli khoảng một thập kỷ trước, mà theo đó khách ruột của quán có thể mua trước ly cà phê cho người khó khăn.
Tuy phát chẩn luôn là một tập quán quan trọng của người Hồi giáo, nhưng phong trào bức tường từ thiện bắt nguồn từ văn hóa Ba Tư, vốn tôn sùng ngôn ngữ của các nhà thơ cổ đại như Rumi, người đề cao đức tính tốt bụng.
Tinh thần từ thiện này cũng đã được thể hiện trong taarof, hay nghệ thuật nghi thức Ba Tư, mà theo đó phép lịch sự có vị trí danh dự trong mọi tương tác xã hội.
Mặc dù đại dịch virus corona đã đẩy tinh thần từ thiện của đất nước đến giới hạn, những cử chỉ lòng tốt đối với người lạ vẫn tiếp tục cho đến ngày hôm nay.
Ubuntu, Nam Phi Từ này xuất phát từ các ngôn ngữ Nguni vốn là tiếng nói của một số dân tộc đầu tiên ở châu Phi sử dụng, nhưng ubuntu không xuất hiện trong văn tự cho đến giữa Thế kỷ 19 và nổi bật lên trong giai đoạn Nam Phi chuyển từ chế độ phân biệt chủng tộc sang chế độ dân chủ vốn bao gồm tất cả các sắc tộc.
Mặc các định nghĩa về ubuntu đã biến đổi qua nhiều năm, câu tục ngữ Nguni 'Umfox ngum Ubuntu ngabantu' (thường được dịch là 'một người là một người thông qua những người khác') được sử dụng phổ biến nhất để mô tả khái niệm này.
Trên thực tế, ubuntu là niềm tin rằng các liên kết chung của một nhóm quan trọng hơn sự chia rẽ bên trong đó.
Như Nelson Mandela đã từng viết, ubuntu là 'cảm nhận sâu sắc rằng chúng ta chỉ là con người thông qua tính nhân bản của người khác, rằng nếu chúng ta muốn đạt được bất cứ điều gì trên thế giới này, thì ở mức độ tương đương điều đó sẽ nhờ vào nỗ lực và thành tựu của người khác.'
Ở Nam Phi, triết lý này thể hiện ở sự bày tỏ lòng tốt và lòng trắc ẩn, nhất là đối với những người thuộc nền tảng văn hóa khác.
Cựu Tổng Giám mục Nam Phi Desmond Tutu vận dụng khái niệm ubuntu khi ông làm lãnh đạo Ủy ban Sự thật và Hòa giải của quốc gia vào giữa những năm 1990, với nhận thức Kitô giáo của ông thừa nhận tầm quan trọng của tha thứ, hòa giải và chung sống hòa bình.
Trong một bình luận vô cùng cảm động vào năm 2020, ông nói, "Ubuntu đặc biệt đề cập đến thực tế rằng bạn không thể tồn tại một cách cô lập. Nó nói về sự kết nối lẫn nhau giữa chúng ta. Bạn không thể nào sống chỉ có mình mình, và khi bạn có phẩm chất này - ubuntu - bạn được mọi người biết đến về sự hào hiệp của mình."
Omotenashi, Nhật Bản Thường được mô tả là quốc gia lịch sự nhất thế giới, truyền thống hiếu khách quên mình của Nhật Bản là sản phẩm của một truyền thống được gọi là omotenashi.
Dịch theo nghĩa đen là 'tinh thần phục vụ', hòn đá tảng của văn hóa Nhật Bản này dựa trên nền tảng là nghi thức sado (trà đạo) hàng thế kỷ vốn đòi hỏi sự quan tâm cao độ nhân danh cho chủ nhà để đảm bảo mọi nhu cầu của khách đều được đáp ứng, mà không trông đợi được đáp lại bất cứ điều gì.
Còn những vị khách, vốn ý thức được công sức của chủ nhà, đáp lại bằng cách thể hiện lòng biết ơn gần như tôn kính. Vì lẽ đó cả hai bên tạo ra một môi trường hài hòa và tôn trọng.
Trong khi có lẽ không có phong tục Nhật Bản nào đại diện cho omotenashi tốt hơn là trà đạo, omotenashi đã trở thành một lối sống ở Nhật Bản.
Nhân viên trong các cửa hàng và nhà hàng chào đón khách hàng bằng câu 'irasshaimase' (chào mừng) ấm áp khi bạn bước vào trong; những người quét dọn shinkansen (tàu cao tốc) cúi chào hành khách bước lên tàu; và tài xế taxi tự động mở cửa cho hành khách.
Đối với người ngoài, người Nhật còn thể hiện mức độ lịch sự thậm chí còn lớn hơn, với người nước ngoài thường được đối xử hết sức trọng thị.
Butomotenashi không phải là truyền thống lòng tốt duy nhất của Nhật Bản. Một tập tục được gọi là senbetsu, tức tặng quà cho ai đó đi nghỉ, hoặc có lẽ rời công việc của họ, đã có từ thời cổ đại, khi những món quà được tặng cho những người lên đường hành hương như một cách để đảm bảo người ra đi sẽ cảm thấy thoải mái trên hành trình của họ.
Theo BBC