Vòng lưu diễn tại Bắc Mỹ của ban nhạc The Rolling Stones được dự trù khởi động ngày 08/05/2020 bị hủy vì virus corona. AFP/File
VIDEO Ban nhạc The Rolling Stones vừa ra mắt công chúng ca khúc Living In A Ghost Town, Sống Trong Thành Phố Ma. Một cơn ác mộng của Mick Jagger và Keith Richards đã thành hiện thực khi các thành phố lớn trên thế giới lần lượt "cách ly với thế giới bên ngoài" chống dịch Covid-19.
“Đời đang đẹp, bỗng chốc tất cả lặng câm. Đường phố không người. Còn lại những bóng ma trong thành phố chết”.
Đúng vào lúc hơn một nửa nhân loại bị cầm chân trong nhà, những thành phố không bao giờ ngủ đã bị cướp đi nhựa sống, ban nhạc The Rolling Stones cho ra mắt ca khúc Living In A Ghost Town, Sống Trong Thành Phố Ma. Từ Cape Town đến Kyoto, từ Luân Đôn đến Los Angeles hay Toronto chìm trong giấc ngủ. Phố xá thênh thang không một bóng người, những tuyến đường hầm hun hút vô cảm nuốt những đoàn tàu vắng, lạnh dưới lòng thành phố.
Cách nay gần một năm, trước đại dịch, nam danh ca Mick Jagger đã cùng với nhạc sĩ ghi ta Keith Richards chấp bút sáng tác. Trong 10 phút cặp nghệ sĩ này đưa chúng ta bước vào thế giới hoang vu, không một tiếng cười, đơn độc, lạnh giá của những thành phố chết. Họ không thể ngờ rằng, kịch bản đó như một định mệnh đợi chờ.
Living In A Ghost Town, là nhạc phẩm đầu tiên của ban nhạc rock huyền thoại The Rolling Stones sau 8 năm ngừng sáng tác. Ai cũng biết đây là một sự kiện rất được giới hâm mộ chú ý chờ đợi.
Tứ trụ Mick Jagger, Keith Richards, Ronnie Wood et Charlie Watts đã gần như hoàn tất ca khúc này trong các phòng thu ở Luân Đôn và Los Angeles. Có điều ban nhạc còn lấn cấn vì cảm thấy là lời ca u ám quá : “Những linh hồn vật vã trong đêm dài vô tận/ Vạn vật còn lại là những chiếc bóng không hồn/ Sống dưới lòng đất như những thây ma…”
Tất cả đã đổi thay khi các quốc gia trên thế giới lần lượt tự cách ly với thế giới bên ngoài, các sinh hoạt đều bị dừng lại, hàng quán lần lượt phải đóng cửa, các nhà hát, những rạp xi-nê lần lượt hạ màn. Thế giới còn lại một màu đen. Đó cũng là lúc Mick Jagger không còn do dự, ông đưa thêm vào lời ca từ “lockdown” để nhạc phẩm này thêm tính thời sự.
Cuối cùng, bản nhạc chỉ thực sự hoàn chỉnh một khi Mick Jagger giam mình trong khu tòa lâu đài của ông ở vùng Tourraine, miền tây nước Pháp. Nhạc sĩ Keith Richards thổ lộ thật lạ lùng khi thấy các thành phố càng chìm vào cõi chết của màn đêm bất tận thì đấy cũng là lúc ca khúc Living In A Ghost Town vươn vai thức dậy để bước ra ánh sáng.
Hạnh phúc hay điềm gở từ những con phố lặng câm ? Nhạc phẩm mới nhất này của The Rolling Stones nói về một số những thành phố chết trên thế giới. Trước Mick Jagger, Keith Richards, thi sĩ Pháp Louis Aragon trong Dans Le Silence de La Ville - Trong tĩnh lặng của thành phố (1963) từng xem sự im lặng và tĩnh mịch của thành phố là khoảnh khắc hạnh phúc dễ vỡ của những đôi tình nhân.
Còn trong ca khúc Paris au mois d’août (1966) của Charles Aznavour, những con phố không bóng người bởi :
“Mỗi con đường, từng viên đá đều thuộc về những người yêu nhau, Paris tráng lệ đã nhạt mờ, chỉ còn ta với ta”
Thành phố chết thông thường hình ảnh những thành phố thu mình trong giấc ngủ không báo trước điềm lành. La Ville Morte năm 1956 của Yves Montant là một thành phố chết vì nhà máy đóng cửa, khai tử cả một tầng lớp công nhân, những người thợ mỏ. Trước đó thành phố chết trong lời ca, tiếng hát của Jean Ferrat năm 1953 là thành phố Brest bị dội bom hoang tàn đổ nát sau Thế Chiến Thứ Hai.
Paris không người, đường vắng trong tác phẩm Les Camions của Jean Roger Simon (1970) là một ẩn dụ tác giả nói về cái chết của chính ông :
“Một gã trong quan tài, trong bộ quần áo mới, một đoàn xe và dòng người theo sau…”
Thế giới của những con "bướm đêm" Trong làng nhạc Pháp, có hai tác giả cũng thường bị những thành phố chết ám ảnh. Với Maxime Le Forestier (Ma Ville Morte năm 1975), phố chết đơn thuần là những thành phố về đêm. Còn Nino Ferrer trong Nỗi buồn phố vắng – Le Blues des rues désertes (1964) lê bước trong phố xá không đèn. Sương lạnh, gót giầy vang trong đêm vắng để tìm về với căn phòng đơn côi.
Quá si tình, Ferrer không thể ngờ rằng những con đường ở Paris vắng bóng người buổi sớm ban mai là thế giới riêng biệt của những người lao động cần cù đã bắt đầu một ngày mới như trong ca khúc Il est cinq heure, Paris s’éveille của Jacques Dutronc : nào là những chiếc xe đi giao sữa, những bác phu quét đường, những chủ hiệu bánh mì và quán cà phê đã sẵn sàng cho một ngày mới. Nhựa sống đã này sinh từ khi mặt trời chưa ló rạng.
Theo RFI