“Ðôi mắt có thần” là khái niệm gần với tướng pháp để nói về đôi mắt sáng của một người có sức giao cảm và còn đối thoại được với người khác. Với nhạc trưởng nổi tiếng Eugene Ormandy thì đôi mắt của Arturo Toscanini là có thần.
Toscanini là nhạc trưởng thuộc bậc sư, có sự nghiệp vắt ngang hai thế kỷ 19 và 20 và nhiều châu lục của thế giới. Với trí nhớ phi thường, đôi tai bắt được những thanh âm vi tế nhất, ông muốn gì ở nhạc công thì nói bằng đôi mắt. Ai may mắn được xem Toscanini điều khiển dàn nhạc đều cho rằng khi ông đứng trên bục là lúc ông nhập thần, nhìn thấu tâm tư của từng nhạc sĩ dù ngồi ở chỗ xa nhất, để dùng đôi mắt đưa người tấu nhạc vào nghệ thuật tinh vi của một tác phẩm.
Nhưng không phải ai cũng là Toscanini.
Sau nhạc trưởng phi phàm này, thế kỷ 20 đã có nhiều nhân tài khác và qua thế kỷ 21, một số nhạc trưởng trẻ hơn cũng đã thành danh. Chúng ta không thể kể hết từng người, nhưng nếu thấy đĩa nhạc của Mazur, Von Karajan, Berstein hay Osawa, Mehta và gần đây là Gustavo Dudamel, thì mình có thể yên tâm là sẽ thưởng thức tài nghệ đáng giá.
Một câu hỏi mà người thưởng ngoạn bình thường như chúng ta muốn biết là khi bước lên điều khiển một dàn nhạc thì nhạc trưởng làm gì?
Ðầu tiên và trước hết, có lẽ nhạc trưởng đã được nghe tác phẩm khi còn đi học. Nhiều phần thì đã học một nhạc cụ và tập trình tấu rồi mới học thêm về nhạc và về nghệ thuật hay khoa học điều khiển. Sau nhiều tập luyện và nghe đi nghe lại thì đã thuộc lòng, là chuyện không dễ cho loại bài giao hưởng lớn, có ngàn trường canh trình bày trong cả tiếng đồng hồ.
Thuộc kỹ tác phẩm với hòa âm rồi, họ mới tập dượt với ban nhạc. Ðây là phần chuẩn bị công phu trong “hậu trường” khi nhạc trưởng và các nhạc công đều đã quen với tác phẩm và nhất là quen với nhau. Ðấy là lúc mà âm thanh và cử chỉ đã phải hòa nhập.
“Tâm đầu ý hợp” là hoàn cảnh lý tưởng của cả dàn nhạc sau nhiều buổi tập dợt và cả trăm lời căn dặn như vậy. Sau đấy mới là lúc trình diễn.
Chúng ta quên rằng trong phân nửa đầu của thế kỷ 20, người ta mới chỉ có đài phát thanh và phòng ghi âm chứ chưa có truyền hình phổ biến. Vì thế, điều khiển một dàn nhạc thường chỉ đáp ứng nhu cầu của người nghe. Từ khi có truyền hình và sân khấu lớn, người thưởng ngoạn không chỉ nghe mà còn xem.
Những người cổ điển và khó tính chưa chắc đã quen với các nhạc trưởng có quá nhiều bộ điệu khi điều khiển dàn nhạc làm họ rối mắt.
Bộ điệu hay không thì cũng phải có trang phục, thường là màu đen. Trịnh trọng hơn thì có áo đuôi tôm và “nơ trắng” với cổ bẻ. Nhưng cũng phải có cây đũa nữa mới thật là đủ bộ.
Mỗi nhạc trưởng lại có một phong cách riêng. Trên sân khấu hay màn ảnh, phong cách đó rất được chú ý. Nhưng trọng tâm không phải là diễn kịch mà là hướng dẫn cả dàn nhạc hợp tấu một tác phẩm. Chúng ta có thể cảm được điều ấy khi nhắm mắt tận hưởng âm thanh hơn là bị chia trí bởi điệu bộ của nhạc trưởng. Một nhạc trưởng có quá nhiều kịch tính mà diễn tả tác phẩm bằng cử chỉ cuồng điên hỗn loạn có khi lại làm các nhạc công cao hứng múa may. Kết cuộc thì mình chỉ nghe thấy dàn trống kèn là trổ giọng inh ỏi nhất!
Thông thường thì các nhạc trưởng cầm đũa bằng tay phải để giữ nhịp, nhưng không phải nhạc trưởng nào cũng có kỹ thuật máy móc như vậy. Phong cách mỗi người trong mỗi nhạc phẩm lại có những điểm nhấn hay điểm buông khác nhau.
Nếu chỗ nào cũng múa đũa để nhấn thì nhạc trưởng chứng tỏ rằng mình không tin dàn nhạc, làm cho nhạc công thấy mình là chỉ nhạc cụ và có một nghệ sĩ là nhạc trưởng! Nhiều nhạc trưởng cũng dùng tay trái như động tác cân bằng với tay phải cầm đũa. Nhưng có một số không ít lại tiết kiệm động tác bằng tay trái và chỉ dùng để báo hiệu một chuyển đoạn hay một cách ngân cách láy quan trọng.
Trong một số tác phẩm, nhất là ở những hành âm chậm rãi, nhạc trưởng có thể chỉ dùng đôi tay mà không cầm đũa, như trường hợp của Boulez hay Mazur. Nhưng với cây đũa nhìn được khá rõ thì nhạc trưởng có thể cắt thanh âm rất sắc và giao cảm được với nhạc công ngồi ở chỗ xa nhất.
Nói chung, cử chỉ, bộ điệu, cây đũa và đôi tay không thể thay thế đôi mắt.
Chính ánh mắt mới là cây cầu giao cảm và ngay từ khi tập dượt, đôi mắt nhạc trưởng nhắc nhở từng người dù ngồi ở chỗ xa nhất cao nhất, rằng chúng ta cùng trình tấu một tác phẩm. Thiếu ánh mắt nhắc nhở, các nhạc sĩ có thể cảm thấy như bị lãng quên và chỉ làm tròn nhiệm vụ trong các góc của mình.
Nhưng nếu nhạc trưởng lại xuất thần hay nhập thần mà nhắm nghiền đôi mắt để tận hưởng thì sao? Câu hỏi này, chỉ có các nghệ sĩ thứ thật thì mới trả lời được.
Quỳnh Giao
Theo báo Người Việt