Tỉ phú Jeff Bezos, người sáng lập và chủ nhân của công ty mua hàng trực tuyến Amazon.com, là chủ nhân mới của báo The Washington PostTin nhật báo The Washington Post sắp đổi chủ, bất ngờ được loan báo hôm thứ Ba 6 tháng 8, 2013, đã gây kinh ngạc trong báo giới Mỹ và thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế. Tờ báo lớn nhất ở thủ đô nước Mỹ đã chiếm được một chỗ đứng đặc biệt trên làng báo thế giới từ những năm đầu của thập niên 1970, nhờ những bài phóng sự điều tra vụ tai tiếng Watergate, rốt cuộc dẫn tới việc Tổng Thống Nixon phải từ chức vào năm 1974. Mục Đời Sống Văn Hóa do Hoài Hương phụ trách, tuần này xin được dành để mang lại quý vị một số chi tiết về tin đang gây xôn xao trong báo giới và dư luận nước Mỹ.
Được coi là một trong những tờ báo lâu đời và uy tín nhất nhì nước Mỹ, tờ The Washington Post thuộc quyền sở hữu của một gia đình trong suốt 8 thập niên qua, từ năm 1933, khi một doanh gia giàu có ở California tên Eugene Meyer mua lại một tờ báo bị vỡ nợ với giá 825,000 đôla.
Tài sản của ông Meyer khi ông mới trạc tứ tuần vào năm 1915, đã được đánh giá vào khoảng từ 50 triệu tới 60 triệu đôla. Ngay từ đầu, ông tuyên bố tờ báo phải theo 7 nguyên tắc hướng dẫn. Thứ nhất là tờ báo phải độc lập. và nguyên tắc cuối cùng là “The Post sẽ không trở thành đồng minh của bất cứ nhóm lợi ích nào, mà sẽ duy trì sự công bằng, độc lập, và quan điểm lành mạnh về các vấn đề công, cũng như những nhân vật của công chúng.”
Ông đổ tiền đầu tư vào tờ báo, tuy nhiên tới 21 năm sau, tờ The Washington Post mới thực sự chuyển sang một ngã rẽ mới, khi ông Meyer cùng người con rể, Philip L. Graham, mua đứt tờ The Washington Times Herald, tờ báo cạnh tranh với The Post. Qua đêm, số độc giả của The Post tăng gấp đôi, và nội trong 5 năm, tờ báo qua mặt tờ The Star, báo dẫn đầu về mặt quảng cáo ở Washington .
Philip Graham là một cựu thư ký Tòa án Tối cao. Ông rất thông minh và có sức cuốn hút khác thường. Doanh gia Meyer thu xếp để con rể sở hữu nhiều cổ phần hơn con gái ruột, bà Katharine Graham, bởi vì theo nhà tỉ phú Meyer, “không một người đàn ông nào nên bị đẩy vào thế phải làm việc dưới quyền vợ mình”.
Đáng tiếc, Philip Graham tự kết liễu mạng sống vào năm 1963 sau một thời gian chống chọi với bệnh tâm thần. Bà góa phụ Graham, 47 tuổi, bị đẩy vào thế phải thay chồng, quản lý các tài sản của gia đình.
Trong cương vị chủ nhân tờ báo The Washington Post, Bà Katharine Graham trở thành phụ nữ có nhiều quyền lực nhất cả trên doanh trường lẫn chính trường ở thủ đô Washington, và quyết định của bà chọn ông Benjamin C. Bradlee làm tổng biên tập được đánh giá cao. Bà hết lòng ủng hộ hai nhà báo Bob Woodward và Carl Bernstein, các phóng viên “sao” của tờ báo trong vụ tai tiếng Watergate, vụ tai tiếng được nhiều người biết đến nhất trong lịch sử báo chí Mỹ.
Từ ông Eugene Meyer, tới ông Philip Graham, cho đến bà Katharine Graham, và giờ đây tới Chủ tịch Philip Graham và Giám đốc điều hành Katharine Weymouth, tên tuổi của tờ The Post gắn liền với gia đình chủ nhân được gọi chung là họ nhà Grahams, mà có báo miêu tả là “hoàng tộc của làng báo chí Mỹ.”
Quyền sở hữu được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác của gia đình này. Cho tới hôm thứ Ba 6 tháng 8 vừa rồi, lúc Chủ tịch Hội đồng Quản trị và CEO Katharine Weymouth loan báo đã bán tờ The Post cho nhà tỉ phú Jeff Bezos, sáng lập viên và chủ nhân của công ty mua hàng trực tuyến Amazon.com, với giá 250 triệu đôla.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Donald Graham giải thích lý do trên tờ báo nhà, khi loan tin cho nhân viên của tờ The Post:
“Vì sao chúng tôi phải bán tờ The Washington Post, và tại sao lại bán cho Jeff? Câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên khó giải đáp hơn. Tất cả con cháu nhà Graham có mặt trong gian phòng này, ngay từ tấm bé đã rất tự hào rằng mình xuất thân từ một gia đình làm chủ tờ The Washington Post. Chúng tôi yêu tờ báo, các giá trị mà tờ báo tượng trưng, cũng như tất cả những người đã đóng góp làm nên tờ báo. Nhưng ưu tiên của chúng tôi, trong tư cách là chủ nhân, từ bấy lâu nay vẫn là làm những gì có lợi nhất cho tờ báo. Trong bối cảnh ngành báo chí tiếp tục phải đương đầu với những thách thức mà chúng tôi không tìm được giải đáp, Katharine và tôi bắt đầu tự hỏi liệu công ty nhỏ của chúng tôi có còn là nơi chốn tốt nhất cho tờ báo hay không. Thu nhập của chúng ta đã giảm sút trong 7 năm liên tiếp. Chúng tôi đã cải tiến, và những biện pháp ấy đã thành công trong việc nâng cao số lượng độc giả, cũng như chất lượng của tờ báo, nhưng các kết quả ấy vẫn không bù đắp được sự giảm sút của mức thu nhập. Đáp ứng của chúng tôi là giảm chi, nhưng chúng tôi biết rõ biện pháp ấy chỉ có giới hạn. Chúng tôi biết chắc rằng tờ The Washington Post sẽ sống sót dưới quyền sở hữu của gia đình Graham, nhưng chúng tôi muốn làm hơn thế nữa. Chúng tôi muốn tờ báo thành công.”
Trong thông điệp gửi đến nhân viên tờ báo, Giám đốc điều hành Katharine Weymouth, cháu ngoại của bà Katharine Graham, cho biết chủ nhân mới Jeff Bezos đã yêu cầu bà tiếp tục duy trì chức vụ hiện tại:
“Sứ mạng của chúng ta vẫn không thay đổi, và những giá trị mà theo thời gian đã trở thành trọng tâm của sức mạnh bền vững của tờ báo của chúng ta trong suốt nhiều thập niên, vẫn không thay đổi. Jeff chia sẻ những nguyên tắc đã hướng dẫn gia đình Graham trong suốt thời gian chúng tôi cầm cương, lèo lái tổ chức truyền thông vĩ đại này.”
Nhiều người đã đặt nghi vấn về tại sao một doanh gia có kinh nghiệm như Jeff Bezos, lại đi mua một tờ báo đang hoạt động lỗ lã như thế?
Chuyên gia về truyền thông Amy Webb nói ông Bezos và công ty Amazon.com đã làm một cuộc cách mạng trong lĩnh vực xuất bản sách, và bà tiên đoán ông có thể thay đổi cách người Mỹ theo dõi tin tức hàng ngày.
Tờ The Washington Post nổi tiếng nhất với những bài phóng sự điều tra, các ký giả của tờ báo đã đoạt nhiều giải báo chí danh giá. Nhưng thời đại hoàng kim của tờ The Washington Post, cũng như của các báo in trên tòan cầu, dường như đã qua từ lâu. Số độc giả mua báo dài hạn liên tục giảm sút. Một phụ nữ nói:
“Trước đây, tôi đăng ký mua báo dài hạn, nhưng bây giờ, tôi không thực sự mua báo dài hạn nữa. Tôi đọc tất cả những thứ cần biết trên mạng.”
Giaó sư môn báo chí Paul Levinson, thuộc trường đại học Fordham, nói đã tới lúc tờ The Post phải tăng cường sự hiện diện trên mạng:
“Tương lai của các nhật báo là trên mạng. Điều đó không có nghĩa là các báo in sẽ biến mất, mà trên thực tế, cơ hội tốt nhất để các báo in sống còn là sự hiện diện mạnh mẽ, năng động và tiếp tục được tăng cường trên mạng. Đó là điều mà công ty Amazon.com có thể mang lại cho tờ The Washington Post. ”
Chris Tolles, CEO của Topix, một cộng đồng cung cấp tin tức trên mạng có hàng triệu độc giả, nhận định rằng tờ The Washington Post vẫn là một tiếng nói quan trọng trong làng báo, và trên chính trường nước Mỹ:
“Tôi tin rằng The Washington Post là một trong 3 hay 4 tờ báo hàng đầu tại Hoa Kỳ, và các trang xã luận của tờ báo rất có trọng lượng. Trong số các độc giả của tờ báo, có các vị Tổng Thống, các nghị sĩ quốc hội và gia đình của họ.”
Chủ nhân mới Jeff Bezos, người sáng lập Amazon.com, được xếp hạng thứ 11 trên danh sách những nhà tỷ phú giàu có nhất thế giới, phát biểu gì sau khi mua tờ báo có uy tín nhất ở Washington? Tờ Post trích dẫn một đoạn trong thông điệp của ông:
“Những giá trị của tờ The Washington Post không cần thay đổi. Nhiệm vụ của tờ báo là phục vụ độc giả, chứ không phải phục vụ những lợi ích riêng tư của các chủ nhân của nó. Chúng ta sẽ tiếp tục theo đuổi sự thật, bất kỳ nó dẫn đến nơi nào, và chúng ta sẽ cố gắng làm việc để tránh những sai lầm. Nếu chúng ta phạm phải sai lầm, chúng ta sẽ nhận trách nhiệm hoàn toàn, và ngay lập tức. Tôi sẽ không điều hành công việc hàng ngày của tờ The Washington Post. Tôi đang sống rất vui vẻ ở bang Washington, phía bên Bờ Tây nước Mỹ, nơi tôi có một công việc mà tôi yêu thích. Hơn nữa, The Washington Post đã có sẵn một ê kíp lãnh đạo có tài năng, họ biết rõ ngành báo chí hơn tôi xa, và tôi lấy làm cảm kích ê kíp này đã đồng ý tiếp tục phục vụ tờ báo.”
Theo VOA