HOLLYWOOD, California (NV) – Đối với các nhà làm phim, ngoài thành phố New York là một nơi cho họ nhiều ý tưởng vì vừa thơ mộng cho các phim tình cảm, vừa hỗn độn cho các phim tội phạm, thì California cũng là nơi được họ chú ý vì vẻ đẹp tự nhiên, và cũng có sự hỗn độn của các thành phố lớn.
Hiện nay, dịch COVID-19 làm du lịch bị chặn đứng. Chính vì vậy, khán giả không thể bỏ qua bảy phim có bối cảnh ở California dưới đây.
Bà Dorothea Fields tại một bãi biển ở Santa Barbara trong “20th Century Women.” (Hình: filmlinc.org)
20th Century Women“20th Century Women” công chiếu trên Netflix hồi năm 2016 và có bối cảnh ở Santa Barbara trong thập niên 1970.
Phim nói về bà Dorothea Fields, một người mẹ độc thân trong độ tuổi 50, tìm cách nuôi dạy cậu con trai Jamie trong khoảng thời gian nước Mỹ có nhiều thay đổi văn hóa.
Để nuôi dạy con trai tốt hơn, bà Fields nhờ hai cô gái là Abbie và Julie giúp đỡ vì họ hiểu biết văn hóa của giới trẻ.
Đạo diễn Mike Mills dùng cuộc đời mình làm ý tưởng cho “20th Century Women” vì ông lớn lên tại Santa Barbara. Trong phim có nhiều cảnh các bãi biển như Montecito và Miramar trong thời thập niên 1970 và bây giờ vẫn còn đẹp.
Vì vậy, đạo diễn Mills mô tả Santa Barbara như một bức tranh của họa sĩ Maxfield Parrish, và làm nhiều khán giả muốn ghé thăm các bãi biển trong phim.
500 Days of Summer Hai nhân vật chính của “500 Days of Summer” và cảnh nền là thành phố Los Angeles. (Hình: tamildeluxe.org)
“500 Days of Summer” sản xuất năm 2009 nói về câu chuyện của nhân vật Tom (Joseph Gordon-Levitt đóng), một người thiết kế thiệp rất lãng mạn. Anh bị người tình bỏ rơi không biết vì lý do gì, và nhìn lại 500 ngày họ ở cùng nhau để hiểu tại sao. Nhờ vậy, anh hiểu được điều gì là quan trọng nhất đối với cuộc đời mình.
Qua phim này, khán giả có thể thấy được tình yêu của đạo diễn Marc Webb dành cho thành phố Los Angeles bằng những cảnh rất đẹp.
Một trong những cảnh đó là góc nhìn thành phố từ một băng ghế tại địa chỉ 365 South Olive Avenue tại khu trung tâm.
Không chỉ vậy, “500 Days of Summer” còn có một cảnh nhảy múa sử dụng hồ nước ở công viên gần Tòa Thị Chính Los Angeles làm nền.
Blue Jasmine Một cảnh ở San Francisco trong phim “Blue Jasmine.” (Hình: madisonmovie.org)
Tác phẩm năm 2013 “Blue Jasmine” của đạo diễn lừng danh Woody Allen cũng là một phim dùng California làm bối cảnh cho câu chuyện.
Phim nói về câu chuyện của nhân vật Jasmine (Cate Blanchett). Bà từng sống trong nhung lụa ở New York. Nhưng sau khi chồng bị bắt vì làm ăn bất chính, bà phải đến San Francisco để sống với em gái và đi làm như một người bình thường.
Minh tinh Cate Blanchett thể hiện xuất thần tâm trạng của một người tâm lý bất thường, và thắng giải Oscar minh tinh xuất sắc nhất.
Bối cảnh thành phố San Francisco với những con đường dốc và vịnh màu xám làm khán giả cảm thấy vừa thoải mái, nhưng cũng vừa ngột ngạt trong những cảnh căng thẳng của “Blue Jasmine.”
Đạo diễn Woody Allen thường dùng New York làm bối cảnh cho các phim của ông, nhưng lần này sử dụng San Francisco rất xuất sắc để thể hiện được tầm nhìn của mình.
Bottle Shock Một cảnh trong vườn nho ở Napa Valley của “Bottle Shock.” (Hình: filmindependent.org)
Phim “Bottle Shock” của năm 2008 nói về chuyên gia rượu vang người Anh, Steven Spurrier đến California để tìm rượu rẻ tiền rồi mang đến Pháp cho thực khách thử.
Khi đến vùng trồng nho Nappa Valley ở Bắc California, ông rất ngạc nhiên vì thử được một loại rượu vang trắng ngon không ngờ được, và tìm cách giúp hãng rượu đó bán ra thế giới.
Phim cho khán giả thấy được sự tiến bộ trong việc làm rượu nho của California. Không chỉ vậy, phim còn có cảnh quay những vườn nho, những cánh đồng và những thùng rượu đang ủ. Điều đó sẽ làm nhiều khán giả muốn đến thăm Napa Valley sau dịch COVID-19.
La La Land Một cảnh nhảy múa trên xa lộ kẹt xe ở Los Angeles trong “La La Land.” (Hình: npr.org)
La La Land là phim thắng năm giải Oscar của năm 2016 và có bối cảnh ở Los Angeles.
Phim nhạc kịch này nói về hai nhân vật chính là Sebastian (Ryan Gosling) và Mia (Emma Stone). Họ đến gần nhau vì khát vọng làm được điều mình đam mê.
Nhưng khi càng thành công hơn, họ phải đối mặt với nhiều quyết định có thể làm tan vỡ mối tình của hai người và những mơ ước đã ấp ủ lâu.
Phim có những cảnh quen thuộc với người dân Nam California như kẹt xe trên xa lộ, nhưng mang sự vui tươi đến cho khán giả bằng cách nhảy múa trên các xa lộ đông xe.
“La La Land” còn có những cảnh lãng mạn như hoàng hôn ngay cầu Colorado Street của thành phố Pasadena, hay chiếc xe lửa nhỏ Angels Flight chạy từ đường Hill đến đường Grand ở trung tâm thành phố Los Angeles.
Vì có nhiều cảnh đẹp ở Los Angeles, “La La Land” được Thị Trưởng Eric Garcetti ghi nhận là phim du lịch chính của thành phố.
Once Upon a Time in Hollywood Một cảnh thành phố Los Angeles trong thập niên 1960 của “Once Upon a Time in Hollywood.” (Hình: locationmanagers.org)
Tác phẩm năm 2019 “Once Upon a Time in Hollywood” của đạo diễn Quentin Tarantino thể hiện được tình yêu của ông dành cho Hollywood trong thập niên 1960.
Phim có sự xuất hiện của hai tài tử gạo cội là Brad Pitt và Leonardo DiCaprio, nói về câu chuyện của tài tử Rick Dalton đang tìm việc làm trong một Hollywood không còn quen thuộc với ông nữa. Đi cùng ông trong câu chuyện này là tài tử Cliff Booth, một người bạn và người đóng thế lâu năm cho ông Dalton.
Phim còn nói về các vụ giết người của Charles Manson trong thập niên 1960 và ảnh hưởng đến Hollywood trong những năm đó.
“Once Upon a Time in Hollywood” gợi lên nhiều ký ức cho các khán giả lớn tuổi về Hollywood của thập niên 1960. Các khán giả trẻ tuổi cũng sẽ tò mò và tìm đến những nơi trong phim như các tranh tường trên đường Vine và đường El Centro.
Trong phim còn có những cảnh các nhân vật lái xe khắp Los Angeles, như đưa khán giả đi theo họ du ngoạn thành phố.
Đạo diễn Tarantino cho biết tác phẩm này là lá thư tình ông muốn gửi đến thành phố Los Angeles, và vinh danh các nét đẹp của thành phố.
Vertigo Một cảnh có cầu Golden Gate trong phim “Vertigo.” (Hình: filmforum.org)
Vertigo là tác phẩm năm 1958 của đạo diễn lừng danh Alfred Hitchcock, nói về một cựu cảnh sát viên sợ độ cao được thuê để cản vợ của bạn cũ tự tử bằng cách nhảy khỏi cầu Golden Gate ở San Francisco.
Với các cảnh nền chính là cầu Golden Gate và tháp chuông của nhà thờ ở San Juan Bautista, phim có nhiều cảnh làm khán giả hồi hộp và là một tác phẩm không ai bỏ qua được hồi thập niên 1950.
“Vertigo” thành công vì khéo léo sử dụng các cảnh ở Bắc California, tạo sự hồi hộp cho khán giả.
Không chỉ vậy, phim còn có những cảnh thiên nhiên rất đẹp, chỉ có ở California như công viên Big Basin Redwoods của tiểu bang và đoạn đường 17-Mile Drive đầy cảnh đẹp gần San Francisco.
Thiện Lê/Người Việt