logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 22/08/2020 lúc 09:59:47(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Chúng ta thường nghe tới nhóm chữ “tri kiến như thật.” Tức là biết và thấy như thật. Câu hỏi là: Đức Phật dạy gì về biết và thấy như thật? Thêm nữa, hai chữ thường được chư Tổ nói trong Thiền sử là “thấy tánh” có liên hệ gì tới thấy biết như thật hay không?

Hiển nhiên, tri kiến như thật không có nghĩa là phải thấy xanh là xanh, hay thấy đỏ là đỏ, vì người bị chứng loạn sắc hay chứng mù màu sẽ thấy khác với người bình thường. Thêm nữa, chữ “thấy” (kiến) trong nhà Phật không hoàn toàn có nghĩa là thấy bằng mắt, và Đức Phật thường dùng chữ “thấy” cho nghĩa các chữ: quán sát, quán tưởng, nhận rõ từ trí tuệ. Nghĩa là, chữ “thấy” còn có nghĩa là “nhận rõ bằng trí tuệ” (insight).

Một điểm cũng cần ghi nhận: cái thấy bình thường sẽ dị biệt tùy theo nghiệp. Thí dụ, cõi người nhìn dòng sông sẽ thấy là nước chảy, nhưng chúng sinh ngạ quỷ nhìn sông sẽ thấy là máu. Cũng có khi, cảnh (cái được thấy) chuyển theo nghiệp, như trường hợp cơm biến thành than hồng: truyền thuyết Bắc Tông kể rằng khi ngài Mục Kiền Liên dâng cơm cho mẹ, bà Thanh Đề đưa tay bốc ăn, cơm vừa đưa đến miệng liền hoá than hồng; do vậy, bà đói khát cùng cực mà không thể thọ dụng thức ăn được. Các truyện về ngạ quỷ sự cũng kể, nước mát của sông Hằng chảy xuống từ Hy mã lạp sơn khi ngạ quỷ lấy nước sẽ biến thành máu. Do vậy, thấy biết, hay tri kiến, cũng dị biệt do nghiệp. Và thấy biết như thật chỉ có thể có khi không bị nghiệp làm chệch hướng. Như thế, thấy như thật là thấy thực tướng.

Vì “thấy” còn có nghĩa là “nhận thức ra” cho nên cũng có nghĩa là thấy bằng mắt tâm, nên muốn thấy biết như thật, phải quán sát như thật. Và thường khi hai nhóm chữ này đồng nghĩa. Vì thấy biết như thật là cái được nhận ra sau khi quán sát như thật. Và như thế, thấy không thuần có nghĩa là cái được nhìn qua mắt (ngoại cảnh, hay ngoại thân, như: nhà, cửa, mây, núi…), mà còn có nghĩa là dùng mắt tâm để quán sát nội thân (như: tim, gan, tủy, thận…).

Trong Kinh MN 28, bản dịch của Thầy Minh Châu, ghi lời ngài Sāriputta thuyết giảng rằng cần quán sát ngoại giới (ngoại thân) và nội giới (nội thân) đều không có gì là “tôi, của tôi” và từ đó sinh tâm yểm ly, từ bỏ. Trích:

“Chư Hiền, thế nào là địa giới? Có nội địa giới, có ngoại địa giới. Chư Hiền, thế nào là nội địa giới? Cái gì thuộc nội thân, thuộc cá nhân, thô phù, kiên cứng, bị chấp thủ, như tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bao tử, phân, và bất cứ vật gì khác thuộc nội thân, thuộc cá nhân, thô phù, kiên cứng, bị chấp thủ. Chư Hiền, như vậy gọi là nội địa giới. Những gì thuộc nội địa giới và những gì thuộc ngoại địa giới đều thuộc về địa giới. Cần phải như thật quán sát địa giới với chánh trí tuệ như sau: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”. Sau khi như thật quán sát địa giới với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy sanh yểm ly đối với địa giới, tâm từ bỏ địa giới.”

Tức là, thấy như thật là thấy pháp ấn Vô ngã (cả ngoại giới, nội giới). Quán sát như thế cũng tương tự với thủy, hỏa, phong…

Nhưng muốn quán sát như thật cần tập thiền. Trong Tạp A Hàm, Kinh SA 65, Đức Phật dạy rằng muốn quán sát như thật cần phải tĩnh lặng trong tâm, lúc đó mới quán sát được, theo bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ, Đức Thắng:

"Nên luôn luôn tu tập phương tiện thiền tư, cho trong tâm mình tĩnh lặng. Vì sao? Vì Tỳ kheo luôn tu tập phương tiện thiền tư, thì trong tâm mình sẽ được tĩnh lặng, nên quán sát như thật. Thế nào là quán sát như thật? Đây là sắc, đây là sự tập khởi của sắc, đây là sự diệt tận của sắc; đây là thọ, tưởng, hành, thức, đây là sự tập khởi của …… thức, đây là sự đoạn tận của …… thức.
 
Thế nào là sự tập khởi của sắc? sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức? Phàm phu ngu si vô học nên đối với các thọ khổ, vui, không khổ-không vui, không quán sát như thật rằng đây là sự tập khởi của thọ, sự diệt tận của thọ, vị ngọt của thọ, sự tai hại của thọ, sự xuất ly của thọ. Vì không biết quán sát như thật, nên đối với thọ lại ưa thích tham đắm mà sanh ra chấp thủ, và thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não; khối lớn đau khổ như vậy từ tập mà sanh. Đó gọi là sự tập khởi của sắc. Đó là sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức."

Nghĩa là, thấy như thật tất yếu sẽ dẫn tới thấy sinh, thấy diệt, thấy có vị ngọt của ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), thấy tai hại, và thấy phải ly tham. Thấy sinh, thấy diệt… cũng có nghĩa là thấy pháp ấn Vô Thường.

Một Kinh khác cho biết, hễ thấy như thật phải dẫn tới yểm ly; nghĩa là, nếu còn vương vào dục vọng, nghĩa là, chưa thấy như thật. Trung A Hàm, Kinh MA 43, bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ, ghi lời Đức Phật dạy ngài A Nan về lộ trình tri kiến như thật tuần tự dẫn tới yểm ly, vô dục, giải thoát, giải thoát tri kiến, và biết đúng như thật đã hoàn tất:

“Này A-nan, đấy là nhân trì giới mà được không hối hận, nhân không hối hận mà được hân hoan, nhân hân hoan mà được hỷ, nhân hỷ mà được chỉ, nhân chỉ mà được lạc, nhân lạc mà được định.
 
“Này A-nan, Đa văn Thánh đệ tử nhân định mà có tri kiến như thật, nhân có tri kiến như thật mà có yếm ly, nhân có yếm ly mà được vô dục, nhân vô dục mà được giải thoát, nhân giải thoát mà có giải thoát tri kiến, biết đúng như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.”

Trong khi đó, Kinh SA 41 nói về một lộ trình thấy biết như thật: thấy sắc (thọ, tưởng, hành, thức) là vô thường, là khổ, là biến dịch, là tai hại, là phải ly tham. Bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ, Đức Thắng, trích:

“Thế nào là như thật tri về sự tai hại của sắc? Sắc là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Đó gọi là sự tai hại của sắc. Như vậy, như thật tri về sự tai hại của sắc.
 
“Thế nào là như thật tri về sự xuất ly sắc? Đối với sắc mà điều phục được dục tham, đoạn trừ được dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là sự xuất ly sắc. Như vậy, như thật tri về sự xuất ly sắc.”
 
“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào, đối với sắc mà biết như thật, thấy như thật; do biết như thật, thấy như thật, đối với sắc sanh yểm ly, ly dục, không khởi lên các lậu, tâm đạt được giải thoát. Nếu người nào đã đạt được tâm giải thoát, thì người đó thuần nhứt. Người nào đã được thuần nhứt, thì phạm hạnh đã lập. Người nào phạm hạnh đã lập, không còn bị ai khống chế. Đó gọi là biên tế của khổ. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.”

Như thế, các trích dẫn trên cho biết, thấy biết như thật có nghĩa là thấy các pháp ấn Vô Ngã, Vô Thường, Khổ. Và như thế, cũng có nghĩa là thấy Tứ Thánh Đế. Trong Kinh AN 3.133, Đức Phật so sánh với việc bắn cung, Tỳ kheo giỏi là phải bắn xa, bắn như chớp nhoáng và bắn thủng vô minh. Bản dịch của Thầy Minh Châu, thông cả sắc thọ tưởng hành thức, trích:

“Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo bắn xa? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phàm có sắc gì, quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần, tất cả sắc, vị ấy thấy như thật với chánh trí tuệ rằng: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”. (tương tự với thọ, tưởng, hành, thức)
 
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo bắn như chớp nhoáng? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thật tuệ tri: “Đây là khổ”, như thật tuệ tri: “Đây là khổ tập”; như thật tuệ tri: “Đây là khổ diệt”; như thật tuệ tri: “Đây là con đường đưa đến khổ diệt”; Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo bắn như chớp nhoáng.”
 
Thấy rỗng rang vô-tự-ngã cả trong lẫn ngoài có nghĩa là thấy Không cả nội và ngoại giới: Nhóm Kinh Nhật Tụng Sơ Thời có Kinh Sn 5.14 nói rằng ai thấy cả trong và ngoài đều là không thì sẽ giải thoát. Trong và ngoài, tức là tâm và cảnh.

Câu hỏi nêu ra là: có cách nào để nhận ra Tánh Không trong các pháp? Thấy Không cũng chính là thấy Pháp Duyên Khởi. Là nhận ra, vì cái này có, nên cái kia có. Cũng như tiếng đàn nghe được, có chẻ cây đàn ra làm trăm mảnh cũng không tìm được, vì nhiều duyên (người đàn, tài năng, học đàn nhiều năm, gỗ rừng cưa về làm đàn, dây đàn, người nghe…). Không đủ duyên, pháp không hiện lên.

Kinh SA 293, bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ, Đức Thắng viết: “Ta vì các Tỳ-kheo nói pháp tùy thuận duyên khởi xuất thế của bậc Hiền thánh tương ưng với Không. Nghĩa là cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi…”

Như vậy, thấy biết như thật có nghĩa là thấy Vô ngã, thấy Vô thường, thấy Tứ Thánh Đế, thấy Không, thấy Pháp Duyên Khởi. Tức là, hễ còn thấy có người, có ta, có ai đó là chưa thấy như thật. Nghĩa là, không thấy có gì gọi là người hay là bất kỳ chúng sanh nào --- nói theo Thiền Tông có nhiều cách diễn tả: thấy pháp, thấy bản tâm, thấy thực tướng, thấy thực tướng vô tướng, thấy tự tánh, thấy tánh không

Do vậy, thế giới này và thân tâm này chỉ là những khoảnh khắc của tâm đang chảy xiết. Tất cả đều bất khả đắc, dù là quá khứ, hiện tại hay vị lai. Nói thế giới là nói theo Đức Phật định nghĩa, là tất cả những gì được thấy, được nghe, được thọ tưởng và được thức tri. Nói gọn là, thấy nghe hay biết. Kinh SN 35.23, bản dịch của Thầy Minh Châu ghi lời Đức Phật:

“Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết về tất cả. Hãy lắng nghe. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tất cả? Mắt và các sắc; tai và các tiếng; mũi và các hương; lưỡi và các vị; thân và các xúc; ý và các pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, gọi là tất cả. Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: “Sau khi từ bỏ tất cả này, ta sẽ tuyên bố (một) tất cả khác”, thời lời nói người ấy chỉ là khoa ngôn. Và bị hỏi, người ấy không thể chứng minh gì. Và hơn nữa, người ấy có thể rơi vào ách nạn. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, như vậy ra ngoài giới vức (avisaya) của người ấy!”

Nghĩa là có nhiều thế giới khác nhau đan xen nhau, tương ưng với nghiệp của mỗi chúng sanh (như đã nói, ngạ quỷ thấy Sông Hằng là sông máu). Trong Luận thư Niddesa, có bài thơ của ngài Xá Lợi Phất (Sariputta), nhan đề “Guhatthaka-suttaniddeso: Upon the Tip of a Needle” mô tả rằng tất cả các pháp chảy xiết qua các khoảnh khắc thời gian, y như điểm tiếp giáp của một hạt đậu rất nhỏ đặt lơ lửng trên đầu một mũi kim.

Nội dung bài thơ của ngài Xá Lợi Phất, nơi đây sẽ viết theo văn xuôi cho dễ đọc, dịch nghĩa như sau:

“Đời sống, thọ mạng, niềm vui, nỗi đau đều buộc chung vào một khoảnh khắc của tâm, một khoảnh khắc nhanh chóng trôi đi. Ngay cả các vị phi nhơn sống lâu tới 84 ngàn tỷ năm cũng không sống được 2 khoảnh khắc nào trong tâm y hệt nhau. Cái ngưng lại nơi người đã chết hay cho người còn đứng nơi đây đều là cùng các uẩn, khi biến đi là vĩnh viễn không nối lại được. Các trạng thái đang biến mất bây giờ và các trạng thái sẽ biến mất trong các ngày tương lai đều có đặc tướng y hệt như các đặc tướng đã biến mất trước đây. Khi không tạo tác gì nữa, sẽ không có sinh ra; chỉ với hiện tại này, chúng ta đang sống. Khi đã nắm được nghĩa tối thượng, thế giới chết ngay khi tâm ngưng lại. Không cất giữ gì được những gì đã biến mất, không để gì được cho tương lai. Những người đã sinh ra trong đời này đang đứng y hệt như hạt đậu rất nhỏ trên đầu mũi kim. Sự biến mất của tất cả các trạng thái này đã không hề được hoan nghênh, mặc dù hiện tượng khoảnh khắc tan rã như thế đã có từ thời ban sơ. Từ nơi chưa được nhìn thấy, các trạng thái này hiện ra và biến đi, được nhìn thấy chỉ khi chúng đang trôi đi vào quá khứ. Y hệt tia chớp trên bầu trời: tất cả các pháp khởi lên và rồi biến hẳn đi.” (1)

Hễ ai thấy được tất cả các pháp chảy xiết như hạt đậu lơ lửng trên đầu mũi kim, sẽ thấy ngay đó cũng chính là Bát Nhã Tâm Kinh, nơi đó không có gì gọi được là Sắc hay Không, không gì gọi được là Có hay Không, không gì gọi được là Sinh hay Diệt, không gì gọi được là Sống hay Chết. Hễ mở miệng luôn luôn là trễ. Tới đây, chúng ta nêu lên một câu hỏi thường gặp trong Đại Thừa: Phật Tánh hay Pháp Tánh ở đâu trong dòng chảy xiết này?

Ngài Long Thọ nói rằng có hai thế giới: Chân Đế và Tục Đế. Gọi tắt tư tưởng này là Nhị Đế. Chân Đế là sự thật tuyệt đối, còn gọi là pháp tánh, còn gọi là Niết Bàn, Thiền Tông gọi là Niết Bàn Diệu Tâm, nhiều kinh khác gọi là Phật Tánh. Trong khi đó, Tục Đế là sự thật tương đối, là trong vòng xoay chuyển duyên khởi. Nhiều luận sư Nam Tông chỉ công nhận Tứ Thánh Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) và không công nhận quan điểm Nhị Đế, một tư tưởng được khai triển trong các kinh luận Đại Thừa về sau; lý luận thường đưa ra là, Chân Đế công nhận có một “tự tánh” bị suy diễn hàm nghĩa là một “tự ngã” (ám chỉ “đại ngã” hiểu theo Ấn Độ Giáo) và như thế trái giáo lý “vô ngã” do Đức Phật dạy (thực ra, Tánh Không do Long Thọ nêu lên không có nghĩa là Có hay Không). Bài viết này không có ý tranh luận, sẽ chỉ nêu ra cách nhìn có thể tìm các điểm chung trong tư tưởng hai tông phái Nam Truyền và Bắc Truyền, và các điểm chung này có thể ứng dụng trong Thiền tập cụ thể ra sao (như trong truyền thống Thiền Tông Trung Hoa và Việt Nam).

Tánh Không hiểu theo ngài Long Thọ là nội dung cốt tủy của lý luận Trung Đạo, tóm gọn trong lý “bát bất” (8 cái Không: Bất sinh bất diệt, bất đoạn bất thường, bất nhất bất dị, bất khứ bất lai). Lý bát bất dẫn ra từ Kinh SN 12.15, khi Đức Phật dạy ngài Kaccàyanagotta, bản dịch Thầy Minh Châu:



"Này Kaccāyana, thế giới này phần lớn y chỉ vào hai cực đoan này: có và không có. Này Kaccāyana, ai với chánh trí tuệ thấy như chơn thế giới tập khởi, vị ấy không chấp nhận thế giới là không có. Này Kaccāyana, ai với chánh trí tuệ thấy như chơn thế giới đoạn diệt, vị ấy không chấp nhận thế giới là có. (...) “Tất cả là có”, này Kaccāyana, là một cực đoan. “Tất cả là không có” là cực đoan thứ hai. Xa lìa hai cực đoan ấy, này Kaccāyana, Như Lai thuyết pháp theo trung đạo."

Nhiều Thiền sư Trung Hoa và Việt Nam đã dạy qua cách hình dung với hình ảnh: tánh nước chỉ là một, nhưng không lìa vô lượng bọt sóng; tương tự, tánh vàng chỉ một, nhưng không lìa vô lượng nhẫn, thoa, vòng, xuyến; tương tự, tánh gương chỉ là một, nhưng không lìa vô lượng ảnh hiện trong gương. Nhưng nhìn về Chân Đế, tánh [ướt của] nước, tánh [quý kim của] vàng, tánh [chiếu sáng của] nước là bất nhị, là lìa Có/Không, lìa một/nhiều, lìa sinh/diệt, lìa lớn/nhỏ, lìa tới/đi… Do vậy, Kinh Lăng Nghiêm nói toàn tướng tức tánh và toàn tánh tức tướng. Hiểu là, nước không lìa sóng, vàng không lìa nhẫn, gương không lìa ảnh. Và do vậy, Niết Bàn không lìa thế gian.

Chân Đế được Đức Phật diễn tả trong Kinh Udana 8.3, bản Việt dịch của Nguyên Giác dựa theo bản Anh dịch của ngài Anandajoti:

“Các sư, có một pháp không sinh, không trở thành, không được tạo ra, không rơi vào nhân duyên. Các sư, nếu không có pháp không sinh, không trở thành, không được tạo ra, không rơi vào nhân duyên đó, các ngươi không có thể thoát ra khỏi cái sinh, cái trở thành, cái được tạo ra và cái bị rơi vào nhân duyên. Nhưng vì có một pháp không sinh, không trở thành, không được tạo ra, không rơi vào nhân duyên cho nên các ngươi biết một lối thoát ra khỏi cái sinh, cái trở thành, cái được tạo ra và cái bị rơi vào nhân duyên.” (2)

Như thế, Đức Phật đã mô tả y hệt về tánh nước, tánh vàng, tánh gương. Thiền Tông gọi là Tự Tâm, hay Tự Tánh, hay Niết Bàn Diệu Tâm.

Chân Đế thực sự không lìa Tục Đế. Nghĩa là, trong khi quý ngài Thánh Tăng an vui trong Niết Bàn hữu dư, với niệm vô sinh diệt, với tâm tịch lặng, tâm lìa nhân duyên, tâm vô tạo tác, thì chính quý ngài vẫn đang đi đứng nằm ngồi trong cõi Tục Đế, vẫn có niệm sinh và có niệm diệt (tức, niệm sinh diệt). Hai thế giới chân và vọng không lìa nhau, y hệt nước không lìa sóng, vàng không lìa nhẫn và gương không lìa ảnh.

Hai thế giới chân vọng đó hiển lộ trong Kinh AN 10.7, khi ngài Xá Lợi Phất trả lời ngài A Nan, bản dịch của Thầy Minh Châu, trích:

"—Này Hiền giả Ananda, một thời ở đây, tôi trú ở Sàvatthi, trong rừng Andha. Tại đây, tôi chứng được Thiền định như sau: Trong đất, tôi không tưởng đến đất, trong thế giới đời sau, tôi không tưởng đến thế giới đời sau. Tuy vậy, tôi vẫn có tưởng.
 
—Nhưng trong lúc ấy, Tôn giả Sàriputta tưởng đến gì?
 
—Một tưởng khác khởi lên trong tôi: “Hữu diệt là Niết-bàn”. Một tưởng khác diệt đi trong tôi: “Hữu diệt là Niết-bàn.” Ví như, này Hiền giả, lửa được đốt cháy từ mảnh đá nhỏ, một ngọn lửa khác khởi lên, một ngọn lửa khác diệt đi. Cũng vậy, này Hiền giả, một tưởng khác khởi lên trong tôi, thưa Hiền giả: “Hữu diệt là Niết-bàn.” Một tưởng khác diệt đi trong tôi: “Hữu diệt là Niết-bàn”. Tuy vậy, trong lúc ấy tôi vẫn có tưởng."

Trong tâm của ngài Xá Lợi Phất lúc đó: Tánh với Tướng chẳng lìa nhau, Niết bàn và cõi Ta bà không lìa nhau, hệt như nước với sóng, như gương với ảnh, vẫn an vui Niết Bàn (bất sinh, bất diệt) trong khi vẫn ứng xử đời thường (tưởng khởi lên, tưởng diệt đi). Do vậy đối với Thiền Tông, bước đầu tiên là dạy Thấy Tánh, là yêu cầu học nhân thấy tánh trước, rồi mới gọi là tu sau. Thấy Tánh, tức là nhận ra mình chưa hề rời tánh sáng của bản tâm, chỉ vì mây vô minh che khuất.

Sách “Đạt Ma Tổ Sư Luận - The Zen Teaching Of Bodhidharma” bản dịch của Ni sư Thích Nữ Thuần Bạch, trang 27 ghi lời ngài Bồ Đề Đạt Ma:

“Nếu muốn tìm Phật phải thấy tánh. Tánh tức là Phật. Nếu chẳng thấy tánh thì niệm Phật, tụng kinh, trì trai giữ giới đều vô ích. Niệm Phật được nhân quả, tụng kinh được thông minh. Giữ giới được sanh cõi trời, bố thí được phước báo, nhưng tìm Phật trọn chẳng được.” (3)

Trong sách “Lăng Nghiêm Tông Thông – Quyển I”, bản dịch của Thiền sư Nhẫn Tế, ấn bản trên giấy năm 1997, nơi trang 51-52, ghi lời Thông (dùng Thiền Tông giải thích thích Kinh Lăng Nghiêm) viết:

“Kinh Viên Giác cũng có nói ‘Chỉ trừ bậc Đốn Giác, thì không theo Pháp Môn.’ Vốn có một Pháp Môn Đốn Ngộ, chỉ lấy việc Thấy Tánh (Kiến Tánh) làm Tông. Cho nên, nếu thấy được Tánh, thì Vô Tâm đối với Chỉ, Quán mà Chỉ Quán tự có sẵn. Không thấy Tánh, tuy hằng ngày có tu Chỉ Quán cũng khó địch với cảnh ma. Chỉ có ‘Thấy Tánh’ mới được ‘Diệu’ vậy.”

Do vậy, các Thiền sư Đông độ trước tiên là giúp cho học trò Thấy Tánh trước, rồi mới nói chuyện tu sau. Chúng ta có thể thấy nhiều cách dạy khác nhau, tuy là các vị thầy cùng chỉ cho học trò nhìn vào một đất tâm.  

Một vị thầy truyền pháp Thiền Tông từ Ấn Độ sang Trung Hoa theo truyền thuyết là ngài Bồ Đề Đạt Ma (~470-543) đã có một cuộc vấn đáp với ngài Huệ Khả (487-593), người về sau nối pháp cho tông này, trong đó ngôn phong của thầy là chỉ cho trò ngộ nhập vào bản nhiên tánh không của tâm. Cũng nên ghi nhận rằng, nhà sư Huệ Khả đã xuất gia nhiều năm, từng khắp nơi học các giáo lý của cả Bắc Tông và Nam Tông, năm 32 tuổi, sư trở lại Hương Sơn, suốt ngày chuyên tâm tọa Thiền trong 8 năm, năm 40 tuổi được một vị thiên hiện ra bảo đi tìm ngài Bồ Đề Đạt Ma ở Thiếu Lâm Tự mà học. Nghĩa là, trước khi nghe một lời mà đốn ngộ, ngài Huệ Khả đã tìm học tới rách nhiều đôi giày cỏ, ngồi tới mòn nhiều tọa cụ; tức là kinh luận học nhiều, kinh nghiệm thiền tập cũng ưu thắng, tất cả để chuẩn bị cho một lời là hiểu được. Sách cổ ghi rằng ngài Huệ Khả tự chặt một cánh tay để bày tỏ quyết tâm học đạo khi thấy ngài Bồ Đề Đạt Ma cứ mải ngồi ngó vách núi; có thể suy đoán rằng chi tiết chặt tay hẳn là huyền thoại không có thực, chỉ nhằm tăng tính kịch của truyện. Cuộc vấn đáp chỉ vài câu, là sư Huệ Khả đại ngộ, tức là hiểu thấu suốt hết các kinh điển Đại Thừa chỉ nhằm chỉ vào tâm này.  

Sư Huệ Khả nói: "Con không an được tâm, xin thầy an tâm cho con."

Bồ Đề Đạt Ma nói: "Đưa tâm cho ta, ta sẽ an cho."

Sư Huệ Khả đáp: "Con không thấy tâm đâu cả."

Bồ Đề Đạt Ma nói: "Ta đã an tâm cho con." Sư Huệ Khả ngay đó liền đại ngộ.

Chúng ta suy nghĩ gì về khoảnh khắc này của sư Huệ Khả? Có thể đoán rằng, chính ngay khi Huệ Khả “không thấy tâm ở đâu hết” chính là thấy “không có chút tham sân si” nào trong tâm. Và ngay khi nhìn không thấy tâm đó, ngài Huệ Khả nhìn thấy “thức vô tướng” hay gọi là "thức không đặc tướng" (Trong Kinh DN 11, Thanissaro Bhikkhu dịch là: Consciousness without feature; Sujato Bhikkhu dịch: Consciousness that’s invisible; Hai học giả T.W. Davids và Leigh Brasington dịch là: Consciousness that is signless). Có thể gọi đây là "thức vô phân biệt, thức không thể được thấy, thức không có hiện tướng" và thức này bao trùm khắp các cõi, không trong/ngoài, không dư/thiếu, không thiện/ác... Nhìn sang Tục Đế, nơi trái nghịch sẽ là "thức phân biệt, hay thức sinh diệt" (Trong Kinh DN 11, Thanissaro dịch gọn là: consciousness; hai học giả Davids, Brasington dịch có thêm mở ngoặc vuông: viññāṇa [divided-knowing]).

Trong Trường Bộ, Kinh DN 11 nói rằng khi bạn sống với tâm vô tướng, hay tâm không có đặc tướng nào, bạn đang bước vào Niết Bàn. Và Đức Phật nói rằng thức này là vô biên, là chiếu sáng, là biến thông hết thảy xứ, là nơi "danh, sắc diệt tận" và đó là giải thoát (khi thức-phân-biệt diệt tận, không có nghĩa là thức vô-phân-biệt diệt tận, như đã ghi nhận trong Kinh AN 10.7, khi ngài Xá Lợi Phất trả lời ngài A Nan về Chân Đế không lìa Tục Đế).

Trích lời Đức Phật dạy trong Kinh DN 11, bản dịch của Thầy Minh Châu:

"Này Tỷ-kheo, câu hỏi phải nói như sau: “Chỗ nào mà địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại, dài ngắn, tế, thô, tịnh, bất tịnh không có chân đứng? Chỗ nào cả danh và sắc tiêu diệt hoàn toàn?” và đây là câu trả lời cho câu hỏi này:
 
Thức là không thể thấy, vô biên, biến thông hết thảy xứ. Ở đây, địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại không có chân đứng. Ở đây, cũng vậy dài, ngắn, tế, thô, tịnh và bất tịnh. Ở đây danh và sắc tiêu diệt hoàn toàn. Khi thức diệt, ở đây mọi thứ đều diệt tận”. (Ghi chú: 2 chữ "thức" trong đoạn văn cuối có 2 nghĩa khác nhau.)

Bản Anh văn của Kinh DN 11 do 2 học giả T.W. Davids và Leigh Brasington dịch đoạn cuối nêu trên rằng:  “Consciousness that is signless, limitless, all-illuminating, / Then water, earth, fire, & wind find no footing, / Then long & short, small & large, pleasant & unpleasant -/ Then “name-&-form” are all brought to an end./ With the cessation of viññāṇa [divided-knowing] all this is brought to an end.’”

Bản Anh văn của Kinh DN 11 do Sujato dịch là: “Consciousness that’s invisible, infinite, radiant all round. Here’s where water and earth, fire and air find no footing; here’s where long and short, fine and coarse, beautiful and ugly; here’s where name and form cease with nothing left over— with the cessation of consciousness, that’s where this ceases.”

Có phải đây là Phật Tánh, theo nghĩa thường gặp? Dịch sát nghĩa đoạn vừa dẫn, đối chiếu các bản Anh văn là: “Thức này vô tướng, vô biên, chiếu sáng khắp nơi. Nơi đây, nước, đất, lửa, gió không có chân đứng. Nơi đây, cũng không hề có dài & ngắn, tế & thô, đẹp & xấu; Nơi đây  danh và sắc diệt tận hoàn toàn --- khi thức [phân biệt] diệt, tất cả đều diệt tận.”

Các Thiền sư đời sau thường dùng hình tượng cái bình khi dạy học trò. Có vị Thầy chỉ vào cái bình, bảo học trò nói xem là cái gì. Có sư trả lời bằng cách bưng cái bình đặt sang nơi khác (nghĩa là: từ Có, chỉ qua Không). Có sư lấy chân khều cho cái bình ngã xuống. Có sư lấy gậy đập bể cái bình. Chỗ này rất vi tế, có thể nhầm rằng Có chính là Không. Thực ra, Thiền Tông phải chỉ Trung Đạo, rằng khi chiếc bình được chỉ ra, lúc đó bình hiện hữu trong một không gian có hình tướng bình. Khi đưa bình sang chỗ khác (hay lật ngã, hay đập bể) thì khoảng không gian bình vừa đứng đó vẫn là không gian không hình tướng bình. Nhưng có bình và không bình đều được bao trùm trong một cái không lớn vô cùng của một không gian vô tận. Thấy Có, thấy Không đều chưa phải thấy tánh.

Lấy thí dụ khác. Chúng ta hình dung có một tờ giấy lớn vô cùng tận, bao trùm hết cả vũ trụ. Chúng ta lấy bút chì vẽ lên giấy một chiếc bình (tức, Có bình). Rồi, chúng ta lấy tẩy gôm sạch các nét bút chì, thì chỗ trên giấy đó là không gian chiếc bình đã tẩy sạch (tức, Không bình). Nhưng Có bình và Không bình đều nằm trên một trang giấy lớn vô cùng tận của vũ trụ. Thấy Có bình trên giấy, thấy Không bình nơi các vết tẩy xóa đều chưa phải thấy tánh.

Lấy thí dụ khác. Một người đứng trước gương, tức khi đó là Có ảnh. Người này bước ra chỗ khác, tức khi đó là Không ảnh. Nhưng cả hai Có ảnh và Không ảnh đó đều được bao trùm trong cái Không vô tận của tánh chiếu sáng của gương. Thấy Có ảnh trước gương, thấy Không ảnh trước gương đều chưa phải thấy tánh.

Hễ ai thấy được Tánh Không lớn vô cùng tận bao trùm cả Có và Không, đó mới là Thấy Tánh. Nơi đó, đi đứng nằm ngồi đều là đại định. Nơi đó, đi giữa chợ, làm đủ thứ việc, mà vẫn thấy không ta, thấy không người, thấy không Phật và thấy không chúng sanh.

Kinh Pháp Bảo Đàn còn gọi pháp Thấy Tánh này là vào cửa Đại Trí Huệ, vào cửa Bát Nhã, tức là vào 84.000 cửa pháp, hay là vào 84.000 pháp môn, vì tất cả những gì được thấy, nghe, hay, biết (tượng trưng bằng pháp số 84.000) đều không lìa Tánh này.

Lục Tổ Huệ Năng trong Phẩm Bát Nhã của Kinh Pháp Bảo Đàn, bản dịch của Thầy Thích Duy Lực dịch, giải thích như sau:

“Cần phải dùng Đại Trí Huệ, phá ngũ uẩn phiền não trần lao, tu hành như thế, nhất định thành Phật, đổi Tam Độc thành Giới, Định, Huệ. Thiện tri thức, pháp môn này từ một Bát Nhã mà sanh ra tám mươi bốn ngàn trí huệ. Tại sao vậy? Vì con người có tám mươi bốn ngàn trần lao, nếu không có trần lao thì trí huệ luôn luôn hiển hiện, chẳng lià tự tánh. Người ngộ pháp này tức là vô niệm, vô ức (không ghi nhớ), vô nhiễm trước, chẳng khởi cuồng vọng. Đối với tất cả pháp, dùng trí huệ của chơn như tự tánh chiếu soi, chẳng lấy chẳng bỏ, tức là Kiến Tánh Thành Phật.” (4)

Như thế, theo Thiền Tông, tri kiến như thật chính là Thấy Tánh. Nếu chưa Thấy Tánh, vẫn chỉ là tu trong vọng, chỉ là mài gạch làm gương, chỉ là như chân ngứa mà đưa tay gãi ngoài giày.

Nguyên Giác
__________________
GHI CHÚ:
 
(1) Guhatthaka-suttaniddeso: http://www.accesstoinsig.../kn/nm/nm.2.04.olen.html
 
(2) Bản Anh dịch của ngài Anandajoti: “There is, monks, an unborn, unbecome, unmade, unconditioned. If, monks there were not that unborn, unbecome, unmade, unconditioned, you could not know an escape here from the born, become, made, and conditioned. But because there is an unborn, unbecome, unmade, unconditioned, therefore you do know an escape from the born, become, made, and conditioned.” -- https://suttacentral.net/ud8.3/en/anandajoti
 
(3) Đạt Ma Tổ Sư Luận, trang 27: https://thuvienhoasen.or...dA/dat-ma-to-su-luan.pdf  
 
(4) Kinh Pháp Bảo Đàn: https://thuvienhoasen.or...682/pham-bat-nha-thu-hai
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.509 giây.