Sư tử là một trong những loài động vật hoang dã bị đe dọa, theo WWF. Ảnh minh họa ngày 06/03/2019 chụp tại Công viên Quốc gia Kruger, Nam Phi. AP - Jerome Delay
Hơn hai phần ba động vật hoang dã biến mất chỉ trong chưa đầy nửa thế kỷ. Trên đây là kết luận của báo cáo mới nhất của Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới. Báo cáo của WWF khẳng định « sự bùng nổ của thương mại, tiêu thụ và tăng trưởng dân số » đã dẫn đến sự hủy diệt hàng loạt các giống loài động vật hoang dã. Nhân loại đã phạm phải sai lầm « mang tính hệ thống », khó lòng cứu vãn.
WWF công bố bản báo cáo mới về tình trạng động vật hoang dã toàn cầu hôm nay, 10/09/2020. Bản báo cáo nhấn mạnh đến tình trạng thú hoang bị tuyệt diệt, với quy mô khủng khiếp : 68% giống loài chỉ trong chưa đầy nửa thế kỷ, từ năm 1970 đến 2016. Điều cần đặc biệt chú ý là tỉ lệ này tiếp tục gia tăng với tốc độ nhanh hơn gấp bội.
Trong bản bản cáo lần trước, vào năm 2018, WWF ghi nhận 60% động vật hoang dã biến mất (trong khoảng thời gian từ 1970 đến 2014). Điều có nghĩa là chỉ trong hai năm 2014 - 2016, đã có thêm 8% động vật hoang bị tiêu diệt, được ghi nhận. Trả lời AFP, giám đốc WWF Marco Lambertini nhận định : « Từ 30 năm nay, chúng tôi đã nhìn thấy xu thế này gia tăng, và tình hình ngày một tồi tệ hơn », « Nhân loại đang hủy diệt thiên nhiên… Trên thực tế, đó là cuộc diệt chủng nhắm vào sinh giới (écocide) ».
Thiên nhiên phải mất hàng triệu, hàng chục triệu năm để có thêm một giống loài mới, trong lúc con người hiện nay đang chấm dứt sự tồn tại của một giống loài chỉ trong một thời gian ngắn ngủi. Việc môi trường bị tàn phá ngày càng nghiêm trọng làm gia tăng nguy cơ các mầm bệnh, như virus gây đại dịch Covid-19, xâm nhập và lan rộng trong xã hội con người.
WWF điểm mặt các nguyên nhân chủ yếu khiến cho môi trường sinh sống trong thiên nhiên của động vật hoang bị hủy diệt là do các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi. Chỉ trong vòng một hai thế hệ, lối sống lấy tiêu thụ làm mục tiêu của nhân loại hiện nay đã dẫn đến sự khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên, vượt quá xa khả năng tái tạo của thiên nhiên. Và xu hướng này còn tiếp tục ngày một nghiêm trọng hơn. Việc khí hậu bị hâm nóng cũng là một nhân tố khác làm gia tăng tốc độ diệt vong của các giống loài.
Một số khu vực chứng kiến mức độ diệt vong khủng khiếp, như vùng nhiệt đới của châu Mỹ Latinh, có đến 94% giống loài động vật hoang dã bị tiêu diệt. Các vùng nước ngọt cũng tương tự, khoảng 84% các loài (cá, chim, lưỡng thê, động vật có vú…).
Dù sao, theo giám đốc WWF, điều có thể coi là « tốt lành trong các tin xấu là con người bắt đầu ý thức được » là không thể để xu hướng này tiếp tục.
Báo cáo Planète vivante, hai năm một lần, của WWF, đi kèm với một nghiên cứu mang tính hành động. Nghiên cứu lần này, do khoảng 40 NGO và viện nghiên cứu thực hiện, chỉ ra các biện pháp cần làm để đảo ngược đà diệt chủng sinh giới, dường như không thể cứu vãn được hiện nay. Theo ông David Leclère, IIASA, một đồng tác giả nghiên cứu, thì trong kịch bản lạc quan nhất, phối hợp các can thiệp nhiều mặt, thì « có thể cho phép hy vọng xu thế diệt chủng các giống loài động vật hoang dã sẽ bắt đầu ngưng lại kể từ trước năm 2050 ».
Theo RFI