Ca sĩ James Brown biểu diễn tại Brighton vào năm 2000. © Martyn Goodacre/Getty Images
Thanh Hà
17 phút
Dư âm vẫn còn sau cái chết của George Floyd, một người Mỹ da đen ở Minneapolis từ cuối tháng 5/2020. Trên các sân vận động hay đường phố tại Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới, hầu như mỗi ngày vẫn vang lên khẩu hiệu chống kỳ thị màu da. Hơn 50 năm trước phong trào Black Lives Matter, nhạc sĩ da đen James Brown từng hô vang niềm tự hào của người Mỹ gốc Phi làm nên lịch sử Hoa Kỳ với Say It Loud, I’m Black and I’m Proud.
Trên sân khấu nhà hát thành phố Dallas, bang Texas ngày 26/08/1968, chót vót trên đỉnh cao danh vọng, nhạc sĩ kiêm ca sĩ James Brown lần đầu tiên thể hiện ca khúc ông vừa hoàn tất trước đó hai tuần trong một phòng thu ở thành phố thiên thần, Los Angeles- California. Để ghi âm tác phẩm được mệnh danh là « bản tuyên ngôn không chính thức của người Mỹ da đen » này, một đêm thanh vắng, Brown xuất thần đòi cho bằng được một dàn đồng ca thiếu nhi để hét thật to niềm tự hào của những người Da Đen - I’m Black and I’m Proud.
Biến uất hận thành khúc hoan ca Với khoảng 30 giọng ca còn non trẻ mà ông bầu của James Brown đã vội vã tập hợp được cho kịp buổi thu âm, tác giả đã chủ ý biến uất hận của những người nô lệ đem mồ hôi và nước mắt làm giàu cho những kẻ khác thành một khúc hoan ca, thành một khẩu hiệu đấu tranh, tiếp bước trên con đường từng được mục sư Martin Luther King khai mở :
« Chúng ta sẽ không ngừng đấu tranh cho đến khi giành được những gì thuộc về ta ».
Đó là một nước Mỹ mà tất cả phải có cơ hội thăng tiến như nhau. Brown lập lại phần nào yêu sách đã đi vào huyền thoại qua diễn văn của nhà đấu tranh Martin Luther King, I Have a Dream đọc trước đài tưởng niệm Lincoln tại thủ đô Washington ngày 28/08/1963 : « Nước Mỹ chưa thể bình yên cho tới khi nào người da đen giành được quyền công dân (…) công lý tỏa sáng »
1968 : Hoa Kỳ đỏ lửa 1968 Hoa Kỳ đang đỏ lửa sau vụ mục sư Martin Luther Kinh bị ám sát ngày 04/04/1968 tại Memphis. Hai tháng sau đến lượt cựu bộ trưởng Tư Pháp, thượng nghị sĩ Robert Kennedy, một tiếng nói bảo vệ người da đen khác của nước Mỹ, bị sát hại Los Angeles khi ông vừa đắc cử trong cuộc bầu cử sơ bộ California, đại diện cho đảng Dân Chủ ra tranh cử tổng thống. Nước Mỹ sa lầy trong chiến tranh Việt Nam, mà trên các mặt trận ở một phương trời rất xa, đang có biết bao nhiêu người lĩnh Mỹ da đen đang đương đầu với tử thần.
Nước Mỹ những năm 1960 là thời điểm « Những người da đen vẫn tiều tụy lang thang nơi góc phố tối tăm, là kẻ lưu vong trên ngay mảnh đất quê hương mình » (Martin Luther King -I have a Dream).
Hình ảnh những xung đột về chủng tộc hàng ngày tràn ngập màn hình vô tuyến. Nhạc sĩ jazz thổi kèn trompette da đen, Miles Davis, đứng hút thuốc trước nhà hát mà hằng đêm ông vẫn là ngôi sao sáng trên sân khấu, đã bị một viên cảnh sát da trắng đánh vỡ đầu. Vẫn còn lại tới ngày nay bức ảnh đen trắng, Miles Davis bị thương ở đầu, máu loang trên áo, tay thì bị còng ngay trước cửa nhà hát Birdland Jazz Emporium trên Broadway, New York. Viên cảnh sát hành hung Miles Davis hôm ấy chắc chắn không thể ngờ rằng ông đáng đứng trước một một tượng đài của âm nhạc, người đã bắc cầu đưa những Ravel hay Debussy của Pháp vượt Đại Tây Dương, để tim đến với chiếc nôi của dòng nhạc jazz Hoa Kỳ.
Nghệ sĩ dương cầm Don Shirley cũng không may mắn hơn Miles Davis là bao. Dù tài hoa đến mấy, trong các vòng lưu diễn tại các bang miền nam nước Mỹ, nơi nạn kỳ thị người da đen còn rất mạnh, ông không được đối xử bằng 1 phần 10 so với chính người tài xế da trắng của mình.
Don Shirley chỉ đủ tiêu chuẩn để ngủ qua đêm trong những khách sạn tồi tàn dành cho người da đen. Còn tài xế của ông thì được ngả lưng trong những khách sạn tư cách hơn nhiều, những nơi xứng đáng để những người Mỹ da trắng dừng chân.
Funk, một khu vườn âm nhạc mới Trong bầu không khí ngột ngạt đó nhạc phẩm Say It Loud, I’m Black and I’m Proud của James Brown đã mở ra một khung trời mới : đây không là khúc ca ai oán nói lên nỗi nhục nhằn, cảnh lầm than của những người nô lệ gia đen, như những sáng tác dựa trên nền của dòng Blues trước đây. Tác phẩm James Brown trình làng năm 1968 có thể được ví như một đóa hoa rực rỡ trong ngày lễ hội vui tươi với những nhạc cụ như một dàn đồng cộng hướng với đàn ghi-ta bass .
Quan trọng hơn nữa là trong ca khúc này nhạc sĩ người Mỹ đã cùng với tay trống Clyde Stubblefield mở ra một khu vườn mới trong thế giới nghệ thuật âm nhạc : đó là khu vườn của dòng nhạc Funk. Funk kết hợp nhiều thể loại từ Soul đến Jazz hay Rhythm&Blues mà ở đó James Brown đã là một bậc thầy. Chẳng vậy mà ông có biệt hiệu là the Godfather of Soul ? Ở đây Brown đã kết hợp thêm sự tìm tòi của tay trống Clyde Stubblefield để nhịp điệu thêm dồn dập vào lôi cuốn.
Tác phẩm để đời: Niềm kiêu hãnh là người Da Đen James Brown đã đến với âm nhạc rất tình cờ. Tuổi thơ cơ cực Brown từng làm đủ mọi thứ nghề để kiếm sống : Lúc thì là kẻ đánh giầy, khi hát dạo trên đường phố trước khi tìm được một chỗ đứng trong dàn đồng ca ở nhà thờ.
Trên sân khấu cũng như ngoài đời, Brown lao vào cuộc sống như một võ sĩ quyền anh. Trong thế giới nghệ thuật, nhạc sĩ đa tài này đã ghi từng bàn thắng bằng rất nhiều mồ hôi và nước mắt.
Là một nhà soạn nhạc có giọng ca thiên phú, Brown còn là một vũ công ngoại hạng, là một nghệ sĩ xuất chúng làm chủ luôn cả nghệ thuật sân khấu với những bộ y phục hóa trang để đời trong mỗi đêm diễn. Mỗi buổi thu âm, mỗi ca khúc hay mỗi đêm trình diễn, không một chi tiết nào nằm ngoài tầm kiểm soát của tác giả.
Say It Loud, I’m Black and I’m Proud là tác phẩm mang nặng màu sắc chính trị nhất trong suốt 60 năm sự nghiệp của James Brown. Ông qua đời năm 2006 sau một cơn đau tim để lại Say It Loud, I’m Black and I’m Proud như một lời di chúc :
« Trong quá khứ người Mỹ da đen bị hành hạ và trải qua nhiều tủi nhục, đắng cay.
Đã đến lúc mọi người cùng nhau đứng lên, hô to niềm kiêu hãnh của màu da
Đã đến lúc đấu tranh đòi quyền bình đẳng
Đã đến lúc đôi tay cần lao của người da đen được quyền làm giàu cho chính họ
Đã đến lúc vùng lên, thà chấp nhận cái chết hiên ngang còn hơn mãi mãi phải quỳ gối … »
Năm 2004 tạp chí âm nhạc Mỹ Rolling Stone bình chọn Say It Loud, I’m Black and I’m Proud là một trong số 500 ca khúc độc đáo nhất mọi thời đại. Hơn 50 năm sau buổi trình diễn ban đầu ở Dallas, 14 năm sau ngày tác giả qua đời, niềm kiêu hãnh là người da đen của James Brown vẫn có tên trong danh sách uy tín đó.
Theo RFI
VIDEO