Nhật Tiến. (Hình: Khôi Nguyên/Người Việt)
Nhà văn Nhật Tiến, mới qua đời, là một nhà văn dấn thân tiêu biểu, dù ông chưa bao giờ nhận danh hiệu đó. Có thể vì ý nghĩa bốn chữ “nhà văn dấn thân” không rõ ràng.
Trước năm 1960, ở miền Nam Việt Nam có một phong trào cổ động “trí thức dấn thân” và “nhà văn dấn thân.” Có thể do ảnh hưởng của những “nhà văn dấn thân” ở Pháp rất sôi nổi và thuộc nhiều khuynh hướng, từ André Malraux, Albert Camus đến Jean Paul Sartre. Họ dấn thân trong các tác phẩm và cả bên ngoài lãnh vực văn chương, qua các hoạt động chính trị, xã hội.
Nói chung, những người “dấn thân” đã vận động, đấu tranh cho công bằng xã hội, cho dân chủ, tự do, cất tiếng nói thay cho những người bị áp bức.
Nhật Tiến là người sống dấn thân. Ông dấn thân khi sáng tác văn chương, chủ trương các tờ báo và nhà xuất bản. Ông dấn thân trong các công tác văn hóa, tham dự Trung Tâm Văn Bút Việt Nam (Pen Club), đọc bài điếu văn Nhất Linh đầy tinh thần “phản kháng,” dự Hội đồng Văn Hóa Giáo Dục, rồi sau năm 1980, dấn thân cuộc vận động cứu các thuyền nhân tị nạn. Trước đây 30 năm, ông dấn thân khi chủ trương các nhà văn ở trong và ngoài Việt Nam đã có thể cùng theo đuổi chung một mục đích chống bạo quyền, xây dựng dân chủ tự do.
Từ những tác phẩm xuất bản đầu tiên năm 23 tuổi, Nhật Tiến đã hướng về những người yếu thế nhất trong xã hội; đặc biệt là đám trẻ thơ bất hạnh. Tiểu thuyết Những Người Áo Trắng viết về trại nuôi trẻ em mồ côi. Chuyện Bé Phượng, Chim Hót Trong Lồng là cuộc đời và tâm sự của những trẻ em mồ côi. Ông viết về cuộc sống những người nghèo nhất trong các ngõ hẻm giữa đô thành Sài Gòn, trong Thềm Hoang, cuốn truyện được Giải Văn Chương Toàn Quốc năm 1962.
Một tiểu thuyết khác mang tính dấn thân của Nhật Tiến là Giấc Ngủ Chập Chờn, khi ông nhìn thẳng mặt cuộc chiến tranh Việt Nam, không tránh né. Cuốn truyện viết về những người sống trong vùng sôi đậu, ban ngày thuộc chính phủ Cộng Hòa, ban đêm do Việt Cộng kiểm soát. Trong ngôi làng đó, có những gia đình hai anh em đi theo hai phía khác nhau, Hoành theo Quốc Gia, Hà theo Cộng sản, ở giữa là một bà mẹ và một cô thiếu nữ chứng kiến cảnh huynh đệ tương tàn. Khi Cộng sản chiếm miền Nam, tác giả mới biết cuốn Giấc Ngủ Chập Chờn bị chế độ “đánh giá” là “cực kỳ phản động!” Ông đã phải viết bài “tự kiểm thảo,” do mấy nhà văn Việt Cộng nằm vùng “hướng dẫn.”
Tuy Nhật Tiến không hoạt động chính trị đảng phái, nhưng ngoài các tác phẩm văn chương, ông đã can đảm nói những lời chống chính quyền dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, vì chế độ miền Nam còn chấp nhận quyền tự do đó. Đám tang Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, nhà văn đã tự vẫn để phản đối chính phủ Ngô Đình Diệm, chỉ có một số ít văn nghệ sĩ ở Sài Gòn đến dự, vì người ta vẫn sợ “Mật vụ của Ông Diệm” theo dõi. Nhưng Nhật Tiến không sợ, ông đọc những lời từ biệt Nhất Linh, với tư cách phó chủ tịch Trung Tâm Văn Bút Việt Nam. Nhật Tiến đã ca ngợi Nhất Linh bằng những lời tâm huyết, nhấn mạnh rằng Nhất Linh đã cư xử theo đúng với tư cách của của một nhà văn Việt Nam yêu nước.
Bài điếu tang Nhất Linh còn cho thấy một khía cạnh trong con người Nhật Tiến: Ông ca ngợi sự nghiệp và tư cách của vị văn hào mặc dù ông không theo cùng một đường lối chính trị. Khi được phỏng vấn, trong một bài đăng trên nhật báo O.C Register ở California, ngày 23 tháng Chín năm 2000, gần 40 năm sau khi Nhất Linh mất, Nhật Tiến nói: “Nhất Linh đã đem lại cho tôi một hỗ trợ tinh thần lớn lao khi tôi bắt đầu cầm bút. Tôi ngưỡng mộ tác phẩm của ông, nhưng sau này ông đã quá thiên về chính trị. Mà về phương diện này, tôi không theo con đường của ông …”
Không đồng ý về chính trị, nhưng Nhật Tiến không ngần ngại công khai ca ngợi Nhất Linh, trong bầu không khí đe dọa bủa vây chung quanh trong cả xã hội, chính bản thân ông có thể bị mang họa vì hành động can đảm đó. Đó là một thái độ “dấn thân” của một kẻ sĩ tiêu biểu trong truyền thống dân tộc Việt.
Cả cuộc đời Nhật Tiến sống dấn thân không ngừng nghỉ. Sau khi đến nước Mỹ tị nạn, ông lên tiếng cùng nhà báo Vũ Thanh Thủy tố cáo chính phủ Thái Lan không nghiêm trị bọn hải tặc làm hại bao nhiêu người Việt vượt biển tìm tự do. Sau đó nước Thái Lan đã phải kiểm soát vùng biển của họ, nhờ thế nạn hải tặc đã giảm bớt. Không những dùng ngòi bút, Nhật Tiến còn đi khắp nơi vận động bảo vệ thuyền nhân. Nhà văn Mai Thảo đã ca ngợi “những vận động, những lên tiếng không ngừng của Nhật Tiến..” vừa mới đi thuyết trình ở Sacramento về lại chuẩn bị sắp đi họp ở một hội nghị giáo giới … một nhà văn “vẫn ở giữa vầng trời sáng láng nhất …”
Trong khi hoạt động không ngừng ngoài xã hội như vậy, Nhật Tiến không quên dùng văn chương biểu lộ quan điểm chính trị của mình. Cuốn Mồ Hôi Của Đá (1988) thể hiện một cách nhìn mới về cảnh chia rẽ hai miền Nam Bắc, 13 năm sau khi chiến tranh chấm dứt. Nhật Tiến mô tả những nhân vật đảng viên cộng sản, một bí thư chi đoàn thanh niên, mà không khoác cho cái bộ mặt hoàn toàn xấu xa nhơ bẩn. Ở nước ngoài, nhiều người đã phản đối nhưng ông không chùn bước. Nguyễn Mạnh Trinh thuật lời nhà văn nhận định rằng con người có mặt tốt và mặt xấu, “những kẻ ở bên này hoặc bên kia giới tuyến nếu bị đàn áp thì cũng chọn chung một thế đứng đấu tranh chống lại những kẻ áp bức.”
Một hành động can đảm nữa của Nhật Tiến là tập họp những bài viết của các nhà văn cùng giới trí thức ở trong nước và bên ngoài, xuất bản cuốn Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương. Cuốn sách bị dư luận phản đối vì có tên những nhà văn trong nước từng phục vụ chế độ cộng sản. Nhưng Nhật Tiến có chủ ý khác. Ngay cái tên của tuyển tập đã nói lên chủ ý đó. Năm 1958, ở Sài Gòn đã có cuốn Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Đất Bắc do Hoàng Văn Chí tuyển chọn và xuất bản. Đó là lần đầu tiên người dân miền Nam biết đến những tác phẩm của Phan Khôi, Trần Dần, Phùng Quán, Nguyễn Mạnh Tường, Văn Cao, vân vân, với tư tưởng chống chế độ độc tài chuyên chế. Nhật Tiến theo gương đó, tạo cơ hội cho độc giả người Việt Nam ở nước ngoài làm quen với giới văn nghệ trong nước không phục tùng chế độ cộng sản. Tuy bị phản đối, Nhật Tiến vẫn không nản lòng. Nhà văn Thụy Khuê năm 1994, trong một cuộc phỏng vấn cho đài RFI đã hỏi “Trong tương lai anh còn tiếp tục công việc này nữa không anh?” Nhật Tiến trả lời không ngần ngại: “Bỏ làm sao được?”
Nhật báo Người Việt có lẽ là nơi đầu tiên đã nhận diện Nhật Tiến như một nhà văn dấn thân. Trong bài điểm mặt các nhân vật năm 1988, trong số báo Xuân năm Kỷ Tỵ (1989), Người Việt viết về Nhật Tiến: “Với tập truyện Mồ Hôi Của Đá năm nay, ông đang đi tới khúc ngoặt lớn lao của một đời cầm bút nghiêm chỉnh liên tục. Đó là đặt nặng hơn bao giờ hết tinh thần của văn chương dấn thân. Bằng sĩ khí Nho phong, dùng uy vũ văn chương, Nhật Tiến đang ra công xoay chuyển cả một quan niệm viết lách và nhận thức.”
Ngô Nhân Dụng (VOA)