The Eight Hundred (Bát Bách), bộ phim chiến tranh mang màu sắc sử thi
The Eight Hundred (Bát Bách), bộ phim chiến tranh mang màu sắc sử thi của điện ảnh Trung Quốc, từng bị rút khỏi LHP Thượng Hải hè năm ngoái vì "lý do kỹ thuật" đã trở thành cứu tinh của điện ảnh Trung Quốc năm nay, khi thu về 425 triệu USD sau một tháng chiếu.
Không chỉ thế, Bát Bách đã xác lập kỷ lục mới, trở thành phim ăn khách nhất toàn cầu năm 2020, tính đến thời điểm hiện nay.
BỎ XA TENET LẪN MULANTheo thông tin phòng vé của Trung Quốc, cuối tuần qua, Mulan của hãng Disney chỉ thu thêm được 6,47 triệu USD tại thị trường điện ảnh Trung Quốc, kiếm được vỏn vẹn 36,5 triệu USD sau tuần công chiếu thứ hai tại thị trường quan trọng nhất mà bộ phim này nhắm tới.
Trong khi đó, dù đã bước sang tuần chiếu thứ 5, bộ phim sử thi chiến tranh của Trung Quốc The Eight Hundred (Bát Bách) vẫn thu về gấp ba số tiền vé mà Mulan kiếm được cuối tuần. Và như vậy, theo con số mới nhất mà Maoyan cung cấp, Bát Bách đã thu tổng cộng 425 triệu USD (2,88 tỷ NDT) kể từ khi ra mắt chính thức vào ngày 21.8.
Doanh thu này không chỉ xác lập kỷ lục phim ăn khách nhất tại thị trường điện ảnh Trung Quốc năm nay, mà thậm chí lần đầu tiên trong lịch sử có một phim Trung Quốc vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường toàn cầu, vượt qua Bad Boys for Life kiếm được 424,6 triệu USD hồi đầu năm.
Nên nhớ, doanh thu của Bad Boys for Life kiếm được nhờ thị trường toàn cầu, trong đó thị trường Trung Quốc đóng góp đáng kể và chưa bị dịch Covid tàn phá. Trong khi đó Bát Bách được tung ra sau khi Trung Quốc đã kiểm soát được đại dịch, nhưng thị trường vẫn chưa phục hồi hoàn toàn do tâm lý e ngại của khán giả.
Theo ước tính của Maoyan, bom tấn của điện ảnh Trung Quốc có thể cán đích với tổng doanh thu 446 triệu USD (3, 02 tỷ NDT). Phim cũng bắt đầu được chiếu ở thị trường điện ảnh quốc tế, bao gồm Anh và Ireland vào cuối tuần rồi.
Nếu tính những phim bom tấn được phát hành trở lại sau đại dịch Covid, Bát Bách có doanh thu gấp 10 lần Mulan (tổng doanh thu đến nay là 41 triệu USD) và gấp gần hai lần Tenet (tổng doanh thu khoảng 250 triệu USD, trong đó có 61,4 triệu USD tại thị trường Trung Quốc, tính đến hết cuối tuần qua).
Nguồn hình ảnh, Reuters
Chụp lại hình ảnh,
Rạp chiếu phim ở Thượng Hải
TẠI SAO MỘT BỘ PHIM BỊ KIỂM DUYỆT TRỞ THÀNH CỨU TINH CỦA ĐIỆN ẢNH TRUNG QUỐC?Bát Bách không phải là bộ phim mới ra mắt năm nay. Nếu theo dõi thời sự điện ảnh quốc tế, chúng ta có thể biết được sự cố kiểm duyệt liên quan đến bộ phim này.
Vào tháng 6 năm ngoái, chỉ một vài ngày trước khi được chọn khởi chiếu mở màn cho LHP quốc tế Thượng Hải, bộ phim sử thi chiến tranh được đầu tư kinh phí lớn của Trung Quốc bất ngờ được thông báo rút khỏi LHP với "lý do kỹ thuật". Đây cũng là lý do mà bộ phim One Second của Trương Nghệ Mưu từng bị rút khỏi LHP Berlin vào tháng 2 năm ngoái.
LHP Quốc tế Thượng Hải đành khai mạc mà không có phim mở màn, một sự cố hy hữu trong các kỳ LHP quốc tế. Bát Bách cũng bị rút khỏi hoàn toàn khỏi hệ thống rạp chiếu toàn thị trường tỷ dân này một tuần sau đó, gây nên một cơn "địa chấn" trong giới làm phim. Nhiều đạo diễn tên tuổi, trong đó có Giả Chương Kha bất mãn cho rằng tình hình kiểm duyệt hà khắc tại Trung Quốc có thể đập tan ước mơ vươn lên hạng nhất toàn cầu của thị trường điện ảnh nước này.
Tại sao Bát Bách, bộ phim sử thi của đạo diễn Quản Hổ (đạo diễn thế hệ thứ 6 tại Trung Quốc), được đầu tư kinh phí tới 80 triệu USD và quay hoàn toàn bằng máy quay kỹ thuật số 3D lại bị rút khỏi LHP Thượng Hải và cấm chiếu?
Đơn giản, dù dựa theo một câu chuyện lịch sử có thật và mang tính anh hùng ca, bộ phim lại ca ngợi những người lính Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch trong trận chiến bảo vệ một nhà kho ở Thượng Hải, chống lại quân đội Nhật vào năm 1937 chứ không phải là lính cộng sản do Mao Trạch Đông chỉ huy. Đã thế, bộ phim còn được phát hành vào thời điểm nhạy cảm và được cho là xúc phạm nhà cầm quyền Trung Quốc vì nước này đang chuẩn bị đại lễ lớn kỷ niệm 70 năm quân đội Cộng Sản của Mao Trạch Đông đánh bại quân đội Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch, khiến ông này phải chạy ra đảo Đài Loan.
Thực ra, vào năm 1976, điện ảnh Đài Loan cũng thực hiện một bộ phim về đề tài lịch sử liên quan đến cuộc chiến chống thực dân Nhật dựa trên sự kiện này. Bộ phim của Đài Loan có tên Eight Hundred Heroes (Bát Bách Tráng Sĩ) do đạo diễn Shan-Hsi Ting dàn dựng khá công phu với diễn xuất của các ngôi sao Đài Loan đang lên thời đó như Tần Hán, Lâm Thanh Hà… Bát Bách Tráng Sĩ từng được Đài Loan lựa chọn tranh giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất năm đó (lần thứ 49) nhưng không lọt được vào vòng cuối cùng.
Phải tới hơn 4 thập kỷ sau, điện ảnh Trung Quốc mới đụng đến đề tài lịch sử là niềm tự hào dân tộc nhưng cũng rất nhạy cảm này. Bộ phim kể về cuộc tử thủ kiên cường bốn ngày của những người lính Quốc dân đảng nhằm bảo vệ kho hàng Sihang (Tây Hàng Thương Khố) bên bờ sông Thượng Hải vào năm 1937 cho đến khi thất trận hoàn toàn và bị Nhật chiếm đóng, khởi đầu cho cuộc chiến Trung - Nhật lần thứ 2.
Tất nhiên ở thời điểm hiện tại, với sự phát triển vượt bậc của điện ảnh Trung Quốc cả về công nghệ lẫn thị trường rộng lớn, bộ phim đã được dàn dựng hoành tráng không kém gì một bom tấn của Hollywood. Nhiều tờ báo phương Tây so sánh Bát Bách của đạo diễn Quản Hổ với Dunkirk của Christopher Nolan, cả về sự tương đồng của chủ đề lịch sử mang tính anh hùng ca lẫn quy mô dàn dựng và kinh phí đầu tư. Báo chí Mỹ thì so sánh trận chiến Thượng Hải năm 1937 với trận chiến Alamo tại Texas cũng từng được Hollywood dựng phim rất nhiều lần.
Quản Hổ là một đạo diễn thành công trong thời đại bùng phát của thị trường điện ảnh Trung Quốc, vừa kế thừa những phẩm chất dân tộc tính của thế hệ đi trước (Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Phùng Tiểu Cương), vừa có sự tinh nhạy về thị hiếu của các đạo diễn thế hệ mới trong việc chinh phục khán giả đại chúng. Nhờ sự "kế thừa và tiếp nối" này giúp Quản Hổ dễ dàng tiếp cận các đề tài mang tính giao thời hoặc lịch sử một cách sâu sát.
Năm 2015, bộ phim Mr. Six (Lão Pháo Nhi) kể về một kẻ giang hồ lạc thời với diễn xuất của Phùng Tiểu Cương (một lựa chọn không thể chính xác hơn, dù lần đầu tiên đạo diễn ăn khách này đóng vai chính trong một bộ phim của đạo diễn khác) đã thành công vang dội tại phòng vé và chiến thắng nhiều giải thưởng hàn lâm tại Trung Quốc, Hongkong. Bộ phim thậm chí còn được chọn để bế mạc cho LHP Venice năm 2015.
Sau thành công của Lão Pháo Nhi, hãng phim Huayi Brothers Media (Hoa Nghị) sẵn sàng bỏ ra một số kinh phí lớn lên đến 80 triệu USD để đạo diễn Quản Hồ tự tin dàn dựng bộ phim sử thi hoành tráng Bát Bách và mất rất nhiều năm mới hoàn thành. Đây cũng là bộ phim châu Á đầu tiên được quay hoàn toàn bằng máy quay IMAX.
Sau khi thoát khỏi vòng kiểm duyệt hà khắc của chính quyền Trung Quốc và mất hơn một năm mới được ra rạp trở lại, bộ phim bất ngờ trở thành "cứu tinh" của nền điện ảnh nước này.
Không chỉ giới phê bình và khán giả Trung Quốc tự hào về bộ phim với số điểm tích cực, báo chí và giới phê bình phương Tây cũng đánh giá cao bộ phim. Bộ phim đạt 82% trên rottentomatoes với 17 bài bình luận của báo chí phương Tây và số điểm trung bình trên imdb là 7.2/10 - một số điểm không tồi so với các bộ phim bom tấn của Trung Quốc khi chiếu tại các quốc gia phương Tây. Còn tại thị trường nội địa, bộ phim được đánh giá cao hơn nhiều so với Mulan do Hollywood sản xuất.
Với thời lượng dài hai tiếng rưỡi, bộ phim làm mãn nhãn khán giả với những trận chiến lớn tái hiện 4 ngày anh dũng của những người lính Quốc dân đảng chống lại một lực lượng đông và mạnh hơn họ rất nhiều lần của quân đội Nhật Bản.
Điểm hấp dẫn nhất của bộ phim và khả năng kết hợp giữa những cảnh hành động quy mô lớn của một chiến trường đầy hỗn loạn và những câu chuyện cá nhân đầy xúc động ở phần đầu phim. Tuy nhiên, ở nửa sau do tập trung quá nhiều vào các cảnh hành động, bộ phim lại thiếu những giây phút bi tráng khi tảng lờ đi số phận của những người lính. Giống như nhiều bộ phim anh hùng ca mang màu sắc tuyên truyền khác, việc sống hay chết của từng cá nhân không còn quá quan trọng nữa. Đó có lẽ là điểm yếu của bộ phim sử thi này.
Lê Hồng Lâm viết từ Sài Gòn