Tại nơi quay lô tô trúng thưởng, các bạn sẽ thấy một máy quay chứa có đựng bên trong những quả bóng tròn nhỏ mang những con số. Khi máy quay vòng vòng, chúng ta chẳng thể nào biết được quả bóng nào sẽ rơi vào đường ra. Cũng theo cách đó, trong vô vàn những nghiệp (kamma) mà chúng ta đã tạo, chúng ta không thể nói hoặc đoán được nghiệp nào sẽ dành được cơ hội cho quả đưa chúng ta đi tái sanh vào kiếp kế đến.
Chúng ta đã tích lũy rất nhiều nghiệp thiện và nghiệp bất thiện. Bất kỳ nghiệp nào trong số chúng đều có cơ hội tạo quả lúc cuối cuộc đời. Đối với phàm nhân, không có gì là nhất định cả. Chỉ đối với vị Nhập Lưu (Sotapanna), chúng ta mới có thể đoan chắc được vì những cửa xuống đọa xứ đã được đóng lại đối với vị đó.
Tại thời điểm tử, một trạng thái tâm thức nào đó sẽ chế ngự tâm trí của chúng ta, làm cho nó trở nên đen tối hoặc là trong sáng. Nếu đó là sự ảnh hưởng của bất thiện (akusala), tâm trí sẽ tối mờ đi. Rồi đời sống kế tiếp trở nên đen tối. Nếu đó là trong sáng, thì đời sống kế tiếp cũng sẽ trở nên trong sáng. Đối với người có phương tiện mưu sinh là đã sát hại sinh vật bằng súng và chó, thì lúc cận tử, ông ta có thể mơ thấy rằng ông đang dùng súng săn đuổi một con vật cùng với những con chó của mình. Cảm giác của ông ta lúc đó sẽ là gì? Nó không phải là một cảm giác an bình phải không? Chết đi với một tâm trí như vậy thật là khủng khiếp cho kiếp sống kế liền sau đó.
Tuy nhiên, không có gì là chắc chắn cả. Không chắc chắn rằng nếu chúng ta đã phạm tội sát sanh (hoặc phạm vào các giới điều) thì chúng ta sẽ rơi vào đọa xứ (apaya).
Tại Miến Điện, có câu chuyện về một người thợ săn nhưng lại tái sanh làm người. Một số người khác tuy cúng dường rất nhiều (dana) và xây dựng nhiều chùa chiền cao lớn và trì giữ giới hạnh (sila), nhưng lại tái sanh vào đọa xứ lúc chết.
Đối tượng cuối cùng mà chúng ta nhận bắt ngay trước khi chết có tính quyết định. Nó có thể là do nghiệp (kamma) quá khứ được làm mới lại tại ngay thời điểm đó. Bên cạnh nghiệp (kamma) được làm mới, còn có nghiệp (kamma) được tích lũy tức thời. Nghiệp (kamma) mới này được thực hiện ngay trước lúc tử. Ví dụ, một người bạn mang hoa đến tặng chúng ta. Chúng ta chết đi nhìn bắt những bông hoa này làm đối tượng. Chúng ta cũng có thể nghe kinh tụng đọc và bắt việc đó làm đối tượng sau cùng trước khi chết.
Một lần nọ, khi Đức Phật đang giảng Pháp gần một bờ hồ, một con cóc đã nhảy lên bờ lắng nghe. Mặc dầu nó không thể hiểu ý nghĩa của bài Pháp, nhưng nó có thể cảm nhận được rằng âm thanh đó được gửi truyền với tâm bi mẫn, chứ không phải với lòng sân hận. Chỉ với sự lắng nghe như vậy, nó đã có được một tâm trí trong lành và đầy an vui. Một người chăn bò đi ngang qua vô tình chống cây gậy lên người của nó. Nó chết đi và tái sanh làm một thiên nhân do bởi kết quả của tâm trí trong lành đó. Vị thiên nhân nhận ra rằng kiếp trước mình đã là một con cóc. Vị đó ngay lập tức xuống trần đến gặp Đức Phật và thỉnh Ngài thuyết Pháp cho mình nghe. Với tư cách là một thiên nhân nghe Pháp vào lúc đó, vị đó đã chứng đắc đạo quả Nhập Lưu (Sotapanna).
Hoàng hậu Mallika, vợ của vua Kosala, đã tái sanh vào địa ngục Avici trong một thời gian ngắn do bởi vào lúc gần chết bà đã cảm thấy bất an, ân hận rằng bà đã một lần lừa dối nhà vua. Rồi có một tu sĩ vào thời của Đức Phật có nhận những bộ y mới do người chị dâng tặng. Vị đó đã giữ chúng bên mình với ý định sẽ mặc chúng vào ngày mai. Đêm hôm đó, vị đó đã ngã bệnh và qua đời, với tâm ý mong muốn được mặc những bộ y đó. Do đó, vị đó đã tái sanh làm một con rận trong những bộ y mặc dầu vị đó đã có thực hành thiền hơn 50 năm.
Nghiệp (kamma) mới được tạo ra lúc gần chết là nghiệp cận tử (asanna kamma), và nếu như không có trọng nghiệp (garuka kamma) nào cản đường thì đối tượng của nghiệp cận tử có thể được thay đổi. Do đó, thời điểm này là cực kỳ quan trọng.
“Ông đã cất những phiếu tài khoản ngân hàng ở đâu?” Chúng ta không nên hỏi câu hỏi này. Chúng ta cũng không nên hỏi người gần chết rằng, “Ông muốn giao chiếc nhẫn này cho ai?” hoặc “Những vật đó ông đã cầm tại tiệm cầm đồ nào?” Nếu những câu hỏi đó được đưa ra, người đó sẽ khó có được một cái chết an bình.
Có một câu chuyện về một phụ nữ tốt bụng, trì giữ giới hạnh (sila) và luôn luôn dâng tặng nước uống cho những du khách. Bất hạnh thay cho bà vào lúc cận tử, hình ảnh con cái khóc than bên giường đã làm cho bà không an vui. Mặc dầu bà đã làm nhiều việc bố thí (dana) trong đời sống của mình, bà được ghi nhận là đã tái sanh làm một phi nhân thấp kém (ma quỷ).
(Trích từ tác phẩm Luận Giải Về Nghiệp của Thiền Sư Sayadaw Dr. Nandamalabhivamsa. Người dịch: Pháp Triều. Đăng trên Simsapa Facebook và Tinh Tấn Magazine)
THIỀN SƯ SAYADAW