"Auld Lang Syne". Ảnh minh họa. flickr.com
Ca khúc Auld Lang Syne, một ca khúc nổi tiếng mà người dân Anh thường hát trong đêm giao thừa. Cũng thật trùng hợp là chương trình Góc vườn Âm nhạc tuần này cũng là chương trình phát thanh trong đêm cuối năm.
Nếu quí vị có theo dõi chương trình bắn pháo hoa hàng năm ở Luân Đôn thì sẽ thấy bài nhạc này luôn xuất hiện cả trong chương trình chính thức lẫn trên đường phố khi người dân tràn ra đường mừng năm mới. Giao thừa năm nay, nam danh ca người Mỹ nổi tiếng Bryan Adams đã được mời sang Luân Đôn để ăn Tết và bắt nhạc bài Auld Lang Syne cho cả triệu khán giả truyền hình cùng đón năm mới với tiết mục bắn pháo hoa ở quanh cây cầu Westminster.
VIDEO Một bài nhạc có lúc được thể hiện hùng tráng, có lúc nhí nhảnh, có khi buồn bã chia tay nhưng cũng có khi hào hứng chào đón. Đây là một vài cặp sắc thái trái ngược đã tạo ra sự nổi tiếng và phổ biến rộng rãi đến bất ngờ cho bản nhạc Auld Lang Syne. Nhắc đến làn điệu của bài nhạc này, chắc những ai ở Sài Gòn, có thể nghe trẻ con trong xóm hát với lời chế mà tới giờ những người sống xa cố hương còn nhớ được khúc mở đầu:
“Tòn ten, con ma đánh đu, thằng Tây nhảy dù...”
VIDEO Chắc tại vậy mà mãi cho tới gần đây nhiều người vẫn nghĩ rằng bài này là nhạc của Pháp. Nhưng ít ai biết được rằng Ce n’est qu’un Au revoir, chỉ là phiên bản bằng tiếng Pháp của ca khúc Auld Lang Syne. Bài hát này cũng thường xuyên xuất hiện trong các buổi tiệc giao thừa của người Pháp, và có lẽ bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ thời Pháp thuộc, với âm điệu dễ nhớ và người nghe thực sự không cần phải hiểu nội dung bài hát vẫn cảm nhận được cái cảm xúc được dồn nén vào trong đó.
Ce n’est qu’un Au revoir tức là cái ý nhắn nhủ rằng dù chúng ta chia tay, nhưng đó chỉ là một lời tạm biệt, và sẽ còn gặp lại nhau nhiều lần nữa. Có lẽ đó là lý do tại sao người Pháp hay hát bài này trên bàn tiệc, ý là nhắc nhở nhau hãy nâng ly như những người bạn. Đó cũng thường là bài hát kết thúc trong các đêm nhạc, mà thường được gọi bằng cái tên giống như lời cuối trong điệp khúc « aux jours du temps passé ».
VIDEO Giai điệu của bài nhạc Auld Lang Syne không chỉ đơn giản là lưu truyền trong văn hóa các nước phương Tây, mà xuyên sâu vào nhiều nền văn hóa khác trên thế giới. Ở Thái Lan bắt đầu từ một phiên bản tiếng Thái của hướng đạo sinh, bài nhạc thường được dùng để kết thúc các sự kiện thể thao. Bài hát có tên là Samakkhi Chumnum, mang nội dung đề cao sự đoàn kết và ngợi ca quốc vương, cho nên thực sự có nhiều người Thái tưởng đây là bài nhạc của nước mình chứ không phải là một bài nhạc du nhập từ nước ngoài vào.
VIDEO Ở Hàn Quốc trong giai đoạn từ năm 1918 cho đến 1943 giai điệu này cũng được dùng để hát bài quốc ca, mà sau này người ta mới viết lại một giai điệu khác và giữ nguyên phần lời tiếng Triều Tiên đã dùng trước đó. Hiện bây giờ nhiều người Hàn Quốc mỗi khi nghe đến bài nhạc này vẫn giữ thói quen đứng lên như khi chào cờ, nhất là những người già. Bài nhạc có tên là Jak-pyeol 작별 hay còn môt tên khác nữa là Seok-byeol Je-ong 석별의 정, đều cùng có nghĩa liên quan đến sự chia ly.
VIDEO Ở Nhật Bản, bài Auld Lang Syne cũng được đặt lời riêng, với nội dung hoàn toàn khác, gọi là Hotaru no Hikari, nhưng cũng thường được dùng để kết thúc các chương trình sự kiện, từ lễ bế giảng cho đến buổi quảng cáo tiếp thị ở siêu thị. Ở Việt Nam, thì phong trào hướng đạo sinh từ nửa đầu thế kỷ 20 đã đặt ra lời riêng trong tiếng Việt để hát trong các buổi sinh hoạt lửa trại, và đến ngày hôm nay vẫn tiếp tục được lưu giữ trong tâm trí của các thế hệ già để truyền lại cho các thế hệ trẻ đang tiếp nối hoạt động.
VIDEO Có thể nói Auld Lang Syne là khúc nhạc thuộc vào nhóm được nhiều người biết đến nhất trên thế giới. Hồi năm 2009 sinh viên Đại học Glasgow ở xứ Scotland miền bắc Vương quốc Anh đã tổng hợp và trình bày tổng cộng 41 phiên bản đã được dịch ra các thứ tiếng khác nhau trên thế giới.
Dân sành nghe nhạc thì khi nhắc đến bài này thì thường muốn nghe phiên bản không lời bằng đúng tiếng kèn túi của xứ Scotland. Một trong số những khán giả may mắn trong chương trình hòa nhạc nổi tiếng của nhạc trưởng Andre Rieu ở Hamburg đã được nghe hàng ngàn cây kèn túi của dàn nhạc pipe châu Âu đổ vào sân vận động cùng tạo ra hứng khởi cho khán giả đang nắm tay nhau tận hưởng cảm xúc hiếm có trong đời.
VIDEO Theo nghiên cứu, bài nhạc này được viết trên hệ thống âm ngũ cung, tức là giống như bộ dây của đàn tranh ở Việt Nam với 5 nốt hò-xự-sang-xê-cống. Có lẽ đó chính là lý do tại sao làn điệu này nhanh chóng ăn sâu vào ký ức âm nhạc của nhiều quốc gia ở châu Á như Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn đều trong khu vực ảnh hưởng của dòng nhạc ngũ cung.
Tuy nhiên, ngay cả ở châu Âu cũng có nhiều vùng văn hóa dân gian sử dụng nhạc ngũ cung, mà có giả thiết cho rằng đó là ảnh hưởng từ các cuộc chinh phục của Thành Cát Tư Hãn. Một số tác phẩm của Chopin hay đặc biệt là nhạc sĩ cổ điển Pháp Claude Debussy cũng được xây dựng trên hệ thống nhạc ngũ cung.
Riêng bài nhạc Auld Lang Syne thì được ghi nhận là do nhà thơ xứ Scotland Robert Burns soạn lời vào năm 1788 cho một điệu khúc dân gian. Người xứ Scotland từng có thời nổi tiếng là di dân đi tha hương cầu thực, và có lẽ chính những tình cảm mà họ gửi gắm vào bài nhạc quê hương làm hành trang đem theo mình đã khiến cho Auld Lang Syne có sức mạnh công phá con tim của người nghe ngay từ những nốt nhạc đầu tiên, nhảy lên quãng bốn, rồi quãng sáu, quay trở lại quãng năm, quãng bốn, rồi lại bước tiếp lên quãng tám, một công thức nay đã trở thành kinh điển chiếm trọn cảm xúc của khán giả.
Để kết thúc tạp chí Âm nhạc tuần này, kính mời quí vị thính giả cùng thả trọn cảm xúc vào phần trình diễn của Kenny G, để suy niệm cùng tiếng kèn saxo giọng soprano, chia tay với năm cũ, và cùng đón giao thừa an bình với gia đình. Kính chúc quí vị một năm mới bình an.
VIDEO Theo RFI
Sửa bởi người viết 03/01/2021 lúc 12:31:09(UTC)
| Lý do: Chưa rõ