Múa lân ngày tết. Hình minh họa.
Chỉ còn hơn một tháng nữa, người Việt đón năm mới theo lịch cổ truyền. Việt Nam là đại diện tiêu biểu bậc nhất của văn minh nông nghiệp nên sử dụng lịch âm dương, hay gọi tắt là âm lịch, cho đến nay vẫn dùng song song với lịch dương, còn gọi là lịch tây. Các ngày lễ tết của người Việt ứng nhịp với các thời điểm quan trọng của mùa vụ. Tính chất các lễ nông nghiệp là đi sát thiên nhiên như mùa gặt mùa cấy, hoặc những hiện tượng thiên nhiên như ngày trùng ngũ mừng mặt trời vào cung ngọ. Nói chung là các lễ này hướng nhiều đến sự sống, và gọi là tết: Tết nguyên đán, Tết đoan ngọ, Tết trung thu.
Ngày Tết nguyên đán mở đầu các kỳ vui trong năm. Chữ “Tết” là một lối đọc chữ “Tiết”, hiểu là tiết nhịp uyên nguyên mà mọi tác động đều nhịp theo thì mới đạt cảnh thái hòa. Trước hết nó được tổ chức trong đình làng. Đình làng bình thường đã vui, vào ngày đầu năm lại càng vui hơn. Bình thường, đình làng, trẻ con học, bên trong là các cụ trong làng bàn việc làng, theo lời những người già kể lại. Đình làng Việt Nam là một nơi đặc biệt. Quy mô, diện tích của đình làng đủ cho khoảng 100 hộ dân làng hội họp, đủ sức chứa tất cả người làng trong ngày lễ Tết. Sau này, vai trò của đình làng hạ xuống, thay vào đó là nhà văn hóa thôn, tựa như nhà cấp bốn xây theo lối công sở, không thể khỏa lấp được vai trò của đình làng như đã đóng ấn trong tâm hồn của người dân Việt.
Quan trọng nhất, đình làng là nơi gặp gỡ của nam thanh, nữ tú của làng. Nhà văn hóa thôn xây dựng theo lối công sở không đáp ứng được yêu cầu đó. Nhiều bạn trẻ ngại không dám đến nhà riêng của người khác giới, thì đi bộ ra đình làng chơi, một lý do chính đáng, để nói chuyện và tìm bạn đời. Vậy đình làng lại là nơi mai mối, vun đắp cho hôn nhân. Ý nghĩa nhân sinh to lớn ấy giúp làng quê Việt ít tệ nạn hơn so với các quốc gia khác, ít nhất là về cơ cấu. Những cuộc vui, tưng bừng ăn uống đình đám,… biểu hiện một sự sống tràn ngập và các mối nhân luân, vốn là trọng điểm của học vấn viễn Đông.
Như vậy đình là nơi tụ họp của dân làng trong những ngày tết, ta quen gọi chung là “đình đám”. Chữ “đám” gắn liền với chữ “đình” làm tỏa ra cho các giác quan khứu, thị, thính, cảm một vẻ tưng bừng thơm ngát với những nét hân hoan tràn đầy sinh thú, những khuôn mặt say sưa. Vì vậy chỉ số hạnh phúc của người Việt cao hơn một số nơi khác không có các lễ hội và không gian tương tự, không phải do chế độ chính trị mà là do văn hóa dân tộc. Những nơi khác cũng có lễ hội, cũng có không gian công cộng mà ít nơi nào có được sự bình đẳng như làng quê Việt.
Đình làng nguyên thủy phục vụ cho nhân sinh. Tết ngày nay, người ta không còn trong đình làng nữa. Các gia đình ai nấy lui về không gian riêng, nhà này đến thăm nhà kia. Những đình làng còn sót lại chuyển sang hơi hướng tế tự hơn là nhân sinh, rồi dần đi vào quên lãng của những người sinh sau. Đình làng mất trước, các lễ hội mất theo sau.
Tới nay tuy đời sống bắt phải giản lược nó vào những chiều kích bé nhỏ, nhưng so với các nơi khác tết vẫn còn to hơn, lâu hơn. Cái tết của Việt Nam rất lớn lao như chưa có đâu ăn tết trọng thể bằng: kéo dài đến cả hai tháng, thời hội nhập gói gọn lại trong khoảng 10 ngày. Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản đã bỏ tết để tăng năng suất, không thành công vì chỉ có thể kéo ra khỏi gia đình để đem đến chỗ tinh thần hơn. Kéo tết ra khỏi gia đình là tước đoạt gia đình. Quốc gia hóa cái tết như thí dụ cho nghỉ ngày mồng một còn mồng hai thì dân phải thi đua trồng cây cho nhà nước cũng là một hình thức để tha hóa cái Tết. Tết là tuyệt độ cao của đời sống gia đình trong đó mọi người đều được nhắc đến nhờ có tục lệ đọc và ghi gia phả. Ông Eberhard : “Bất kỳ đứa con nào sinh ra dù là chết yểu cũng được ghi chú tên tuổi phần số để lại các thế hệ về sau, nhờ đấy ai nấy đều có một địa vị trong cái chuỗi dài bất tận của các thế hệ. Thật là một điều đáng suy nghĩ trước sự đổ vỡ của gia đình hiện nay, các nhà tâm lý nói đi nói lại rằng rất nhiều những khó khăn nội tâm của chúng ta như bệnh thần kinh… là hậu quả những cảm thức bất an ninh cách sâu xa, bởi ngay từ trong những ngày bé bỏng đứa trẻ đã cảm thấy mình trơ trọi trên đời: vì sống trong một nhóm tuy là gia đình nhưng thực chất chỉ là một đơn vị kinh tế. Trái lại ở đây ai nấy đều có một địa vị ngay từ lúc bé thơ và truyền lại mãi về sau. Nó vẫn là một phần trong công thể, mặc dù ngày mai có xảy ra sao đi nữa nó vẫn là một phần tử nên vẫn còn được tham dự trong buổi tiệc đầu năm này.” “Our psychologist tell us over and over that many of our inner difficulties, our neuroses, are the result of a deepseated feeling of insecurity which begins in the early days of childhood when the child feel itself alone in this world, living in a group of people called “family” but representing no more than an economic unit. Here in this Chinese framework every member has his definite position. Has the security from the early day of his birth: each individual knows that he will have place in this record over his lifetime and in all future time. He is a member of a community, come what may, and will remain a member even after his death. He will take part, even then, in this sacrifice on New Year’s.” (Festivals 43) bản dịch tiếng Việt của giáo sư Lương Kim Định, đại học Văn Khoa Sài Gòn. Tác giả ngoại quốc đã khen ngợi về tính chất gia đình của ngày tết Việt Nam như vậy.
Những chế độ ghét gia đình cai trị lâu dài vẫn không bứng được cái tết ra khỏi xã hội viễn Đông. Nước Việt vẫn còn may mắn giữ được tết, còn giữ được đúng tinh thần nguyên bản hay không thì đó là vai trò của các văn hiến, là những người hi hiến thân tâm cho Văn Tổ viết hoa. Trong mô hình làng hiện đại của nước Việt Nam, ắt hẳn không thiếu được một cuộc trùng hưng lại đình làng.
Tôn Phi (VOA)