VRNs (13.08.2013) – Ephata – Nhiều năm nay, các câu chuyện râm ran trong xã hội về các thứ trái cây
có tẩm chất độc hại đến từ “phương Bắc”, nhiều anh em bạn bè đặt thử một trái táo trên bàn làm việc để
thử nghiệm, hai ba tháng trôi qua, trái táo vẫn căng phồng, tròn lẳn, đành cười buồn với nhau rồi đem vứt
đi thôi, ai mà dám ăn ! Rồi không chỉ trái táo trái lê, không chỉ là những câu chuyện truyền miệng khi trà
dư tửu hậu, báo chí trong nước ngoài nước lên tiếng, thực phẩm, các hàng tiêu dùng, quần áo, các dụng
cụ làm việc, các đồ chơi của trẻ em… cái gì cũng độc hại, cái gì cũng có thể gây chết người. Vẫn là
những hàng hóa đến từ “phương Bắc”, hay người ta còn gọi là từ… “nước lạ”.
Bây giờ thì không chỉ hàng hóa đến từ “nước lạ”, ngay trên đất nước này, một dân tộc xem trọng chữ
Tín, chữ Nhân và chữ Nghĩa, đụng vào bất cứ hàng hóa nào cũng gặp phải chất độc. Từ bé, mẹ tôi thỉnh
thoảng vẫn cho chúng tôi ăn món “con nhộng”, sản phẩm có được từ việc lấy tơ tằm, món ngon đó bây
giờ đôi khi làm tôi nhớ, có lần nhanh miệng nói với một cha gia đình ở Bảo Lộc là muốn có món “con
nhộng” để ăn. Cha ấy thành thât nói rằng đừng ăn vì nó đã ngấm đầy thuốc trừ sâu ! Tuần rồi đi lên vùng
cao nguyên Lâm Đồng, ghé ngang Đà Lạt, gặp một Giáo Dân có vườn dâu, xin họ ít quả để mang về
Sàigòn làm quà, Tiếc rẻ, ông ta nói: “Sao cha không cho con biết sớm ? Để cha dùng, con phải ngưng
phun thuốc trước vài ngày”.
Cái gì cũng độc, cái gì cũng hại: bún, bánh phở, nước tương, rau củ; trái cây đến ngay sầu riêng, mít,
chuối cũng có thuốc; thịt các loại, ngũ tạng trâu bò heo, chân gà, gà phế thải từ Hàn Quốc, sữa; ngay
đến… gạo cũng nhiễm hóa chất, không biết phải ăn cái gì bây giờ ?!?
Tai họa thì không biết ập đến lúc nào, con số tử vong do tai nạn giao thông hàng năm vẫn trên chục ngàn
người, ra đường không bao giờ có thể tin rằng mình an toàn, đi đàng hoàng cũng bị những “xe điên”
tông từ đàng sau đến, ngồi xe ca loại 50 chục người cũng có thể rơi tõm xuống sông, xuống vực lúc nào
chẳng biết. Không rơi thì cũng đối đầu với xe tải, nạn nhân không còn nhận ra hình dạng nữa. Tàu cánh
ngầm thì nay trục mai trặc giữa sóng gió, kiểm tra ra thì cái nào cũng “quá… date” từ lâu.
Không chỉ rủi ro do tai nạn, cướp giật luôn rình rập, táo tợn đến mức chặt tay cướp điện thoại di động
giữa phố phường, mà chỉ là chiếc điện thoại “hàng Hồ Cầm Đào mấy trăm ngàn”, loại “cùi bắp”. Tôi rất
dè dặt cố gắng không đến chỗ đông người như quán ăn, quán cà phê, là vì rất sợ chẳng may nhìn phải
ai đó mà họ đang cáu giận hay phê thuốc thì lập tức bị ghép vào tội… “nhìn đểu”, hậu quả có thể… “về
chầu Chúa sớm” hoặc ít ra cũng nằm bệnh viện vài ngày !
Những câu chuyện không thể tin được như người tình giết nhau, cha giết con, vợ giết chồng, chồng giết
vợ, con giết mẹ giết cha, người giúp việc giết chủ nhà, không chỉ giết nhưng còn chặt thây vứt bỏ ngoài
sông ngoài suối, là những câu chuyện đọc được hàng ngày trên các báo, không cần trích dẫn vì ngày
nào cũng có chuyện, vào mạng tin tức nào cũng có.
Mọi người bảo nhau cố gắng giữ cho đừng có bệnh tật, nhưng thực phẩm như vậy làm sao mà giữ
được ? Vào bệnh viện thì, đau ruột thừa bác sĩ lại cắt thận, gãy chân trái thì bác sĩ cắt chân phải, phẫu
thuật thì bỏ quên băng gạc, bệnh nhân nhẹ hóa nặng, sống hóa chết, trẻ chích ngừa chết ngay sau khi
tiêm ! Gần đây báo chí lại đưa tin xét nghiệm hàng ngàn mẫu như nhau, vì không xét nghiệm, chỉ lấy một
vài kết quả xét nghiệm sau đó sửa tên tuổi để nuốt tiền Bảo Hiểm Y Tế. Cũng nhiều đến nỗi không cần
trích dẫn !
Ở yên trong nhà chưa chắc đã an toàn, Hôm nọ tôi có một người bạn, anh ấy gọi điện cho tôi xin tạ ơn
Chúa vì bị mất trộm mà vẫn còn sống, anh ấy kể rằng: “Nó vào lấy hết mọi thứ trong phòng anh ấy nhưng
hai vợ chồng không biết gì, sáng ra mới biết bị mất trộm, may mà không tỉnh dậy chứ tỉnh dậy thì nó giết
chết mình rồi”.
Cách đây mấy tuần chúng tôi bị mất trộm ghế nhựa ở Nhà Thờ, bắt được kẻ trộm chỉ dám “xin mời anh đi
cho, vì đây là nơi thờ phượng”, chẳng dám giao Công An vì như thế sẽ phiền to, bởi sau đó vài tiếng
đồng hồ, kẻ trộm sẽ trở lại đe dọa “xin tí huyết”, còn khổ chủ thì bị giữ tại đồn viết tờ tường trình rồi
“được” mời đi làm việc, lấy lời khai liên tục, mất hết cả giờ giấc, lại thêm bực mình. Chuyện trộm chó ở
miền Bắc, nhất là miền Trung, đi đến án mạng chết nhiều người trong nhiều vụ là thí dụ cụ thể.
Nói đến Công An thì những ai ở Việt Nam đều biết, họ muốn làm gì mình cũng phải chịu, bất ngờ đưa
“giấy mời” ấn định ngày giờ thì phải ra trình diện, “mời” nhưng không được từ chối, nhiều vụ ra đồn Công
An rồi “tình nguyện” ở lại, sau đó thì tự tử chết, người nhà được mời đến nhận… xác, những vụ này
nhiều đến nỗi cũng không cần trích dẫn. Về Công An Giao Thông thì khỏi nói, cứ ngồi lên taxi nói vài câu
đề tài này sẽ nghe cánh tài xế chua chát than thở, mọi phương tiện di chuyển đều là nguyên cớ để nộp
phạt không biên nhận.
Còn bão, lũ, sập đất, lũ quét, lũ ống… vẫn là tai họa đổ trên đầu người bất cứ lúc nào. Quen gọi là thiên
tai nhưng có nguồn gốc là “nhân tai”, bởi chính sự phá hoại môi trường thiên nhiên là nguyên do gây ra
như vậy. Có nhân tai hiển nhiên là các đập thủy điện luôn trong tình trạng không biết vỡ lúc nào, có cái vỡ
ra mới “lòi mặt chuôt” về phẩm chất. Mấy tuần này trên một số báo “tiên đoán”, vỡ đập Dầu Tiếng, thành
phố Sàigòn, sẽ chìm trong biển nước cao… 2 mét rưỡi !
Giữa những phập phồng lo âu như vậy, Chúa bảo chúng ta “Anh em đừng sợ” ( Lc 12, 32 – 48 ). Quyền
lực thế gian xem ra mãnh liệt nhưng Chúa bảo đảm tình thương của Ngài lớn lao hơn nhiều, điều chúng
ta cần tìm kiếm: là cậy dựa vào thế gian, một cơ cấu đã rỗng tuếch băng hoại hay cậy dựa vào Chúa với
hứa của Đấng Trung Tín ? Abraham đã đi theo lời hứa, liều lĩnh và tín thác, Abraham đã tìm được sự
sống vĩnh cửu vì ông tin, chúng ta sống giữa thử thách nặng nề của thế gian, một thế gian tan nát nhưng
vẫn vững tin vào Chúa, chỉ có thể hiểu như vậy mới nghe đươc lời “đừng sợ”.
Đừng sợ nghĩa là đừng để thế gian cuốn theo cơn lốc của nó, đừng nói theo nó, đừng nói cho vừa lòng
nó, đừng thỏa hiệp với nó, đừng đồng lõa với nó, đừng cộng tác với nó, đừng đầu tư vào nó, đừng
mong đợi gì nơi nó. Hãy xây dựng Nước Trời cho cuộc sống vĩnh cửu, xây dựng ngôi nhà do chính
Chúa là Kiến Trúc Sư, là Đấng đặt nền móng (Dt 11, 1 – 2. 8 – 19).
Lm. VĨNH SANG, DCCT, Chúa Nhật 11.8.2013
Nguồn: Ephata 573