Ảnh tư liệu chụp này 13/05/2020. Rạp AMC Empire 25 trên đường 42nd Street, New York, Hoa Kỳ. Evan Agostini/Invision/AP - Evan Agostini
Vào lúc nước Pháp vẫn đóng cửa hầu hết các tụ điểm giải trí, chính quyền bang Québec, Canada và thống đốc bang New York, Hoa Kỳ vừa bật đèn xanh cho việc mở lại các rạp chiếu phim. Nhiều nhà phân phối ở Bắc Mỹ đã hoan nghênh quyết định này, nhưng cũng có một số chủ rạp phim tỏ ra lo lắng vì theo họ, vẫn còn quá nhiều điều kiện ràng buộc.
Một cách cụ thể, các rạp chiếu phim ở thành phố Manhattan, bang New York, sẽ hoạt động trở lại kể từ ngày 05/03/2021, tức là đúng một năm sau ngày phải đóng cửa theo lệnh của thống đốc bang Andrew Cuomo, vào lúc dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh mẽ. Theo mạng thông tin chuyên ngành BoxOfficePro, việc thông báo ngày mở lại các rạp hát cho thấy bang New York đã dần dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Tuy nhiên, các rạp chiếu phim chỉ có thể cho vào cửa 25% khán giả so với mức bình thường.
Các rạp hát ở Manhattan bị đóng cửa trong một nămTrong trường hợp có nhiều phòng chiếu phim, mỗi suất chỉ có thể tiếp đón tối đa 50 người xem. Một khi vào phòng chiếu phim, khán giả không thể chọn ghế ngồi một cách tự do, mà lại ngồi vào những chỗ đã được sắp đặt trước. Mục tiêu của ban quản lý là áp dụng đúng mức các quy định về giãn cách xã hội và khán giả đi xem xinê một mình hay đi chơi cùng với nhóm bạn buộc phải đeo khẩu trang trong suốt buổi chiếu phim.
Quyết định mở lại các rạp chiếu phim thật ra đã được ban hành trên toàn lãnh thổ bang New York kể từ tháng 10/2020, nhưng lại không được áp dụng tại thành phố Manhattan New York, phần lớn cũng vì các nhà chức trách lo ngại rằng mật độ dân cư rất cao tại trung tâm Manhattan có nguy cơ làm cho đà lây lan của dịch bệnh vượt tầm kiểm soát. Đối với giới chuyên ngành, việc mở cửa trở lại các rạp hát sẽ giúp tạo ra luồng dưỡng khí cho các các nhà phân phối, một chút ánh sáng cuối đường hầm, vì đại đa số các rạp chiếu phim trong phạm vi thành phố New York đã buông màn từ giữa tháng 03/2020, trong khi đây là một trong những thị trường quan trọng nhất ở Hoa Kỳ, tính theo doanh thu từ các phòng vé.
Còn đối với các nhà sản xuất, mặc dù đa số đều đã có kế hoạch phát hành phim trên internet thông qua các dịch vụ trực tuyến, nhưng việc mở lại các phòng chiếu phim vẫn tạo cơ hội tăng thêm doanh thu. Các hãng phim lớn đã liên tục dời lại trong suốt một năm qua các bộ phim bom tấn (blockbuster) của họ, và cho dù phim sẽ không lập kỷ lục phòng vé khi số khán giả vào rạp còn bị hạn chế, nhưng ít ra sẽ giúp gỡ gạc một phần các khoản đầu tư vào khâu sản xuất. Về điểm này, tập đoàn Disney dự trù ra mắt sản phẩm mới của mình "Raya và rồng thần cuối cùng" sau khi việc phát hành trên mạng Disney+ bộ phim "Soul" (Cuộc sống nhiệm mầu) đã không thành công như mong đợi.
Phía hãng phim Warner Bros cũng có thể nhân dịp này khai thác phiên bản Snyder của Justice League "Liên minh Công lý" tại các rạp chiếu phim (dự trù ra mắt công chúng vào ngày 18/03/2021) nhằm bổ sung cho việc phát hành bộ phim dài 4 tiếng đồng hồ trên mạng HBO Max. Trong khi đó, nhiều hãng phim khác cũng chuẩn bị cho ra lò những sản phẩm đã bị cất giữ quá lâu trong kho.
Nhiều trở ngại khi guồng máy được khởi động lại Cho dù thời điểm phát hành phim vẫn chưa phải là lý tưởng (trường hợp của "Wonder Woman" tập nhì khiến cho các nhà sản xuất "Black Widow" càng thêm đắn đo), đến một lúc nào đó, các hãng phim đành phải "hy sinh" một số sản phẩm, thà được một chút doanh thu còn hơn là không được gì cả, nhất là lịch phát hành phim trong năm 2021 sẽ bị ứ đọng do quá dày đặc. Việc khởi động lại guồng máy sản xuất và phân phối chưa gì đã cho thấy một số giới hạn cũng như trở ngại.
Về phía bang Québec (Canada), các rạp chiếu phim sẽ hoạt động trở lại kể từ ngày 26/02/2021, tức là vào cuối tuần này, một quyết định được cho là hợp thời do rơi vào đúng kỳ nghỉ của đa số các học sinh. Thế nhưng, thay vì trấn an các nhà phân phối, thông báo của Hiệp hội các chủ rạp phim bang Québec (APCQ) lại tiếp tục gây ra tranh luận. Theo hai đồng chủ tịch Éric Bouchard và Denis Hurtubise, hiệp hội này đã lưu ý với chính quyền bang Québec là việc mở lại các rạp hát vẫn còn kèm theo nhiều điều kiện ràng buộc. Các điều kiện ấy khiến cho việc mở lại các rạp chiếu phim còn tốn kém hơn là khi phải đóng cửa. Do vậy, hiệp hội APCQ đề nghị chính phủ tài trợ thêm cho các rạp hát để bù đắp một phần cho việc hạn chế số lượng khán giả (mức chứa tối đa là 250 người xem cho mỗi phòng chiếu phim).
Thế nhưng, vấn đề gây tranh cãi lớn nhất vẫn là "lệnh cấm" đến từ phía cơ quan phòng dịch, không cho phép các rạp chiếu phim bán thức ăn và nước uống cho khán giả. Theo giới chuyên gia y tế công cộng, việc bán các thức giải khát, bánh kẹo, cũng như bắp rang (popcorn) sẽ làm tăng thêm các lượt tiếp xúc giữa khán giả và nhân viên bán hàng, trong khi các quy định hiện hành là nhằm hạn chế tối đa các mối quan hệ tương tác. Chẳng những thế, khán giả sẽ tháo gỡ khẩu trang nếu muốn tận hưởng cái thú vừa ngồi xem phim, vừa "nhai" popcorn.
Không chiếu phim nếu không được bán "popcorn" Cũng cần biết rằng mô hình kinh doanh của các rạp chiếu phim chủ yếu dựa vào việc bán thức ăn nhiều hơn là bán vé xinê. Theo ông Éric Bouchard, đồng chủ tịch hiệp hội APCQ, việc bán đồ ăn và thức giải khát chiếm từ 50% đến 80% doanh thu của các rạp chiếu phim. Việc mở lại rạp hát nhưng vẫn cấm bán thức ăn sẽ khiến cho các chủ rạp có nguy cơ bị thua lỗ nhiều hơn nữa. Theo đánh giá của hiệp hội này, trong mùa hè năm 2020, các rạp chiếu phim ở bang Québec đều đã mở cửa và chuyện bán thức ăn cho khán giả đều đã diễn ra một cách tốt đẹp, do cả hai phía người mua kẻ bán đều có ý thức và đều tôn trọng các quy định giãn cách xã hội mà không cần phải nhắc nhở.
Trong bối cảnh đó, các chủ rạp hát kêu gọi chính phủ bang Québec xem xét lại lệnh cấm bán thức ăn trong các rạp chiếu phim. Theo họ, nếu chỉ hoạt động với doanh thu từ các quầy bán vé, đại đa số các rạp chiếu phim sẽ phải đóng cửa luôn, do không thể đáp ứng nổi toàn bộ các chi phí vận hành. Nếu lệnh cấm bán thức ăn được duy trì, chính phủ bang Québec vẫn có thể trợ cấp để bù đắp cho các khoản thất thu từ khâu dịch vụ bán thức ăn. Chưa gì các chủ rạp chiếu phim cho biết họ sẽ không mở cửa trong trường hợp họ không được quyền bán "popcorn".
Nhìn chung, vào lúc ngành phân phối phim ở Bắc Mỹ bị thiệt hại đến hàng tỷ đô la (chỉ riêng chuỗi rạp hát AMC tại Hoa Kỳ đã mất đến 3 tỷ đô la sau một năm đóng cửa), quyết định mở lại các tụ điểm giải trí vẫn còn gặp phải khá nhiều trở ngại, do vậy giới chuyên ngành vẫn đang chờ đợi chứ chưa dám mừng vội.
Theo RFI