Miến Điện nổi tiếng với những ngôi chùa đẹp. Trong ảnh chùa Shwedagon, Rangoon.
DRSau nhiều thập kỷ bị cô lập, Miến Điện đã xuất hiện trở lại trên bản đồ du lịch quốc tế từ khi tập đoàn quân sự cầm quyền nhường bước cho một chính quyền dân sự vào năm 2011.
Với hàng ngàn tu viện Phật giáo, Miến Điện cũng thu hút du khách đến thăm, nhưng không phải là để giải trí, mà là để tu tập. Đây là một loại hình du lịch đặc biệt, có thể gọi là tôn giáo, từng được phát triển ở Thái Lan, Ấn Độ hay Sri Lanka.
Chính quyền Miến Điện hiện tại đã ý thức rất rõ về sức hút của loại hình du lịch tôn giáo. Tham vọng thiêng liêng nhất. Trả lời hãng tin Pháp AFP vào cuối tháng Bảy 2013 vừa qua, ông Phyoe Wai Yar Zar, một viên chức thuộc Cơ quan du lịch Miến Điện xác nhận : Thị thực đặc biệt cho du khách đến tập thiền tại Miến Điện đã có thể được cấp phát « dễ dàng », và các chuyến du lịch tôn giáo đến Miến Điện đang gia tăng, cho dù chính quyền hiện chưa có được số liệu cụ thể.
Tại nước láng giềng Thái Lan, một điểm đến cho khách du lịch tâm linh, các chức sắc Phật giáo ước lượng rằng mỗi năm có khoảng một ngàn người ngoại quốc tìm đến các tu viện tại nước này để tu thiền. Trong số đó, khoảng 50 người đã xuất gia làm tu sĩ.
Thái Lan là một ví dụ mà Miến Điện có thể mô phỏng. Theo ông Bhaddanta Jatila, Sư cả tại Trung tâm Thiền Mahasi tại Rangoon thì « khi chính quyền bắt đầu mở cửa, nhiều người nước ngoài đã đến Miến Điện để thiền định ». Số du khách đặc biệt này ngày càng tăng, đặc biệt là trong năm nay, không chỉ là người phương Tây, mà cả những người châu Á.
Trung tâm Thiền Mahasi như thế đã bố trí sửa sang lại phòng ốc để đón số khách này. Theo ghi nhận của AFP, mới đây, nơi này đã đón một nhóm 20 người Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ đến tu tập cùng với khoảng 500 tu sĩ, tu sinh và chú tiểu khác.
Sinh hoạt của một du khách tôn giáo là như thể nào ? Điều này đã được AFP phác họa qua thời khóa biểu của Rupert Arrowsmith, một nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật người Anh, đã đến tu thiền tại tu viện Chanmyay Yeiktha, một nơi bao gồm nhiều ngôi nhà rất bình dị ở vùng nông thôn gần Rangoon.
Hàng ngày, Arrowsmith đều phải thức dậy lúc 3 giờ rưỡi sáng, để chuẩn bị cho một ngày sinh hoạt trong một bầu không khí tĩnh lặng, và hầu như không được ăn uống gì cả. Cách du lịch này hoàn toàn xa vời với sinh hoạt bình thường của một du khách, không có bia rượu, bãi biển, và dĩ nhiên là không có những cô gái trong các bộ áo tắm hai mảnh khêu gợi.
Thay vào đó là một không gian vắng lặng của một tu viện Phật giáo khắc khổ, nơi các du khách ngay từ sáng sớm tinh mơ đã phải tập thiền, ngồi xếp bằng tròn trong nhiều tiếng đồng hồ, hoặc đi bộ trong khuôn viên tu viện, không được nói chuyện với nhau. Âm thanh duy nhất nghe được chỉ là những tiếng chim hót.
Sau 45 ngày tu tập, Arrowsmith đã phải thú nhận : « Thoạt đầu, tôi có cảm tưởng là mình đang húc đầu vào một bức tường gạch, khó khăn lắm mới giữ được bình tĩnh. Vào đây chẳng khác gì là vào một trại lính, kể cả mái tóc cũng vậy. »
Đối với những « du khách » đến đây, dù là người Miến Điện hay người ngoại quốc, công việc đầu tiên là phải cạo trọc đầu trong một buỗi lễ trang nghiêm. Sau đó là chuỗi ngày sinh hoạt bình dị nhưng đầy thách thức đối với những ai quen với cuộc sống ồn ào thường nhật.
Chỉ có bữa ăn là đôi khi rất thịnh soạn. Lý do rất đơn giản : Người Miến Điện luôn dành cho các nhà sư những món ăn ngon nhất, tốt nhất, từ gạo cho đến các loại cà ri khác nhau. Có điều là từ trưa trở đi, mọi người không được quyền ăn gì cả. Tại tu viện Chanmyay Yeiktha chẳng hạn, bữa ăn cuối cùng trong ngày là vào lúc 10 giờ rưỡi sáng.
Arrowsmith hóm hỉnh công nhận : « Đây không phải là Disneyland ! ». Ông cho biết là phòng nơi ông ở rất đơn giản, tối ông phải ngủ trên một chiếc giường thô sơ không có nệm. Thế nhưng, đây là lần thứ hai mà ông đến tu thiền tại đây vì tiến trình tìm kiếm sự an bình cho nội tâm thực sự là vô giá.
Tuy nhiên, sự gia tăng của những người nước ngoài đến « du lịch tôn giáo » tại Miến Điện đang đặt ra một vấn đề khác thường. Theo truyền thống Phật giáo tại nước này, các vị sư sống nhờ sự cúng dường bằng tiền mặt và thực phẩm của các tín đồ. Các tu viện cũng vậy.
Trong tình hình đó, số người ngoại quốc, đa số là từ những nước giầu có trên thế giới - đến tu thiền trong các thiền viện Miến Điện cũng được nuôi bằng các vật phẩm cúng dường đó. Điều này dẫn đến nghịch lý là người dân của một trong những nước nghèo nhất trên thế giới lại nuôi công dân của những nước giàu nhất. Bản thân ông Arrowsmith cũng phải công nhận rằng đây là một điều « khó chấp nhận ».
Theo RFI