Bộ trưởng Đại học và Nghiên cứu Pháp Geneviève Fioraso - AFP Theo Reuters hôm nay, 15/08/2013, một lần nữa Pháp phản đối « các tiêu chí thiên lệch » của bảng xếp hạng đại học Thượng Hải, vừa được công bố. Theo bảng xếp hạng này, các đại học Mỹ chiếm ưu thế tuyệt đối. Liên Hiệp Châu Âu dự kiến sẽ công bố bảng xếp hạng riêng mang tên U-Multirank vào năm tới 2014.
Năm nào cũng vậy, bảng xếp hạng đại học do trường Đại học Jiao-tong (Giao-Thông) Thượng Hải đưa ra hàng năm kể từ 2003, thường xuyên bị chỉ trích về mặt phương pháp thực hiện. Đại học Jiao-tong Thượng Hải là một trường đào tạo đa ngành, từ các môn khoa học tự nhiên, kỹ thuật, tin học, truyền thông, y học, môi trường, kinh tế, quản trị kinh doanh, đến các khoa học xã hội, sinh ngữ, nghệ thuật design, kiến trúc...
Trên đài France Info, Bộ trưởng Đại học và Nghiên cứu Pháp Geneviève Fioraso nhận định các trường đại học Pháp là « rất tốt », vấn đề là người ta sử dụng các tiêu chí nào để đánh giá. Bộ trưởng Đại học Pháp nói rõ : « Các tiêu chí của bảng xếp hạng Thượng Hải là hoàn toàn thiên lệch, tôi không nói thiên vị mà thiên lệch ».
Bộ trưởng Pháp giải thích các tiêu chí của xếp hạng này dựa vào các nghiên cứu và các xuất bản, « [m]à ở Châu Âu và đặc biệt là ở Pháp, chúng ta có một hệ thống đại học rất khác với hệ thống Anh – Mỹ. Chúng ta có các tổ chức nghiên cứu mà các ấn phẩm của chúng không được đưa vào bản xếp hạng này, (trong khi mà) Trung tâm Khoa học Quốc gia Pháp – CNRS – là cơ sở cho ra nhiều ấn phẩm khoa học nhất thế giới. » Bộ trưởng Đại học Pháp đồng thời nói đến sự vắng mặt của các tiêu chí quan trọng như chất lượng giảng dạy, số lượng sinh viên, việc làm sau khi đào tạo...
Tuy nhiên, Bộ trưởng Geneviève Fioraso cũng nhận xét, dù sao thứ hạng của đại học Pháp trong bảng xếp hạng này cũng được cải thiện. Pháp hiện có 4 đại học trong tốp 100 trường xuất sắc nhất và 20 cơ sở đại học trong số 500 trường. Các trường xuất sắc nhất của Pháp trong bảng xếp hạng này là : Đại học Marie-Curie – Paris VI (xếp hạng 37), Paris Sud (XI) (thứ 39), Đại học Sư phạm – ENS-Ulm (thứ 71) và Đại học Strasbourg (thứ 97).
Chiếm ưu thế tuyệt đối là đại học Mỹ, với 146 cơ sở lọt vào tốp 500. 3 vị trí hàng đầu của bảng xếp hạng là các đại học Mỹ Havard, Stanfort và Berkeley. Hai đại học Anh lọt vào tốp 10 là Cambridge (5) và Oxford (10).
Nhằm khuyến khích « sự minh bạch » trong việc lựa chọn các cơ sở đào tạo đại học, Liên Âu quyết định đưa ra bảng xếp hạng riêng, sẽ được công bố vào mùa xuân 2014. Bảng xếp hạng mang tên U-Multirank với 700 đại học được thực hiện trên các tiêu chí đa dạng hơn.
Theo RFI