Nhạc sĩ Xuân Tiên. © RFI Tiếng Việt/Hoàng Hằng
Cuối tháng Giêng năm 2021, cộng đồng người Việt tại Úc nói riêng và giới yêu âm nhạc Việt Nam trên thế giới đã mừng Xuân Tiên – Cây đại thụ của nền tân nhạc Việt Nam bước qua 100 tuổi. Nền âm nhạc Việt Nam đã vinh danh những đóng góp nổi bật của ông. “Khúc hát ân tình”, “Về dưới mái nhà”, “Hận đồ bàn”, “Duyên tình”, hay “Mong chờ”, v.v... là những bản nhạc chạm tới trái tim người yêu nhạc và sống mãi với dòng thời gian.
Những giai điệu yêu đờiSinh năm 1921, tại Hà Nội, Xuân Tiên là nhạc sĩ cao tuổi nhất của nền tân nhạc Việt còn tại thế và hiện sống ở Úc châu. Dù đã sống qua hơn một thế kỷ với bao thăng trầm của vận nước, ông vẫn thế, vẫn một Xuân Tiên lịch thiệp, sang trọng, hào hoa, lạc quan và minh mẫn.
Vốn có năng khiếu, 6 tuổi được học kiến thức âm nhạc vỡ lòng từ người cha, cùng khả năng tự mày mò học hỏi, ông tiếp cận hàng loạt các nhạc cụ Tây phương cũng như các nhạc khí dân tộc cổ truyền Việt Nam. Thực tế, hiếm có nhạc sĩ nào như ông đã sử dụng thành thạo đến 25 loại nhạc cụ khác nhau. Từ năm 18 tuổi, ông bắt đầu làm việc trong những ban nhạc của người ngoại quốc và đi trình diễn từ Bắc vào Nam. Dần về sau, ông đi vào sáng tác, rồi điều khiển nhiều dàn nhạc và cộng tác với các đài phát thanh trước năm 1975.
Nét đặc trưng của nhạc Xuân Tiên nằm ở những giai điệu lạc quan yêu đời, yêu người, đầy tình tự quê hương hòa quyện trong âm hưởng dân ca Bắc, Trung, Nam. Ngoài ra, ông cũng có những bản nhạc buồn nhưng chỉ là những chớm buồn thoảng qua, man mác xa vắng chứ không bi thương, sầu lụy.
Có thể nói, chất tinh túy của dân ca miền Bắc đã được ông gói ghém tài tình và duyên dáng qua bài “Duyên tình”. Tuy nhiên, thời gian qua, gia đình nhạc sĩ Y Vân đã có sự tranh luận tác quyền của bản nhạc. Qua truyền thông Úc, Việt Nam, cũng như trong chương trình của Trung tâm Thúy Nga, ông đã khẳng định quyền tác giả đối với bài hát này. Theo đó, Y Vân được xem như là một người em, một đồng nghiệp trẻ thân thiết, được Xuân Tiên ưu ái đồng ý để tên chung vào sáng tác của mình và cũng để tiện Y Vân mang giùm bản nhạc đến bán cho nhà xuất bản thời đó.
Nhân đây, một lần nữa, ông chia sẻ: “Hồi đó, tôi bận công việc nhiều. Tôi có người bạn là nhạc sĩ Y Vân chép nhạc bằng tay rất đẹp và trong đó, có chép bài “Duyên tình” cho tôi. Sau đó, Nhà xuất bản cần mua mà tôi thì lại bận việc nên nhờ Y Vân đem “Duyên Tình” đến cho Nhà xuất bản. Nhưng Y Vân có nói trước với tôi rồi, nếu Y Vân đem bán dùm thì phải có tên Y Vân kèm vào bài đó. Tôi bảo được rồi, bạn bè thì đứng tên với nhau là chuyện thường, không có gì, ký dùm rồi bán cho tôi”.
Đông – Tây hòa điệuNgoài tài năng sáng tác, chơi nhuần nhuyễn nhiều loại nhạc cụ, ông còn cải tiến và sáng tạo một số nhạc cụ mới. Điều thôi thúc ông làm công việc sáng tạo thú vị này là vì: “Nhạc cụ của Việt Nam thiếu thốn và phần nhiều là nhạc cụ của Trung Hoa, chỉ có đàn đáy và đàn bầu là của Việt Nam mà thôi. Các loại nhạc cụ này lại không đủ cung bậc và đúng thanh mẫu để có thể chơi chung với các nhạc cụ Tây phương”.
Trước hết, phải kể đến sáo trúc loại 10 lỗ và loại 13 lỗ thay vì 6 lỗ được trưng bày tại Bảo tàng Con người [Musée de l'Homme], Paris, Pháp.Theo ông “Trước đây, Sáo trúc chỉ có 6 lỗ bấm thôi và chỉ chơi được nhạc ngũ cung, không đủ cung bậc như các loại nhạc cụ Tây Phương. Nên, tôi với ông Xuân Lôi - anh trai tôi đã cải tiến ống sáo đó cho đủ cung bậc. Với lại cho nó đúng thanh mẫu để mà chơi được cùng với nhạc Tây phương”.
Bên cạnh đó, lấy cảm hứng từ thanh âm trong trẻo, ngọt ngào của đàn tranh, ông đã sáng chế ra chiếc đàn dây đặc biệt mang tên “Đàn tranh Xuân Tiên” với 60 dây và chơi bằng hai tay với đủ các cung bậc được nhiều nghệ sĩ cùng thời yêu thích và hiện đang lưu giữ tại Việt Nam.
Ông giải thích thêm: “Đàn tranh thường có 16 dây và chỉ chơi được nhạc ngũ cung Việt Nam. Khi chơi tân nhạc hay nhạc Tây phương thì thiếu cung bậc, cho nên tôi làm cây đàn gãy theo lối đàn tranh nhưng mà chơi bằng 2 tay. Bởi vì, có hai phần dây, phần dây bên tay trái để đệm nhạc và phần dây bên tay phải đàn những giai điệu”.
Ngoài ra, dựa trên hình dáng và cung bậc của đàn bầu, ông sáng chế ra “Đàn bầu Xuân Tiên” đặc biệt làm từ chất liệu giản dị, mộc mạc của thuở ban sơ là trái bầu khô.
Ông lý giải: “Lúc còn nhỏ, tôi thấy mấy người hát chèo, hát xẩm lấy trái bầu khô để làm những thùng đàn và cũng nhằm khuếch đại âm thanh. Về sau, người ta làm đàn bầu bằng gỗ, tôi thấy không đúng ngày xưa. Tôi thấy ở nhà có sẵn những trái bầu khô, tôi lấy làm đàn bầu để người ta gọi là đàn bầu. Chứ nhiều người cứ gọi là đàn độc huyền. Gọi như vậy, tôi nghe không đúng, bởi độc huyền là một dây mà nhiều nước có loại đàn một dây. Trong khi, cây đàn bầu là hoàn toàn của Việt Nam”.
Nỗi trăn trở của người nhạc sĩLà một nhạc sĩ sáng tác và chơi nhạc, cải tiến và chế tác nhạc cụ đi qua ngần ấy chiều dài thế kỷ, chứng kiến những đổi thay của lịch sử và con người, ông không hề có những ưu tư vỡ vụn của riêng mình. Thiết nghĩ, những gì ông chia sẻ là những trăn trở mang tính thời đại, đánh động dòng suy tư cho hậu thế, đặc biệt là những người làm công việc sáng tạo âm nhạc và nghệ thuật.
Ông nói: "Tôi mong, thế hệ sau này, các nhạc sĩ nên chú trọng về âm điệu, về giai điệu của những bản nhạc để cho nó thích hợp hơn bây giờ. Vả lại, tôi nghĩ, nền âm nhạc Việt Nam phải mang dân tộc tính. Khi nhạc tấu lên thì người ta biết bản nhạc này là của Việt Nam, bản nhạc kia của nước khác. Tất nhiên, làm nghệ sĩ thì phải biết, phải hiểu rõ và tôn trọng nghệ thuật chứ đừng nghĩ nhiều đến thị hiếu của quần chúng. Người ta thích nhưng nói cho đúng thì trình độ quần chúng không bao giờ bằng trình độ của người làm chuyên môn. Mỗi một sáng tác của cùng một nhạc sĩ đi nữa, cũng không nên lặp lại âm điệu mà mình đã sáng tác rồi".
Cho đến hôm nay, mạch nguồn sáng tạo vẫn không ngừng chảy trong cơ thể, khi mà ông đang thai nghén một số thể loại sáng tác mới. Hy vọng, công chúng mến mộ nhạc sẽ sớm được thưởng thức những tác phẩm mới của ông.
Một lần nữa, RFI Tiếng Việt xin được vinh danh ông, một người nhạc sĩ tao nhã am tường nhạc lý phương Tây lẫn phương Đông. Ông để lại cho hậu thế những bản tình ca sâu đậm về tình yêu quê hương, đất nước, một thứ tình rộng lớn hơn chứ không đơn thuần chỉ gói ghém trong tình yêu lứa đôi. RFI Tiếng Việt kính chúc ông thật nhiều sức khỏe!
Theo RFI