Mọi năm đề thi khó nên thí sinh đậu đại học không nhiều, các trường đại học tư ế vì không đủ sinh viên vào học. Do đó, năm nay Bộ Giáo dục ra đề thi dễ, mà theo dư luận, nhằm giúp các trường tư vớt hết thí sinh rớt từ trường công xuống.
Trường tư kêu trời vì lập ra như nấm mà không có người học thì lỗ lã, làm sao đóng “hụi” cho ngành giáo dục nổi. Ngôi trường xây to như tòa lâu đài mà chỉ có vài chục sinh viên thì cả thầy lẫn trò đâu còn khí thế dạy và học nữa.
Đề thi đã dễ mà số lượng thí sinh vùng sâu, vùng cao, vùng khó khăn nộp đơn để ưu tiên được tuyển thẳng và được cộng thêm điểm ngày càng nhiều. Thế là điểm chuẩn để lọt cổng đại học cũng tăng đến chóng mặt. Các ngành học tưởng chừng “bèo dạt mây trôi” như Tâm lý học, Xã hội học, Đông phương học... cũng tăng thêm từ hai đến ba điểm so với năm trước. Có môn tăng năm điểm đến nỗi thí sinh trường Y Hà nội làm bài được 27 điểm tức là mỗi môn 9 điểm mà vẫn không đậu nổi. Nhà trường cũng thương nhưng thất bại trong việc đề nghị vớt số thí sinh này.
Ai cũng mê bằng cấp, tranh nhau học hành, thi cử gian khổ, tốn kém để rồi tốt nghiệp ra trường, cầm cái bằng rồi cũng không biết dùng vào việc gì vì đi khắp nơi xin việc không đâu nhận.
Đa số học sinh vùng núi cao khi được hỏi “học ngành gì?” thường trả lời “học sư phạm để làm giáo viên, để được gần nhà, để dạy dỗ các em” hoặc “học y khoa để chữa bệnh cho bản làng”... Dân thành phố tùy thời kỳ, có lúc chuộng quản trị kinh doanh, mọi người đua nhau học để ra làm giám đốc! Khi lại ào ào đổ vào vi tính đến nỗi đi đâu cũng thấy nhà nhà học vi tính, người người học vi tính. Ngược lại, các nghành cơ khí, điện, nông lâm ngư... chẳng ai dòm ngó tới. Người Việt Nam vốn trọng nghề văn phòng hơn kỹ thuật. Có vẻ kỹ thuật gần gũi với lấm láp vất vả tay chân.
Thực tế thì nếu ra trường giáo viên cấp 3 thì trường trung học đều ở tỉnh chứ đâu có ở vùng xa xôi quá. Còn bác sĩ thì thuộc ngành học ưu tú đâu dành cho những em học lực trung bình. Vì thế, các vùng heo hút thật ra ngành giáo dục chỉ cần giáo viên mầm non, tiểu học và y tế chỉ cần các cô đỡ hộ sản hoặc y tế cộng đồng...
Cho nên ngay tỉnh Kontum là nơi dân đồng bằng cũng ngại đến làm việc, thì cũng đã thừa ra gần năm trăm sinh viên người thiểu số ra trường nhưng không kiếm được việc làm.
Nhiều sinh viên sư phạm ở miền Bắc Trung bộ như Nghệ An, Hà Tĩnh... khi ra trường phải lặn lội vào các tỉnh cực Nam như Sóc Trăng, Cà Mau... mới xin được một chân dạy học.
Để giải quyết nạn thất nghiệp, nhà nước mở trung tâm dạy nghề xuống tận các huyện. Thế nhưng đa số trường dạy nghề đểu bị bỏ hoang, không có người học. Máy móc trùm mền, lớp học nhện giăng... Những địa điểm đẹp thì tận dụng cho thuê làm nơi bán hàng, dạy ca hát, giữ xe...
Xưa kia muốn làm nghề uốn tóc thì phải xin vào tiệm học mót mấy năm. Các nghề khác cũng thế: nghề may, nghề hàn... vừa chăm chỉ giúp việc nhà không công cho chủ vừa tỉ mẩn học mấy năm mới ra nghề. Còn bây giờ các trường dạy nghề vừa công vừa tư mở ra khắp nơi. Mỗi khóa từ vài tháng đến một năm là được cấp chứng chỉ, có thể ra hành nghề, làm chủ nếu có vốn.
Tuy nhiên, các lớp dạy nghề, nhất là vùng nông thôn, ngay cả miễn phí, cũng rất ít người theo học. Đa số thanh niên muốn kiếm tiền ngay hơn lá mất công đi học. Nam làm thợ hồ, nữ thì mua bán vặt...
Một anh nông dân giải thích:
- Trường dạy chăn nuôi, trồng trọt nhưng học xong cũng khó thực hành ngay vì ai dám vay ngân hàng để thí nghiệm, mất nhà, mất đất như chơi. Thôi cứ đi làm công nhân hay buôn bán lặt vặt tuy kiếm ít nhưng chắc ăn và mỗi ngày hay mỗi tháng đều lãnh tiền ngay, không sợ rủi ro.
Vả lại, người nông dân thích nuôi ếch, trồng nấm... nhưng trường chỉ dạy cách trồng rau sạch, cây cảnh.... Mà thu hoạch rau sạch, cây cảnh xong thì biết mang bán ở đâu. Hay lớp sửa điện thoại, vi tính... học sơ sài trong một hai tháng thì tới cái máy của chính mình cũng chẳng dám mở ra sửa thử chứ đừng nói sửa máy cho khách hàng ăn tiền. Dù sao cũng có vài học viên lèo tèo vì người nghèo chịu khó đi học thì mỗi tháng cũng được lãnh vài ba trăm ngàn cầm chơi. Tính ra mỗi ngày mười ngàn đồng không bằng đi bán vé số!
Mở trường cho có để chạy theo chỉ tiêu, thành tích thì nạn thất nghiệp vẫn không thể cứu vãn. Lại thêm xu hướng học nghề của người dân lắm khi chẳng ăn nhậu gì tới nhu cầu của xã hội. Đa số thanh niên ưa thích các nghề nhàn hạ, có vẻ “sang” như vi tính, kế toán... mặc quần tây sơ mi đẹp đẽ làm việc trong phòng may lạnh hơn các ngành kỹ thuật tay chân dầu mỡ ít người màng tới. Bởi vậy các lớp công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh... mở ra nườm nượp tới nỗi nhà nước yêu cầu không thu nhận thêm sinh viên nữa. Nhất là công nghệ thông tin, tới tốt nghiệp đại học còn thất nghiệp dài dài huống hồ các chứng chỉ trung cấp, sơ cấp... mà bất cứ trường nào, quận nào cũng có thể mở. Hầu hết các game thủ say sưa luyện game suốt ngày thường có ảo tưởng là mình có khiếu về ngành này.
Trong lúc đó, các nhà máy, xí nghiệp luôn kêu réo thiếu công nhân kỹ thuật. Bởi ai nấy chỉ muốn làm thầy chứ không thích làm thợ. Chẳng thà cầm tấm bằng chỉ để khoe khoang còn hơn làm thợ lành nghề. Thế nhưng mặt khác có ghi danh học các nghề kỹ thuật thì tay nghề vẫn không đủ ra nghề do máy móc thực hành ở các trường quá cũ kỹ, lạc hậu. Mà dẫu có máy lại có khi không có thầy dạy!
Nhìn đâu cũng thấy người thất nghiệp lo lắng.
Nhân công trẻ, tuổi 15 đến 24, chiếm tới 46,8% trong tổng số thất nghiệp, và phụ nữ bao giờ cũng khó tìm việc hơn nam giới. Các cơ xưởng, công ty có khuynh hướng không chọn phụ nữ vì sợ thời gian nghỉ sinh nở kéo dài. Vì thế, nhiều phụ nữ đi làm không dám mang bầu e khi hết nghỉ thai sản, đến lúc quay lại đi làm thì công việc đã có người khác thế chỗ.
Ở nông thôn, đất chật người đông trong khi ruộng đất chỉ bao nhiêu đó nên dĩ nhiên nạn thất nghiệp không tránh khỏi. Từng đoàn người rủ nhau đổ ra thành phố nhưng thành phố vốn được coi là miền đất hứa cũng không có đủ việc cho số người thất nghiệp đó. Việc làm vừa cung cấp đủ cho số người này thì cùng lúc số thất nghiệp khác ùn lên.
Người ta đành chấp nhận bất kỳ công việc nào miễn tránh được thất nghiệp. Mật ít ruồi nhiều. Bây giờ các cửa hàng không chỉ nằm mặt tiền mà đi sâu vào hẻm. Một con hẻm có tới ba tiệm uốn tóc, hai hàng tạp hóa và mấy chị xách giỏ “neo” di động... Không kể tới hàng rong lũ lượt kéo như đèn kéo quân.
Bởi vậy, mới có tình trạng thạc sĩ đi xuất khẩu lao động, bán hàng đa cấp, bán trà chanh vỉa hè...
Việc bán trà ngoài lề đường ấy tuy không có tiếng nhưng lại có miếng. Tính ra thu nhập có khi đến chín, mười triệu, còn hơn lương kỹ sư đi làm ba bốn năm kinh nghiệm. Còn không thì xoay ra làm bất cứ nghề nào đó để khỏi phải ngồi không. Thanh niên khỏe mạnh đi phụ hồ, sơn nước... phụ nữ bán hàng, phát tờ rơi... là những công việc bấp bênh với đồng lương không còn thể thấp hơn.
Thất nghiệp dữ quá, nên chỗ nào cũng có văn phòng giới thiệu việc làm. Các văn phòng treo bảng giới thiệu công việc tốt, mức lương cao nhằm thu hút người thất nghiệp, nhất là sinh viên, dân tỉnh mới lên cả tin và khát việc. Chỉ cần thu chi phí xin việc rồi sau đó “đem con bỏ chợ” là những văn phòng này sống khỏe. Mỗi văn phòng chỉ có cái bàn và vài ba chiếc ghế chỏng chơ tiếp khách, nên khi có đoàn thanh tra đến, họ bỏ của chạy lấy người cũng chẳng thiệt hại gì. Còn như tìm trên online có cả trăm website tìm việc và dĩ nhiên trong thế giới ảo đó, lừa gạt đầy dẫy.
Cách đây mấy tháng, một thanh niên xin việc mãi không được, đâm phẫn, đã tự thiêu trước cửa một trung tâm giới thiệu việc làm ở Biên Hòa. Một người khác, thạc sĩ bằng xuất sắc hẳn hoi phải đi khuân vác, phụ xe... để lấy tiền làm lộ phí tiếp tục hành trình xin việc. Cứ ngỡ học cao dễ xin việc nhưng chẳng ngờ rong ruổi từ Bắc chí Nam mà vẫn không kiếm được nơi nào chịu nhận. Nơi thì chê bằng đại học tư, nơi chỉ nhận dân địa phương, quay đầu quy cố hương thì cố hương tuyên bố không thiếu người.
Muốn có việc ráng lo tìm mọi cách chạy chọt. Nếu không tiền vài trăm triệu, không quen biết, không rành đường dây thì quả tương lai mịt mù. Cuối cùng may ra cũng kiếm được một việc nào đó nhưng không đúng với ngành đã được đào tạo, uổng công học hành bao nhiêu năm. Thôi thì trong lúc chờ thời, giấu kín bằng cấp đi xin việc làm chứ phụ quán, chở hàng, nhân viên siêu thị... mà trưng ra tấm bằng cử nhân, thạc sĩ, chủ từ chối liền lập tức khỏi nộp đơn làm chi mất công.
Thống kê cho thấy trong năm đầu tiên, chỉ khoảng 50% sinh viên tìm được việc làm. Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, các doanh nghiệp làm ăn lỗ lã, không kiếm được hợp đồng đã thu hẹp bớt hoạt động. Điều này khiến các ngành lao động phổ thông như may, hóa thực phẩm, điện tử... giảm nhân công khá nhiều. Người lao động khốn khổ, đặc biệt dân nhập cư đã phải rời quê mưu sinh phương xa, nay cụt đường kiếm ăn không còn biết xoay xở thế nào.
Thế nhưng ở thành phố, các khách sạn, nhà hàng ăn chơi vẫn mở ra không ngưng suốt ngày đêm. Buổi tối nhìn đèn đuốc như sao sa ở các con đường lớn, ai biết đến dân thất nghiệp méo mặt đằng sau những phù hoa ấy.
Tính ra gần một triệu lao động Việt Nam thất nghiệp và con số này chẳng có vẻ ngừng tại đây.
Sài Gòn Cô Nương