TỪ BI HỶ XẢ
Chùa miếu nhà thờ ở Đài Loan có thể thấy là rất nhiều. Điều này đối với việc tịnh hóa nhân tâm, an định
xã hội, tự nó có ý nghĩa to lớn. Đáng tiếc, tôn giáo tuy nhiều, nhưng thuần túy tín ngưỡng thì lại rất ít;
nhiều tín đồ còn quá mê muội, ngày càng sa sút, rơi vào tình trạng dung tục không thể tả; có người cầu
thần chỉ để khẩn cầu trúng thưởng, nếu như nguyện vọng của họ không được đáp ứng thì họ lại phẫn nộ
rồi phá miếu bịt tượng.
Có thể trúng thưởng hay không là vấn đề xác suất lý số. Thần tiên Bồ-tát có chịu làm cộng phạm vì kẻ si
hám phát tài hay không, là vấn đề lẽ phải có thể suy luận dựa vào thường thức. Những hiện tượng này,
khiến tôi nhớ đến bộ phim đã cũ là “Cô tinh lệ 孤星淚 (‘Nước mắt của ngôi sao cô đơn’).
“Cô tinh lệ” được cải biên từ “Bi thảm thế giới” (悲慘世界)- tác phẩm văn học nổi tiếng Les Misérables
của đại văn hào Victor Hugo (1802-1885) nước Pháp – kể lại chuyện một phạm nhân ăn trộm ra tù, đã
lột xác và thay đổi một cách bất ngờ. Câu chuyện có nhiều tình tiết vô cùng khúc chiết; trong đó có một
tình tiết quan trọng là: sau khi ra tù kẻ phạm nhân mãn hạn đó đến xin ngủ trọ tại một nhà thờ, nửa
đêm lại trộm đi đồ dùng bằng bạc trong nhà thờ nhưng trên đường tẩu thoát thì bị cảnh sát bắt về;
lúc cảnh sát dẫn giải y đến gặp vị linh mục thì vị linh mục trái lại chỉ mỉm cười một cách hiền từ và nói:
“Những món đồ bằng bạc này ta đã tặng cho con rồi, tại sao con lại mang trở lại?”. Ngữ điệu của vị linh
mục đầy ắp nhân từ và khoan dung, vì vậy mà đã cứu vớt được linh hồn của một con người, đã xoay
chuyển số phận bi thảm của anh ta. Nhân vật chính đã hoàn toàn tỉnh ngộ, từ đấy thay tâm đổi tính, luôn
phấn đấu hướng thượng, sau đó còn trở thành thị trưởng của một thành phố nọ.
Chính trong đoạn ngắn mang tính mấu chốt này, từ tình cảm và tâm linh tôn giáo của một nhân viên thần
chức, tôi đã thấy được tinh thần tôn giáo chân chính, từ những biểu hiện về lòng nhân từ, bác ái, lân
mẫn và khoan thứ, cho đến đối với một linh hồn đang vùng vẫy đấu tranh giữa bờ thiện ác nảy sinh một
sức mạnh to lớn.
Cái gọi là “nhân tâm bất cổ”, nghĩa là người hiện đại không rộng lượng như đời xa xưa, họ đa phần chỉ
thích cười trên nỗi khổ đau của người khác, kiểu “giậu đổ bìm leo” (đánh người chết rồi), thậm chí thấy
người khác bị thương còn rắc thêm muối vào miệng vết thương, hoàn toàn mất đi mỹ đức đôn hậu
khoan dung của người quân tử xưa kia. Người ngày nay đa phần cứ thao thao, tranh nhau lấy giành
giật làm dũng, lấy ủng hữu làm vinh, lấy hưởng thụ làm vui; không nghĩ rằng, tri túc mới là thường lạc,
người có thể nhẫn mới là ‘đại’, người có thể khiêm nhường mới là ‘cao’, người biết cho đi mới là ‘đa’,
người có thể khoan thứ, cứu người trong lúc dầu sôi lửa bỏng mới chính là đại trí, đại nhân, đại dũng.
Tín ngưỡng tôn giáo, không phải cầu thần coi bói, cầu tài cầu phước; mà là đem tâm vô tư vô ngã,
quan tâm xã hội đại chúng. Phật môn có “Tứ vô lượng tâm”: từ tâm trao cho con người niềm vui; bi tâm
giúp con người giải phóng nỗi thống khổ; hỷ tâm thấy người ly khổ đắc lạc thì sinh khởi niềm vui; xả tâm
không tính oán thân, đối đãi bình đẳng, lấy vô duyên đại bi, đồng thể đại bi, phổ độ muôn dân trong thiên
hạ. Đấy mới là đạo lý đúng đắn quang minh chính đại của tín ngưỡng tôn giáo.
Chúng ta đều là kẻ qua đường trong trần gian; đời người chính là một quá trình từ lúc sinh cho đến khi
chết. Ý nghĩa cuối cùng của sinh mệnh không ở chỗ bạn từng nhận được cái gì, có được cái gì, hưởng
thụ cái gì, mà là ở chỗ bạn từng tạo ra được cái gì, cho đại chúng những gì, giữ lại cho xã hội cái gì.
Giá trị cao nhất của sinh mệnh là ở chỗ có thể cứu tế giúp đỡ những người khó khăn, hành thiện tích
đức, giải trừ nỗi khổ đau của tha nhân; niềm vui lớn nhất của đời người, chính là mang hạnh phúc đến
cho người khác.
_________________________
Trích dịch từ Chìa khóa trí tuệ của Trương Bồi Canh, do Trung tâm Chí nghiệp Văn hóa Từ Tế, Đài Bắc
xuất bản, năm 2003.
Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 149 | TRƯƠNG BỒI CANH | NGUYỄN PHƯỚC TÂM dịch
______________________________
Có một giai thoại thiền như sau:
44. Kẻ Cướp Trở Thành Môn Ðồ
Vào một đêm trong khi Shichiri Kojun đang tụng kinh thì một tên cướp xông vào với lưởi dao bén đòi tiền
hoặc giết ngài.
Shichiri bảo: "Xin đừng náo động. Ông có thể lấy tiền trong ngăn kéo kia." và tiếp tục tụng kinh.
Giây lát sau, ngài kêu lên: "Xin đừng lấy hết tất cả. Ta cần một ít để đóng thuế ngày mai."
Kẽ đạo chích gom góp gần hết và sắp sửa chuồn. "Hãy biết cám ơn thí chủ chứ," Shichiri nói thêm. Tên
cướp nói lời cám ơn và biến mất.
Vài ngày sau tên cướp bị bắt và thú tất cả mọi tội, trong đó có chuyện liên quan đến Shichiri. Khi Shichiri
được vời đến để đối chứng, ngài bảo: "Ông này không phải là kẽ cướp, ít ra là phần có liên quan đến
bần tăng. Bần tăng biếu ông ấy một ít tiền và ông ta có tỏ lời cám ơn."
Sau thời gian ngồi tù, người đàn ông kia tìm đến Shichiri và trở thành để tử của ngài.
MỘT TRĂM LẺ MỘT CÂU
CHUYỆN THIỀN
Trần Trúc Lâm dịch
(101 Câu Chuyện Thiền (101 Zen Stories): đã được ấn hành lần đầu vào năm 1939 bởi Rider and
Company, Luân Ðôn, và David McKay Company, Philadelphia. Những mẫu chuyện này đã được chuyển
sang Anh ngữ từ một cuốn sách gọi là Shaseki-shu (Collection of Stone and Sand: Góp nhặt Cát Ðá),
viết vào cuối thế kỷ 13 bởi một Thiền sư Nhật tên là Muju (Vô Trú), và những giai thoại của các vị Thiền
tăng lượm lặt từ nhiều sách đã ấn hành tại Nhật vào khoảng đầu thế kỷ 20. Những câu chuyện này kể lại
sự chứng ngộ của các vị Thiền sư Trung hoa và Nhật bản. Các ngài đã giảng dạy Thiền hơn 500 năm
qua.)