Chích ngừa Covid-19 tại Vũng Tàu, Việt Nam, ngày 13/09/2021. AP - Hau Dinh
Tình hình lây lan Covid-19 trong tuần này tiếp tục có xu hướng thuyên giảm trên toàn cầu về số ca nhiễm mới. Tuy nhiên, đại dịch kéo dài hơn 2 năm qua đã cướp đi sinh mạng của hơn 5 triệu người trên hành tinh.
Theo số liệu hãng tin Reuters tập hợp, tính đến ngày 01/10/2021, con số người chết vì Covid-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 5 triệu người. Những người không tiêm chủng đặc biệt có nguy cơ lây nhiễm cao với biến thể Delta. Hơn một nửa số ca tử vong trong tuần qua trên thế giới được ghi nhận ở các nước như Hoa Kỳ, Brazil, Mêhicô và Ấn Độ. Tính từ đầu đại dịch, theo số liệu của Viện Hopskin, Hoa Kỳ ghi nhận 700 nghìn ca tử vong.
Theo phân tích số liệu của Reuters, ban đầu sau hơn 1 năm thì số tử vong vì Covid-19 mới lên 2,5 triệu người, nhưng chỉ sau chưa đầy 8 tháng tiếp theo thế giới đã ghi nhận số lượng người chết tương đương.
Trong tuần qua, trung bình mỗi ngày thế giới có 8.000 người chết vì Covid-19. Nhưng nhìn chung, tỷ lệ tử vong có giảm. Dù tình hình lây lan dịch tiếp tục có xu hướng giảm chung trên toàn cầu tuần ở hầu hết các vùng, từ châu Mỹ, châu Á đến Trung Đông, nhưng ở châu Âu lại tăng nhẹ, trung bình khoảng hơn 3% so với tuần trước. Châu Phi có giảm chút ít. Ở châu Á còn hai nước vẫn tăng mạnh là Hàn Quốc tăng 46%, với 2.700 ca, Singapore tăng 25%, với 1.600 ca nhiễm mới.
Cách duy nhất để giảm đà lây lan của virus corona và các biến thể hiện nay là vac-xin. Chiến dịch tiêm chủng đang được đẩy mạnh ở khắp các nơi. Trong tuần, mỗi ngày thế giới tiêm được 26 triệu liều vac-xin ngừa Covid. Để lấp khoảng cách bất bình đẳng về vac-xin, nhiều nước giàu đang tăng cường chia sẻ nguồn vac-xin cho các nước nghèo qua cơ chế Covax.
Hoa Kỳ gởi hơn 8 triệu liều vac-xin cho Bangladesh và PhilippinesNhà Trắng ngày 01/10/2021, thông báo sẽ gởi hơn 8 triệu liều vac-xin đến Bangladesh và Philippines. AFP cho rằng Hoa Kỳ muốn đi đầu trong việc đối phó với đại dịch Covid-19 trên thế giới.
Cụ thể, Mỹ dành 5.575.000 liều vac-xin Pfizer/BioNtech cho Philippines và 2.508.500 liều cho Bangladesh. Số vac-xin này sẽ đến hai nước trên trong 5 kiện hàng vào tuần tới. Khoản viện trợ này nằm trong cơ chế quốc tế Covax.
AFP lưu ý đây không phải là lần đầu tiên Hoa Kỳ gởi vac-xin đến Bangladesh, một trong số các nước nghèo nhất trên thế giới mà Washington đã gởi cho hàng triệu liều. Theo các dữ liệu mà hãng tin Pháp có được, duy chỉ có 10% dân số Bangladesh là đã được tiêm ngừa.
Tại Philippines, một phần tư số người lớn đã được tiêm chủng. Các chuyên gia thẩm định, đất nước Đông Nam Á này sẽ cần đến một thập niên để vực dậy nền kinh tế.
Theo RFI