Trí thức có thể định nghĩa là thành phần có học, có hiểu biết, có nhận thức. Bởi có học mới có hiểu biết,
có hiểu biết mới có nhận thức.
Học là điều kiện cơ bản, đầu tiên hay bắt buộc của yếu tố trí thức. Học có thể là trường lớp, tự học, học
ở bất cứ đâu, nhưng kết quả cuối cùng vẫn phải là sự hiểu biết, sự nhận thức. Nên nói khác chính sự
nhận thức là đầu ra hay kết quả cuối cùng của trí thức. Không có đầu ra này bản thân của trí thức coi như
chưa thể hội đủ.
Người xưa đã từng nói học đi đôi với hành. Tất nhiên quan niệm này được hiểu trên tất cả mọi phương
diện, khi ấy mới thật sự là trí thức hay hiểu biết đúng nghĩa. Trí thức như vậy là người hiểu biết hơn
người khác và thực hành được sự hiểu biết đó mà người kém trí thức không thể làm được ra kết quả
tương ứng.
Như vậy trí thức cũng có nghĩa là kiến thức và sự áp dụng đạt đến kết quả của kiến thức đó. Tức ý
nghĩa của trí thức là ý nghĩa chuyên môn và ý nghĩa trí tuệ. Chuyên môn là kết quả của sự học tập, tìm
tòi nào đó mang lại một sự am hiểu chuyên sâu nhất định. Trí tuệ là khả năng đáp ứng, giải quyết hiệu
quả được các vấn đề đặt ra nhờ có sự hiểu biết hay năng lực chuyên môn phù hợp. Có nghĩa giá trị cao
nhất của trí thức không ngoài ý nghĩa trí tuệ, tức năng lực sáng tạo, tạo tác, hay giải quyết được sự việc
có kết quả.
Thời xa xưa ở nước ta, trí thức tức là kẻ sĩ, kẻ được đào tạo theo hệ thống Nho học, đạt được đến sự
hiểu biết, nhận thức và trí tuệ nào đó tương ứng nhất định. Cách giáo dục của ngày xưa chuyên về đối
nhân xử thế, chuyên về việc phò vua giúp nước, vì đó là thời phong kiến, nhưng kẻ sĩ lại luôn luôn là
người có nhân cách hoàn chỉnh cũng như sự giúp ích cho xã hội luôn tích cực, hiệu quả, cho dù hoàn
cảnh hay điều kiện thế nào.
Trong thời xã hội hiện đại ngày nay, ý nghĩa trí thức không còn đóng khung như cũ, mà vượt lên trình độ
và ý nghĩa phổ quát chung trên toàn thế giới. Có nghĩa trí thức bây giờ là một phạm trù chung có mặt trên
khắp thế giới, và ý nghĩa chính là năng lực chuyên môn cùng sự hiểu biết bao quát. Như thế, ý nghĩa của
trí thức là ý nghĩa của trí tuệ, của phát kiến sáng tạo, của chuyên môn và của nhận thức tổng quát là điều
hầu như không bao giờ thay đổi.
Nên nói cách chung nhất, chính yếu tố trí thức làm nên sự phát triển của toàn thể xã hội loài người mà
không là gì khác. Loài vật dù có khả năng tinh xảo bao nhiêu mà con người không thể có được, nhưng
chúng vẫn làm theo bản năng, không phải do kết quả học tập hoặc sáng tạo. Do thế ngàn đời loài vật vẫn
là loài vật, chúng không thể phát triển lịch sử như lịch sử con người được. Cũng trong ý nghĩa đó, loài
người nếu chỉ biết làm ăn sinh sống theo kiểu thông lệ, bình thường, cho dầu bao thế hệ cũng không thể
tiến lên những điều kiện khác được. Trường hợp con trâu cái cày của người nông dân, hay cái búa cái
đe của người thợ rèn cho dầu hàng ngàn năm vẫn là hình ảnh như thế.
Như vậy, xã hội loài người phát triển lên nhanh được, chính là nhờ sự tiến hóa và phát triển của khả năng
khoa học kỹ thuật. Đầu tiên trong xã hội sơ khai, sự phát triển này chỉ đi những bước chậm chạp, chủ yếu
do sự tình cờ hay sự mày mò ngẫu nhiên mang lại. Sự khám phá ra lửa, ra kim loại, sự vận dụng đá, kim
loại để chế tác ra công cụ hữu ích đó là bước đầu tiên của khoa học kỹ thuật mà loài người từng có
được. Có nghĩa khoa học kỹ thuật dù trong thời kỳ phôi thai vẫn xuất phát từ những đầu óc nào đó, từ sự
nhận thức đặc biệt vượt trội nơi những cá nhân nào đó, mà không phải cào bằng với tất cả mọi người.
Chính trí tuệ dù trong điều kiện thế nào mới lại đẻ thêm ra trí tuệ mà không thể nào khác đi được.
Nói cách xác thực hơn, khoa học kỹ thuật và công nghệ có mặt trong đời sống con người cho tới nay
chính là nhờ sự tích lũy và phát huy trí tuệ của cả loài người là ý nghĩa chính yếu nhất. Khoa học kỹ thuật
không phải từ trên trời rơi xuống, mà từ yêu cầu đáp ứng trong đời sống thực tế. Học tập chính là điều
kiện để nuôi dưỡng, tiếp nối, và phát huy hơn về các mặt trí tuệ. Ý nghĩa của trí thức trong khoa học kỹ
thuật và công nghệ luôn luôn chính là như vậy. Trí tuệ luôn luôn là sự tích lũy, sự đào sâu, sự mở rộng,
sự phát triển không ngừng của toàn thể nhân loại. Mọi thành quả của nó vẫn luôn là thành tựu chung của
toàn thể lịch sử loài người mà không phải của riêng cá nhân nào và cũng không phải từ yếu tố nào khác.
Có thể nói không có sự tồn tại của khoa học kỹ thuật và công nghệ xã hội loài người cũng không thể phát
triển vượt bực hoặc nhanh chóng cho tới tận ngày nay. Sự phát kiến ra máy hơi nước, dòng điện, máy
nổ, điện toán, chính là những dấu mốc lớn nhất trong lịch sử trí tuệ nơi khoa học kỹ thuật của con người,
nó làm cho toàn thể đời sống xã hội càng ngày càng đi lên, mở mang trong toàn bộ mọi lãnh vực đời
sống, nó giải phóng sức lao động và cũng là tạo điều kiện hay góp phần giải phóng toàn thể loài người
chính là như thế.
Như vậy, chính khoa học kỹ thuật và công nghệ là yếu tố trước tiên, cơ bản nhất giúp giải phóng và phát
triển xã hội loài người càng ngày càng tốt hơn mà không là gì khác. Sự phát triển của nó tạo đà cho mọi
thành tựu kinh tế xã hội và đời sống chính là ý nghĩa nổi trội và tiên quyết nhất. Như vậy nó chính là cái
nền, cái gốc, còn khoa học xã hội, văn chương nghệ thuật thật sự chỉ là cái thân, cái ngọn của cái cây
phát triển. Nhưng nói vậy không phải cả hai không có tác dụng hỗ tương hoặc bổ sung nhau, nhưng phải
coi cái nào là quyết định trước, cái nào là quyết định sau. Cá nhân con người và toàn thể xã hội luôn luôn
cần phải toàn diện, ý nghĩa đó.
Mác nói hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc. Mác cho rằng điều kiện kinh tế xã hội, mà cốt lõi
là đấu tranh giai cấp, chính là động lực và yếu tố quyết định cho thượng tầng kiến trúc bao gồm trong đó
tinh thần, ý thức, pháp luật, văn hóa của toàn thể xã hội con người. Quan niệm của Mác thật sự chỉ mang
ý nghĩa thô nhám, giả định, bao gộp mà đúng ra thiếu định tính chính xác, khách quan cũng như đầy đủ.
Mác không đặt ra ý nghĩa khoa học nhờ đâu mà kinh tế phát triển, không đặt ra vấn đề triết học tại sao vật
chất lại phát triển được ý thức. Đây có thể nói là sự cảm tính, sự hồ đồ, sự thiếu chính xác và cụ thể về
mặt tinh thần và ý nghĩa khoa học trong hệ thống tư duy suy đoán của Mác.
Nhưng thôi hãy để chuyện đó qua một bên trước đã. Ở đây chủ yếu chúng ta chỉ đề cập ý nghĩa và vai
trò của trí thức trong đời sống xã hội. Đời sống xã hội là cái nhìn bao quát, mà trong đó ý nghĩa chính trị
xã hội, kinh tế và văn hóa vẫn luôn là những ý nghĩa then chốt hay vấn đề chủ chốt nhất. Chính trị và kinh
tế luôn tác động lẫn nhau. Kinh tế và xã hội luôn đi theo với nhau. Xã hội và văn hóa luôn phải có cùng
nhau. Đó là những ý nghĩa sơ đẳng nhưng nền tảng nhất mà tất cả mọi người hẳn đều đã biết hoặc cần
phải biết.
Đó là ý nghĩa tại sao từ trước đến nay nhiều người vẫn lấy ý tưởng hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng
kiến trúc của Mác đưa ra làm như câu thiệu mặc dầu nó chỉ có phần mơ hồ, thiếu chính xác, bao gộp thô
thiển nên cũng đầy tính chất thô nhám. Thực chất Mác chỉ cốt đề cao vật chất, đề cao giai cấp kinh tế,
mà vô tình hay cố ý lãng quên đi yếu tố trí tuệ, tinh thần, ý thức con người như cái gì siêu đẳng và quyết
định nhất như trên đã nói, nên nhiều chỗ học thuyết Mác trở thành nhám nhúa, phản lại khoa học, phản lại
nhân văn và cả phản lại xã hội trong thực tế.
Thật ra đơn vị của xã hội là đơn vị của mỗi cá nhân con người mà không là gì khác. Không có cá nhân
cũng không thể có xã hội. Chất lượng của từng cá nhân tạo nên chất lượng chung của toàn xã hội mà
không thể nào khác. Tập hợp những con số tạo thành toàn dãy số, tạo thành trường số bao quát, đó là
quy tắc bất di dịch và tự nhiên trong toán học không thể bất kỳ ai phủ nhận lại được. Quan niệm giai cấp
theo Mác hiểu không theo ý nghĩa khoa học hay thực tế, mà lại theo ý nghĩa siêu hình, trừu tượng, mê
tín, nó trở thành như một quan niệm về bản thể để làm sao cho phù hợp với “biện chứng luận” của Hegel
mà mọi người đã biết. Đó là ý nghĩa của “ý thức giai cấp”, “sứ mạng giai cấp” mà Mác vẫn nhất mực
tụng xưng và theo đuổi.
Thật ra người nông dân chỉ làm việc trên ruộng đồng, người công nhân chỉ lao động trong nhà máy,
xưởng thợ, nếu khoa học kỹ thuật không tiến bộ thì ngàn đời họ cũng cứ như vậy, thế thì cái gì giải
phóng con người, giải phóng xã hội. Chính sự cuồng tín, sự mê tín vào quan niệm tất định luận, quan
niệm biện chứng luận của Hegel bị đặt sai chỗ khiến cho hệ tư tưởng trở thành dị đoan, mê tín, cốt yếu
chỉ là như vậy. Đó là chưa nói xã hội nào lại không có nông dân, công nhân, không có những thành phần
khác. Nếu thế thì làm sao xã hội tồn tại và phát triển được. Nếu biến tất cả thành nông dân, biến tất cả
thành công nhân, thật sự chỉ có điên rồ, phi lý, phi thực tế, phi xã hội, phản khách quan và phản khoa học.
Rõ ràng nếu không có khoa học kỹ thuật, giai cấp nông dân ngàn đời cũng không phát triển được. Không
có phát triển của công nghệ hay kỹ thuật, người công nhân cũng ngàn năm dậm chân tại chỗ trong
xưởng thợ, xí nghiệp, liệu có gì khác hơn. Mà không có giai cấp doanh nhân đầu tư, thiết lập nhà máy,
liệu nông dân có thể trở thành công nhân, nhưng nếu năng lực và điều kiện mỗi người công nhân, có ai
cấm được họ trở thành giai cấp doanh nhân hay không. Cái nhìn của Mác về giai cấp rõ ràng là cái nhìn
cạn hẹp, không sinh động, không khoa học, hay nói khác chỉ là cảm tính cũng như tiên kiến.
Thế thì chính ý nghĩa quản lý xã hội là yếu tố nền tảng, quyết định nhất cho sự phát triển của toàn thể đời
sống xã hội. Nói cụ thể, đây cũng chính là quản lý chính trị, kinh tế, văn hóa trong xã hội nói chung. Chính
trị thực chất nó chỉ là nguyên tắc và thực hiện quản lý mà không là gì khác. Quyền hành chính trị thực
chất chỉ là sự ủy quyền chung của xã hội mà không là gì khác. Thần thánh hóa quyền hành, thần bí hóa
quyền hành, tuyệt đối hóa và toàn diện hóa quyền hành, đó hoàn toàn là sự sai trái, phản con người,
phản xã hội, mà trước kia chế độ phong kiến đã làm khi coi quyền hành là “mệnh trời”, tức thần hóa
quyền hành, còn hệ thống tư duy của Mác thì lại coi quyền hành đó như là “sứ mạng” mang tính hoàn
toàn mê tín, thần bí của “giai cấp công nhân vô sản” được đặt trên hệ thống chuyên chính chẳng khác gì
chuyên chính thời quân chủ phong kiến xưa kia.
Cho nên trong đời sống xã hội hiện đại, chính ý nghĩa và vai trò của trí thức mới trở thành yếu tố quyết
định hay quan trọng nhất. Trí thức không dành riêng cho bất kỳ giai cấp nào mà bất kỳ thành phần giai
cấp nào nếu biết phấn đấu và có điều kiện thuận lợi đều có thể trở thành trí thức. Đây là ý nghĩa và giá trị
của xã hội trong việc xây dựng, hình thành, phát huy yếu tố trí thức trong xã hội. Chính trí thức lãnh đạo
xã hội nhưng không có nghĩa là trí thức nắm quyền. Nắm quyền chỉ là sự quản lý trực tiếp của những
người làm công tác quản lý trực tiếp. Ý nghĩa của dân chủ xã hội trên nguyên tắc ủy quyền hay trao
quyền chính là như vậy. Quyền không phải đặc quyền của cá nhân, tập thể, thành phần, giai cấp nào, mà
là quyền chung của toàn xã hội. Nên nếu kinh tế xã hội là sự phân công hay cần sự phân công hợp lý, thì
quyền hành xã hội cũng phải có tính chất tương tự như thế. Nền dân chủ xã hội là một nền dân chủ về
chính trị, về kinh tế, về văn hóa tư tưởng, về nhân cách mọi mặt, mới là lý tưởng xã hội cao nhất, mới là
thực tế xã hội khoa học và khách quan nhất.
Thế nên tranh đấu cho một xã hội lý tưởng, một xã hội tự do dân chủ đúng nghĩa thật sự không những là
nhiệm vụ hàng đầu của tầng lớp trí thức không phân biệt mà cũng là của tất cả mọi công dân, tất cả mọi
người trong xã hội. Chủ nghĩa xã hội đúng nghĩa không phải là cào bằng mọi người, không phải chỉ là
làm ăn tập thể theo kiểu lạc hậu, mà chủ nghĩa xã hội khách quan đúng nghĩa chỉ là đề cao cá nhân và xã
hội một cách song hành, giải phóng xã hội đồng thời phải đồng hành với giải phóng cá nhân cũng như
ngược lại. Giải phóng đó không phải chỉ có trong tương lai như Mác quan niệm một cách kịch tính, mơ
hồ, huyễn hoặc, mà giải phóng ngay trong hiện tại bằng kinh tế, bằng trí thức mang lại cho tất cả mọi
người tùy theo mỗi điều kiện trong hiện tại của họ.
Thăng tiến xã hội, thăng tiến cá nhân, phúc lợi xã hội, phúc lợi cá nhân, đó chính là vấn đề khoa học kỹ
thuật về mặt khoa học xã hội nhân văn thực tiển đặt ra ngày nay cho tất cả mọi người mà không phải chỉ
là vấn đề ý thức hệ tầm ruồng, vô bổ đã hoàn toàn lạc hậu, sai lạc ngay cả từ đầu của nó. Chính yếu tố trí
thức hay trí tuệ theo nghĩa rộng làm phát triển xã hội mà không là gì khác. Con người thì ai sinh ra đời
cũng ăn, cũng sống, nhưng không phải ai cúng trí tuệ như nhau hay trí thức như nhau. Tạo cơ hội, điều
kiện phát triển cho mọi người là nghĩa vụ bắt buộc, nhưng hoàn toàn không phải yếu tố đạt đến được kết
quả hay thành công cho tất cả. Cách nói trí thức không bằng cục phân chỉ là cách nói hồ đồ, hoang dã,
bôi bác, kém ý thức, càn đùa, vô trách nhiệm cho dù nó chỉ cố ám chỉ riêng về một trường hợp cá biệt,
đặc thù nào đó.
Cho nên sự khôn ngoan về chính trị xã hội ở mỗi nước hay trên toàn cầu ngày nay chỉ là như thế. Ai đạt
được sự cập nhật trí thức nhanh nhất, hiệu quả nhất, giá trị nhất, thì cũng thành công sớm nhất, chắc
chắn và bền vững nhất. Sự giải phóng con người hay xã hội con người ngày nay chính là sự giải phóng
về chính trị, về kinh tế, về văn hóa nói chung. Phải lấy yếu tố trí thức làm nền cho tất cả, khiến yếu tố trí
thức là đầu vào và đầu ra cho tất cả. Phải tiến tới một nền dân chủ xã hội phổ cập và bao quát nhất cho
tất cả mọi người không phân biệt. Nghĩa là phải trí thức hóa mọi mặt trong đời sống và hoạt động xã hội.
Đó chính là chiếc chìa khóa vạn năng cho phát triển cá nhân, xã hội, cũng như toàn thể thế giới loài
người không phải chỉ trong thời công nghiệp hiện đại mà sẽ mãi mãi trong tương lai.
Tác giả: Võ Hưng Thanh