Ảnh minh họa: Một quầy bán sách cũ bên bờ sông Seine, Paris, Pháp. gettyimages/DEA/ M. NASCIMENTO
Có một số nghề chỉ hợp với những người có đam mê. Bản chất công việc không phải là để sinh lời, người quản lý vì thế cũng khó mà làm giàu. Nghề bán sách cũ dọc bờ sông Seine thuộc vào diện này. Có lẽ cũng vì thế mà trong tuần qua, Tòa đô chính Paris đã chính thức đăng tin tuyển dụng trước tình trạng quầy sách cũ bị bỏ trống thì nhiều, nhưng người làm lại chẳng có bao nhiêu.
Nghề bán sách cũ, tiếng Pháp gọi là ''bouquiniste'', là một những biểu tượng văn hóa quen thuộc, quan trọng không kém gì Tháp Eiffel, Bảo tàng Louvre hay Nhà thờ Đức Bà. Ít ra, trong mắt của khách nước ngoài, đó là tấm bưu thiếp lý tưởng về một góc trời Paris. Kho sách cũ được cất giữ trong hàng trăm chiếc hộp sắt màu xanh lá cây, được mở ra vào những ngày không có mưa bão, để bày bán hàng trăm ngàn quyển sách cũ, truyện tranh, bưu thiếp, bản đồ, tranh in thạch bản, tranh khắc khổ nhỏ, báo chí sưu tầm, áp phích quảng cáo… Theo số liệu chính thức của Hội đồng thành phố, nghề ''bouquiniste'' hiện bán khoảng 300.00 quyển sách cũ. Một cách rất hạn chế, các chủ quầy sách có thể bán thêm một số hàng lưu niệm, từ chiếc móc khóa hình Tháp Eiffel cho tới những miếng nhựa lót ly có in chữ ''I love Paris''…
Cứ 10 quầy sách cũ là có một quầy bỏ trốngNghề bán sách cũ bên bờ sông Seine được xem là một trong những nét văn hóa độc đáo của Pháp có từ hơn bốn thế kỷ qua. Để có thể tồn tại, nghề này từ lâu nay vẫn cần đến sự giúp đỡ của Hội đồng thành phố Paris. Cụ thể, những người quản lý quầy sách cũ chẳng những được miễn thuế kinh doanh, mà còn không phải trả tiền thuê mặt bằng. Cho dù nhận được nhiều ưu đãi từ phía Hội đồng thành phố Paris, nghề bán sách cũ ngày càng gặp nhiều khó khăn, do lệ thuộc rất nhiều vào lượng du khách nước ngoài.
Tình trạng này đã tồn tại trong thời gian qua, nhưng đã trở nên nghiêm trọng hơn trong gần hai năm trở lại đây, do tác động của dịch Covid-19. Cho dù chỉ mở cửa vài ngày trong tuần, ngay cả vào những lúc thời tiết thuận lợi nhất, các quầy bán sách cũ vẫn thưa vắng khách hàng. Điều đó khiến nhiều chủ quầy sách, kể cả những người yêu nghề, đành phải tìm một công việc khác để kiếm sống.
Trong bối cảnh đó, Hội đồng thành phố Paris đã đăng tin nhắn hầu tuyển dụng thêm người đứng bán tại các quầy sách hiện đang bị bỏ trống. Hiện giờ, Paris có khoảng 900 hộp sắt ở 220 quầy sách nằm dọc hai bờ sông Seine, khoảng ba cây số ở trung tâm thủ đô. Trong số này, 18 quầy sách gồm 80 hộp sắt (tức gần 10%) đang bị bỏ trống. Các ứng viên muốn khai thác quầy sách cần phải nộp đơn đăng ký từ đây cho tới hạn chót là ngày 18/02/2022.
Miễn trả thuế kinh doanh và tiền thuê mặt bằng Nhìn chung, ứng viên không cần có bằng cấp hay điều kiện gì đặc biệt, nhưng họ nên có kiến thức về sách. Họ cũng không thể biến quầy sách cũ thành cửa hàng bán đồ lưu niệm lỉnh kỉnh, bởi vì theo quy định hiện hành, chỉ có việc bán sách cũ mới được miễn thuế kinh doanh. Ban tuyển chọn của Hội đồng thành phố Paris sẽ duyệt toàn bộ các đơn đăng ký, kết quả sẽ được công bố vào ngày 11/03/2022. Các ứng viên nào được chấp nhận sẽ có giấy phép khai thác các quầy bán sách cũ ven bờ sông Seine.
Theo Hiệp hội các Nhà bán Sách cũ (ACBP), nghề này chủ yếu thu hút những người thích đọc sách in bằng giấy, chứ không phải là sách đọc trên máy tính bảng. Trong số này, có khá nhiều người trước kia là chủ hiệu sách, nhưng do khó khăn tài chính, họ không thể trả tiền thuê mặt bằng để kinh doanh. Quầy sách cũ là một giải pháp thay thế, nhờ nghề này người bán sách có thể sống qua ngày.
Mỗi chủ quầy sách thường sưu tầm sách cũ để rồi bán theo sở thích cá nhân hay sở trường chuyên môn : sau vài thập niên, có người thì trở thành chuyên gia về bưu thiếp, hay bản đồ cổ xưa, người thì chuyên về cẩm nang nấu ăn, sách hướng dẫn rượu vang hay ẩm thực, chưa kể đến các truyện thiếu nhi, sách hội họa nhiếp ảnh hay các quyển truyện khổ lớn có tranh minh họa…
Thế nhưng, thời buổi ngày càng khó khăn, chính vì vậy mà hiệp hội này đã lên tiếng báo động, trên số 220 nhà bán sách cũ trong năm qua, có hơn 20 người đã bỏ cuộc và khoảng 10 người khác đã về hưu, nhưng quầy sách của họ bị bỏ trống do không có ai tiếp nhận quản lý.
Thay thế những chủ quầy sách sắp nghỉ hưu Theo Hội đồng thành phố Paris, vấn đề ở đây là hàng năm có khoảng 60 ứng viên nộp đơn xin khai thác các quầy sách cũ. Trong gần hai năm đại dịch Covid-19, con số ứng viên mới chỉ là khoảng 10 người, trong khi nghề này lại đang cần có ''sinh khí mới'' để thay thế cho nhiều chủ quầy sách có mặt trong nghề từ hàng chục năm qua. Độ tuổi trung bình ngày càng tăng lên và nhiều người bán sách sắp đến tuổi về hưu.
Nghề bán sách cũ không phải là một nghề dễ kiếm lời, chưa kể tới sự xuất hiện gần đây của các dịch vụ trực tuyến chuyên bán sách cũ hay báo chí sưu tầm. Tuy vậy, Hiệp hội các nhà bán sách cũ vẫn hy vọng rằng nghề này sẽ vượt qua khó khăn để có thể tồn tại. Một truyền thống có từ hơn bốn thế kỷ khó thể nào biến mất một sớm một chiều. Dù gọi là tự do, nhưng nghề này vẫn có nhiều ràng buộc, do Tòa thị chính Paris kiểm soát chặt chẽ các món hàng bày bán ở những quầy sách.
Ngay cả khi doanh thu giảm sút mạnh, chủ quầy sách không phải vì thế mà bán thêm hàng lưu niệm, một số người chuyển qua nhắm vào khách nội địa bằng cách sưu tầm các bộ truyện tranh (ấn bản xưa) để bán cho khách Pháp, Bỉ hay Thụy Sĩ, do các bộ truyện này được viết bằng tiếng Pháp. Liệu những người được tuyển sắp tới đây có đủ niềm đam mê để có thể mở quầy sách, cho dù thời tiết xấu, để bán sách dù là trong ngày lễ lớn, hay không được nghỉ ngơi cuối tuần.
Nghề ''bouquiniste'' hiểu theo đúng nghĩa không chỉ đơn thuần là bán sách cũ, mà còn hàm chứa cả một lối suy nghĩ : chủ quầy biết lựa chọn các tựa sách và có đủ niềm đam mê để chia sẻ với khách những giai thoại thú vị về các tác phẩm được bày bán. Nếu không có niềm đam mê ấy, thì nên chuyển sang làm một nghề khác. Bởi vì chỉ có những người thật sự yêu nghề mới không làm cho truyền thống này bị biến tướng. Xung quanh nghề này, có nhiều giai thoại lý thú, nhưng hẳn chắc không có chuyện trở thành triệu phú nhờ nghề bán sách cũ.
Theo RFI