Tuần lễ cuối, tháng 11 năm Tân Sửu, một Đại Hội đã khai diễn qua hình thức mới mẻ với kỹ thuật tin học tân tiến hiện đại để quy tụ được thành phần khắp thế giới cùng tham dự. Đó là Đại Hội Hội Đồng Hoằng Pháp thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, lần thứ nhất đã trực tuyến diễn ra qua hệ thống Zoom Meeting.
Đại Hội được sự đồng chủ toạ của nhị vị là Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ, vị Tỳ Kheo khâm thừa di chúc của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống, để hiến dâng tâm-lực, trí-lực nhận trọng trách bảo tồn, hoằng dương Chánh Pháp; và Giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát vị Thiền sư uyên thâm Kinh, Luật, Luận qua những cổ ngữ Phạn, Hán, Pali.
Trước ngày Đại Hội khai diễn, nhiều bức tâm thư được lần lượt phổ biến, nêu những điểm chính sẽ được thảo luận trong Đại Hội cũng như giới thiệu thành phần các ban đã được thành lập gồm Chư Tôn Đức đại diện các châu lục cùng quý cư sỹ Phật tử có khả năng góp trí lực và tâm lực, cùng điều hành pháp-sự.
Những ai đủ duyên đọc những bức tâm thư cùng những lời thông báo về Đại Hội có tầm vóc quốc tế này, đều hân hoan chờ đón. Kẻ già nua, chậm chạp như tôi đã cẩn thận nhờ người quen sắp xếp cho những gì căn bản phải sẵn sàng để không lỡ mất cơ hội đặc biệt hiếm quý này. Như cài đặt hệ thống Zoom mà máy tôi chưa từng có, dặn dò kỹ lưỡng tới giờ khai mạc phải làm gì, khi vào Zoom, muốn có hình mình thì làm sao, hoặc chỉ muốn ghi tên thôi thì phải thế nào… Bao sự việc đơn giản với người biết và không đơn giản chút nào với người chưa biết!
Sau khi bạn ra về, một mình ngồi trước màn hình, tôi thầm xin Chư Phật gia hộ, rồi hồi hộp chờ giờ phòng hội mở cửa cho những ai đã nhận password được ghi danh vào dự.
Sự kiện đặc biệt từ trước chưa có, về cả hình thức lẫn nội dung này đã được thức giả khắp nơi tường thuật với nhiều hình ảnh cùng chi tiết và phổ biến trên báo chí cũng như trên mạng lưới thông tin toàn cầu.
Ở đây, trên trang giấy thô thiển này, tôi chỉ xin được chia xẻ những cảm xúc chủ quan, xuất phát tự trái tim dường như có thể oà vỡ khỏi lồng ngực vì bao xúc động vô bờ tiếp nối không ngừng suốt thời gian Đại Hội.
Khi lò dò vào được phòng hội, hình ảnh đầu tiên mà nhiều năm qua tôi chưa được gặp lại là Thượng Toạ Thích Nguyên Tạng. Thời trước, khi hàng năm phái đoàn Hoằng Pháp Âu Châu có chuyến hoằng pháp tại Mỹ Quốc, thì Quý Ngài đều dành thời gian, dừng bước tại chùa Phật Tổ, thành phố Long Beach, miền Nam California, ban pháp cho Phật tử nơi đây thọ nhận. Nhưng đã nhiều năm qua, có lẽ cần chia ân sủng tới Phật tử ở những châu lục khác nữa nên hạnh phúc xưa chỉ còn là kỷ niệm! Nay bất ngờ được thấy lại Thượng Toạ trong vị trí là người điều hợp chương trình Đại Hội, tôi chắp tay búp sen, đảnh lễ Ngài.
Màn hình linh động khi ban ghi danh cập nhật chư vị đang vào phòng hội, hoặc với hình ảnh, hoặc chỉ có danh hiệu. Mỗi vị ở riêng trong mỗi diện tích đồng đều như nhau khi xuất hiện trên màn hình chung, trước hay sau là do thời điểm khi ghi danh vào dự.
Do vậy mà đại chúng thấy sự hài hoà tự nhiên, khi nhận diện Chư Tôn Đức Trưởng lão, Chư Tăng Ni các châu lục, kế bên Phật tử cận sự nam, cận sự nữ, rồi trẻ, già, người Âu, kẻ Á… Tất cả hoà đồng trong không gian đông đảo mà cực kỳ trang nghiêm, tôn kính.
Tuy không được nhìn thấy các Ban làm việc nhưng sự trật tự và nhịp nhàng uyển chuyển thể hiện suốt thời gian Đại Hội đã chứng tỏ tâm lực và trí lực của chư vị trong mọi Ban, hết lòng cống hiến.
Trước màn hình tiếp tục cập nhật người vào tham dự mỗi lúc mỗi đông, đủ mọi thành phần, bất chợt một sát na tâm tôi bỗng bật lên hình ảnh Pháp Hội Linh Sơn, ở Phẩm Tựa, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Vừa liên tưởng như vậy, tôi chắp tay đảnh lễ và cảm nhận ngay những hạt lệ ân sủng rơi đều trên búp tay sen !
Ôi! hai mươi sáu thế kỷ trước “Một thuở nọ Đức Phật ở núi Kỳ Xà Quật, nơi thành Vương Xá, cùng chúng Tỳ Kheo một muôn hai ngàn gồm cả La Hán và bậc Tam Hiền còn đang tu học….”
Hai mươi sáu thế kỷ sau, lần đầu tiên, nhờ kỹ thuật tân tiến hiện đại, một Đại Hội đang quy tụ được muôn người-con-Phật khắp các châu lục, cùng về tham dự, dù giờ giấc, khí hậu, hoàn cảnh có khác biệt thế nào!
Hai hình ảnh, một từ ký ức trong tâm, một ngay hiện tiền trước mặt nhưng tinh thần thì cùng hướng về Đạo Tối Thượng, đã khiến nước mắt tôi không thể ngừng rơi. Búp tay sen đã đẫm lệ, và vạt áo tràng nâu đang hân hoan nhận tiếp những hat lệ vui mừng…
Khi Thượng Toạ điều hợp chương trình Đại Hội đọc 14 tiết mục, đều rất quan trọng và liên đới với nhau thì tôi như nghe thấy trái tim mình đập mạnh hơn. Trọng trách điều hợp một chương trình như vậy không thể đơn giản như vị trí MC trong bất cứ một chương trình dưới lãnh vực nào ngoài đời thường, để có thể du di, tuỳ tiện. Nhưng Thượng Toạ đã trấn an cho chúng tôi bằng những nụ cười từ ái, nhẹ nhàng luôn thể hiện khi nhận tin tức từ các ban-viên, để cập nhận thông báo, hay khi ngước nhìn đồng hồ để ước lượng cho các tiết mục không thiếu hoặc dư thời gian! Tôi cảm nhận rằng pháp-thân tự tại của Thượng Toạ đã truyền cảm được sự bình an tới người tham dự.
Khi hình ảnh nhị vị chủ toạ Đại Hội hiện trên màn hình, dù thực tế không được diện kiến nhưng tôi tin rằng mọi người tham dự đều chắp tay đảnh lễ.
Như từ nhiều thập niên qua, Ôn Tuệ Sỹ vẫn mình-hạc-sương-mai, nhưng khi cất tiếng thì điềm đạm mà mạnh mẽ, chậm rãi mà rõ ràng. Hoà Thượng vào ngay chủ yếu của vấn đề, là sự cần thiết phiên dịch bộ Đại Tạng Kinh bằng Việt ngữ, với đầy đủ chuẩn mực hàn lâm mà năm xưa, 10 vị Trưởng lão trong Hội Đồng Trung Ương thuộc GHPGVNTN, sau bổ sung thêm 8 vị, đồng tâm thực hiện pháp sự quan trọng này. Đó là thời điểm tháng 10 năm 1973. Nhưng chỉ một năm sau những diễn biến lịch sử là những trở ngại khiến dự án không thể tiến hành! Rồi biến cố Tháng Tư năm 1975 đã thay đổi quê hương trong mọi lãnh vực!
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua!
Ngậm ngùi thay, 18 Chư Tôn Đức trong Hội Đồng Phiên Dịch năm xưa nay chỉ còn Trưởng lão Hoà Thượng Thích Thanh Từ (trong tình trạng vô ngôn) và Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ.
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua!
Nay, trước màn hình của ngày Đại Hội Hội Đồng Hoằng Pháp, tháng 11 năm 2021, nhị vị chủ toạ, Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ và Giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát đồng xác định rằng đây không phải là một Hội Đồng mới mẻ được thành lập, mà chỉ là sự kế thừa Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng được thành lập bởi quyết định của Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương. Viện Tăng Thống GHPGVNTN, từ tháng 10 năm 1973.
Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát đã nhấn mạnh về nhu cầu phiên dịch Đại Tạng Kinh sang tiếng Việt là cấp bách và cần thiết vì Kinh quá nhiều mà phần lớn phổ biến bằng Hán tự nên khi Phật tử Việt Nam muốn đọc, muốn học, hoặc muốn nghiên cứu là gặp trở ngại không ít vì mấy ai có khả năng và hoàn cảnh để đi học chữ Hán rồi sau đó mới học Kinh Điển!
Giáo Sư cũng nhắc tới Lục Độ Tập Kinh mà ngài Khương Tăng Hội dịch vào thế kỷ thứ 3 Tây Lịch, để xác quyết rằng Phật Giáo gắn bó với dân tộc Việt ngay từ thuở đầu. Truyền thuyết về người Việt Nam đã xuất hiện trong Kinh Phật Giáo qua Lục Độ Tập Kinh mà những chuyên gia nghiên cứu về Phật giáo có thể tìm thấy.
Trong thông bạch mới nhất vừa phổ biến về việc thành lập Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời, Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ đã bầy tỏ cảm niệm sâu sa tâm từ bi vô lượng của Đức Thế Tôn khi Bậc Giác Ngộ muốn Giáo Pháp được rải đồng đều tới mọi tầng lớp, mọi sắc dân, như mưa xuống thì mọi cỏ cây đều thấm nhuận. Để Mưa Pháp có thể rải đều muôn nơi cho chúng sanh đồng thọ hưởng, Đức Thế Tôn đã khuyến khích, là “Hãy để cho mọi người được nghe và học Chánh Pháp theo ngôn ngữ địa phương của chính mình”.
Khi mắt vừa chạm tới những dòng Chữ-Vàng này, thì bao hạt lệ vẫn chực sẵn, lại lập tức thay nhau, lã chã tuôn rơi!
Ôi! Lời khuyến khích của Đấng Từ Phụ là động lực luôn thúc đẩy những người-con-Phật thuộc sắc dân Châu Á hiện sinh sống trong một quốc độ nhỏ, mang danh là Việt Nam, khi hoàn cảnh tạm thuận duyên là lại cùng nhau, thảo dự án phiên dịch những lời Phật dạy từ Tam Tạng Thánh Giáo qua ngôn ngữ Việt để những Phật tử quốc tịch Việt Nam có thể theo đó mà dễ dàng hành trì, học hỏi.
Tam Tạng Thánh Giáo gồm: Tạng Kinh (Sutrapitaka), Tạng Luật (Vinayapitaka) và Tạng Luận (Abhidharmapitaka) bao gồm những lời Phật nói, Phật dạy và Phật chỉ dẫn cách suy luận, khảo sát khi quán chiếu những gì được nghe và được dạy.
Ngay sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn thì chư vị đệ tử ưu tú của Phật đã nhận ra ngay sự quan trọng và cấp bách phải kết tập những gì mà chư vị đã được thọ nhận từ kim-khẩu Đức Thế Tôn để lấy đó làm kim chỉ nam dẫn đường chúng sanh tới giải thoát giác ngộ.
Đó là lần kết tập đầu tiên, sau khi Đức Phật nhập diệt 7 ngày thì Tôn-giả Ma Ha Ca Diếp đã triệu tập 500 vị Tỳ-kheo về họp Đại Hội, cùng trùng tuyên bao lời giáo huấn của Phật. Trong lần kết tập này, ngài A Nan được đề cử tuyên đọc những bài Pháp Đức Phật giảng dạy trong những địa danh nào, cho những đối tượng nào. Đó là Kinh.
Ngài Ưu Ba Ly thì được đề cử lập lại những giới luật Đức Phật đã đặt ra để giúp những ai đi trên đường trung-đạo tránh được phạm lỗi. Đó là Luật.
Như vậy, ngay lần kết tập đầu tiên, được ghi nhận như dấu mốc của năm Phật Lịch thứ Nhất, là năm 544 trước Tây Lịch, thì kết quả đạt được là Tăng-đoàn đã có Kinh và Luật.
Với thời gian, với nhu cầu, với hoàn cảnh khác biệt của mỗi quốc độ, người-con-Phật đã không ngừng quan tâm tới việc phiên dịch Đại Tạng Kinh cho phù hợp với văn-hoá-tính, dân-tộc-tính của xứ sở mình, như lời Phật từng từ bi khuyến khích, miễn là nghĩa Kinh phải giữ cho chuẩn, như trong Tứ Bất Y nhắc nhở:
“Y Pháp, bất y nhân
Y Nghĩa, bất y ngữ
Y Trí, bất y thức
Y Kinh liễu nghĩa, bất y kinh bất liễu nghĩa”
Ngày nay, cơ duyên của Phật tử Việt Nam được nhị vị Trưởng-tử Như Lai trình bầy trước Đại Hội Hội Đồng Hoằng Pháp, làm nức lòng bao người-con-Phật về một bộ Đại Tạng Kinh được phiên dịch bằng ngôn ngữ Việt sẽ gắn bó và tiềm ẩn sâu sa văn hoá và dân-tộc-tính của dòng giống con Rồng cháu Tiên.
Cảm nhận tới đây, tôi lại rưng lệ và như nghe thấy âm thanh đang tự hỏi mình. Phải chăng chư vị các Ban, các Ngành nhận trọng trách cùng phiên dịch Đại Tạng Kinh ra Việt ngữ thuần tuý cũng đang làm Phật sự kết tập?
Sau khi Phật nhập diệt, ngài Đại Ca Diếp đã nhanh chóng kêu gọi huynh đệ kết tập lần đầu, lưu lại lời giáo huấn của Ân-Sư.
Sau nhiều thập niên bị hoàn cảnh lịch sử gián đoạn, Trưởng-tử Như Lai và hàng tứ chúng khắp các châu lục cũng đang gọi nhau về, cùng góp tâm lực khởi công lần đầu kết tập phiên dịch Đại Tạng Kinh ra Việt ngữ, hầu tiếp nối hoài bão Chư Vị Minh Sư phải bỏ dở dang!
Hai quốc độ, hai thời gian, hai không gian, nhưng cùng mang chung một tinh thần. Đó là tinh thần kết tập.
Nguyện xin Chư Phật mười phương gia hộ.
Nay, Đại Hội Hoằng Pháp
Con cảm nhận trầm hương
Từ Linh Thứu Pháp Hội
Lan toả khắp mười phương
Hai mươi sáu thế kỷ
Tựa sát na diệu thường
Cho bao người con Phật
Thọ nhận ơn Thế Tôn
Đại Tạng Kinh phiên dịch
Bằng ngôn ngữ địa phương
Như từ kim-khẩu Phật
Trung đạo, chỉ một đường.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
TN Huệ Trân cẩn bái
(Tào-Khê tịnh thất – Tiết chớm Xuân)