Một góc khán phòng sinh hoạt nghệ thuật Gió-O với triển lãm tranh
Khi nhận được thông tin về sinh hoạt văn học nghệ thuật của trang mạng Gió-O (Gio-o.com), với chủ đề '20 Năm Nắn Net', tôi nhớ đến ngày còn thơ được u tôi, rồi đến các thầy ở bậc tiểu học luôn nhắc khi tập viết là phải nắn nót chữ cho đẹp.
Ngày xưa "nắn nót" và bây giờ "nắn net" thấy gần gũi và thân thương vì cả hai đều làm đẹp cho tiếng Việt. Ngày xưa viết chữ đẹp là điều tôi đã học được, nay viết chữ trên không gian ảo để làm đẹp cho ngôn ngữ Việt, cho văn chương, nghệ thuật của người Việt hải ngoại là chủ trương của Gió-O mà tôi đồng lòng.
"Xin chào mừng tất cả các quý vị đang có mặt nơi đây. Nói 'quý' là quý thật vì biết trong thời buổi dịch còn nguy cơ, tình hình chính sự khắp nơi khó lường, việc đi lại khó khăn gấp bội mà chúng ta đã đến được với nhau, còn gặp lại nhau thì quả là một đặc ân…"
Đó là lời khai mạc của cô Nguyễn Vũ Khuyên, người điều phối chương trình sinh hoạt 'Gió-O: 20 Năm Nắn Net' được tổ chức tại Đại học Berkeley, California chiều Chủ Nhật 19/12/2021.
Với những biến chuyển của dịch Covid-19 trong hai năm qua thì việc gặp gỡ nhau trong các sinh hoạt là khó khăn, mà khi có dịp lại phải cẩn thận và tuân thủ điều lệ phòng dịch, nên hôm nay ai cũng đeo khẩu trang.
Đến với sinh hoạt của Gió-O có hoạ sĩ Đinh Trường Chinh, hoạ sĩ Jacklyn Vy Trân, kịch tác gia Nguyễn Thị Minh Ngọc, nhà nghiên cứu Trangđài Glassey-Trầnguyễn, nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt, nhà thơ Ngọc Quỳnh, nhạc sĩ Huân Cung và diễn giả Nguyễn Thụy Đan, từ nhiều miền khác nhau của nước Mỹ tụ hội về đây. Và cả các bạn yêu văn chương nghệ thuật, không đông lắm, khoảng 60 người, vừa đủ kín không gian diễn thuyết.
Cô Khuyên, sau lời chào mừng, đã nói về sự ra đời và hành trình 20 năm của Gió-O, với trích đoạn từ một bài viết vào năm 1999 mang tên 'Về Diệu Tưởng @ Lượng Chữ' để rồi nhắc đến những trăn trở của Lê Thị Huệ:
"Tư cách sống ngoài nước đã cho tôi một đời sống không lệ thuộc vào quê quán nào cả. Tôi sáng tác bằng tiếng Việt, nhưng ngôn ngữ tôi sử dụng hằng ngày là ngôn ngữ khác…Tôi và cộng đồng những người sử dụng tiếng Việt ngoài nước Việt Nam đã tạo nên một vương quốc mới, Vương quốc Tiếng Việt Hải Ngoại. Chúng tôi đang xuất cảng tiếng Việt ra nước ngoài. Yêu cầu những quý vị nào thích nhồi nhét nhà văn hải ngoại về cùng bọc bịch với nhà văn rễ cây trong nước thì xin liệng tên tôi ra khỏi danh sách ấy. Tôi muốn lọt sổ. Tôi vay mượn chữ nghĩa và đời sống của quê hương địa lý thật, nhưng đời sống của ngôn ngữ, tôi đã vượt ra khỏi quê hương địa lý ấy."
Gió-O ra đời, đến nay vừa tròn 20 năm trên mạng ảo của thời đại Internet. Dịp này một tuyển tập cũng được phát hành, dầy 190 trang, gồm sáng tác, biên khảo của 18 tác giả đã góp mặt trên Gió-O như Phan Thanh Tâm, Thi Vũ, Nguyễn Tà Cúc, Hoàng Hải Thuỷ, Julie Quang, Trần Thị Lai Hồng, Tường Vũ Anh Thy….
Nơi khán phòng rộng lớn là chỗ tiếp tân với đồ ăn thức uống mang hương vị Việt Nam. Quanh đó là tranh và ảnh của Hà Cẩm Tâm, Võ Đình, Trương Thị Thịnh, Jacklyn Vy Trân, Lê Quế Hương, NAT, Rừng, Lê Nghĩa Quang Tuấn, Nguyễn Thị Lệ Liễu, Hoàng Huy Mạnh, Artemesia Lâm Quang Kim Phượng.
Chương trình bắt đầu khá trễ, gần 3 giờ mới chính thức khai mạc.
Các diễn giả có Trangđài nói về Gió-O với hình thức sinh hoạt đố vui, mời gọi khách tham gia qua một vài động tác thiền hay cùng tạo âm thanh, nhịp điệu để đưa tới câu chuyện gặp gỡ giữa Lê Thị Huệ "Gió", và Nguyễn Vũ Khuyên "Rùa".
Tôi có nhiều dịp làm việc chung với Khuyên, cùng dạy tiếng Việt với nhau và biết cô là tiếng nói đại diện cho phía Việt Nam Cộng hoà trong tuyển tập do Bảo tàng Oakland phát hành dịp triển lãm về chiến tranh Việt Nam với chủ đề "What's Going On" vào năm 2005 gây xôn xao dư luận khi đó. Cô cũng đã từng gây tranh luận về nữ quyền trên diễn đàn talawas.org.
Về sợi dây nối giữa "Gió" và "Rùa", đó là luận văn tiến sĩ về sắc tộc học (Ethnic Studies) từ Đại học Berkeley của Nguyễn Vũ Khuyên viết về văn chương của Lê Thị Huệ.
Cô Khuyên không viết nhiều, thỉnh thoảng làm câu đối tết cho Gió-O, ký tên Khuyến. Nhưng chồng của cô, nhiếp ảnh gia NAT, tức Nguyễn Anh Trung và cũng là cựu sinh viên Đại học Berkeley đã có nhiều tác phẩm trên Gió-O.
Cô Khuyên hiện là Phó Giám đốc của Cesar Chavez Student Learning Center, UC Berkeley và anh Trung hiện là trưởng khoa toán của một đại học cộng đồng. Hôm nay họ là những nhân vật chính trong việc tổ chức sự kiện '20 Năm Nắn Net'.
Trí tuệ là ở chỗ có những người như thế đóng góp cho Gió-O, mà năm năm trước nhân kỷ niệm 15 năm đã có chủ đề 'Gió Oi' cũng thật là sáng tạo.
Nguồn hình ảnh, Bui Van Phu
Chụp lại hình ảnh,
Khách tham dự sinh hoạt của Gió-O hôm 19/12 tại ĐH Berkeley
Hôm nay, khách tham dự nghe nhà văn Vũ Hoàng Thư bàn về thể văn mà ông đã chọn khi đóng góp sáng tác cho Gió-O, đó là những bài tản mạn, chứ không phải tuỳ bút, bút ký hay tản văn. Ông đã truy tìm nghĩa gốc của chữ "tản" và chữ "mạn" trong cổ ngữ. Ông viết tản mạn là vì thích "khuynh hướng tự do và phóng khoáng, cảm nhận từ kinh nghiệm từng trải."
Vũ Hoàng Thư từng là sĩ quan hải quân của Việt Nam Cộng hoà, đến Mỹ năm 1975, tốt nghiệp ngành kỹ sư và hành nghề ở Mỹ. Đó là vài hàng tiểu sử ghi trong 'Tập thơ Ngày Nắn Net' mà Gió-O gửi tặng khách tham dự vào cuối chương trình.
Người yêu thơ tiếng Việt ngày nay là những ai? Qua tập thơ, bạn đọc sẽ gặp bài thơ 'Chiến thắng trên đường về' của Ngô Văn Tao (1942-2018), du học Pháp, tiến sĩ toán từng dạy toán ở nhiều đại học từ Paris qua Canada, Hoa Kỳ.
Hay thơ của Nguyễn Tư Phương, được giới thiệu là nhà thiền thơ, nhà chơi chứng khoán, chơi golf, thích nhà đẹp trên đồi Bắc California.
Phụ trách phần âm thanh cho buổi sinh hoạt, hôm nay Nguyễn Tư Phương cũng đọc mấy bài thơ thiền và cùng với Mây Lan diễn thơ của Lê Nghĩa Quang Tuấn (1964-2018).
Ngọc Quỳnh từ Las Vegas về dự cũng góp giọng thơ qua bài 'Mỵ nương sầu' và 'Mưa bên lối xưa'.
Thơ với tiếng sáo và giọng ngâm Mây Lan là một bài thơ của Thi Vũ viết về nỗi đau khi mẹ mất mà không thể về thọ tang. Diễn thơ có phong cách mới lạ của Tivonne Hà, với nhạc nền hiphop và rap.
Bài diễn thuyết có thể gây tranh luận là của Nguyễn Thụy Đan, nghiên cứu sinh tiến sĩ văn chương tại Đại học Columbia với câu hỏi: "Ai là người có quyền sở hữu quá khứ" khi ông nói về nền văn học Việt Nam Cộng hoà.
Sinh tại Mỹ, diễn giả trình bày bằng tiếng Việt đúng chuẩn mực. Ông nói khá dài về lịch sử thơ Đường, với Lý Bạch, Đỗ Phủ trước khi đi vào nền văn học miền Nam.
Ông nhắc bài thơ 'Chiều trên phá Tam Giang' của Tô Thuỳ Yên và nêu câu hỏi đó có phải là một bài thơ yêu nước. Cùng với bài 'Khi ta về', ông nói nhiều nhà phê bình cho rằng thơ Tô Thuỳ Yên là tiêu biểu cho nền văn học của Việt Nam Cộng hoà.
Diễn giả nhắc đến nhà thơ Phạm Ngọc Lư có một bài thơ cũng hay, nhưng bị mai một. Ông nhận định tác phẩm của Nguyễn Đình Toàn nặng nề hận thù và đen tối. Ông nhắc lại có những phê bình nhóm Sáng Tạo chỉ là những người viết thuê. Theo ông, thơ của Trần Hoài Thư, một tác giả vừa cầm súng vừa cầm bút mới thực là nền văn học Việt Nam Cộng hoà.
Bài nói chuyện của Nguyễn Thụy Đan đúng là một thách đố, như Gió-O chủ trương.
Trong sinh hoạt hôm nay, đặc biệt có sự góp mặt của ông Võ Văn Ái và bà Ỷ Lan Penelope Faulkner đến từ nước Pháp. Năm 1988, sinh viên Đại học Berkeley đã mời ông Ái đến nói chuyện về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Hôm nay ông trở lại đây để được Gió-O tuyên dương về những đóng góp của ông cho văn học hải ngoại và những vận động cho thuyền nhân, cho quyền làm người và tự do dân chủ cho đất nước Việt Nam.
Sau khi Lê Thị Huệ giới thiệu tiểu sử và hoạt động của ông Võ Văn Ái, bà Ỷ Lan, bằng tiếng Việt lưu loát đã kể lại quá trình hoạt động của ông Ái, tức Thi Vũ, vì là bạn đồng hành cùng ông trong các hoạt động cứu giúp thuyền nhân, tranh đấu cho tự do, nhân quyền cho Việt Nam.
Ông Võ Văn Ái (bìa trái) nhận tuyên dương từ Chủ biên Gió-O Lê Thị Huệ, bên cạnh là điều hợp viên Nguyễn Vũ Khuyên
Nguồn hình ảnh, Bui Van Phu
Chụp lại hình ảnh,
Ông Võ Văn Ái (bìa trái) nhận tuyên dương từ Chủ biên Gió-O Lê Thị Huệ, bên cạnh là điều hợp viên Nguyễn Vũ Khuyên
Bài nói chuyện của ông Võ Văn Ái về văn học Việt Nam, khi ông nhắc lại thắc mắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ 3 mới đây là vì sao Việt Nam không có tác phẩm văn học nổi tiếng.
Ông Ái nói đến những tác phẩm của Molière của Pháp mà cho đến nay cũng còn nhiều điều để nghiên cứu. Hay một bức tranh của Picasso vẽ thời chiến tranh bên Tây Ban Nha, cho đến hết thời độc tài của Franco mới được đưa về cố quốc.
Nhìn về Việt Nam, ông Ái ôn lại hai lần hội nghị văn hoá toàn quốc trước đây, cùng các chính sách văn hoá do Mao Trạch Đông chủ trương từ những năm 1940 mà Việt Nam cũng đã chọn làm tiêu chuẩn. Ông nhận định nền văn học Việt Nam là "văn học quân đội, văn học đồng phục" với đối tượng phục vụ là "nông công binh" và phải "phân biệt bạn thù rõ rệt", vì thế văn học Việt Nam đã không có tác phẩm lớn.
Gần 90 tuổi, ông Ái vẫn minh mẫn, nói chuyện mạch lạc không cầm giấy.
Từ trái: Nhiếp ảnh gia Đỗ Danh Đôn, hoạ sĩ Đinh Trường Chinh, nhà văn Lê Thị Huệ, thi sĩ Ngọc Quỳnh, thi sĩ Nguyễn Tư Phương, thi sĩ Mây Lan"
Chụp lại hình ảnh,
Từ trái: Nhiếp ảnh gia Đỗ Danh Đôn, hoạ sĩ Đinh Trường Chinh, nhà văn Lê Thị Huệ, thi sĩ Ngọc Quỳnh, thi sĩ Nguyễn Tư Phương, thi sĩ Mây Lan
Phần cuối chương trình là văn nghệ, với Nguyễn Đức Đạt đánh guitar hát một số ca khúc như 'Mây vô xứ' phổ thơ Đào Trung Đạo; thổi sáo đất sét, một nhạc cụ cổ của Trung Quốc bài 'Hận Đồ Bàn'. Ông cũng hát một ca khúc do chính ông sáng tác về đoàn người bỏ Sài Gòn về quê để tránh dịch Covid. Để tưởng nhớ ca nhạc sĩ Việt Dzũng qua đời ngày 20/12 cách đây 8 năm, ông hát 'Tôi muốn mời em về'.
Ca sĩ Thu Vàng góp tiếng với những bài hát của Phạm Duy, Huân Cung đệm ghi ta, là một giọng ngọt ngào, ấm áp cho một buổi chiều lạnh khi trời đang vào đông.
Kết thúc chương trình là phần kịch độc diễn của Xuyên Sơn Ca, của Nguyễn Thị Minh Ngọc là những cựu sinh viên kịch nghệ của Việt Nam Cộng hoà xưa. Đạo diễn và nhà soạn kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc là một tên tuổi trong làng kịch nghệ và phim ảnh, từng là học trò của đạo diễn Đặng Trần Thức.
Trong không khí tự do sinh hoạt văn học nghệ thuật, mọi người không khỏi ngậm ngùi khi nhắc đến quyền tự do sáng tác còn bị bóp nghẹt nơi quê nhà. Nhà văn Lê Thị Huệ nhắc đến bản án 9 năm dành cho Phạm Đoan Trang vì những lên tiếng qua các tác phẩm của cô. Chủ biên của Gió-O đã đọc thơ:
"Đi đi anh
Hoặc chúng ta sống
Hoặc chúng ta chết
Lịch sử không còn chỗ chờ đợi chúng ta
Đi đi anh
Nào phải chúng ta là những ra đi một mình
Sa trường đã ngập lụt
Máu và nước mắt
Triệu triệu tiếng chân người đồng hành
Hoặc tất cả chúng ta cùng sống
Hoặc tất cả chúng ta cùng chết."
Tranh sơn dầu “Một sớm mai” của Jacklyn Vy Trân (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Thơ Lê Nghĩa Quang Tuấn và nét vẽ của Hà Cẩm Tâm (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Bùi Văn Phú gửi đến BBC News Tiếng Việt từ California, Hoa Kỳ