Thiền sư Thích Nhất Hạnh và các gia đình phật tử trong một ngày lễ hội của Phật Giáp ở thiền viện Làng Mai, Thènac, Dordogne, Pháp, ngày 06/08/2004 AFP - DERRICK CEYRAC
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tu sĩ Phật giáo có ảnh hưởng lớn ở Việt Nam và thế giới đã viên tịch lúc 00 giờ ngày 22/01/2022 tại chùa Từ Hiếu, thành phố Huế, ở tuổi 95, theo thông báo của Tăng đoàn Làng Mai tại Pháp.
Chùa Từ Hiếu là nơi thiền sư Thích Nhất Hạnh bắt đầu nghiệp tu hành cách đây 80 năm. Ông sinh năm 1926 tại làng Thành Trung, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, trong một gia đình có 6 anh chị em. Tên khai sinh là Nguyễn Xuân Bảo, 16 tuổi xuất gia đi tu đến năm 25 tuổi trở thành nhà sư Nhất Hạnh.
Từ năm 1960, sư ông đã theo học tại đại học Princeton, Hoa Kỳ và giảng dạy thần học nhiều năm ở đại học Cornell Columbia. Năm 1966 nhà sư lập ra dòng tu Tiếp Hiện đồng thời thành lập nhiều thiền viện ở nhiều nước để truyền bá triết lý đạo Phật. Đây là quãng thời gian mà phương Tây biết đến vị tu sĩ Phật giáo này như một nhân vật tích cực hoạt động phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam.
Sau Hiệp định Paris được ký kết 1973, ông ở lại Pháp và lập ra Tu viện Làng Mai ở vùng Dordogne, tây nam nước Pháp, tiếp tục hành đạo, tu thiền, thuyết giảng đạo Phật và đã thu hút được đông đảo những thành phần tôn giáo, chính trị khác nhau ở Pháp cũng như nhiều nước khác.
Quan hệ của Thiền sư với chính quyền Việt Nam cũng trải qua nhiều thăng trầm, bị nhiều nghi kỵ, thậm chí nhà sư có lúc còn bị những cáo buộc vu khống về chính trị. Sau bốn chục năm hoạt động Phật giáo ở nước ngoài, năm 2005, thiền sư được chính quyền Việt Nam cho phép về thăm quê hương.
Sau đó, nhà sư tiếp tục các hoạt động tu tập và phổ biến đạo Phật, chủ yếu ở ngoại quốc. Năm 2014, thiền sư Thích Nhất Hạnh bị tai biến mạch máu não. Sau khi được điều trị sức khỏe tương đối ổn định tại Pháp, năm 2018, thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về chùa Từ Hiếu, Huế, tịnh dưỡng cho đến ngày cuối cùng cuộc đời trần thế.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh không chỉ nổi tiếng là một triết gia Phật Giáo có kiến thức uyên thâm ghi dấu ấn với khái niệm « Phật giáo dấn thân », theo đó đưa giáo lý Phật giáo vào đời sống xã hội, bao gồm cả chính trị, mà còn được biết đến như một nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu. Trong cả cuộc đời tu hành của mình, thiền sư đã để lại hơn 100 đầu sách về đạo và đời, bao gồm các lĩnh vực từ tôn giáo, tu tập, thiền, nghệ thuật sống, quan hệ xã hội… trong đó có hàng chục tác phẩm đã được dịch sang nhiều thứ tiếng và được độc giả quốc tế đón nhận.
Ở phương Tây, Thích Nhất Hạnh được đánh giá là một trong những thiền sư có ảnh hưởng nhất thế giới, một nhà triết học, thần học truyền bá những thông điệp từ bi, nhân bản để xóa bỏ hận thù, đã được nhiều cộng đồng lắng nghe.
Rất đông các hãng truyền thông quốc tế ngày hôm nay 22/01, đưa tin về sự ra đi của thiền sư Thích Nhất Hạnh với sự ngưỡng mộ một con người đã có nhiều đóng góp cho Phật giáo và hòa bình thế giới.
Theo RFI