NGHIỆP HAY ĐỊNH LUẬT ĐẠO ĐỨC NHÂN QUẢ
Thích Phước Sơn
Đức Phật trả lời vắn tắt: “Mỗi chúng sinh đều có nghiệp, nghiệp là sở hữu, là di sản, là nguyên nhân, là thân quyến, là chỗ nương tựa của nó. Nghiệp phân loại tất cả chúng sinh thành những tình trạng cao thấp.”
Chúng ta đang đương đầu với một thế giới hoàn toàn mất thăng bằng. Chúng ta nhận thấy sự bất bình đẳng giữa số phận đa dạng của loài người, và nhiều tầng lớp chúng sinh đang có mặt trong vũ trụ. Chúng ta thấy người này sinh ra trong một hoàn cảnh giàu sang, bẩm thụ những đức tính tâm lý đạo đức và thể chất tốt đẹp, còn người khác trong một cảnh ngộ nghèo nàn và khốn khổ. Có người đạo đức và thánh thiện, nhưng trái với sự mong đợi của y, y luôn luôn gặp phải những nỗi bất hạnh. Cuộc đời tàn nhẫn đi ngược hẳn với những kỳ vọng và ước nguyện của y. Mặc dù nếp sống của y chân thành và đầy đạo hạnh, y vẫn phải chịu nghèo khó khốn cùng. Kẻ khác đầy tội lỗi và ngu si, nhưng lại được số phận nuông chiều, được hưởng đủ mọi thứ ân huệ, dù tính tình đầy khuyết điểm lỗi lầm và những cách sống bất thiện, tà hạnh.
Chúng ta có thể hỏi, tại sao lại có người thấp kẻ cao? Tại sao người này bị giật khỏi đôi bàn tay mẹ hiền khi mới vừa chớm thấy một vài mùa hạ, còn người khác chết lúc hoa niên, hoặc vào lúc tuổi già 80 hay 100? Tại sao người này phải chịu đau yếu và tàn tật, còn người khác lại được khỏe mạnh và tráng kiện? Tại sao người này đẹp đẽ, còn người kia thì xấu xí dị hợm, bị mọi người ruồng rẫy? Tại sao người này được nuôi dưỡng trong cảnh xa hoa, còn người kia thì nghèo mạt, và chìm ngập trong nỗi khổ đau? Tại sao người này sinh ra đã là một triệu phú, còn người kia lại là một kẻ cùng đinh? Tại sao người này là một bậc trí tuệ, còn người kia là kẻ ngu đần? Tại sao người này bẩm sinh có những đức tính thánh thiện, còn người kia lại có những khuynh hướng phạm tội? Tại sao một số người đã thành những nhà ngữ học, toán học, nghệ sĩ, nhạc sĩ ngay từ lúc còn nằm trên nôi, còn một số người khác mới sinh ra đã bị mù, điếc và tàn tật? Tại sao một số người sinh ra được may mắn hạnh phúc, còn những người khác lại chịu bất hạnh rủi ro từ lúc mới chào đời?
Đấy là một số vấn đề thường gây hoang mang trong trí óc của mọi người có suy tư. Chúng ta phải giải thích như thế nào về sự mất thăng bằng của thế giới, và sự bất bình đẳng của nhân loại như vậy? Phải chăng đó là do tác động của số phận rủi may hay chỉ là chuyện tình cờ?
Không có một việc gì trong thế giới này xảy ra do sự rủi may vô tình hay bất ngờ cả. Nếu cho rằng bất cứ điều gì xảy ra đều do may rủi, thì không khác gì bảo rằng cuốn sách này tự nó đến đây. Nói đúng ra, không có bất cứ điều gì xảy ra cho con người mà không dính dáng vì lý do này hay lý do khác.
Phải chăng việc này là mệnh lệnh hay quyền lực của một đấng hóa công vô trách nhiệm?
Husley viết: “Nếu chúng ta phải giả định rằng ai đó đã cố ý làm chuyển động thế giới kỳ diệu này thì tôi thấy rõ ràng là vị ấy không toàn thiện, chí công vô tư, theo đúng bất cứ ý nghĩa nào có thể chấp nhận được của các từ này, trái lại vị đó thực là độc ác, bất công”.
Theo Einstein (1879-1955)[1] thì: “Nếu đấng Thượng đế này toàn năng, thì tất cả những gì xảy ra, bao gồm cả hành động, tư tưởng, tình cảm và khát vọng của con người cũng đều là công trình của Ngài, tại sao lại bắt mọi người phải chịu trách nhiệm về những hành vi, tư tưởng của họ trước một đấng toàn năng như thế?
Trong khi ban phát những sự trừng phạt và tưởng thưởng, đồng thời Ngài phải xét xử chính mình theo một mức độ nào đó. Điều này làm sao có thể phù hợp được với đức chí thiện và công chính thường gán cho Ngài?
Theo những nguyên lý thường học thì con người được tạo ra một cách vũ đoán trái với ý muốn của mình, và ngay từ lúc mới sinh, hoặc là kẻ đó được hưởng phước, hoặc là bị đày đọa vĩnh viễn. Vì thế, con người hoặc là thiện, hoặc là ác, may mắn hoặc bất hạnh, cao thượng hoặc thấp hèn, ngay từ bước đầu trong quá trình sáng tạo thể chất của nó cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, bất kể đến những ý muốn cá nhân, những ước nguyện, kỳ vọng, sự phấn đấu hoặc là những lời cầu xin thành kính của nó. Đó chính là thuyết định mệnh của thần học.”(Spencer Lewis)[2]
Charles Bradlaugh (1833- 1891)[3] nói: “Sự có mặt của điều ác là khối chướng ngại khủng khiếp cho nhà thần học. Đau thương, thống khổ, tội ác, bần cùng vẫn đối mặt với người bênh vực cái thiện vĩnh cửu và thách thức mãnh liệt mà không thể giải đáp trước lời tuyên bố của vị ấy về Thượng đế như là một đấng toàn thiện, toàn trí và toàn năng.”
Theo lời Schopenhauer: “Kẻ nào tự cho mình đã hình thành từ cái “không” thì cũng phải nghĩ rằng y lại trở về với cái “không”; bởi vì có một khoảng thời gian vô tận đã trôi qua trước khi y hiện hữu, rồi một khoảng thời gian vô tận khác lại bắt đầu, qua đó y không bao giờ ngừng hiện hữu, đó là thứ tư tưởng quái gở.
“Nếu sinh la økhởi điểm tuyệt đối, thì chết phải là chung cục tuyệt đối, và giả định rằng con người được tạo ra từ cái “không”, tất nhiên dẫn đến giả thuyết: “Cái chết là kết thúc hoàn toàn.”
Bình luận về nỗi đau khổ của con người và Thượng đế, giáo sư F.B. Haldane[4] viết: “Có hai giả thuyết: Hoặc khổ đau là điều kiện cần thiết để hoàn thiện nhân cách, hoặc Thượng Đế không phải là đấng toàn năng. Giả thuyết trước bị bác bỏ vì thực tế có một số người ít chịu khổ đau, nhưng lại được may mắn về dòng dõi gia tộc và đường học vấn, nên có được những đức tính rất tốt đẹp. Lý lẽ phản đối giả thuyết thứ hai là chỉ khi nào nói đến vũ trụ như một thể đồng nhất, thì mới có một kẽ hở nào đó trong tri thức cần phải được lấp đầy bằng giả thuyết có một Thượng đế, và một đấng Tạo hóa để có thể làm những gì vị ấy muốn.”
Huân tước Russell (1872-1970) nhận định: “Người ta bảo rằng thế giới do một đấng Thượng đế toàn thiện, toàn năng sáng tạo. Trước khi sáng tạo Ngài đã thấy trước tất cả những đau thương, thống khổ mà thế giới ấy phải chịu đựng. Do thế, Ngài phải chịu trách nhiệm đối với tất cả những thứ đó. Cứ lý luận rằng những đau khổ trong thế giới là do tội lỗi thì thật là hoài công… Nếu Thượng đế biết trước những tội lỗi mà con người sẽ phạm thì cố nhiên Ngài phải chịu trách nhiệm về tất cả những hậu quả của tội lỗi ấy khi Ngài quyết định sáng tạo con người.”
Trong bài thơ “Tuyệt vọng” làm ra vào lúc tuổi già của mình, Nam tước Tennyson[5] đã mạnh bạo công kích Thượng đế về lời phán của Ngài như đã được ghi trong Thánh kinh Isaiah: “Ta làm nên hòa bình và tạo ra tội ác” (Isaiah XIV.7):
“Tôi phải gọi cái tình yêu vô biên đã phụng sự chúng ta thật chu đáo đó là gì?
Đúng hơn là lòng độc ác vô biên đã tạo ra địa ngục bất tận.
Đã tạo ra chúng ta, đã dự liệu số phận chúng ta, đã đày đọa chúng ta trước và còn làm tất cả cái chi theo ý muốn của mình.
Hơn nữa, bà mẹ tàn nhẫn đã chết của chúng ta, bà chưa bao giờ nghe chúng ta rên siết?
Chắc chắn “Giáo lý chủ trương tất cả loài người đều là những kẻ có tội tổ tông Adam, là một lời thách thức đối với công lý, từ bi, nhân ái và công bằng tuyệt đối.”
Một số văn sĩ ngày xưa tuyên bố một cách quả quyết rằng Thượng đế đã tạo ra con người theo hình ảnh của Ngài. Trái lại, một số nhà tư tưởng hiện đại thì cho rằng con người tạo ra Thượng Đế theo hình ảnh của mình. Với sự tiến bộ của văn minh, quan niệm của con người về Thượng đế cũng ngày càng trở nên tinh vi hơn.
Tuy nhiên, chúng ta không thể quan niệm có một đấng Hữu thể như vậy, hoặc là ở trong hoặc là ở ngoài vũ trụ.
Phải chăng sự sai khác này là do di truyền và hoàn cảnh? Chúng ta phải thừa nhận rằng tất cả những hiện tượng vật lý hóa học do các nhà khoa học phát minh là có phần nào hữu ích, nhưng chúng không thể hoàn toàn chịu trách nhiệm về những phân biệt tế nhị và những khác nhau rộng lớn giữa các cá nhân. Còn nữa, tại sao hai đứa trẻ sinh đôi cùng giống nhau về sinh lý, được truyền thụ những di tố như nhau, cùng hưởng quyền nuôi dưỡng giống nhau, lại thường rất khác nhau về tính tình, đạo đức và tri thức?
Chỉ riêng tính di truyền thôi không thể giải thích được những dị biệt lớn như vậy, đúng ra, nó chỉ giải thích một cách có vẻ hợp lý những sự giống nhau. Một mầm sống sinh hóa cực kỳ vi tế chừng một phần 30 triệu phân được thừa hưởng từ cha mẹ, chỉ có thể giải thích một phần của con người về cơ bản sinh lý của nó. Đối với tâm lý phức tạp và tế nhị hơn, những khác biệt về tri thức đạo đức, cần phải được làm sáng tỏ hơn nữa. Thuyết di truyền không thể giải thích thỏa đáng sự ra đời của một kẻ tội phạm trong một dòng dõi tổ tiên nhiều đời cao quí, sự xuất hiện một bậc Thánh hoặc một người cao thượng trong gia đình nổi tiếng bất lương, sự xuất hiện của những thần đồng, những bậc thiên tài và những đấng giáo chủ vĩ đại.
Theo Phật giáo, sự sai biệt này không chỉ do di truyền, hoàn cảnh, bẩm sinh và dưỡng dục, mà còn do nghiệp của chính chúng ta, nói cách khác, do kết quả của những hành động quá khứ được thừa hưởng, và những hành vi hiện tại của chúng ta. Chính chúng ta phải chịu trách nhiệm về những hành động của chúng ta về hạnh phúc và đau khổ. Chúng ta xây nên địa ngục của chúng ta. Chúng ta là kiến trúc sư của số phận chúng ta. Tóm lại, chúng ta chính là nghiệp (Kamma) của chúng ta.
Một dịp nọ, có một thanh niên tên Subha đến gần đức Phật và hỏi Ngài tại sao và do đâu trong loài người có những trình độ thấp hèn và cao sang khác nhau.
Y nói: “Vì sao tôi thấy trong loài người có kẻ đoản mạng, người trường thọ, kẻ khỏe mạnh, người ốm đau, kẻ xinh đẹp, người xấu tướng, kẻ uy quyền, người cô thế, kẻ nghèo nàn, người giàu có, kẻ hạ lưu, người quí tộc, kẻ ngu dốt, người thông minh?.”
Đức Phật trả lời vắn tắt: “Mỗi chúng sinh đều có nghiệp, nghiệp là sở hữu, là di sản, là nguyên nhân, là thân quyến, là chỗ nương tựa của nó.
Nghiệp phân loại tất cả chúng sinh thành những tình trạng cao thấp.”
Rồi Ngài giải thích rằng nguyên nhân những sai biệt như thế là do định luật luân lý nhân quả.
Như vậy, theo quan điểm của đạo Phật, sự khác nhau về tâm lý, tri thức, đạo đức và tính tình hiện tại giữa chúng ta, là chính những hành động và những xu hướng của chúng ta, gồm cả quá khứ và hiện tại.
Nghiệp nghĩa đen là hành động, nhưng theo nghĩa rốt ráo, nó là những tâm sở thiện và ác (Kusala Akusala cetana). Nghiệp tạo nên cả thiện và ác. Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác; đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Đó là định luật của nghiệp.
Một số người Tây phương thích nói đến nghiệp như là “hành động gây hậu quả.”
Chúng ta gặt những gì chúng ta đã gieo. Những gì chúng ta đã gieo, chúng ta sẽ gặt vào một lúc nào đó, tại một nơi nào đó. Theo một nghĩa khác, chúng ta là kết quả của những gì chúng ta đã làm, và chúng ta là kết quả của những gì chúng ta đang làm, và chúng ta cũng không tuyệt đối sẽ là kết quả của những gì chúng ta đang làm. Ví dụ, một kẻ tội phạm hôm nay, ngày mai có thể là một vị thánh.
Phật giáo gán sự thay đổi này cho nghiệp, nhưng không khẳng định tất cả đều do nghiệp. Nếu tất cả đều do nghiệp thì một người phải mãi mãi xấu, vì nghiệp của y xấu. Thế thì người ta không cần hỏi ý kiến y sĩ để được chữa bệnh, vì nếu nghiệp của y là như thế, thì y sẽ tự chữa lấy.
Theo Phật giáo, có năm cấp độ hay quá trình tác động trong lãnh vực sinh lý và tâm lý:
1. Cấp hành động và kết quả (Kamma Niyàma), ví dụ những hành vi thiện ác tạo ra những kết quả thiện ác tương xứng.
2. Cấp vật lý vô cơ (Utu Niyàma), ví dụ hiện tượng thời tiết gió mưa.
3. Cấp chủng tử hay mầm mống (Bìja Niyàma) (hữu cơ), ví dụ gạo từ hạt thóc sinh ra, vị ngọt từ cây mía hay mật tạo ra v.v… thuyết khoa học về tế bào, chủng tử và sự giống nhau về sinh lý của hai đứa trẻ sinh đôi có thể quy về cấp này.
4. Cấp tâm thức hay định luật tâm thần (Citta Niyàma), ví dụ quá trình của ý thức, năng lực của tâm v.v...
5. Cấp quy luật tự nhiên (Dhamma Niyàma), ví dụ hiện tượng tự nhiên xảy ra vào lúc một vị Bồ Tát xuất hiện trong kiếp cuối cùng, dẫn lực v.v...
Tất cả mọi hiện tượng tâm lý hay vật lý đều có thể giải thích bằng 5 cấp độ hay năm quá trình này, đó chính là những định luật.
Do đó, nghiệp chỉ là một trong 5 cấp độ thường xảy ra khắp trong vũ trụ. Đó chính là định luật tự nhiên, chứ không phải có người ban ra luật. Thông thường những định luật thiên nhiên như trọng luật không cần có người ban ra. Định luật này tác động trong lãnh vực của nó, không do một động cơ độc lập ngoại tại nào can thiệp.
Ví dụ, không ai ban luật lửa phải cháy. Không ai ra lệnh nước phải tìm đúng mức thăng bằng.
Không có nhà khoa học nào ra lệnh nước phải là H2O, và khí lạnh phải là một trong những đặc tính của nước. Đó là những tính chất riêng của chúng. Nghiệp không phải là số phận, cũng không phải là định mệnh đặt vào chúng ta bằng một quyền lực thần bí không thể biết, khiến chúng ta phải phục tùng. Vì nó chính là hành động của chính mình tác động lại chính mình, và do đó, người ta có thể đổi chiều hướng đường đi của nghiệp đến một mức độ nào đó. Việc người ta đổi chiều đến mức độ nào còn tùy thuộc vào chính bản thân họ.
Cũng cần phải nói rằng các từ ngữ như thưởng phạt không được đưa vào trong những lúc bàn đến vấn đề nghiệp. Vì đạo Phật không thừa nhận một Thượng đế toàn năng cai trị thần dân của Ngài để thưởng phạt tùy tiện. Trái lại, người Phật tử tin rằng những khổ vui mà chúng ta cảm nhận đều tự nhiên phát xuất từ những hành vi thiện ác của chính mình. Cần phải nhận định rằng nghiệp bao gồm cả nguyên lý tiếp diễn và đáp ứng.
Khả năng sinh ra kết quả của nghiệp, có sẵn trong nghiệp. Nguyên nhân sinh ra kết quả; kết quả giải thích nguyên nhân. Hạt sinh ra quả; quả giải thích hạt, vì chúng có quan hệ hỗ tương. Cũng thế, nghiệp và kết quả của nghiệp hỗ tương quan hệ: “quả chớm nở từ trong nhân.”
Một Phật tử hoàn toàn tin tưởng vào thuyết nghiệp báo thì không cầu người khác cứu giúp mà chỉ vững lòng trông cậy vào chính mình để tự thanh tịnh hóa, vì thuyết nghiệp dạy trách nhiệm thuộc về cá nhân.
Chính thuyết nghiệp báo này đem đến cho người ấy sự an ủi, niềm hy vọng, lòng tự tin và sức mạnh tinh thần. Chính lòng tin vào nghiệp này “xác định giá trị nỗ lực của người ấy, kích thích lòng hăng hái của người ấy”, làm cho người ấy luôn luôn từ bi, bao dung và quan tâm đến kẻ khác. Cũng chính lòng tin vào nghiệp này thúc đẩy người ấy tránh điều ác, làm việc thiện và trở nên thiện không vì lo sợ một hình phạt nào hay do một phần thưởng nào cám dỗ.
Chính thuyết nghiệp này có khả năng giải thích được vấn đề đau khổ, điều bí ẩn của cái gọi là định mệnh hay là tiền định của các Tôn giáo khác, đặc biệt là sự bất bình đẳng của nhân loại.
Thuyết nghiệp báo và tái sinh phải được thừa nhận như là điều hiển nhiên.
***
________________________________________
[1]. Einstein (1879-1955): Nhà vật lý học người Đức, gốc Do Thái, sáng lập thuyết tương đối (theories of relativity), đoạt giải Nobel vật lý năm 1921.
[2]. Spencer (1830-1903): Triết gia người Anh, ông áp dụng khoa học tự nhiên và tâm lý học để trình bày triết học.
[3]. Bradlaugh (1833-1891): Nhà cải cách xã hội người Anh, tranh đấu cho phụ nữ.
[4]. Haldane (John Bardon Sanderson Haldane,?-1892): Nhà khoa học Anh rất nổi tiếng về phương pháp áp dụng toán học vào sinh vật học.
[5]. Lord Tennyson (1802-1892): Thi sĩ người Anh, từng đoạt giải thưởng. Ông đả kích Thượng đế và bảo rằng: “Tôi tạo ra việc thiện cũng như việc ác”.