Một buổi lễ tốt nghiệp tưng bừng tại trường Đại Học Sư Phạm 2 ở Hà Nội “hệ chính quy”. Tin cho hay sinh viên theo học ngành sư phạm không kiếm được việc làm. Muốn có chỗ dạy phải hối lộ. (Hình: Website Đại Học Sư Phạm Hà Nội 2)Báo mạng Việt Nam Net trích dẫn thư của hàng trăm bạn đọc tự xưng là thầy cô giáo và sinh viên sư phạm mới ra trường còn đang thất nghiệp, bác bỏ nguồn tin nói các trường đang thiếu giáo viên. Họ cho rằng thực tế cho thấy, hàng ngàn sinh viên đã tốt nghiệp trường đại học sư phạm đang "chờ dài cổ mà không tìm ra việc." Tình trạng này, theo Việt Nam Net, đang lan rộng tại nhiều tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa, Đồng Tháp, Đắk Lắk, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Bình…
Việt Nam Net dẫn lời bà Trịnh Thanh, cư dân tỉnh Đồng Tháp gay gắt cho rằng "sinh viên sư phạm ra trường đang chờ việc "đem đi làm mắm còn không hết." Bà Trịnh Thanh còn tiết lộ rằng, các sinh viên sư phạm muốn có một chỗ dạy "khiêm nhường" thì phải có sẵn không dưới 20 triệu, tương đương 1,000 đô, để may ra…
Ông Nguyễn Lâm, cư dân miền Bắc không đồng tình với con số 20 triệu đồng "phí tìm việc" của sinh viên sư phạm tại tỉnh Đồng Tháp. Ông này cho rằng, "giá một chân dạy học" ở miền Bắc là 150 triệu đồng, tương đương 7,500 đô, trong khi ở miền Nam thì… rẻ hơn, khoảng 100 triệu đồng, tương đương 5,000 đô.
Một người khác, cho biết tên Nguyễn Huy, còn quả quyết rằng ở quê ông, học sư phạm về chỉ biết đi… cắt cỏ. Ông xác nhận đã "đi mòn chân mà không tìm được chỗ dạy, dẫu chỉ là việc giảng dạy không thường xuyên." Ông Huy nói: "Mỗi trường học một năm chỉ cần vài giáo viên, nhưng lại nhận đến hàng ngàn hồ sơ xin việc."
Trong khi đó, theo một sinh viên tốt nghiệp đại học Sư Phạm Sài Gòn, tình trạng thất nghiệp của sinh viên ngành sư phạm đã diễn ra gần chục năm nay, chứ không còn mới mẻ. Ông Nguyễn Văn Mến cho biết, sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp nhiều đến nổi phải xin dạy trường tư hoặc chấp nhận làm nghề khác, nếu không muốn "ngồi không." Theo ông, ban Sư phạm ngữ văn của trường đại học Sư phạm khóa 35 có 85 sinh viên tốt nghiệp trong năm 2013. Tuy nhiên, tính đến nay, chỉ mới có 25 người tìm được việc làm đúng với ngành nghề, sở trường của mình.
Tình trạng "nhức nhối" này cũng đã diễn ra tại tỉnh Lạng Sơn từ nhiều năm nay. Ông Phạm Đặng, cư dân Lạng Sơn cho biết, liên tiếp 7 năm qua, trường Cao đẳng Sư Phạm tỉnh này đã đào tạo khoảng 300 sinh viên. Tuy nhiên, cũng từ đó đến nay, ngành giáo dục tỉnh Lạng Sơn chỉ tuyển mộ khoảng… 20 thầy cô giáo.
Trước đó, Sở Giáo dục Sài Gòn báo tin, riêng trong năm học mới 2013 - 2014, thiếu khoảng 1,200 giáo viên cho các trường mầm non, tiểu học và trung học cấp hai. Các địa phương thiếu thầy cô giáo gồm các quận, huyện: Bình Tân, Củ Chi, Bình Chánh, 8, Thủ Đức, 4, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Hóc Môn, Nhà Bè…
Tuy nhiên, theo báo Thanh Niên, ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục Sài Gòn than "không tuyển được thầy cô giáo, trong khi sinh viên sư phạm ra trường thì… đầy, chỉ vì họ không có hộ khẩu tại Sài Gòn."
Theo báo Người Việt