Vào một ngày Sabát kia, Chúa Giêsu được một ông thủ lãnh nhóm người Pharisiêu mời đến dùng bữa; họ cố ý dò xét Ngài. Thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất mà ngồi; nhân dịp ấy, Chúa Giêsu đã đưa ra lời khuyên đối với người mời và người được mời.
Với người được mời thì Ngài bảo: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: Xin anh nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người mời anh phải đến nói: Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn.” Và Ngài kết luận: “Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
Với người mời khách, thì Ngài bảo: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng kêu bạn bè, anh em hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ”, và Ngài kết luận: “như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”.
Tính kiêu ngạo tự đánh giá cao về mình, tự mình bằng lòng với ý kiến riêng của mình. Tính khoe khoang cần đế ý kiến của người khác; và cả hai đều lấy mình để so sánh với người khác. Đó là hai nét đặc trưng của người kiêu ngạo.
Cách hành xử của người mời và người được mời mà Chúa Giêsu đưa ra, gộp chung lại thành tính chất của một người kiêu ngạo: Người được mời tự đánh giá cao về mình, nên tranh nhau ngồi chỗ nhất; người mời muốn khoe khoang phô trương gia thế, điạ vị của mình, nên chỉ mời những người danh gía, có địa vị hay người thân thiết.
Người Pharisiêu và người thu thuế, cả hai lên đền thờ cầu nguyện. Người Pharisiêu đứng riêng một mình. Ông kể lể: Lạy Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao người khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hay như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập cuả con”.
Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí, chẳng dám ngước mắt lên rời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “ Lạy Chúa, xin thương xót con, con là kẻ tội lỗi”.
Và một lần khác, khi Chúa Giêsu đang dùng bữa trong nhà, thì nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Ngài và các môn đệ. Thấy vậy, người Pharisiêu nói với các môn đệ: “ Sao thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và người tội lỗi như vậy?”.
Chúa lên án những người kiêu ngạo, giả hình: “Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi nơi công cộng và được thiên hạ gọi là rapbi., nhưng Ngài lại khuyên: “ Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng.”
Còn ai so sánh được với Thiên Chúa, thế mà Ngài lại sống khiêm nhường. Ngài cho con người biết mình là ai, Ngài không phô trương nhưng nói và làm theo thực chất của Ngài, và Ngài khuyên chúng ta học cùng Ngài sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng.
Khiêm nhường trong lòng là đánh giá đúng thực chất của mình. Khiêm nhường trong lòng khác với khiêm nhường bên ngoài, khiêm nhường giả hiệu:
Câu nói của Chúa Giêsu: “Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” đã trở thành một câu châm ngôn trong cuộc sống đời thường cũng như trong đời sống thiêng liêng. Nhưng người ta lại lợi dụng câu nói ấy để tâng bốc mình lên gấp đôi.
Trong số những người được mời dự tiệc, có mười người là những nhân vật danh giá. Ai cũng tìm chỗ rốt mà ngồi; người chủ tiệc phải vất vả mời hết người này đến người khác lên chỗ trên. Họ thực tâm với lòng mình hay lợi dụng câu nói của Chúa để tâng bốc mình lên gấp đôi gấp ba!
Kiêu ngạo là cướp công, cướp vinh danh của Chúa làm của riêng mình thì khiêm nhường không đúng mức lại là phủ nhận ân huệ của Thiên Chúa.
Được giao phó một nhiệm vụ, một công việc mà thoái thác là trốn tránh trách nhiệm, thiếu bổn phận, thiếu bác ái. Người kiêu ngạo tự phụ, tự đắc về khả năng của mình, kinh khi kẻ khác, khoe khoang, như thế là thiếu bác ái, đố kỵ, ganh ghét hơn thua, là lừa gạt chính mình.
Con người có quyền tự hào về những gì mình có, nhưng tự hào trong Thiên Chúa, vì tất cả là do Thiên Chúa như thánh Phaolô đã viết: “Ai tưởng mình là gì mà kỳ thực không là gì hết, thì là lừa gạt chính mình. Mỗi người hãy xem xét việc làm của chính mình, và bây giờ sẽ có lý do để hãnh diện vì chính mình, chứ không phải vì so sánh với người khác.”
Đánh giá mình quá mức là kiêu ngạo, nhưng đánh giá mình đúng mức thì lại là khiêm nhường. Có thì nói có, không thì nói không.
“Dựa vào ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi, tôi xin nói với từng người trong anh em rằng: đừng đi quá mức khi đánh giá mình, nhưng hãy đánh giá mình cho đúng mức, mỗi người tùy theo lượng đức tin Thiên Chúa đã ban phát cho”. Đánh giá mình không đúng mức chưa hẳn đã là khiêm nhường đích thực, nhưng có khi lại là kiêu ngạo trá hình!
Đánh giá mình đúng mức là nhận ra những gì mình có nơi chính mình là do đâu? do chính bản thân mình hay do lượng đức tin mà Thiên Chúa đã ban cho? Như thế, chúng ta có quyền tự hào, nhưng tự hào trong đức tin. Tự hào trong đức tin không phải là sự kiêu ngạo phô trương, tự đắc về mình, nhưng về Đấng đã ban cho chúng ta những gì mình có.
Khiêm tốn thực sự là mẹ của mọi nhân đức, thì kiêu ngạo lại là cội nguồn của mọi tội lỗi!
Sách Huấn ca đã dạy “Hỡi con, con hãy thi hành công việc cách hiền hoà, thì con sẽ được người đẹp lòng Chúa quý chuộng. Càng làm lớn, con càng phải hạ mình trong mọi sự, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa; vì chỉ có một mình Chúa có quyền năng cao cả, và mọi người khiêm nhường phải tôn vinh Chúa. Tai họa dành cho kẻ kiêu căng thì vô phương cứu chữa, vì mầm mống tội lỗi đã ăn sâu vào lòng chúng mà chúng không biết.
Lời nhắn nhủ của Chúa: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”, vẫn mãi là một bài học cho mỗi người trong suốt cuộc sống của mình.
LM. Trịnh Ngọc Danh