logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 03/08/2022 lúc 11:22:09(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Có bạn nêu thắc mắc: người viết đã nhiều lần nhắc tới câu nói của Thiền Tông rằng “Ba cõi là tâm” – vậy thì, có liên hệ gì tới Duy Thức Học? Và tâm có phải là thức? Và tại sao Thiền sư Việt Nam thường nói “vô tâm thị đạo”? Trước tiên, xin chân thành trả lời ngắn gọn, rằng, “Không dám nói là biết chính xác. Cũng không dám nói ý riêng. Nơi đây sẽ đọc lại kinh để trả lời.” Bài này sẽ tìm cách trả lời khác đi, theo một cách thực dụng, để khảo sát về tâm, về ý, về thức, và về vài cách có thể tương ưng trên đường tu giải thoát.
Cũng cần phải thanh minh rằng, người viết không bao giờ tự nhận là giáo sư, giảng sư, thầy dạy, hay bậc đàn anh trong đạo. Do vậy, tất cả những dòng chữ nơi đây đều nên xem là không có thẩm quyền, và cần được độc giả dò xét, thử nghiệm. Thêm nữa, trong khi những chữ này được gõ lên nơi đây, chỉ là do duyên mà chữ hiện lên, và người viết luôn luôn nhớ lời Đức Phật dạy rằng không hề có ai đang gõ; cũng như chỉ có những dòng chữ đang được đọc, và không hề có ai đang đọc. Người viết luôn luôn viết trong tinh thần như thế, trong khi đạo văn, trộm lời Phật và ý Tổ để chia sẻ.

Tâm luôn luôn có mặt: tâm tịch diệt, ly tham ái là Niết bàn

Trước tiên, nên thấy rằng tâm luôn luôn có mặt, khi chưa giải thoát thì gọi là tâm hữu lậu, khi đã giải thoát sẽ được gọi là tâm vô lậu (unconditioned mind) và còn được gọi là Niết Bàn. Tâm vô lậu là tâm lìa sinh diệt. Tâm hữu lậu là tâm còn sinh diệt. Không nên gọi hai tâm đó là một, hay hai, hay khác.

Trong Kinh Pháp Cú, hai bài Kệ 153 và 154, ghi lời Đức Phật, bản dịch của Thầy Minh Châu:
“153. Lang thang bao kiếp sống. Ta tìm nhưng chẳng gặp, Người xây dựng nhà này, Khổ thay, phải tái sanh.”
“154. Ôi! Người làm nhà kia. Nay ta đã thấy ngươi! Ngươi không làm nhà nữa. Đòn tay ngươi bị gẫy, Kèo cột ngươi bị tan. Tâm ta đạt tịch diệt, Tham ái thảy tiêu vong.”

Nơi dòng cuối, khi Đức Phật nói, “Tâm ta đạt tịch diệt,” nghĩa là Tâm đã vào cảnh giới Niết Bàn, nhưng tâm vẫn còn đó, vẫn đang nhìn thấy “tham ái đều tiêu vong” rồi. Nghĩa là, đã giải thoát rồi, vẫn còn tâm; tâm có mặt và an vui với tịch diệt Niết Bàn. Đó là cảnh giới Niết bàn hữu dư, còn về Niết bàn vô dư thì lìa ngôn ngữ, kinh văn không giải thích rõ. Tịch diệt là không còn lậu hoặc nào đâu nữa. Duyên khởi cho bài Kệ 154 là khi Đức Phật ngồi dưới gốc cây bồ đề, từ chỗ suy nghiệm về lý Duyên khởi, đã thấu suốt Tứ Diệu Đế, từ đó nhận ra Bát Chánh Đạo dẫn tới giải thoát, đạt được Giác ngộ Vô thượng. Khi thành tựu Phật quả, Đức Phật đọc hai bài thơ ngắn, đời sau ghi vào Kinh Pháp Cú, thành 2 bài Kệ trên.

Tất cả các dịch giả tiếng Anh đều dịch chữ “tâm” đó là “the mind” – hình như chưa thấy vị nào dịch với chữ khác. Chỗ này, cũng nên ghi rằng, tuy rằng Tâm có mặt cả khi Niết Bàn tịch diệt, không nên nghĩ rằng tâm đó là cái gì độc lập, hay không độc lập, vì đó là nơi xa lìa lý luận của thế gian. Ngay cả khi các Thiền sư ưa nói “Vô tâm thị đạo” cũng không có nghĩa là vắng mặt tâm, mà chỉ có nghĩa là “cái nhìn tỉnh thức đang thấy rằng tâm vô tâm, rằng đó là đạo” – nghĩa là, tâm không chết, và không sinh. Ngắn gọn là lìa sinh diệt. Chư Tổ gọi là bản tâm, vốn không sinh, không diệt.


Đức Phật: thức là hột giống sinh tử, thức diệt là giải thoát

Bây giờ nói về thức (consciousness). Trong nhiều Kinh, Đức Phật nói rằng khi thức diệt, là giải thoát. Như trong Kinh SN 12.65, Đức Phật ndạy, theo bản dịch Thầy Minh Châu:

“Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: “Do cái gì không có mặt, sanh không hiện hữu? Hữu không hiện hữu? Thủ không hiện hữu? Ái không hiện hữu? Thọ không hiện hữu? Xúc không hiện hữu? Sáu xứ không hiện hữu? Danh sắc không hiện hữu? Do cái gì diệt, danh sắc diệt?”
Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: “Do thức không có mặt, danh sắc không hiện hữu. Do thức diệt nên danh sắc diệt”…” (1)

Nghĩa là, cần phải cho thức tiêu vong. Trong Kinh AN 3.76, Đức Phật cũng dạy rõ, nói rằng thức là hột giống của luân hồi sanh tử, theo bản dịch của Thầy Minh Châu:
“Như vậy, này Ananda, nghiệp là thửa ruộng, thức là hột giống, ái là sự nhuận ướt. Chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái trói buộc, nên thức được an lập trong giới thấp kém. Như vậy, trong tương lai có sự tái sanh sanh khởi. Như vậy, này Ananda, hữu có mặt.” (2)


Tâm, ý và thức: như khỉ chuyền cành


Tới đây, sẽ có thêm một chữ có thể làm chúng ta bối rối. Đó ba chữ có nghĩa gần nhau: tâm, ý, thức.
Trong Kinh SN 12.61, trong đoạn văn dẫn sau, bản dịch của Thầy Minh Châu, chữ tâm nơi đây là tâm hữu lậu, tâm chưa giải thoát, cho nên tâm chuyển biến y hệt khỉ chuyền cành, nên nghĩa ba chữ này gần nhau, trích:

“Này các Tỷ-kheo, ví như một con khỉ trong khi đi lại trong rừng núi, nắm lấy một nhành cây, bỏ nhành cây ấy xuống, nó nắm giữ một nhành khác. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cái gọi là tâm, là ý, là thức này cả đêm và ngày, khởi lên là khác, diệt đi là khác.” (3)

Cách dịch tiếng Anh của các học giả cũng hơi khác, cho ba chữ “tâm, ý, và thức.”
Bản gốc tiếng Pali là: “citta, mano, and viññāṇa.
Bản dịch của Bodhi là: which is called ‘mind’ and ‘mentality’ and ‘consciousness’ (chữ mentality gần chữ niệm, suy nghĩ, tư lường).
Bản dịch của Sujato là: which is called ‘mind’ or ‘sentience’ or ‘consciousness’ (chữ sentience gần với chữ cảm xúc, cảm thọ).
Bản dịch của Thanissaro: what's called 'mind,' 'intellect,' or 'consciousness'. (gần với ngài Bodhi).
Bản dịch của K. Nizamis: called ‘mind’, or ‘thought’, or ‘consciousness’. (tâm, niệm, thức).

Theo ghi chú của Nizamis, theo các luận sư A Tỳ Đàm, ba chữ này gần như đồng nghĩa (in support of the stereotypical Abhidhamma view that the terms citta, mano, and viññāṇa are somehow “synonymous”).

Nizamis giải thích, trích: “Khi nói rằng ba chữ này “thuần đồng nghĩa” là cách nói rất thô sơ, kiểu như nói rằng các chữ “hơi nước”, “chất lỏng”, và “băng” đều là những chữ “thuần đồng nghĩa.” Điều chắc chắn rằng cả ba chữ đều chỉ về các hình thức của “nước”; nhưng sẽ sai một cách đơn giản nếu nói rằng chúng do vậy là “đồng nghĩa” một cách đơn giản.” (4)

Tuy nhiên, nhiều vị Thầy lớn (như Ajahn Brahm, Bhikkhu Sujato) không dựa vào A Tỳ Đàm, vì cho là luận thư của người đời sau, và có khi không tương ưng với lời Đức Phật dạy trong kinh. Giải thích trên của A Tỳ Đàm có thể làm chợt nhớ tới bài thơ Tọa Thiền Hoà Tán của Thiền sư Bạch Ẩn, được cụ Trúc Thiên dịch, trích mấy dòng về băng (tâm chúng sinh) và nước (tâm Phật):

…Tất cả chúng sinh bản lai là Phật
Cũng như băng với nước
Ngoài nước, không đâu có băng
Ngoài chúng sinh, tìm đâu ra Phật…

Nơi đây, chúng ta sẽ tránh các lý luận đi xa. Bài này sẽ nhìn về một vài cách thực dụng.

Thức diệt, tức là sáu xứ diệt

Thân ngũ uẩn của chúng ta là một tập họp của: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Trong đó, phần tâm là bao trùm “thọ, tưởng, hành, thức.” Kinh Lăng Nghiêm thường nói ngắn gọn về tâm là: kiến, văn, giác, tri. Thường dịch là: thấy, nghe, hay, biết. Cách dịch này chỉ là bao quát, không hoàn toàn chính xác từng chữ. Nhưng là cách gói gọn “tâm, ý và thức.”
Đức Phật từng dạy trong Kinh EA 38.4 rằng muốn thức diệt thì phải diệt trừ sáu xứ (sáu nội xứ: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; sáu ngoại xứ: cái được thấy, cái được nghe, cái được ngửi, cái được nếm, cái được chạm xúc, cái được tư lường). Đức Phật gọi nhóm sáu nội xứ và sáu ngoại xứ là Tất Cả (Kinh The All Sutta), tức là trọn thế giới trong và ngoài mà chúng ta nhận biết.

Kinh EA 38.4, bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ, Đức Thắng viết:
“Vô minh khởi thì hành khởi, những gì được hành tạo lại do thức. Nay Ta đã biết rõ thức, nên nay vì chúng bốn bộ mà nói về gốc này; tất cả đều phải biết chỗ phát sanh nguồn gốc này: biết khổ, biết tập, biết diệt, biết đạo, hãy suy niệm cho rõ ràng. Đã biết sáu xứ thì biết sanh, già, bệnh, chết; sáu xứ diệt thì sanh, già, bệnh, chết diệt. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện diệt trừ sáu xứ.” (5)

Thường trực sống với pháp ấn vô ngã: sáu xứ mất hiệu lực

Trong các Kinh nhật tụng thường gặp ở Việt Nam, hầu hết đều có bài Bát Nhã Tâm Kinh, trong này chỉ thẳng vào pháp ấn vô ngã. Rằng “Sắc tức là Không” (Form is Emptiness) và ngược lại. Nơi đây, nói rõ hơn, là: Sắc, tức Form, là bao gồm “cái được thấy (sắc), cái được nghe (thanh), cái được ngửi (hương)… vv.” đều là Không. Tức là, sáu xứ đều là Không. Tuy là Không, nhưng các pháp do duyên vẫn hóa hiện lên. Bất kỳ ai nghiền ngẫm Bát Nhã Tâm Kinh đều sẽ ngộ ra lý vô ngã. Thường trực quán sát vô ngã như thế, sẽ nhận ra rất nhiều kinh bao gồm trong pháp ấn này.

Trong Tiểu Bộ Kinh, phần Kinh Tập, Phẩm Qua Bờ Kia, Kinh Snp 5.15, Đức Phật dạy:
“Hỡi Mogharaja, hãy luôn luôn tỉnh thức và nhìn thế giới như rỗng rang, với cái nhìn về tự ngã đã bứng gốc, người đó sẽ vượt qua sự chết. Thần Chết không thể thấy người đã nhìn thế giới này như thế.” (6)
Bản tiếng Anh của John D. Ireland khi dịch lời dạy trên, viết: “Look upon the world as empty, Mogharaja, ever mindful; uprooting the view of self you may thus be one who overcomes death. So regarding the world one is not seen by the King of Death.” (6)
Trong nghĩa rất đơn giản: lý duyên khởi cho thấy không hề có một pháp nào có tự ngã. Đức Phật còn dạy rằng các pháp hữu vi chỉ là như bọt sóng, như điển chớp, như huyễn ảo, như mộng… Đức Phật cũng từng nói về tiếng trống, tiếng đàn thực sự là do duyên mà thành tiếng, không từ đâu và cũng không về đâu. Bởi vậy, các Thiền sư thời xưa nói rằng “tức tâm, tức Phật” cũng đúng, mà nói “chẳng phải tâm, chẳng phải vật, chẳng phải Phật” cũng đều đúng. Trong lý vô ngã, sẽ thấy như thế.

Cũng khi trực nhận pháp ấn vô ngã mới hiểu lời Đức Phật dạy: Hãy buông bỏ cả ba thời quá khứ, vị lai, hiện tại. Trong Kinh Xuất Diệu có câu: "Xả tiền, xả hậu, xả gian việt hữu, nhất thiết tận xả, bất thọ sanh lão."
Tương tự, trong Kinh Pháp Cú, bài Kệ 348 ghi lời Đức Phật dạy là hãy buông bỏ quá khứ, hiện tại, vị lai thì sẽ qua được bở giải thoát:

348. “Bỏ quá, hiện, vị lai,
Đến bờ kia cuộc đời,
Ý giải thoát tất cả,
Chớ vướng lại sanh già.”

Khi Đức Phật nói xong bài Kệ 348, chàng nghệ sĩ gánh xiếc Uggasena tức thời đắc quả A la hán. Khi nói buông bỏ cả ba thời, chỉ có nghĩa là thấy cả ba thời là không, thì sẽ không dính mắc nữa. Nơi dòng thứ ba, nói rằng phải nương vào “Ý giải thoát tất cả” – nghĩa là, vẫn có một tâm xuyên suốt, ngay cả khi chúng ta nói buông bỏ cả “tâm ba thời” (cả ba tâm đều bất khả đắc, theo Kinh Kim Cương) thì vẫn có một tâm tỉnh thức nơi đó.
Chỉ đơn giản là, khi thấy không hề có gì gọi là thực thể hết, sẽ thấy rằng mình đi đứng nằm ngồi nhưng thực sự là không hề có ai đang đi đứng nằm ngồi -- giữ tâm thường trực như thế, sẽ từ từ vào định, sẽ phát huệ, và sẽ giải thoát.

Thường trực sống với pháp ấn vô thường: sáu xứ mất hiệu lực

Tương tự, nếu chúng ta thường trực sống với pháp ấn vô thường, sẽ thấy rằng không hề có cái gì gọi được là “một vật” bởi vì dòng chảy xiết liên tục không để cho một “vật” nào, hay một “pháp” nào, hay một “đối tượng” nào có thể gọi được là một vật, một pháp, một đối tượng của tâm. Trong Kinh SA 203, Đức Phật dạy rằng chỉ cần một pháp quán vô thường là đủ để giải thoát.

Trong bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ, Đức Thắng, Kinh SA 203 viết, trích như sau:
“Nếu có Tỳ-kheo nào, đoạn trừ được một pháp, thì sẽ đạt được chánh trí và có thể tự tuyên bố: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’… …Hãy quán sát chân chánh mắt là vô thường. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc, hãy quán sát là vô thường. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, cũng như vậy. Tỳ-kheo nào biết như vậy, thấy như vậy đối với vô minh ly dục, minh phát sanh.” (7)

Mặt khác, có một cách quán vô thường, cho thấy tất cả các pháp trong thực tướng chỉ là một khoảnh khắc chảy xiết của tâm. Ngài Xá Lợi Phất (Sariputta) trong bài thơ “Guhatthaka-suttaniddeso: Upon the Tip of a Needle” ghi trong Luận thư Niddesa, mô tả rằng tất cả các pháp chảy xiết qua các khoảnh khắc thời gian, y như điểm tiếp giáp của một hạt đậu hay hạt mè rất nhỏ đặt lơ lửng trên đầu một mũi kim. Nội dung bài thơ của ngài Xá Lợi Phất, nơi đây sẽ viết như văn xuôi cho dễ đọc, dịch theo bản tiếng Anh của Andrew Olendzki như sau:





“Đời sống, thọ mạng, niềm vui, nỗi đau đều buộc chung vào một khoảnh khắc của tâm, một khoảnh khắc nhanh chóng trôi đi. Ngay cả các vị phi nhơn sống lâu tới 84 ngàn tỷ năm cũng không sống được 2 khoảnh khắc nào trong tâm y hệt nhau. Cái ngưng lại nơi người đã chết hay cho người còn đứng nơi đây đều là cùng các uẩn, khi biến đi là vĩnh viễn không nối lại được. Các trạng thái đang biến mất bây giờ và các trạng thái sẽ biến mất trong các ngày tương lai đều có đặc tướng y hệt như các đặc tướng đã biến mất trước đây. Khi không tạo tác gì nữa, sẽ không có sinh ra; chỉ với hiện tại này, chúng ta đang sống. Khi đã nắm được nghĩa tối thượng, thế giới chết ngay khi tâm ngưng lại. Không cất giữ gì được những gì đã biến mất, không để gì được cho tương lai. Những người đã sinh ra trong đời này đang đứng y hệt như hạt đậu rất nhỏ trên đầu mũi kim. Sự biến mất của tất cả các trạng thái này đã không hề được hoan nghênh, mặc dù hiện tượng khoảnh khắc tan rã như thế đã có từ thời ban sơ. Từ nơi chưa được nhìn thấy, các trạng thái này hiện ra và biến đi, được nhìn thấy chỉ khi chúng đang trôi đi vào quá khứ. Y hệt tia chớp trên bầu trời: tất cả các pháp khởi lên và rồi biến hẳn đi.” (8)
Hễ bất kỳ ai sống thường trực với vô ngã hay vô thường, đều không cần làm gì khác. Bởi vì, các Thiền sư thường nói, hễ còn làm gì, chỉ là như trên đầu lại chắp thêm đầu, trên tuyết lại rắc thêm sương. Đây cũng là chỗ không có gì để làm nữa, vì tự cái nhìn thường trực đó đã là một hạnh phúc vô cùng tận. Tuy nhiên, nếu thấy không thường trực tỉnh thức được với pháp ấn vô thường, vô ngã, nên vào sơ Thiền trước, rồi quán sát sau.

Vào sơ thiền, rồi quán vô thường

Trong Kinh AN 11.16, Đức Phật dạy rằng, hãy ly dục, ly bất thiện pháp, vào sơ Thiền, rồi nơi đây quán sát vô thường, từ đây đoạn diệt lậu hoặc, nơi đây sẽ giải thoát (đắc quả A la hán), nếu còn lậu hoặc thì sẽ hóa sanh (tức đắc quả Bất Lai) và từ đây nhập Niết Bàn. Kinh này giải thích về tầm quan trọng của sơ Thiền, xem như một bệ đỡ để đứng lên, từ đây quán vô thường.
  
Kinh AN 11.16, bản dịch của Thầy Minh Châu, trích như sau:
“Ở đây, này Gia chủ, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Vị ấy quán sát như sau: “Thiền thứ nhất này thuộc tăng thượng tác thành, thuộc tăng thượng tâm”. Phàm cái gì thuộc tăng thượng tác thành, thuộc tăng thượng tâm, vị ấy quán tri: “Cái gì là vô thường, chịu sự đoạn diệt”. Vị ấy an trú ở đấy, đạt được sự đoạn diệt các lậu hoặc. Nếu không đạt được sự đoạn diệt các lậu hoặc, với tham ái ấy đối với Pháp, với hoan hỷ ấy đối với Pháp, với sự đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, vị ấy được hóa sanh, tại đấy nhập Niết-bàn, không còn phải trở lui thế giới ấy nữa.” (9)

Tương tự, nhưng nói rõ hơn, Kinh AN 9.36 giải thích cách từ sơ Thiền quán sát vô thường, bản dịch Thầy Minh Châu:
“Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng: “Y chỉ vào sơ Thiền, các lậu hoặc được đoạn tận”, như vậy được nói đến. Do duyên gì, được nói đến như vậy? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ly dục… chứng và trú sơ Thiền. Vị ấy, ở đây đối với cái gì thuộc về sắc, thuộc về thọ, thuộc về tưởng, thuộc về hành, thuộc về thức, các pháp ấy, vị ấy tùy quán là vô thường, là khổ, là bệnh, là mụt nhọt, là mũi tên, là va chạm, là tật bệnh, là khách lạ, là biến hoại, là trống không, là vô ngã. Vị ấy tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy, sau khi tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy, vị ấy hướng dẫn đến giới bất tử: “Đây là tịch tịnh, đây là thù thắng, tức là sự chỉ tức tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự diệt tận khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Vị ấy trú ở đây, đạt đến sự diệt tận các lậu hoặc, nếu không diệt tận các lậu hoặc, với pháp ái ấy, với pháp hỷ ấy, do đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, là vị hóa sanh, tại đấy chứng được Niết-bàn, không còn trở lui thế giới này nữa.” (10)

Tới đây, câu hỏi sẽ là: làm thế nào biết là đã vào sơ Thiền? Thực tế, nhiều người đã vào được sơ Thiền, nhưng họ chưa biết là họ đã đạt sơ Thiền. Sau đây là giải thích, cho thấy cảm giác toàn thân của người đạt sơ Thiền (tập Thiền đi bộ, walking meditation, cũng có thể vào sơ Thiền). Theo Kinh AN 5.28, bản dịch của Thầy Minh Châu (có 2 chữ đặc biệt -- tầm: placing the mind, chú tâm vào; tứ: keeping it connected, dán tâm vào):
“Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục… chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất với tầm, với tứ. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.
Ví như, này các Tỷ-kheo, như một người hầu tắm hay đệ tử hầu tắm, sau khi rắc bột tắm trong thau bằng đồng, liền nhồi bột ấy với nước. Cục bột tắm ấy được thấm nhuần nước ướt, trào trộn với nước ướt, thấm ướt cả trong lẫn ngoài với nước, nhưng không chảy thành giọt. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho dung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.” (11)

Tới đây, câu hỏi là: Thế nào để vào sơ Thiền? Kinh nói, có nhiều cách để vào sơ Thiền. Giữ giới kỹ lưỡng, cũng có thể vào sơ Thiền. Niệm hơi thở, niệm thân, niệm tâm từ… đều có thể vào sơ Thiền. Trong nhiều bài trước đây, người viết đã giải thích nhiều cách vào định, vào sơ Thiền qua niệm hơi thở, niệm thân, niệm tâm từ… Hôm nay sẽ nói về cách niệm xả ly để vào sơ Thiền.

Trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ Huệ Năng đã nói với Minh Thượng Tọa rằng: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính khi ấy cái gì là mặt thật của Thượng tọa Minh?”
Dùng tâm xả ly, buông thiện, buông ác, là tâm khi đó rời tất cả những gì thuộc về ba cõi sáu đường. Bất kỳ ai cũng có thể tập được pháp này. Đó là một niệm tỉnh thức rỗng rang, của một gương tâm không bị vướng bất kỳ một phán đoán nào. Tất cả các niệm thiện hay ác, dù là nghĩ về tương lai, hay khi nghĩ thiện ác về hiện tại, thực ra đều là sản phẩm của quá khứ. Ngay cả khi tự nhủ rằng “Đức Phật bảo là mình phải bố thí” thì thiện tâm đó cũng là sản phẩm của quá khứ, và là lấy cái tâm quá khứ trùm lên pháp hiện tại. Ngay cả khi mình tự nhủ rằng “Mình không cần vâng lời Phật để đi bố thí” thì bất thiện tâm đó cũng là sản phẩm quá khứ, và là hiện tại lập tức chỉ là bóng hình của quá khứ.

Có một cách khác, là lời dạy của Bồ Đê Đạt Ma: “Ngoài dứt muôn duyên, trong không manh mối nghĩ tưởng gì, tâm như tường vách, mới có thể vào đạo.” (Ngoại tức chư duyên, nội tâm vô đoan, tâm như tường bích, khả dĩ nhập đạo.)

Lời dạy của hai ngài Huệ Năng và Bồ Đề Đạt Ma là chỉ cách vào định căn. Nghĩa là, giữ một niệm tỉnh thức, buông bỏ hết tất cả những gì của tâm, dù là lành dữ thiện ác vui buồn của ba thời. Tâm xả ly đó là chìa khóa để vào định, để đắc huệ, để giải thoát. Tới thời của ngài Đạo Nguyên (Nhật Bản) cũng nói tương tự, nhưng là cách dùng chữ khác: buông bỏ thân tâm (tức là: buông bỏ sáu xứ).

Cả 3 ngài (Huệ Năng, Bồ Đề Đạt Ma, Đạo Nguyên) chỉ nói theo Đức Phật thôi, không khác. Kinh SN 48.10, bản dịch của Thầy Minh Châu, ghi lời Đức Phật:
“Và này các Tỷ-kheo, thế nào là định căn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử, sau khi từ bỏ pháp sở duyên, được định, được nhứt tâm. Vị ấy ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ…” (12)

Như thế, chỉ riêng tâm xả ly cũng đủ để giải thoát. Buông hết sáu xứ là giải thoát. Thiền sử có ghi rằng Thiền sư Giác ở Lang Nha, có bà đệ tử đến thân cận tham thiền. Sư dạy cụ bà tham câu “tùy tha khứ” (mặc kệ nó), bà thực hành không hề lui... và tới lúc cụ bà thấy rằng không còn gì dính vào tâm nữa, Thiền sư Giác nói thế là giải thoát rồi.

Trong Kinh MA 205, bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ, ghi lời Đức Phật dạy rằng với tâm yểm ly sẽ đắc sơ Thiền, và từ nơi đây đắc lậu tận, tức là giải thoát:
“Với phương tiện nào để ta có thể bình an qua bờ bên kia?’ Rồi người ấy lại nghĩ rằng, ‘Bây giờ ở bờ bên này ta hãy thu lượm cỏ, cây buộc lại mà làm chiếc bè để bơi sang.’ Người ấy bèn ở bên này thu lượm cỏ cây buộc lại làm thành chiếc bè, rồi bình an bơi sang bờ bên kia. Cũng vậy, này A-nan, Tỳ-kheo phan duyên vào sự yểm ly, y trên sự yểm ly, an trụ nơi yểm ly, do làm an tịnh thân ác, do tâm nhập ly định, ly dục, ly ác bất thiện pháp, có tầm có tứ, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền thành tựu an trụ. Vị ấy y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ. Vị ấy y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ rồi, an trụ nơi đó, tất chứng đắc lậu tận. Giả sử trụ nơi đó mà không chứng đắc lậu tận, tất sẽ thăng tiến và đạt đến tịch tịnh xứ.” (13)

Vô tâm thị đạo

Giải thoát này không phải ở đâu xa. Đức Phật nói rằng giải thoát là ngay ở đây và bây giờ. Là khi sáu xứ đoạn diệt. Sáu xứ, cũng có nghĩa là mắt đoạn diệt, tai đoạn diệt… cho tới ý đoạn diệt. Khi nói “ý đoạn diệt” tức là nói tới “vô tâm thị đạo” của Thiền Tông Việt Nam.
Trong Kinh SN 35.155, Đức Phật dạy rằng phải xả ly, phải đoạn diệt tâm [hiểu là: tâm hữu vi], đó là giải thoát, bản dịch của Thầy Minh Châu:

“Nếu Tỷ-kheo do nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với mắt, được giải thoát không có chấp thủ, như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo chứng được Niết-bàn ngay trong hiện tại. … tai … mũi … lưỡi … thân… Nếu Tỷ-kheo thuyết pháp đưa đến nhàm chán, ly tham, đoạn diệt ý, như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo thuyết pháp. Nếu Tỷ-kheo thực hành sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với ý, như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo thực hành pháp và thuận pháp. Nếu Tỷ-kheo do nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với ý, được giải thoát không có chấp thủ, như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo đạt được Niết-bàn ngay trong hiện tại.” (14)

Đoạn diệt ý, tức là nghĩa của vô tâm. Các bản dịch Anh văn nói rất rõ ý này: Đức Phật dạy là “vô tâm thị đạo” thì sẽ giải thoát không có chấp thủ.
Câu cuối trong Kinh vừa dẫn, nói là phải đoạn diệt với ý, tức là phải “vô tâm” (đoạn diệt sáu xứ cũng có nghĩa là vô tâm thị đạo.

Bản dịch Sujato viết: “If they’re freed by not grasping by disillusionment, dispassion, and cessation regarding the mind, they’re qualified to be called a ‘mendicant who has attained extinguishment in this very life’.” (Nếu Tỳ kheo được giải thoát nhờ không nắm giữ bắng cách nhàm chán, ly tham, và đoạn diệt tâm ý, như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo đạt được Niết-bàn ngay trong hiện tại.)

Trong khi đó, bản dịch của Bodhi viết: “If, through revulsion towards the mind, through its fading away and cessation, one is liberated by nonclinging, one can be called a bhikkhu who has attained Nibbāna in this very life.” (Nếu, nhờ đoạn diệt tâm ý, nhờ làm cho [tâm ý] mờ dần và tịch diệt, vị đó được giải thoát nhờ không dính mắc, vị đó có thể được gọi là chứng đắc Niết bản trong hiện tại.)

Tới đây, là thấy rằng có một tâm lìa sinh diệt trong cảnh Niết bàn, nơi đó tất cả những “tâm, ý và thức hữu vi” đều vắng mặt. Và cũng nhận ra câu nói “Vô tâm thị đạo” của các vị Thiền sư chỉ là lập lại lời Đức Phật năm xưa. Nói đoạn diệt sáu xứ, nói đoạn diệt ngũ uẩn, nhưng cũng là thấy rằng còn một tâm tỉnh thức lặng lẽ trong Niết Bàn.
 Nguyên Giác
_______________
GHI CHÚ:
(1) Kinh SN 12.65: https://suttacentral.net/sn12.65/vi/minh_chau
(2) Kinh AN 3.76: https://suttacentral.net/an3.76/vi/minh_chau
(3) Kinh SN 12.61: https://suttacentral.net/sn12.61/vi/minh_chau
(4) Nizamis: https://accesstoinsight..../sn12/sn12.061.niza.html
(5) Kinh EA 38.4. https://suttacentral.net/ea38.4/vi/tue_sy-thang
(6) Kinh Snp 5.15: https://thuvienhoasen.or...ac-cau-hoi-cua-mogharaja
Bản dịch John D. Ireland: https://accesstoinsight....n/snp/snp.5.15.irel.html
(7) Kinh SA 203: https://suttacentral.net/sa203/vi/tue_sy-thang
(8) Upon the Tip of a Needle: https://www.accesstoinsi.../kn/nm/nm.2.04.olen.html
(9) Kinh AN 11.16: https://suttacentral.net/an11.16/vi/minh_chau
(10) Kinh AN 9:36: https://suttacentral.net/an9.36/vi/minh_chau
(11) Kinh AN 5.28: https://suttacentral.net/an5.28/vi/minh_chau
(12) Kinh SN 48.10: https://suttacentral.net/sn48.10/vi/minh_chau
(13) Kinh MA 205: https://suttacentral.net/ma205/vi/tue_sy
(14) Kinh SN 35.155: https://suttacentral.net/sn35.155/vi/minh_chau
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.663 giây.